Bản chất thị trường có tăng rồi sẽ giảm. Sao phải lo sợ?

Cảnh báo: Lâu rồi mới viết lại cho nên bài viết hơi nham nhở.

Long-Term Capital Management (LTCM) là một quỹ phòng hộ được sáng lập bởi John Meriwether vào năm 1994 và phá sản vào năm 1998. Đây từng là một quỹ nổi tiếng bởi có sự góp mặt của hai nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, đó là Myron Scholes và Robert Merton (nổi tiếng trong việc phát triển công thức định giá quyền chọn).

Câu chuyện về sự phát triển lẫn thất bại của quỹ này được đề cập rất chi tiết trong cuốn sách “When Genius Failed: The Rise and Fall of Long-Term Capital Management” của Roger Lowenstein.

Một trong những mấu chốt quan trọng trong chiến thuật của LTCM đó chính là sử dụng đòn bẩy. Bằng cách vay mượn rất nhiều tiền, LTCM đã khuếch đại khoản lợi nhuận của họ lên rất nhiều lần. Tại thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa quỹ này khoảng 5 tỷ đô nhưng lại quản lý khối tài sản với giá trị hơn 100 tỷ đô và có mức phơi nhiễm rủi ro dự đoán (là số tiền nhà đầu tư sẽ mất nếu đầu tư thất bại) lên tới 1000 tỷ đô.

Một trong những nghiệp vụ phổ biến của họ là kinh doanh chênh lệch lãi suất. Nghiệp vụ này liên quan tới việc vay một đồng tiền tại mức lãi suất thấp để mang đi đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở các quốc gia khác.

Từ năm 1995, ngân hàng Nhật Bản duy trì lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0 cho nên đây là một trong những điểm đến ưa thích của các quỹ phòng hộ và trong đó có LTCM. Họ đã vay đồng Yên Nhật với lãi suất thấp để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của họ.

Một điều quan trọng khác đó chính là chính sách tiền tệ của Nhật Bản vốn rất ổn định và ít có biến động mạnh (như hình). Có thể nói đây là môi trường cực kỳ lý tưởng để đi vay.

Khủng hoảng tài chính Châu Á bắt đầu vào tháng 7/1997 và 1 năm sau đó, vào tháng 8/1998, Nga tuyên bố vỡ nợ. Vì LTCM đã nắm giữ một tỷ trọng rất lớn trái phiếu chính phủ Nga cho nên quỹ phải gánh chịu thua lỗ nặng nề.

Không những thế, cuộc khủng hoảng này đã khiến các nhà đầu tư trên thế giới tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản trú ẩn, trong đó có đồng Yên Nhật, và làm cho giá đồng yên Nhật tăng lên rất nhiều lần so với đồng USD.

Khi đồng Yên tăng giá, nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch lãi suất không còn mang lại lợi nhuận, thậm chí còn khiến LTCM bị thua lỗ và bị margin calls bởi vì họ đã vay cực kỳ nhiều Yên, mà Yên tăng giá so với USD thì đồng nghĩa với việc họ phải trả nợ nhiều hơn.

Chính việc biến động quá nhanh và quá lớn của thị trường ngoại hối đã khiến cho quỹ LTCM bị sụp đổ.

2024

Tháng 03/2024, ngân hàng trung ương Nhật Bản lần đầu tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm.

Mặc dù mức tăng rất nhỏ giọt nhưng cũng đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán trong nước lẫn thị trường tiền ảo điều chỉnh nhẹ nhưng sau đó lại hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, vào 31/7 vừa qua, sau nhiều lần giải cứu đồng Yên không thành, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định nâng lãi suất lên 0,25% một cách bất thình lình. Thị trường đang kỳ vọng rằng không có đợt tăng lãi suất nào cả, nhưng ngân hàng trung ương Nhật Bản đã làm một cú khiến ai cũng ngã ngửa, không những vậy ông Kazuo Ueda, thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản, còn hứa hẹn rằng sẽ tiếp tục nâng cho tới lúc nền kinh tế đạt mức “ổn định”.

Những nhà đầu tư và quỹ phòng hộ thực hiện kinh doanh chênh lệch lãi suất như LTCM, đang short đồng Yên Nhật, đang ngồi trên đống lửa, phải bán tài sản để mua lại đồng Yên, trả nợ, hạ đòn bẩy… và dần dần rời bỏ cuộc chơi hoặc tái đầu tư trở lại.

Việc tăng lãi suất đã cho kết quả ngay lập tức, đó là đồng Yên Nhật tăng giá mạnh so với USD.

Liệu Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho bằng với FED đồng thời gây áp lực lên nợ công của chính phủ hay là sắp tới FED hạ lãi suất để cứu thị trường?

Tuy nhiên, người ta lại lo lắng thêm hai điều rằng:

  • FED hạ lãi suất thường xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng/suy thoái kinh tế.
  • Chỉ báo “Sahm Rule” cho rằng sắp xảy ra khủng hoảng.

