*Tôi viết bài này nhân dịp thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn đỏ lửa và dạo quanh diễn đàn tôi theo dõi thấy nhiều người than thở.
Trước tiên, chúng ta cần phải định hình rằng những quyết định làm bạn hối hận chắc chắn là những thất bại nào đó trong công việc, cuộc sống tư đúng không? Tôi nói việc đầu tư cho dễ hình dung. Sẽ có một khoảnh khắc nào đó quyết định của ta làm chúng ta bị mất tiền, ta đã thất bại, ta cho rằng đó là quyết định sai lầm. Nhưng thật ra mà nói, thất bại không phải lúc nào cũng là kết quả từ những quyết định sai lầm.
Nhìn thử Facebook, các kỹ sư của họ đang làm việc cực nhọc ngày đêm để thiết kế Facebook, nâng cấp độ bảo mật cho Facebook. Nhưng, sau ngần ấy sự kiện bị lộ thông tin khách hàng, bị hacker tấn công, đội ngũ kỹ sư nghĩ rằng những việc họ đang làm là đúng, là cần thiết cho Facebook, thế nhưng tại sao những chuyện quái quỷ kia nó cứ xuất hiện liên tục gây ảnh hưởng đến công ty như vậy?
Hay chuyện Tropicana của Pepsi thay vỏ hộp, họ đầu tư 35 triệu USD để thiết kế và làm truyền thông cho bao bì mới của nhãn hàng Tropicana.
Quả cam bị thay thế được tận dụng thành nắp hộp. Ý tưởng ở đây là người dùng sẽ “vắt cam” rồi tận hưởng sản phẩm tự nhiên 100% ngay sau đó.
Logo mới, chữ mới, slogan mới, hình ảnh mới… tất cả đều trông rất hoàn hảo. Đội ngũ của họ tinh thần đang cực kỳ cao, họ hy vọng làn gió mới này sẽ tăng doanh số của hãng lên.
Nhưng không, cuộc đời éo le, doanh thu giảm 20% nhiều tháng sau đó bởi vì lý do: khách hàng thích thiết kế cũ.
Câu hỏi đặt ra là: Có phải những người này đã ra quyết định sai lầm cho nên mới dẫn đến thất bại như vậy không?
Thế nào là đúng? Thế nào là sai?
Họ nghĩ là họ đang làm đúng những công việc đó, họ nghĩ rằng việc này sẽ mang lại thành công vang dội cho công ty. Chứ không có ai đang làm mà suy nghĩ: Thôi chết rồi, cách này sai rồi… vớ vẩn không ai làm vậy cả.
Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là gì?
Chúng ta không thể nào phán đoán trước được tương lai nó như thế nào. Một quyết định được cho là đúng đắn có thể mang lại thất bại, và ngược lại.
Trong cuốn sách tôi đang đọc: Why we work – Barry Schwartz, tác giả có đề cập đến một nghiên cứu “A fine is a price” tại một nhà giữ trẻ. Số lượng phụ huynh đến đón con trễ nhiều nên họ đã ra quyết định bắt đóng phạt với những trường hợp tới trễ, với hy vọng sẽ hạn chế bớt tình trạng này đi. Nhưng khi mà việc này được đưa vào áp dụng thì số lượng phụ huynh đến đón con trễ lại gia tăng lên tới mức 33% trong tổng số phụ huynh và sau đó tiếp tục tăng lên 40%. Một khoản phạt nhằm mục đích hạn chế việc đi trễ, nay lại là yếu tố để người ta ủng hộ việc đi trễ. Bởi, những phụ huynh này nhìn nhận rằng: khoản phạt đó là chi phí phát sinh cho dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ (thêm vài chục phút).
Tôi nghĩ rằng cho thằng cháu đang lớp 9 đọc truyện chữ sẽ tốt, tôi ủng hộ nó, mua cho nó vài cuốn truyện như the hunger game, zombie gì gì đấy thấy nó có vẻ thích thể loại đó, đọc cho phát triển trí tưởng tượng. Kết quả: nó chuyển sang đọc truyện kinh dị, chém giết, đầu rơi máu chảy. Tôi mới nhìn lại và nghĩ: “Chẳng lẽ do mình mà nó có sở thích quái đản này?”. Có phải do tôi mà thành ra vầy không? Tôi cứ nghĩ rằng sẽ giúp nó phát triển đầu óc lúc đầu thôi, nhưng bây giờ có vẻ mọi thứ nó đi chệch quỹ đạo hết rồi. Làm thế nào mà tôi có thể lường trước được việc này? Nếu biết trước như vầy thì tôi đã cho nó đọc truyện Hello Kitty rồi.
