Đầu tư DCA toàn tập (phần 2) – Để DCA tốt hơn

Phần 1: https://vohoanghac.com/cam-nang-dca-toan-tap

Mục đích tôi viết bài này để mô tả về mặt lợi và mặt hại của phương pháp đầu tư DCA thông qua con số lợi nhuận mà nhà đầu tư sẽ nhận được vào cuối kỳ. Và trình bày giải pháp có thể có ích cho những nhà đầu tư sử dụng phương pháp DCA nhưng lại muốn có lợi nhuận cao.

Phương pháp đầu tư DCA thường được ưa chuộng bởi những nhà đầu tư thận trọng và muốn chia vốn đầu tư qua nhiều lần. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam là thị trường cận biên có nhiều rủi ro. Từ Bull Market đến Bear Market diễn ra chóng vánh, thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng giảm sâu không kém. Bạn đầu tư bất chấp và không quan tâm đến biến động chu kỳ thị trường thì điều đó không hề có lợi cho bạn.

Nếu bạn là một nhà đầu tư theo đuổi phương pháp DCA nhưng cảm thấy không thỏa mãn với lợi nhuận thì tôi hi vọng rằng ý tưởng trong bài viết có thể giúp bạn trong việc lên kế hoạch đầu tư.

Nếu tôi có viết điều gì đó khiến bạn khó chịu, hãy đọc 👉 “Cách sử dụng blog này

Lưu ý về kết quả trong bài viết

Tỷ suất sinh lợi trong trong bài viết chính là CAGR (Compound Annual Growth Rate), hay tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm. Được tính bằng cách lấy giá trị cuối cùng chia cho tổng số tiền đã đầu tư.

CAGR giúp bạn trả lời câu hỏi: “Sau 10 năm, tôi đã đầu tư tổng cộng X tiền, tổng giá trị danh mục của tôi hiện tại là Y. Như vậy, khoản đầu tư của tôi đã tăng trưởng bao nhiêu phần trăm một năm?”

Đối với hình thức đầu tư nhiều lần – DCA, hay còn được gọi bằng cái tên khác là chương trình đầu tư định kỳ – SIP, có liên quan đến nhiều dòng tiền tại các thời điểm khác nhau thì người ta thường dùng XIRR để tính toán.

Ví dụ cụ thể: Mỗi tháng bạn chi một số tiền ra để mua cây giống về trồng. Hãy xem mỗi cái cây là một khoản đầu tư.

Sau ba năm, bạn thấy trồng cây mệt quá nên quyết định bán hết. Tổng số tiền bạn nhận được từ việc bán cây xem như là doanh thu từ khoản đầu tư. Câu hỏi đặt ra là: “Làm sao bạn biết khoản đầu tư này tốt tới đâu? Bạn đã lời được bao nhiêu?”

XIRR giúp bạn trả lời câu hỏi này. Phương pháp này sẽ tính tỷ lệ tăng trưởng của từng cái cây riêng biệt. Cây có nhiều thời gian để sinh trưởng sẽ mang về nhiều tiền hơn là những cây mới mua.

Tóm lại, XIRR giúp bạn đo lường mức độ tăng trưởng của các dòng tiền tại các thời điểm khác nhau, trả về kết quả tỷ suất trung bình, giúp bạn hiểu được tiền của bạn đã tăng trưởng như thế nào trong thời gian qua.

Đó là về mặt lý thuyết.

Còn trong thực tế, các nhà đầu tư cá nhân thường quan tâm đến tăng trưởng của tổng số tiền mà mình đã đầu tư hơn.

Nếu đầu tư vào DCDS trong 3 năm, tổng tiền đầu tư là 108 triệu đồng (3 triệu mỗi tháng). Giá trị danh mục cuối kỳ là 168 triệu. Chúng ta có:

  • CAGR: 15.81%/năm
  • XIRR: 30%/năm

Nhà đầu tư sẽ tính lại và ngẫm: “Tôi đã đầu tư tổng cộng 108 triệu đồng… nếu mà tăng trưởng 30%/năm thì không thể nào mà tôi chỉ có 168 triệu được. Quá vô lý !!! Con số 15.81%/năm mới đúng !!!”

