Cùng nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2020 qua chỉ số ngành

Lại là tâm sự

Bài viết lần này tôi sẽ sử dụng chỉ số ngành để đưa ra cái nhìn toàn cảnh về năm 2020 vừa qua.

Hiện tại ở nước ta có rất nhiều ngành nghề, tôi không thể phân tích hết được nên chỉ lựa chọn ra 11 nghành nghề tiêu biểu:

  • Bất Động Sản
  • Chứng Khoán
  • Công Nghệ
  • Công Nghiệp: Bao gồm xây dựng, cơ khí, vận tải, kho bãi…
  • Dầu Khí
  • Dịch Vụ Hạ Tầng: Điện, nước, gas …
  • Du Lịch Giải Trí: Du lịch, hàng không…
  • Ngân Hàng
  • Sản Xuất Thực Phẩm: đồ ăn, sữa…
  • Vật Liệu Cơ Bản: Nhựa, cao su, nhôm, thép…
  • Y Tế

Dữ liệu sử dụng để phân tích tôi lấy từ trang FireAnt với cấu trúc phân ngành 4 cấp theo chuẩn ICB. Mỗi trang web họ tính toán chỉ số ngành khác nhau, ví dụ như trên Vietstock họ có cách tính riêng của họ. Tôi không nói ai đúng ai sai. Việc có dữ liệu để phân tích là tốt lắm rồi.

Bài viết có mã số 14. Mọi dữ liệu về bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog


Năm 2020

Năm 2020 nền kinh tế toàn thế giới bị tác động bởi COVID-19, ảnh hưởng lên đến mọi ngành nghề.

Sự kiện này không giống như sự kiện khủng hoảng tài chính Mỹ năm xưa. Trong sách vở người ta hay nói trong những đợt suy thoái, đầu tư vào các cổ phiếu phòng thủ sẽ giúp bảo vệ danh mục của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với sự kiện năm nay lại khác.

Có thể thấy rằng trong giai đoạn tháng 3 -> 4 năm 2020 thì tất cả mọi ngành nghề đều bị tác động. Các cổ phiếu trên thị trường đều bị giảm điểm, kể cả ngành y tế, sản xuất thực phẩm, dịch vụ hạ tầng (điện, nước…) vốn được xem là ngành phòng thủ. Vì vậy quan điểm đầu tư vào các cổ phiếu ngành phòng thủ đã không đúng trong trường hợp này.

Biểu đồ tiếp theo là biến động chỉ số hằng ngày của các ngành:

Chúng ta thấy rằng nhóm ngành Công Nghệ có những đợt sụt giảm trong ngày tới -12%, chủ yếu đến từ sự sụt giảm của FPT.

Tiếp theo đó là dầu khí, vốn dĩ phản ánh rõ sự tác động của COVID-19 lên nhu cầu vận chuyển, đi lại… khiến giá dầu giảm.

Nhóm ngành du lịch giải trí (hàng không, du lịch…) do bị covid tác động nên chỉ số ngành liên tục giảm và chưa quay trở lại đà tăng vào cuối năm 2020.

Bởi vì COVID tác động lên mọi mặt trận nên cổ phiếu của ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản cũng bị ảnh hưởng.

Trong đó, ta thấy rằng nhóm ngành y tế mặc dù chỉ số ngành giảm như bao ngành khác nhưng mà biến động mỗi ngày đều thấp hơn 5%. Dịch vụ hạ tầng, sản xuất thực phẩm cũng tương tự.

Vì vậy, có thể nói rằng, đầu tư vào vào các nhóm ngành phòng thủ trong quãng thời gian này là để giúp cho danh mục bớt thua lỗ, đó là cách bảo vệ duy nhất mà nhà đầu tư có thể nhận được.

Thị trường sau đó gia tăng mạnh, và cũng kèm theo những đợt giảm điểm mạnh. Đáng chú ý là vào giai đoạn tầm tháng 7 khi mà có một tin COVID nữa xuất hiện ở Việt Nam khiến cả thị trường giảm điểm. Tuy nhiên sự tụt giảm này không mạnh bằng đợt tháng 3.

Phần lớn các ngành đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong tháng 3/2020.

Tới giai đoạn tháng 10-11-12 cuối năm 2020, hầu hết các nhóm ngành trên thị trường đều tăng điểm trở lại. Mạnh nhất có thể nói là nhóm ngành vật liệu xây dựng: sắt, thép… do nhu cầu xây dựng của nước ta và Trung Quốc. Tiếp đến là chứng khoán, kết quả do nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng tiền tìm tới quỹ ETF (tinnhanhchungkhoan.vn)
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Quỹ ETF nội hút vốn ngoại (tinnhanhchungkhoan.vn)
Dòng vốn nghìn tỷ đồng đổ vào VFMVN Diamond (cafef.vn)

Trong khi đó, chỉ số của nhóm ngành du lịch và giải trí vẫn chưa có sự gia tăng đáng kể.


Skewness: (Phần này không quan trọng)

Trong chương trình học CFA 1 họ có đề cập đến khái niệm này. Skewness (hay độ lệch) có độ lệch dương (positive) và độ lệch âm (negative), nhằm đo lường sự đối xứng của phân phối đó so với giá trị trung bình.

Tại sao tôi lại đề cập đến độ lệch này? Nếu như tỷ suất sinh lợi danh mục được cho là lệch trái (negative skew) có nghĩa rằng có rất nhiều small positive returns (khoản lợi nhuận nhỏ) và một số ít large negative returns (khoản lỗ lớn) khiến cho đồ thị lệch hẳn về phía bên trái (đuôi trái dài ra) như hình bên dưới.

