Đầu tư dài hạn không phải là đầu tư cả đời

Chuyện đầu tư của Warren Buffett

Rất nhiều lần tôi đọc được những câu hỏi về việc đầu tư như:

  • “Muốn đầu tư dài hạn 5 năm trở lên thì nên đầu tư mã nào?”
  • “Bây giờ mình lên kế hoạch đầu tư 10 năm thì nên lựa chọn loại cổ phiếu hay tài sản nào?”

Mỗi khi đọc những câu hỏi trên, tôi đều hình dung trong đầu rằng người hỏi đang đánh giá thấp việc đầu tư dài hạn và chỉ muốn đầu tư đơn giản bằng cách mua một tài sản nào đó xong tắt máy.

Vào năm 1988, Warren Buffett đã có một câu bất hủ: “Thời gian nắm giữ cổ phiếu ưa thích của chúng tôi là mãi mãi”. Một số người nghĩ và làm theo đúng từng câu chữ như vậy, nghĩa là mỗi khi mua một cổ phiếu nào đó thì họ sẽ nắm giữ nó mãi mãi.

Mặc dù ý tưởng mua và nắm giữ mãi mãi mang lại một sự hấp dẫn lớn, nhưng trong thực tế thì việc làm này có thể làm hạn chế khả năng thành công và khiến bạn bị thua lỗ.

Thầy của Warren Buffett, Benjamin Graham, gần như bị xóa sổ khi thị trường sụp đổ vào năm 1929. Sau sự kiện này, Benjamin Graham đã thay đổi hoàn toàn chiến lược đầu tư của ông.

Charlie Munger, từng được xem là cánh tay phải của Warren Buffett, cũng đã đối mặt với sự kiện tương tự khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ và mất hơn 50% giá trị trong giai đoạn 1973-1974. Danh mục của Charlie Munger bị mất 31% trong năm 1973 và 31% nữa trong năm 1974.

Khi có quá nhiều người hiểu sai câu nói của ông, Warren Buffett đã đính chính lại trong lá thư gửi cổ đông năm 2016: “Đúng là chúng tôi sở hữu một số cổ phiếu mà chúng tôi không có ý định bán nhưng chúng tôi không cam kết rằng Berkshire sẽ nắm giữ các cổ phiếu đó mãi mãi”.

Mặc dù Warren Buffett nổi tiếng là một nhà đầu tư dài hạn, nhưng có rất ít khoản đầu tư mà ông thực sự nắm giữ mãi mãi. Ông xem cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng là an toàn khi chúng rẻ nhưng khi mà giá cổ phiếu trở nên đắt đỏ hơn thì ông lại xem đó là rủi ro. Và đôi khi ông còn thấy hối hận vì không bán cổ phiếu khi giá trị của nó đã đạt ngưỡng.

Tình huống 1: Trong lá thư gửi cổ đông năm 1969, Warren Buffett đã đánh giá rằng thị trường đã quá đắt đỏ và rất khó để có thể tìm thấy các cơ hội đầu tư hấp dẫn mà có thể thỏa với tiêu chí của ông. Vì thế, ông quyết định giải thể công ty đầu tư của mình, Buffett Partnership Ltd, và trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Khi thị trường sụp đổ vào năm 1973-1974 thì ông bắt đầu đầu tư trở lại nhiều hơn.

Tình huống 2: Tại đại hội cổ đông 2006, Warren Buffett đã nói rằng: “Coca Cola là một công ty tuyệt vời nhưng được bán tại cái giá ngớ ngẩn. Bạn có thể chỉ trích tôi vì đã không bán cổ phiếu này. Tôi luôn nghĩ rằng đó là một doanh nghiệp tuyệt vời nhưng rõ ràng rằng ở cái mức giá gấp 50 lần thu nhập thì đó thực sự là một mức giá ngớ ngẩn”.

Ông đã không bán cổ phiếu Coca-cola vào năm 1998, dù giá của nó đã trở nên vô cùng đắt đỏ, và ông cho rằng đây là một sai lầm vì không bán tại thời điểm đó. Sau đó, cổ phiếu Coca-Cola mất 15 năm mới trở lại mức đỉnh cũ.

Tình huống 3: Vào năm 2007, Warren Buffett tin rằng thị trường đã trở nên quá nóng. Ông đã cho gia tăng khoản dự trữ tiền mặt của Berkshire Hathaway và tránh các thương vụ mua lại tại mức giá đắt đỏ. Khi thị trường thực sự bị khủng hoảng vào năm 2008, các cơ hội đầu tư lần lượt xuất hiện và đó cũng là lúc ông nhanh trí mang tiền đi đầu tư.