Quản lý quỹ: “Anh bạn à, cái con số 30%/năm đó là tính dựa trên dòng tiền hay những lần anh gửi tiền vào mua chứng chỉ quỹ. Chúng tôi chiết khấu từng dòng tiền, tìm cái tỷ suất trung bình hằng năm mà tại đó giá trị hiện tại của tất cả các dòng tiền vô và ra đều bằng 0. Nó không phải là tăng trưởng hằng năm của toàn bộ số tiền mà anh đầu tư. Mà đó là tăng trưởng trung bình của từng khoản đầu tư riêng biệt. Với cái tỷ suất 30% thì cuối cùng cho ra kết quả 168 triệu.”

Nhà đầu tư: “Cái gì bằng 0 ???”

Thật ra cả hai đều đúng.

  • Nếu nhà đầu tư quan tâm đến tăng trưởng của các dòng tiền thì sẽ lựa chọn XIRR.
  • Nếu nhà đầu tư chỉ đơn giản là muốn biết tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của toàn bộ số tiền mà mình đã đầu tư, bỏ qua những cái phức tạp như dòng tiền, thì sẽ lựa chọn CAGR.

Dựa trên quan điểm của nhà đầu tư cá nhân, việc so sánh tổng giá trị danh mục so với tổng số tiền đã bỏ ra là việc làm thường xuyên và vô cùng quen thuộc bởi nếu ai đã từng đầu tư cổ phiếu thì đều sẽ để ý đến cái số xanh/đỏ trong danh mục hơn là ngồi xem chi tiết hôm nay mua 5000, tháng sau mua 10000 thì cuối cùng XIRR là bao nhiêu.

Tôi biết rằng so sánh DCA với Lump-sum bằng cách sử dụng CAGR sẽ gây nên mâu thuẫn. Nhưng đó chỉ là một mẩu thông tin nhỏ tôi cung cấp thêm trong bài viết.

Mục đích tôi viết bài này để giới thiệu về mặt lợi và mặt hại của phương pháp đầu tư DCA thông qua con số lợi nhuận mà nhà đầu tư sẽ nhận được vào cuối kỳ. Và trình bày giải pháp có thể có ích cho những nhà đầu tư sử dụng phương pháp DCA nhưng lại muốn có lợi nhuận cao.

Bạn có thể không cần quan tâm đến thông tin tỷ suất sinh lợi hằng năm này nếu bạn không đồng tình với cách so sánh của tôi. Nhưng hãy đọc với tâm trí cởi mở. Tôi hi vọng rằng ý tưởng trong bài viết có thể giúp bạn trong việc lên kế hoạch đầu tư.


DCA vs. Lump sum (đầu tư một lần)

Bạn có hai phương pháp để đầu tư vào ETF X:

  1. Đầu tư một lần 60.000 tiền.
  2. Đầu tư mỗi tháng 5.000 tiền.

Giá của ETF X đang cho thấy xu hướng đi xuống cho nên chúng ta có kết quả đầu tư như sau:

  • Khi đầu tư một lần: giá đầu kỳ và cuối kỳ đều như nhau, là 100 tiền, cho nên lợi nhuận của bạn bằng 0%.
  • Nếu đầu tư mỗi tháng: Kết quả của bạn như sau:

Bạn đã lời 13,53% (68.119 / 60.000) trên tổng số tiền đầu tư. Đó là sự hiệu quả của phương pháp DCA.

Nếu bạn đi Google thì sẽ thấy đa số các website và các trang của quỹ đầu tư đều lấy ví dụ tương tự. Cụ thể có VCBF có mô tả phương pháp đầu tư DCA (tên gọi khác là: chương trình Đầu tư định kỳ – SIP) trên website của họ.

Tuy nhiên, phương pháp DCA cũng có điểm yếu của riêng nó.


Khi nào phương pháp DCA không có hiệu quả?

Tôi cho rằng những ai có suy nghĩ đến việc DCA thì đều là những nhà đầu tư dài hạn. Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách lấy ví dụ thời gian nắm giữ ít nhất 3 năm.

Vì phần 1 đã sử dụng ETF để phân tích nên phần 2 tôi sử dụng quỹ mở cổ phiếu DCDS. Lý do: quỹ hoạt động lâu, có nhiều dữ liệu để phân tích.


1. Đầu tư 3 năm trong thị trường tăng

Trước khi tính phương pháp DCA, chúng ta hãy tính phương pháp đầu tư một lần.


Đầu tư một lần:

  • Bạn mua vào ngày đầu tiên, 05/01/2015, tại mức giá 20.682 đồng.
  • Kết thúc năm 2017, giá một chứng chỉ quỹ của DCDS đã tăng lên thành 40.335 đồng.

