Đầu tư ETF mà VNINDEX sau nhiều năm vẫn 1200 thì có phải công cốc không?

Chỉ số VNINDEX – nguồn finance.vietstock.vn

Tôi vô tình phát hiện một câu hỏi cực kỳ lý thú trong topic thảo luận ETF mà khiến tôi phải suy ngẫm: “Đầu tư mà VNINDEX 10 hay 20 năm nữa vẫn loay hoay ở mốc 1200 thì có phải công cốc không?”

Bởi vì ETF đầu tiên ra mắt là vào năm 2014, và chúng ta không thể nào mua VNINDEX được nên trong phạm vi bài viết này tôi chọn lựa mốc thời gian từ năm 2018 trở đi.

Và để tăng độ khó cho trò chơi lên mức cao nhất, tôi đặt trường hợp rằng nếu bắt đầu DCA ngay đỉnh năm 2018, trước khi thị trường “sụp”, thì danh mục sẽ như thế nào sau khi VNINDEX chạm mốc 1200 đến 4 lần trong xuyên suốt quãng thời gian từ năm 2018 đến 2023.

Vài điều tâm sự

Trong bài viết này, vì chúng ta đang nhìn về quá khứ, cho nên chúng ta có thể thấu hiểu rõ tường tận sự việc. Còn những người thực sự đầu tư vào thời điểm đó, họ không biết trước tương lai sẽ như thế nào.

Họ không biết rằng khi VNINDEX chạm 1200 vào năm 2018 thì thị trường sẽ đi xuống liền tù tì. Họ không biết rằng sau đó còn phải đối mặt với COVID. Họ cũng không thể đoán được rằng sau 5-6 năm đầu tư VNINDEX vẫn sẽ loanh quanh mốc 1200. Mà cho dù họ có biết được chút ít thông tin về tương lai, bạn có nghĩ rằng họ sẽ đầu tư tốt hơn không? Tôi từng viết một bài viết về hai kịch bản thị trường sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư biết trước tương lai, điều bất ngờ ở đây là khi đầu tư vào thị trường với mức tăng trưởng bình quân 15%/năm thì lợi nhuận lại thấp hơn thị trường có mức tăng trưởng ~12%/năm.1 Tôi từng viết một bài viết về hai kịch bản thị trường sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư biết trước tương lai: “Để chiến thắng trong bear market”, 02/2023, https://vohoanghac.com/de-chien-thang-trong-bear-market

Cũng giống như chúng ta ở hiện tại, không ai biết được thị trường sẽ ra sao vào tháng sau cho nên cách duy nhất chúng ta có thể làm ở đây là tiếp tục với kế hoạch đầu tư của mình. Để rồi 1 hay 2 năm sau mới bắt đầu nhìn lại và đánh giá quyết định của mình. Khi đó, đa phần chúng ta sẽ có xu hướng so sánh danh mục của mình với các quỹ cổ phiếu, với việc gửi tiết kiệm rồi ngồi đó suy nghĩ “giá mà hồi xưa…”, “biết thế hồi xưa tôi đã…”

Để làm gì? Tại sao lãng phí thời gian với mong muốn sửa đổi quá khứ khi mà bản thân chúng ta không thể làm được điều đó?

Bạn nghĩ rằng nếu suy ngẫm về quá khứ thì bạn sẽ lựa chọn con đường đầu tư tốt hơn? Tôi không dám chắc điều đó. Biết đâu thay vì đầu tư ETF, bạn lựa chọn mua trái phiếu rồi giờ đang đau đầu với nó, hoặc thậm chí “quăng” tiền vào các nền tảng P2P để rồi mất hết tất cả, hay là đầu tư tiền ảo chó mèo rồi nhận kết cục không mấy vui vẻ… Đôi lúc chúng ta nên hạnh phúc khi biết rằng chúng ta chỉ đang thua lỗ chút đỉnh chứ không phải là mất toàn bộ tiền bạc.

Đối với tôi, con đường đầu tư có trăm nẻo, không nẻo nào giống nẻo nào nhưng tất cả đều đưa chúng ta đến cái đích riêng của mỗi người. Đầu tư là một hành trình của riêng mỗi người, không hề có vinh hay nhục ở đây, cũng không nên tự ái, mặc cảm khi chứng kiến ai đó kiếm lợi nhiều hơn. Kết quả mà bạn nhận được ở cuối cuộc hành trình là của riêng bạn, bạn phải chấp nhận thực tế rằng đó là thành quả mà chính tay bạn tạo ra.

Bạn phải hiểu rằng, khi đầu tư trong thị trường này thì bạn:

  • Có toàn quyền kiểm soát tâm lý của bạn và ra quyết định đầu tư
  • Không có quyền kiểm soát thị trường

Thị trường có thế nào đi chăng nữa cũng hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Ví dụ như đá banh, bạn có thể cố gắng đá nhưng kết quả sau cùng làm đội bạn thắng hay thua thì bạn không hề kiểm soát được. Thay vì đá với mong muốn chiến thắng, hãy đá với toàn bộ khả năng của bạn… để nếu có thua thì bạn vẫn vui vẻ chấp nhận kết quả bởi vì bạn đã đá cật lực, đã tung ra hết mọi thứ mà bản thân có.