Jerome Powell đã cho rằng: “Đó không phải là một quy luật kinh tế sẽ nói cho bạn biết điều gì phải xảy ra”.

Claudia Sahm, nhà kinh tế học, tác giả của chỉ báo Sahm Rule cũng đồng tình với nhận định trên: “Các chỉ số về suy thoái kinh tế như quy tắc Sahm là những quy luật thực nghiệm từ quá khứ chứ không phải quy luật tự nhiên”Quy tắc Sahm của tôi có thể sai trong thời điểm này vào cuối năm 2023.

Tất nhiên rằng để nhận xét tình hình kinh tế thì chúng ta không thể nào chỉ dựa vào một chỉ báo được, đặc biệt là thời gian này chúng ta còn phải đối mặt với việc nhà đầu tư bán tháo tài sản do ngân hàng trung ương Nhật Bản tăng lãi suất nữa. Mọi thứ vô tình xảy ra cùng lúc với nhau và không ai biết được kết quả sẽ như thế nào.

Bản thân tôi không có rành gì về kinh tế cả. Mặc dù tôi biết đôi chút, nhưng cũng không tài giỏi đến mức có thể nhận định tiếp theo sẽ như thế nào. Cái tốt nhất mà tôi có thể làm là bình tĩnh và đầu tư theo kế hoạch.

Thời điểm đầu tư tốt

Hơn 2000 năm trước, triết gia Stoic Seneca đã nói về nỗi âu lo như sau:

“Chúng ta thường đau khổ trong tưởng tượng nhiều hơn là trong thực tế.”

Giống như mọi khía cạnh khác trong cuộc sống, sẽ luôn luôn có rủi ro đi kèm trên con đường gầy dựng tài sản. Cho dù đó là thị trường chứng khoán, bất động sản, crypto hay khởi nghiệp kinh doanh… chúng ta đều có thể bị mất tiền.

Chúng ta thường trở nên sợ hãi thái quá và kết quả là đánh mất lý trí, để cho cảm xúc điều khiển. Lo lắng đôi khi lại xuất phát từ một thứ gì đó trong tưởng tượng chứ không phải do thực tế. Thực tế là thị trường giảm, nhưng bạn lại tưởng tượng nó tiếp tục giảm sâu khiến bạn thua lỗ nhiều hơn.

Thị trường tăng, thị trường giảm. Đó là bản chất của nó. Tại sao bạn lại lo sợ cái bản chất thực sự của nó?

Nếu bạn đang lo sợ thì tốt nhất hãy tìm một người nào đó để tâm sự. Một người mà bạn cho rằng đó chính là “cái phao” để có thể nâng đỡ tinh thần, giúp bạn cân bằng lại cảm xúc. Một người biết thấu hiểu và ủng hộ bạn trong những tình huống éo le nhất trên đời.

Những thông tin, lời khuyên hay biểu đồ tiềm năng đầu tư dài hạn gì đó thì để sau đi. Bao giờ ổn định tinh thần trở lại thì mới xắn tay vào tham khảo và chỉnh sửa kế hoạch đầu tư. Trên blog này tôi viết rất nhiều bài về đầu tư trong lúc thị trường giảm, bạn tham khảo rồi đầu tư lúc nào cũng được. Đầu tư là tính bằng năm chứ không phải bằng ngày nên không cần phải làm gì vội.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


4 responses

  1. Trần Đức Tú Avatar
    Trần Đức Tú

    Mình bắt đầu đầu tư quỹ từ 2021 đến nay trải qua các đợt giảm mạnh nên thấy thị trường giảm lại là cơ hội mua thêm. Mình đã tích sẵn một lượng tiền lớn và sẽ chia ra bắt đáy ở những vùng hỗ trợ ngoài ra vẫn dca đều hàng tuần. Ko biết bác có chuẩn bị bắt dao rơi ko?

    1. Chào bạn, hiện tại mình đang DCA Bitcoin mỗi ngày và chưa có lên kế hoạch đầu tư thêm vào thị trường chứng khoán VN.

      1. An Nguyen Avatar
        An Nguyen

        Chào Hạc,
        Theo mình hiểu về thị trường chứng khoán, nếu đầu tư dài hạn thì đó là 1 kênh huy động vốn, nguồn vốn đó sẽ đổ vào các doanh nghiệp, vào các hoạt động sản xuất kinh doanh… Còn nếu đầu tư trong thời gian ngắn, liên tục mua đi bán lại chốt lời, thì nó là game với tổng bằng 0, nói thẳng ra nó là 1 hình thức đánh bạc hợp pháp.
        Với tiền ảo, số tiền nhà đầu tư bỏ vào đó mang lại giá trị gì cho xã hội, nó không phải là được bơm xả, chuyển từ túi người này sang người khác hay sao? Nó cũng là đánh bạc mà. Với suy nghĩ đó, mình không muốn bỏ tiền vào tiền ảo.
        Hạc chia sẻ quan điểm về tiền ảo nhé.

        1. Chào bạn, mình vừa viết xong bài viết mới, bạn đọc tại đây nha. https://vohoanghac.com/broken-money/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