Lợi nhuận của bạn là 95% và có tỷ suất sinh lợi hằng năm khoảng 24%/năm.

Đây chính là những con số mà quỹ đầu tư sẽ đăng trên website của họ, tại mục kết quả hoạt động hoặc tăng trưởng trung bình năm: từ 1, 2 đến 3 năm… Nếu bạn dùng Fmarket thì có thể thấy rõ thông qua cột “Lợi nhuận 3 năm gần nhất” và “lợi nhuận bình quân hằng năm”.

Tuy nhiên, bạn không thể lấy những con số trên để tham khảo và lập kế hoạch đầu tư theo phương pháp DCA.


Đầu tư mỗi tháng:

Mỗi tháng bạn để dành 3.000.000 đồng để mua chứng chỉ quỹ mở DCDS. Sau 3 năm bạn đã đầu tư tổng cộng 108.000.000 đồng.

Cuối năm 2017, danh mục bạn có lợi nhuận như sau:

Lợi nhuận của bạn là 55,3%. Tỷ suất sinh lợi của phương pháp DCA trong bull market là 15,3%/năm, nhỏ hơn con số 24,3%/năm của phương pháp đầu tư một lần.

Vì bạn liên tục mua khi thị trường tăng mạnh cho nên giá trung bình mỗi chứng chỉ quỹ cũng tăng theo. Nếu bạn chọn phương pháp DCA thì phải chấp nhận với hạn chế này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là:
Bạn có thấy vui với khoản lợi nhuận hơn 50% mà thị trường mang lại không?
Liệu bạn có bán bớt và tạm dừng đầu tư khi biểu đồ tạo dốc thẳng đứng không?
Nếu ngay thời điểm này, đồ thị tạo dốc thẳng đứng, mà bạn bán thì điều gì sẽ xảy ra?


2.1 Đầu tư 4 năm, thị trường tăng sau đó giảm

Vẫn tiếp tục sử dụng ví dụ ở trên. Tuy nhiên, tình huống sẽ có một chút khác biệt.

Năm 2018 là thị trường gấu, bạn đầu tư cả năm trời mà không thấy có lợi nhuận. Cảm thấy mất lòng tin vào thị trường cho nên quyết định cuối năm 2018 rút hết tiền.


Đầu tư một lần:

  • Bạn mua vào ngày đầu tiên, 05/01/2015, tại mức giá 20.682 đồng.
  • Kết thúc năm 2018, giá một chứng chỉ quỹ của DCDS đã tăng lên thành 36.847 đồng.

Mặc dù trong bear market, nhưng danh mục cũng mang lại cho bạn lợi nhuận 78,2%. Tỷ suất sinh lợi của bạn bây giờ là 15,1%/năm.


Đầu tư mỗi tháng:

So sánh với ví dụ 1: đầu tư 3 năm trong bull market

Bạn cảm thấy hối hận vì đã không chốt lời khi thị trường tăng nóng. Khi thấy giá chứng chỉ quỹ liên tục đi xuống, chứng kiến khoản lãi của bạn ngày càng teo nhỏ lại. Bây giờ bạn chỉ còn lãi 28% so với số vốn bỏ ra, lo sợ rằng bạn sẽ mất luôn phần lợi nhuận ít ỏi này nên bạn đã quyết định bán toàn bộ. Có còn hơn không.

Bạn biết DCA là tốt nhưng bạn lại không biết luật chơi ở đây cho nên sau 4 năm đầu tư, tỷ suất sinh lợi của bạn chỉ còn có 6,3%/năm.

Luật chơi nào ở đây?
Luật chơi mà tôi đã từng đề cập ở phần 1.
– Bạn nên dừng hoặc bán một phần danh mục khi thị trường tạo dốc thẳng đứng.
– Chờ đợi thị trường vào bear market thì mới bắt đầu đầu tư trở lại.
– Giai đoạn thị trường giảm là lúc để mua vào chứ không phải bán ra.
– Không nhất thiết phải dồn toàn bộ vốn liếng của bạn vào thị trường chứng khoán.


2.2 Đầu tư 7 năm, thị trường tăng sau đó giảm

Ví dụ này tương tự như ví dụ 2.2 ở trên. Nhà đầu tư của chúng ta không bán mà vẫn tiếp tục đầu tư đến năm 2022. Thị trường đạt đỉnh vào đầu năm 2022 và tiến vào Bear Market ngay sau đó.