Tại sao tôi lại bàn về vấn đề này? Bởi vì tâm lý muốn kiếm nhiều tiền từ thị trường rất phổ biến mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng có. Nhiều người phẫn nộ vì thị trường biến động không như họ mong đợi, họ muốn trả thù thị trường bằng cách ra quyết định đầu tư trong lúc tâm trí không ổn định… và tất nhiên, kết quả nhận lại càng bi đát hơn.

Thay vì ngồi suy ngẫm chuyện tương lai và dằn vặt quá khứ thì hãy làm hết sức mình trong hiện tại. Để sau cùng thì bạn có thể tự nói với bản thân rằng: “Tôi đã phân tích rất kĩ, dựa trên năng lực và kinh nghiệm của bản thân thì tôi quyết định đầu tư theo cách A. Cho dù thị trường tương lai có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi cũng sẽ vui vẻ chấp nhận bởi tôi không có quyền kiểm soát thị trường.”

VNINDEX và mốc 1200

Quay lại chủ đề chính của bài viết: Nhà đầu tư của chúng ta bắt đầu thực hiện DCA ngay đỉnh thị trường năm 2018, bất chấp thị trường có ra sao đi chăng nữa thì anh vẫn liên tục đầu tư 3.000.000 đồng vào đầu mỗi tháng.

Question: “Nếu đầu tư mà VNINDEX cứ loanh quanh 1200 sau ngần ấy năm thì có phải công cốc không?

Answer:

Lợi nhuận khi DCA vào ETF tại đỉnh thị trường năm 2018

Nên nhớ rằng trong trường hợp này nhà đầu tư của chúng ta đã đầu tư ngay đỉnh năm 2018 (bởi vì tôi muốn tăng độ khó cho trò chơi này và tò mò không biết đầu tư ngay đỉnh thì sẽ thế nào).

Thị trường luôn biến động, chúng ta không thể nào đưa ra một câu trả lời chung chung được bởi vì mọi thứ đều mang tính thời điểm. Và tất nhiên, “công cốc” ở đây còn có thể hiểu theo nhiều nghĩa: có lời, lời nhiều hơn so với đầu tư X, lời nhiều hơn lạm phát…

Câu trả lời của chúng ta phụ thuộc vào 3 quãng thời gian sau:

  • 2018 -> đầu năm 2020: Danh mục không hề mang lại lợi nhuận gì, thậm chí còn bị thua lỗ tới hơn 30% số vốn bỏ ra. Đây là quãng thời gian làm cho nhà đầu tư mất tinh thần và có mong muốn bỏ cuộc nhất. Họ nghĩ rằng họ đã lựa chọn sai con đường. Họ nghĩ rằng họ nên gửi tiết kiệm thì đã tốt hơn. Sau bấy nhiêu năm đầu tư rốt cuộc lại là công cốc.
  • Cuối năm 2020 -> 2021: Mặc dù hơn hai năm đầu tiên không có lời nhưng khi thị trường tăng mạnh trở lại, nhà đầu tư đã cực kỳ sung sướng khi chứng kiến khoản lãi to lớn 60%. Lợi nhuận tương đương 13%/năm. Lớn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.
  • 2022 – 2023: Thị trường điều chỉnh, khoản lợi nhuận kia tan biến và cho tới thời điểm hiện tại chỉ lời 20% so với số vốn bỏ ra.

Mọi thứ có thể dễ dàng nhận ra khi bạn ở tương lai nhìn về quá khứ. Nhưng thử đặt bản thân bạn vào thời điểm năm 2018, khi bạn không biết gì về tương lai cả, thì bạn làm gì? Có gì khác so với thời điểm hiện tại, khi bạn đọc bài viết này không?

Bản thân chúng ta không biết tương lai thế nào, không biết bao giờ thị trường tăng trở lại cho nên cách duy nhất có thể làm đó chính là liên tục đầu tư, vì chúng ta sẽ luôn luôn có lời trong dài hạn.2 Nhà đầu tư sẽ luôn luôn có lời trong dài hạn: “Có nên đầu tư mạnh tay hơn trong Bear Market không?”, 07/2023, https://vohoanghac.com/dau-tu-nhieu-hon-bear-market

5 năm sau VNINDEX vẫn mốc 1200 thì sao? Tôi không biết. Để tôi đi rồi sau này tôi kể lại. Với toán học, ta có thể biết ngay kết quả sau khi áp công thức. Nhưng trong đầu tư, cho dù có áp công thức đúng thì kết quả cũng không thể hiện ra ngay lập tức được và cho dù có kết quả thì cũng chưa chắc đó là kết quả mà chúng ta đã mong đợi.