Warren Buffett luôn luôn là một nhà đầu tư giá trị. Ông ít khi nào mà đầu tư vào một cổ phiếu có P/E lớn hơn 15. Hệ số vòng quay tổng tài sản của ông cũng lớn hơn con số mà mọi người thường nghĩ. Hơn 50 năm qua, Buffett đã sở hữu hàng trăm cổ phiếu (trong danh mục đầu tư của Berkshire) và ông cũng nhanh chóng bán những cổ phiếu này. 230 cổ phiếu mà ông từng nắm giữ từ 1980 đến 2010 thì 60% trong số đó là được bán trong chưa đầy 1 năm. Số lượng cổ phiếu mà ông nắm giữ với thời gian hơn 15 năm chỉ chiếm 5%.

Ông cũng là người đầu tư trở nên nhạy cảm với rủi ro. Những năm vừa qua, kể cả khi ông không cần tiền mặt nhưng mà ông vẫn bán các cổ phiếu khi giá của nó trở nên hợp lý (như AAPL, BAC…) hoặc khi mà ông thay đổi quan điểm của ông về một doanh nghiệp nào đó (như PARA và TSMC).

Ông đã luôn đầu tư như thế này: mua cổ phiếu khi giá của chúng thấp hơn giá trị thực và bán tại mức giá hợp lý, hoặc khi mà ông tìm thấy khoản đầu tư tốt hoăn, hoặc là khi ông thay đổi quan điểm. Mặc dù ông nắm giữ cổ phiếu dài hạn, nhưng hiếm khi là mãi mãi, bởi vì giá của cổ phiếu biến động mạnh hơn là giá trị của chính doanh nghiệp đó.

Ý định của ông là mua và nắm giữ mãi mãi nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác, khi tình hình doanh nghiệp hoặc điều kiện vĩ mô thay đổi thì cũng là lúc ông bán.

Ý định là một yếu tố quan trọng trong đầu tư. Bạn có thể thấy mỗi kiểu nhà đầu tư sẽ có một ý định khác nhau:

  • Đầu tư: ý định của bạn là mua và nắm giữ.
  • Đầu cơ/giao dịch: ý định của bạn là mua xong rồi bán kiếm lời.

Nhưng, khi thị trường thay đổi thì bắt buộc bạn cũng phải thay đổi.

Tháng 8/2024, báo chí đăng bài Warren Buffett bán cổ phiếu Apple. Mọi chuyên gia phân tích rằng đó như là một dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, nhưng thực tế thì lý do ở đây có thể khiến mọi người ngã ngửa: Ông bán đơn giản là vì cổ phiếu Apple đã trở nên quá đắt đỏ, P/E 30 và đang chiếm tỷ trọng 30% trong danh mục của Berkshire. Ông xem tiền như là giải pháp thay thế tốt nhất.

Ông từng thừa nhận rằng ông không hề biết thị trường sẽ biến động như thế nào trong ngắn hạn và ông cũng không phán đoán chuyện gì xấu có thể xảy ra với Apple hay thị trường chứng khoán.

Vào năm 1969 khi ông giải thể, ông không cố gắng “timing” thị trường mà chỉ đơn giản sử dụng phương pháp đầu tư của ông để làm kim chỉ nam. Ông không tìm ra được cơ hội nào để đầu tư, tiền thì chất đống, thế nên ông quyết định nghỉ. Ông xem thị trường cổ phiếu lúc đó là vô cùng rủi ro mặc dù còn tới 4-5 năm nữa thì cái rủi ro đó mới thực sự xuất hiện và làm thị trường sụp đổ.

Quay trở lại thời điểm hiện tại, bởi vì Berkshire Hathaway đã trở nên vô cùng lớn khi sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ, trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn đã trở nên vô cùng đắt đỏ, điều này khiến cho việc mang tiền đi đầu tư của ông trở nên vô cùng khó khăn vì rất hiếm cổ phiếu thỏa mãn điều kiện đầu tư của ông trong hiện tại.

Trong lá thư gửi cổ đông năm 2023, ông đã cho rằng: “Bên ngoài nước Mỹ, không có ứng cử viên (cổ phiếu) nào là đáng để Berkshire đầu tư. Nhìn chung thì chúng tôi không có khả năng đạt được hiệu suất đầu tư đáng kinh ngạc nữa.”

Trở lại với nhà đầu tư cá nhân chúng ta

Không phải lúc nào Warren Buffett cũng nắm giữ cổ phiếu mãi mãi, ông bán khi nào ông cho là cần thiết.

Điều này là rất hợp lý nếu như chúng ta xem xét báo cáo “Liệu cổ phiếu có hoạt động hiệu quả hơn Tín phiếu?” của Hendrik Bessembinder khi ông nghiên cứu 26.000 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ từ năm 1926 đến 2019.