Đầu tư một lần:

  • Bạn mua vào ngày đầu tiên, 05/01/2015, tại mức giá 20.682 đồng.
  • Vào cuối tháng 05/2022, giá một chứng chỉ quỹ của DCDS đã tăng lên thành 64.145 đồng.

Giá trị danh mục của bạn tăng gấp 3 sau hơn 7 năm đầu tư. Tỷ suất sinh lợi là 16,3%/năm.

Một con số quá đẹp trong bear market. Và nó gây ra một sự hiểu lầm vô cùng lớn đó chính là khiến nhà đầu tư nghĩ rằng họ cũng sẽ nhận được lợi nhuận như trên nếu họ đầu tư vào quỹ.

Tôi gọi đây là sự khác biệt giữa: [Tăng trưởng của quỹ] và [Tăng trưởng của nhà đầu tư].

Sự khác biệt này không đến từ chi phí quản lý mà đến từ việc các nhà đầu tư cá nhân sử dụng phương pháp đầu tư khác với cách mà quỹ tính toán tăng trưởng.

Phương pháp DCA – hay có thể gọi là (Vietnam) Dong Cost Averaging là phương pháp trả về kết quả trung bình. Trong bear market, phương pháp này sẽ giúp giá trị danh mục đầu tư ít giảm sâu, và đồng thời tăng trưởng cũng sẽ bị hạn chế trong bull market.


Đầu tư mỗi tháng:

Bạn nhớ lại bài học ngày xưa vào năm 2018. Lúc đó thị trường tăng nóng, tạo độ dốc thẳng đứng nhưng bạn vẫn tiếp tục mua vào.

Năm 2018

Bạn ngay lập tức lên web coi hiện tại đang lời bao nhiêu.


Bạn kiếm được 223,6 triệu đồng, hay 83,8% trên tổng số vốn đầu tư. Danh mục của bạn mang lại tỷ suất sinh lợi 8,4%/năm. Quá nhiều rủi ro nhưng lợi nhuận lại không tương xứng (do trong bear market).

Trong khi đó, thị trường liên tục có nhiều phiên giảm sâu, lạm phát rục rịch tăng, lợi tức trái phiếu chính phủ thì đang nhích dần dần lên, báo hiệu lãi suất sẽ tăng. Điều này lại càng làm tăng thêm áp lực lên thị trường chứng khoán, có thể dẫn đến việc giảm giá cổ phiếu. Ám ảnh bởi sự kiện năm 2018, bạn vội vàng bán tất cả.

Một lần nữa nhà đầu tư lại quên mất luật chơi.
Luật chơi ở đây là tận dụng lợi thế của phương pháp DCA.
– Nhà đầu tư cần hạn chế đầu tư, tạm dừng hoặc bán một phần danh mục khi biểu đồ tạo dốc thẳng đứng.
– Không nhất thiết phải dồn hết tất cả vốn liếng vào thị trường chứng khoán.
– Không bao giờ bán khi giá đang giảm.

Sự khác biệt giữa đầu tư một lần và nhiều lần:
Phương pháp DCA trả về kết quả trung bình. Trong bear market, phương pháp này sẽ giúp giá trị danh mục đầu tư ít bị giảm sâu, nhưng đồng thời tăng trưởng cũng sẽ bị hạn chế trong bull market.
Chính vì thế, không nên vội vàng lên kế hoạch đầu tư dựa vào những con số trên website.


3. Đầu tư 7 năm, dừng khi thị trường tăng

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quyết định dừng đầu tư khi đã thuộc luật chơi?

Thời điểm hiện tại là tháng cuối tháng 05/2021. Bạn đi kiểm tra các điều kiện hỗ trợ cho quyết định dừng cuộc chơi:

✔️ Thị trường tạo độ dốc thẳng đứng.
Giữa năm 2021, VNINDEX đã tạo dốc thẳng đứng.

✔️ Tham khảo tỷ suất sinh lợi trung bình của quỹ DCDS qua thời gian:
Bạn lấy dữ liệu của quỹ DCDS từ năm 2014 đến hết tháng 05/2021 để tính toán tỷ suất sinh lợi trung bình qua mỗi chu kỳ nắm giữ.