Hãy nhớ lại những gì tôi viết ở trên: “Tôi đã phân tích rất kĩ, dựa trên năng lực và kinh nghiệm của bản thân thì tôi quyết định đầu tư theo cách A. Cho dù thị trường tương lai có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi cũng sẽ vui vẻ chấp nhận bởi tôi không có quyền kiểm soát thị trường.”

Trong bài viết này tôi không bàn phương pháp đầu tư nào cao siêu cả. Mục đích chính ở đây là tôi muốn cho bạn đọc biết một kiểu suy nghĩ, một quan điểm đầu tư có thể gọi là khác thường.

Tạm dịch: Không phải các sự kiện khiến ta phiền não, mà là cách ta nhìn nhận chúng.

Hãy nghĩ đơn giản: đừng nghĩ rằng bạn đầu tư ETF là để kiếm thật nhiều tiền, hãy nghĩ việc đầu tư ETF là để bạn tích góp tài sản. Cho dù giá trị hiện tại của danh mục chỉ tăng có 20% sau 6 năm đầu tư thì đó vẫn là tăng. Có vô số cách để làm mất tiền, bạn nên cảm thấy hạnh phúc rằng tiền của bạn vẫn còn ở đây. Và tất nhiên, thị trường có giảm thì cũng có tăng, không việc gì phải lo lắng cả. Lần tới khi mà thị trường tăng mạnh trở lại thì bạn vẫn có cơ hội để bán nếu muốn.

Nếu bạn thấy thắc mắc tại sao tôi lại có thể nghĩ như vậy? Bởi theo quan điểm của tôi, đầu tư không phải để làm giàu mà là để không bị nghèo.3 Đầu tư không phải để làm giàu mà là để không bị nghèo: “Tại sao nên đầu tư ETF?”, 03/2023, https://vohoanghac.com/tai-sao-nen-dau-tu-etf Vì thế, cho dù danh mục đầu tư của tôi trong tương lai có thế nào đi chăng nữa, cho dù lãi có thấp hơn gửi tiết kiệm, thì tôi vẫn sẽ vui vẻ chấp nhận điều đó. Nhờ cách suy nghĩ này mà tôi mới có thể tồn tại được trên thị trường trong một thời gian dài, trải qua bao mùa tăng giảm… nếm mùi thất bại nhiều hơn thành công nhưng tôi vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mà mình đã chọn chứ không phải là bỏ chạy, tránh xa thị trường sau khi đối mặt với thất bại.

P/S: Tôi làm rất tốt chuyện này trong đầu tư nhưng lại thấy rất khó để áp dụng trong đời sống.


Đây là bài viết số 41, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog

Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock

Chú thích


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


3 responses

  1. Thinh vozer Avatar
    Thinh vozer

    Bác có thể đặt cạnh cùng khoản tiền đó đem gửi ngân hàng hoặc đầu tư quỹ trái phiếu hoặc mua vàng hay gì gì đó để tiện so sánh được không ạ

    Như vậy sẽ đem tới nhiều góc nhìn cho khoản lãi 20% sau 6 năm ạ

    1. Chào bạn, bài viết này mang hơi hướng triết lý nhiều hơn là phân tích đầu tư nên hẹn một ngày khác mình sẽ viết về chủ đề so sánh các khoản đầu tư theo ý tưởng của bạn.

      Như mục đích mình đã nói trong bài viết đó là trong hiện tại chúng ta không biết được rằng vài năm sau khoản đầu tư sẽ thế nào và bản thân chúng ta cũng không biết loại hình đầu tư nào sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất.

      Cho nên, trong hiện tại, việc chúng ta ngồi nhìn về quá khứ, 6 năm trước, rồi so sánh thành quả của các danh mục thì nó hoàn toàn vô nghĩa bởi vì chúng ta không thể nào làm thay đổi quá khứ được.

      Mình biết rằng ngoài dữ liệu quá khứ thì nhà đầu tư không còn cách nào khác để đánh giá nhưng trong lĩnh vực đầu tư, nó không chỉ đơn giản là:

      – Đầu tư vào vàng. Nhưng là vàng gì?
      – Đầu tư quỹ cổ phiếu. Nhưng là quỹ nào?
      – Đầu tư quỹ trái phiếu. Nhưng là quỹ trái phiếu nào?
      – Đầu tư ETF. Nhưng là ETF nào?

      Và cho dù có biết loại tài sản để đầu tư, phương pháp để đầu tư thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc 10 người sẽ đầu tư giống nhau. Do quan điểm của mỗi người hoàn toàn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống khác nhau… mà con đường họ đi sẽ khác nhau hoàn toàn.

      Bởi vì nó rất nhiều, mình không thể nào ngồi viết chi tiết mọi thứ A-Z cho mọi người được nên mình chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin, ý tưởng và quan điểm của mình trong đầu tư.

      Phần việc còn lại quan trọng hơn tất cả là mọi người phải tự nghiên cứu và đưa ra lựa chọn cho chính bản thân.

  2.  Avatar
    Anonymous

    Bác Hạc viết bài vĩ mô về tỉ giá, bond yield nhỉ, 2024 sẽ cháy bỏng đây

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