Hay như cổ phiếu A đang tăng mạnh, cảm giác như đang ở đỉnh rồi. Bạn muốn chốt lời để mua con B dự định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Nghĩ đi nghĩ lại một lâu, bạn không bán nữa mà để đó và thầm nghĩ sẽ tiếp tục tăng nữa. Tuần sau con B tăng mạnh, con A rớt giá khủng khiếp thì lúc này bạn tức ói máu, không phải vì con A nó giảm mà là vì đã muốn chuyển sang con B nhưng lại không làm, giờ nhìn con B tăng trong khi tài khoản vơi đi vài %.
Um… vậy kỹ năng ra quyết định gì kia?
Trên đời này không có cái đó. Ai rồi cũng sẽ thất bại trên con đường đời của họ, không thể nào tránh né được.
Cho nên việc nghe trên mạng cái X, cái Y giúp ta ra quyết định đúng đắn để không phải hối hạn… những thứ đó là không có thực. Ta không thể nào biết được quyết định của mình là đúng đắn hay sai lầm cho tới khi biết được kết quả. Vì vậy, đừng quá để tâm đến kết quả mà hãy chú ý đến quá trình thực hiện, hãy làm tốt công đoạn đó, còn kết quả như thế nào thì hồi sau sẽ rõ.
“Nên nhớ rằng, đôi lúc không đạt được cái mình muốn lại là sự may mắn tuyệt vời.”
– Dalai Lama
Thất bại, chắc chắn nó đã xảy ra với bạn, và hơn hết nó còn lập đi lập lại rất rất nhiều lần trên đời.
Bạn không hiểu tại sao những chuyện đó lại xảy ra với mình, cái bạn phản ứng lại với nó chính là trở nên tuyệt vọng, chán chường, không ăn, khó ngủ, hay nhiều lúc thẫn thờ nhìn về nơi xa xăm nào đó rồi tự hỏi bản thân: “Cuộc sống này có ý nghĩa chi?”, “Tại sao cuộc đời là bể khổ?”, “Tại sao không thể có một cuộc sống dễ dàng hơn?”, “Tại sao công việc lại khó khăn như vầy, mình chọn sai nghề chăng?”…
Nếu bạn có theo dõi cái blog này, sẽ đọc được vài chuyện kể rằng có một thời gian mà tôi sống khổ sở vì đầu tư thua lỗ.
Tôi đã trở nên chán chường, biếng ăn, sụt kí, mất ngủ, và khóc mỗi đêm. Vâng, tôi nằm khóc thật sự luôn. Tôi thấy hối hận, tôi tức điên lên, tôi cho rằng mình bị xui, tôi chửi cả ông trời khi bị vậy. Tôi thẫn thờ và khó chịu, có thể tôi còn làm người yêu buồn nữa.
Tôi vật vờ suy nghĩ, tôi biết rằng thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, nhưng tôi vẫn phải suy nghĩ, tìm ra câu trả lời cho mình. Tại sao tôi lại thất bại? Tại sao không để cho tôi thắng lớn có tiền?
Bỗng tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với đứa cháu của mình.
– Chú Rim ơi, vô đại học là con muốn đi học thì đi còn không thì ở nhà phải không?
– Um. Thích đi thì đi thôi. Nhưng mà có nhiều lớp người ta bắt điểm danh.
– Sao lên đại học mà còn bắt điểm danh?
– Vì nếu không điểm danh thì con sẽ không đi học. Mà nếu đã như vậy thì chẳng có học được cái gì trên trường.
Vậy đó, nếu mọi thứ đều đơn giản ngay từ đầu, nếu không có mắc những lỗi sai, nếu không thất bại thì tôi sẽ chẳng bao giờ học được một cái gì cả.
Leave a Reply