Bạn nhận ra một điều rằng: kể từ năm 2014 đến năm 2021, nếu đầu tư dài hạn thì TSSL của bạn trong Bull Market là khoảng 11-13%/năm. Tất nhiên là cho tới thời điểm tháng 05/2021, bạn không hề biết trước thị trường có tăng nữa hay không.

Bạn quyết định nếu danh mục của bạn mang TSSL khoảng xấp xỉ 13%/năm là sẽ dừng, không “chơi” tiếp.

❗️ Lưu ý rằng: bạn không nên sử dụng con số 13%/năm này mà hãy tự tính toán con số của riêng bạn bởi vì con số này có thể sẽ khác trong tương lai ❗️

✔️ Đi tính TSSL của danh mục:

Bạn đã lời 243,7 triệu đồng, tương đương 106% so với số vốn đầu tư. TSSL của bạn là 11,7%/năm.

Bây giờ bạn có nhiều lựa chọn:

  • Bạn có thể bán toàn bộ danh mục ngay tại bây giờ.
  • Chờ thị trường tăng tiếp và chốt sau.
  • Chốt một nửa và để danh mục tự chạy.
  • Vẫn để nguyên danh mục. Thay vì mua thêm thì dùng tiền đó gửi tiết kiệm. Phân bổ sang nhiều “rổ trứng” để hạ rủi ro cho danh mục hoặc để gia tăng lượng tiền cho quỹ dự phòng…

Dù bạn quyết định thế nào đi chăng nữa thì chỉ cần nhớ: Không bán khi giá giảm, không mua khi giá tăng (mạnh).


Tổng kết

Các nhà đầu tư dễ bị lung lay bởi con số mà các trang web đăng tải.

Lấy VESAF làm ví dụ cụ thể: Nếu đầu tư tại ngày 17/11/2020 và nắm giữ đến 13/11/2023 thì bạn sẽ có lợi nhuận như hình trên.

Tôi cho rằng đa số các nhà đầu tư sẽ ngay lập tức lựa chọn VESAF để đầu tư và kỳ vọng rằng trong 3 năm tiếp theo sẽ nhận lợi nhuận tương đương 23%/năm. Nhưng mà bởi vì nhiều người không có sẵn một cọc tiền để đầu tư trong một lần nên sẽ lựa chọn hình thức đầu tư định kỳ, DCA.

Trước hết, chúng ta cần đi xem xét con số trên với giả định đầu tư một lần từ 17/11/2020 đến 13/11/2023:

Nhưng nếu đầu tư 3.000.000 vào đầu mỗi tháng thì kết quả ra sao?

Giống như những gì tôi đã đề cập ở ví dụ 2.2 bên trên.

DCA là phương pháp phù hợp với nhà đầu tư e ngại rủi ro.
– Nếu bạn lo sợ biến động giá khiến bạn đứng ngồi không yên thì hãy áp dụng DCA.
– Nhưng nếu mục tiêu của bạn là để có lợi nhuận cao thì thực hành DCA một cách bất chấp sẽ không thể giúp gì nhiều được cho bạn.

Bởi vì, DCA là phương pháp đầu tư trả về kết quả trung bình. Trong bear market, phương pháp này sẽ giúp giá trị danh mục đầu tư ít bị giảm sâu, nhưng đồng thời tăng trưởng cũng sẽ bị hạn chế trong bull market.


Cách tôi sử dụng phương pháp DCA

Tổng hợp lại những gì mà tôi đã bàn trong bài viết này và trong phần 1:

  • DCA hoạt động hiệu quả nhất trong Bear Market. Cho nên đừng sợ khi thấy thị trường điều chỉnh hay sụp đổ.
  • Nhà đầu tư không nhất thiết phải đổ tồn bộ vốn liếng vào thị trường chứng khoán.
    Tôi không phủ nhận về tầm quan trọng của việc đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư dài hạn là bạn mua bất chấp chu kỳ thị trường. Ngoài đầu tư chứng khoán, bạn còn cần có khoản tiết kiệm và quỹ dự phòng nữa.
  • Khi thấy thị trường tăng nóng, tạo độ dốc, thì hãy bắt đầu lên kế hoạch dừng cuộc chơi.
    Có thể: bán, bán một phần, thay vì đầu tư thì gửi tiết kiệm. Nếu bạn là người có nhiều danh mục đầu tư và muốn đầu tư theo tỷ lệ 50% ETF – 50% tiền gửi ngân hàng thì khi thị trường tăng mạnh chắc chắn sẽ khiến tỷ trọng ETF cao hơn tiền gửi. Đây là lúc thích hợp để bạn nâng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng chứ không phải nâng tỷ trọng của ETF.
  • Thị trường giảm là cơ hội DCA chứ không phải để bán.