Ông kết luận rằng:

  • Phần lớn cổ phiếu hoạt động không hiệu quả so với Tín phiếu kỳ hạn 1 tháng. Không những thế, hơn một nửa số cổ phiếu có lợi nhuận trọn đời còn thấp hơn lợi nhuận từ Tín phiếu – một loại tài sản vốn được coi là khoản đầu tư an toàn nhất.
  • Bài nghiên cứu còn cho thấy rằng chỉ có 4% trong số cổ phiếu niêm yết là mang lại lợi nhuận (giúp gia tăng chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian nghiên cứu) hơn Tín phiếu.
  • Nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết hoặc phá sản, điều này góp phần làm giảm hiệu suất của chúng theo thời gian.
  • Dù nghiên cứu tất cả các cổ phiếu, nguyên lý này vẫn có thể áp dụng cho các cổ phiếu vốn hóa lớn. Mặc dù có vốn hóa lớn, các công ty này vẫn có thể hoạt động kém hiệu quả và giảm giá trị trong thời gian dài khi điều kiện thị trường thay đổi, công nghệ thay đổi hoặc là do các quyết định quản trị kém cỏi của đội ngũ lãnh đạo.

Bài nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bổ danh mục và sự khó khăn khi nhà đầu tư cá nhân tự thực hiện việc đầu tư vào các cổ phiếu riêng lẻ và xem đó như một khoản đầu tư dài hạn.

Mặc dù đó là nghiên cứu tại thị trường chứng khoán Mỹ nhưng tôi lại không thấy có sự khác biệt gì đối với thị trường chứng khoán nước ta, khi có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn liên tục giảm giá và có hiệu suất vô cùng thảm hại những năm gần đây.

Chúng ta thường sử dụng dữ liệu quá khứ để đưa ra các giả định về tương lai. Điều này ai cũng làm vì nó quá hợp lý. Nhưng kể cả khi quá khứ có dạy chúng ta về điều gì đó trong tương lai thì chúng ta cũng sẽ gặp trở ngại tiếp theo: chúng ta có xu hướng diễn giải sai cái thông điệp mà quá khứ gửi gắm.

Trong bài viết này, “Giữ vững lộ trình“, tôi đã đánh giá rằng rủi ro đầu tư sẽ giảm dần theo thời gian. Càng đầu tư lâu thì tỷ suất sinh lợi của các loại tài sản kia sẽ càng về mốc trung bình, ví dụ 10%/năm.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhà đầu tư chúng ta không thực sự quan tâm đến con số phần trăm đó. Chúng ta quan tâm tới số tiền nhiều hơn vì nó dễ hiểu hơn con số phần trăm.

Nếu bạn có tỷ suất sinh lợi 10% thay vì 12% theo kế hoạch, điều này không hề tạo ra sự khác biệt gì to lớn trong 1 năm đầu tiên. Nhưng nếu đó là 10 năm hoặc thậm chí 20 năm trở lên thì lúc này bạn sẽ bị mất một khoản lợi nhuận rất lớn.

Chỉ cần 1% chênh lệch mỗi năm có thể đẩy cột mốc của bạn ra xa hơn. Nếu bạn lấy con số tăng trưởng trung bình trong dài hạn của thị trường chứng khoán làm cột mốc và không bao giờ sửa đổi danh mục, bạn sẽ đến một nơi vô cùng xa lạ. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều chỉnh danh mục, dù chỉ là một chút khi thấy có dấu hiệu chệch hướng, bạn vẫn có khả năng “lái” về đích được.

Hãy nghĩ các loại tài sản đầu tư như là đồ ăn trong tủ lạnh. Mọi thứ đều có giá trị của nó, đều cung cấp dinh dưỡng cho chúng ta nhưng không phải đồ ăn nào cũng có date giống nhau. Chúng ta không hề biết khi nào thì cổ phiếu/đồ ăn bị hết hạn. Và cũng không có một quy tắc chung nào ở đây để xác định cả vì mỗi doanh nghiệp/tài sản đều có cách hoạt động khác nhau.

Những khoản đầu tư hoạt động tốt trong 5 năm qua có thể không duy trì hiệu quả trong 5 năm tiếp theo. Dù tôi xem mình là nhà đầu tư dài hạn nhưng trong 8 năm vừa qua, thời gian nắm giữ trung bình của tôi chỉ vỏn vẹn 2-3 năm và danh mục liên tục đảo qua lại các loại tài sản.

Không có phương pháp nào mà bạn có thể dùng đi dùng lại mãi mãi để giải quyết các vấn đề tài chính. Điều này giống như chơi một trò chơi với các quy tắc liên tục thay đổi. Mục tiêu ở đây là xây dựng một danh mục mà bạn có thể tồn tại qua từng chu kỳ. Cái giá của việc giảm rủi ro cho danh mục là bạn phải chấp nhận hy sinh một chút lợi nhuận để đổi lấy sự thoải mái tinh thần.

Mọi thứ đều có thời hạn sử dụng của nó, không nên chỉ đầu tư vào một loại tài sản duy nhất và hi vọng rằng nó sẽ mãi mãi hoạt động hiệu quả.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