Nếu như là lệch trái (negative skew) thì có nghĩa rằng danh mục này tiềm ẩn rủi ro với các khoản lỗ lớn.

Thông thường, khi nói về rủi ro của danh mục người ta sử dụng độ lệch chuẩn (standard deviation) của tỷ suất sinh lợi. Tuy nhiên độ lệch chuẩn này khi cổ phiếu tăng giá hay giảm giá nó đều cho rằng đó là rủi ro của khoản đầu tư. Chứ nó không phân biệt sự biến động giá (rủi ro) đó là tốt hay xấu.

Nếu sử dụng Sharpe để đánh giá danh mục, thì Sortino ratio hiệu quả hơn vì nó so sánh với độ lệch rủi ro thua lỗ của tài sản, chứ không phải rủi ro tổng thể.

Không những thế, phân phối lợi nhuận của các loại tài sản tài chính không phải là phân phối chuẩn, mà nó bị lệch (lệch trái). Do đó mà sử dụng skewness để đo lường rủi ro của các loại tài sản được xem là khá hợp lý.

… Nhưng đó là câu chuyện khác ở một bài viết khác …


Qua biểu đồ trên ta thấy rằng phân phối các nhóm ngành đều là lệch trái. Mức độ lệch tăng dần từ trái sang.

Ngành chứng khoán là ngành có vài khoản lỗ (tạm gọi negative returns là các khoản lỗ) tuy nhiên khoản lỗ ở đây thấp, cho nên độ lệch (skewness) trong năm 2020 không bằng các ngành còn lại đây là dấu hiệu tốt của ngành. Trong đó, lệch lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp (với các ngành xây dựng, cơ khí, vận tải, kho bãi…) các ngành này có các khoản lỗ lớn hơn các ngành còn lại.

Khi bàn về rủi ro biến động giá theo ngày (độ lệch chuẩn – standard deviation) thì nhóm ngành Y Tế, Sản Xuất Thực Phẩm, Dịch vụ hạ tầng lại có rủi ro thấp, hay nói rằng biến động giá mỗi ngày của nhóm ngành này không bằng các nhóm ngành còn lại.


Các biểu đồ khác

Năm 2009 là năm không mấy suôn sẻ với thị trường chứng khoán khi có nhiều khoản lỗ lớn. Tương tự như năm 2014 và năm 2020. Lưu ý điều này không phải là các năm này đầu tư không được tốt. Biểu đồ trên cho thấy rằng trong các năm này thì các ngành đối mặt với một vài khoản lỗ (giảm điểm) lớn, rủi ro cao.

Giai đoạn năm 2016 -> 2017 các nhóm ngành nghề trên thị trường đều có các khoản lãi lớn (positive returns), khiến phân phối lệch hẳn sang phải (số dương)

Có một vài trường hợp cá biệt như nhóm ngành y tế năm 2010, tôi không biết trong năm đó có gì. Ngành du lịch giải trí năm 2013 cũng không biết điều gì đã xảy ra. Năm 2014 thì có khủng hoảng nợ Trung Quốc và cái tin giàn khoan HD981 rần rần trên tivi. Có thể vì vậy mà biểu đồ ghi nhận các nhóm ngành có các khoản lỗ lớn dẫn đến bị lệch.


Với biểu đồ tiếp theo, tôi đi tìm mức sụt giảm lớn nhất trong năm đối với từng nhóm ngành. Xem tại thời điểm đó rơi vào tháng mấy trong năm. Cuối cùng là vẽ biểu đồ thống kê theo từng năm.

Trường hợp các mẫu quan sát đều xếp chung một đường như năm 2010 này sẽ được mang ra xem xét coi sự kiện gì tại tháng đó mà khiến cho chỉ số các nhóm ngành đều tụt giảm.

Bây giờ thì ta có thể biết được chuyện gì xảy trong quá khứ.

Tháng 5/2010: Tháng 4/10 thì thị trường chứng khoán tăng mạnh và tháng 5/2010 thị trường điều chỉnh. 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tháng 5/2010 (tinnhanhchungkhoan.vn) và mấy cái tin đồn Sell In May này nọ.

Tháng 02/2011: chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát cao, lãi suất tăng cao, hạn chế tăng trưởng tín dụng… Lãi suất huy động các ngân hàng có thời điểm tăng tới 20% khiến thị trường lao dốc. Chứng khoán năm 2011: Thị trường lao dốc, niềm tin sụt giảm (bvsc.com.vn)

Tháng 8/2012: Thời điểm này hấp dẫn với tin bắt bầu Kiên, tôi nhớ hồi đó chỗ tôi người ta kéo nhau ra ngân hàng rút tiền như hội chợ. Chứng khoán tháng 8: Bài học từ một vụ nổ lớn | Vietstock

Tháng 5/2014: Với sự kết hợp của combo: Tin đồn Sell In May và giàn khoan HD981 khiến nhà đầu tư tháo chay. Cổ phiếu dầu khí chạm sàn, Vn-Index mất trên 30 điểm – VnExpress Kinh doanh , Thị trường chứng khoán: Những “cơn bão” trong năm 2014

Tháng 8/2015: Thị trường điều chỉnh (?) tương tự như tháng 12/2017 và Tháng 02/2018 (điều chỉnh trước Tết âm lịch)

Tháng 3/2020: COVID-19


Lời Kết:

Bài viết cũng khá dài rồi và cũng một phần chưa biết sẽ viết thêm gì với đống dữ liệu này nên tạm thời tôi sẽ dừng ở đây, sau này sẽ quay lại tiếp tục phân tích những ngành còn sót lại.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


One response

  1.  Avatar
    Anonymous

    tổng hợp thú vị nha bác, có chart nhìn dễ nhớ .Thanks

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