Có thể bạn đang nghi ngờ rằng tôi đang cố gắng “timing the market”. Đúng là không ai biết trước được tương lai hay tiên đoán được những biến cố sắp xảy ra. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, có những mô hình chu kỳ thị trường lặp đi lặp lại một cách nhất quán. Từ sự ảnh hưởng của lãi suất, cho đến hiện tượng các nhà đầu tư bị lòng tham chi phối… việc đưa ra quyết định dựa trên những tín hiệu này là hoàn toàn có cở sở.

Tôi không biết thị trường có tạo đáy hay chưa. Nếu đầu tư trong một lần thì rủi ro sẽ rất cao cho nên tôi lựa chọn DCA là phương pháp đầu tư trong Bear Market.

Nếu bạn theo dõi blog thường xuyên thì sẽ thấy có quãng thời gian tôi ngừng viết và tới tháng 05/2022 tôi mới viết trở lại.

  • Bài viết đầu tiên của năm 2022 chính là “Đầu tư ngay hay là gửi tiết kiệm chờ thời?“, trong đó tôi viết rằng:
    “Giá giảm là cơ hội tốt để mua vào phục vụ kế hoạch đầu tư”.
  • Trong năm 2022, tôi cũng viết rất nhiều bài về việc khuyên các bạn đọc nên tranh thủ thị trường Bear Market để đầu tư.
  • Đến tháng 07/2023, thì tôi viết về kế hoạch đầu tư của mình trong bài viết “Có nên đầu tư mạnh tay hơn trong Bear Market không?“:
    “Mặc dù không hề biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng vào thời điểm năm 2022 tôi đã lên kế hoạch rằng tôi sẽ dành 1 năm để DCA và kỳ vọng sau 2-3 năm sẽ có thể “hái quả””

Tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với việc đầu tư trong Bear Market, đến mức nguyên năm trời chỉ tập trung viết về nó. Khi mọi người hoảng loạn bán tháo thì đó là lúc tôi bắt đầu đầu tư. Nếu bạn chưa bao giờ trải qua Bear Market lần nào thì sẽ thấy lời khuyên của tôi có vẻ phi lý, nhưng đó là quan điểm đầu tư của tôi.

Giả sử tại tháng 05/2022 bạn nghe lời tôi (cho vui) và tiến hành DCA vào DCDS. Sau đó cũng dừng đầu tư kể từ tháng 06/2023 và để danh mục tự chạy.

Kết quả là:

Dù giá hiện tại thấp hơn giá lúc bạn bắt đầu DCA nhưng theo cách của tôi thì bạn đã lời 10% trên tổng số tiền đầu tư. Nếu bạn lựa chọn đầu tư Lump-sum thì bạn đã lỗ -9,6%.

Đừng sợ khi thấy giá giảm, giá giảm mới là thời điểm tốt để bạn DCA.


Đây là bài viết số 44, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog

Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


13 responses

  1. Thanhthuho Avatar
    Thanhthuho

    Quá hay và thực tế cho người mới như mình à. Bài viết dễ hiểu và rất đúng tình huống thực tế. Cảm ơn bạn rất là nhiều.

  2. Cảm ơn anh chia sẻ cho cộng đồng
    Mặc dù việc tìm kiếm các công thức có thể google nhưng việc tổng hợp đánh giá các phương pháp tính toán em thấy chưa có
    Rất mong có một bài chi tiết hướng dẫn tổng hợp/file exel các cách tính TSSL, CARG, XIRR,….. để tất cả mọi người có thể đối chiếu, sử dụng để làm căn cứ đánh giá phương pháp của cá nhân.

    1. Trần Đức Tú Avatar
      Trần Đức Tú

      Cảm ơn bài viết của bạn tạo động lực mình dca tiếp. Mình cũng đang đầu tư bằng cách dca quỹ mở trên fmarket và quỹ etf. Bắt đầu dca quỹ mở từ tháng 11/2021 đến nay. Đến thời điểm này thì coi như tài khoản ko lãi cũng ko lỗ nhưng mình có niềm tin là thị trường đã qua xu hướng giảm và đang tích lũy xu hướng tăng rồi.

      1. Cám ơn bạn đã nhận xét về bài viết.

        Mình cũng cùng quan điểm với bạn, đây là giai đoạn tích lũy tốt. Dù không biết thị trường ngắn hạn sẽ đi đâu về đâu, trừ khi có sự kiện nào đó khủng khiếp xảy ra, còn không thì trước sau gì chỉ số ETF cũng sẽ tăng trở lại. (Hiện tại các cổ phiếu hot đều đã vào xu hướng tăng rồi)

  3. Có nút like không cho mình bấm với

    1. Cám ơn bạn, bạn comment là mình đã thấy vui lắm rồi.

      Vì mình gặp chút vấn đề với dữ liệu PE nên không viết bài dựa theo ý tưởng của bạn được.
      Do mỗi trang mình tìm thì họ đều đăng thông tin PE khác nhau, mình cũng đi hỏi họ tính sao ra con số như vậy mà không thấy ai hồi âm nên mình cũng không dám lấy về để phân tích vì không biết họ tính forward hay trailing, rồi quãng thời gian họ lựa chọn để tính toán là bao nhiêu tháng…
      Trên trang của quỹ VCBF thì họ có đăng biểu đồ PE giống với ý tưởng của bạn và mình thấy khả thi nhưng mà cũng không có lấy dữ liệu được. Vấn đề này thấy phức tạp hơn mình nghĩ nên đành phải gác lại.

  4. Bài quá xuất sắc! Cảm ơn bác Hạc!

    1. Cám ơn bạn đã nhận xét. Ý tưởng vẫn là ý tưởng thôi, hãy lên kế hoạch đầu tư phù hợp với bản thân nha 😀

  5. Anh có nhận định như thế nào nếu mỗi tháng luôn có một lượng tiền cố định để đầu tư: DCA trong bear market và gửi tiết kiệm khi thị trường tăng nóng (mạnh), sau đó khi giá giảm thì đầu tư một lần với khoản tiết kiệm ở trên ạ. Cám ơn những chia sẻ của anh tới cộng đồng.

    1. Chào bạn, cái này thì tùy quan điểm của riêng mỗi người nên mình chỉ biết nói cho bạn suy nghĩ của mình thôi chứ không biết đánh giá thế nào.

      Cho dù thị trường có giảm mình cũng không bao giờ đầu tư một lần.

      1/ Mình chỉ dám DCA thôi bởi vì mình không biết thị trường sẽ giảm tới bao giờ.
      2/ Thông thường Bear Market kéo dài ít nhất là một năm. Mua một lần xong để đó lỡ thị trường giảm thêm thì mình buồn lắm.
      3/ DCA lúc thị trường giảm thì tâm lý của mình thấy thoải mái hơn mua một lần tại vì khi chia ra mua nhiều lần thì lúc nào mình cũng thấy mình còn tiền để đầu tư.
      Giống như kiểu ngoài kia bão tố nhưng trong nhà vẫn có cái mền để ngủ cho ngon.

      Giờ mình cũng 3x rồi, không dám mạnh tay như hồi trẻ nữa. ^^

      1. Cám ơn ý kiến của anh ạ, phải chi có nút like thì like mạnh ạ

  6. Trong thị trường tăng thì dân DCA sẽ làm gì ạ? Mong bạn sớm có bài viết về chiến lược đầu tư trong thị trường tăng khi mà Q1 năm 2024 tất cả các loại tài sản từ chứng khoán, Bitcoin, vàng đều tăng

    1. Chào bạn, không có chiến lược nào ở đây cả.

      Một người cho rằng đầu tư ở đây là với mục đích tích lũy tài sản.
      Người khác lại cho rằng đầu tư là để kiếm thêm thu nhập ngắn hạn phục vụ cuộc sống…

      Tùy mỗi người mà có kiểu đầu tư khác nhau. Quan điểm, thu nhập, cuộc sống cũng là một trong những yếu tốt tác động đến việc đầu tư của họ. Và nó còn phụ thuộc vào chính bản thân cái tài sản mà bạn đang đầu tư.

      Câu hỏi của bạn thật sự rất khó để mà mình có thể trả lời.

      Cái quan trọng đó là kế hoạch đầu tư của riêng bạn. Bạn đầu tư với mục đích gì. Kinh nghiệm và quan điểm đầu tư của bạn ra sao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