Đầu tư quỹ mở tại Việt Nam

Cập nhật 08/2020

Tôi có viết thêm một bài khác về hiệu quả đầu tư vào các quỹ tại: https://vohoanghac.com/dau-tu-quy-mo-nao/

Cập nhật 02/2021

Hiện tại các bài viết về quỹ mở, chứng chỉ quỹ, ETF mà tôi từng viết được gom tại mục Bài viết quỹ mở ở trên thanh công cụ để cho các nhà đầu tư cá nhân dễ tìm do blog này tôi viết rất nhiều thứ.

Tôi hy vọng rằng bài viết sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư cá nhân đang tìm hiểu về việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ.

Tôi từng viết một bài vào tháng 02/2019 năm nay: https://vohoanghac.com/dau-tu-quy-mo-sang-mo-mat-thay-mat-tien/ về việc đầu tư vào quỹ mở, trong bài viết tôi đã sử dụng vài từ ngữ không phù hợp, kèm thêm vài nhận định sai lệch về chi phí quản lý quỹ.

Bài viết đó chắc tôi sẽ không bao giờ đọc lại cho tới dạo gần đây khi tôi để ý thấy lượng đọc bài viết đó bỗng tăng lên đáng kể. Tôi không muốn mọi người đọc phiên bản sai lệch do sự thiếu hiểu biết của tôi mà dẫn đến việc ra quyết định sai lệch. Vì thế tôi phải cập nhật lại.

Nội dung bài viết cũ tôi sẽ vẫn giữ lại đó chứ không xóa.


Chi phí đầu tư

Tưởng nhỏ bé nhưng lại có võ

Có rất nhiều loại chi phí mà nhà đầu tư phải đóng: phí mua, phí bán chứng chỉ quỹ (1 năm-2 năm…) đủ thứ cả lên. Mọi người khi lập tài khoản đầu tư đa phần không hề chú ý đến các chi phí hoạt động của quỹ, nếu có để ý thì nhìn vào cũng cho rằng con số nhỏ bé này hoàn toàn vô hại (nhưng thực chất cực kỳ có hại).

Chi phí là một yếu tố quan trọng trong đầu tư, chi phí càng thấp thì lợi nhuận mang về càng nhiều, đó là lý do tại sao hầu hết các nhà đầu tư luôn muốn chi phí càng thấp càng tốt (như tôi). Khi đầu tư quỹ mở, chúng ta phải nhớ một điều rằng:

Thành quả của năm trước không phải là thước đo để dự đoán kết quả hoạt động của quỹ trong tương lai 

Điều này tôi sẽ nói sau.

Có rất nhiều loại chi phí và nó được đề cập đầy đủ trong bản Điều Lệ Quỹ, chúng ta cần phải đọc thật kỹ bản này. Tôi ví dụ như trong bản điều lệ quỹ của VCBF-BCF được đăng tải trên website của họ: https://www.vcbf.com/don-tai-lieu-quy/dieu-le-quy/ – Bản điều lệ quỹ VCBF-BCF năm 2019: https://www.vcbf.com/images/2019/dieu_le_quy_vcbf-bcf.pdf

1. Phí gia nhập và rút vốn

Chi phí đầu tiên mà chúng ta gặp phải đó chính là chi phí mua và chi phí bán tại trang số 15 và 16. Đây là chi phí nhà đầu tư phải trả ngay từ đầu khi mà đầu tư vào quỹ, hay còn gọi là Phí Gia NhậpPhí Rút Vốn.

Đầu tư quỹ không phải như đầu tư chứng khoán, nếu ta cứ mua vào bán ra liên tục thì sẽ bị chi phí ăn mòn hết thành quả. Các quỹ áp đặt mức phí cao như này là để hạn chế mua bán, tại vì khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ là quỹ phải đi mua lại số chứng chỉ quỹ đó từ nhà đầu tư, họ bắt buộc phải bán cổ phiếu để lấy tiền trả cho nhà đầu tư. Nó làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cũng như danh mục đầu tư của quỹ. Cho nên nhằm hạn chế việc mua-bán liên tục họ phải đặt mức chi phí cao.

2. Chi phí hoạt động

Là các chi phí phát sinh từ việc quản lý danh mục đầu tư của quỹ, các chi phí này được thể hiện dưới dạng % của tổng tài sản mà quỹ đầu tư này đang quản lý. Các nhà đầu tư không trực tiếp trả khoản chi phí này mà nó sẽ được trả thông qua việc giảm giá trị của danh mục đầu tư. Và lưu ý rằng, nếu quỹ hoạt động thua lỗ thì họ vẫn lấy phần chi phí này.

Ở trang 45 của bản điều lệ quỹ của quỹ VCBF-BCF có đề cập:

  • Phí dịch vụ quản lý quỹ: 1,9% NAV /năm
  • Dịch vụ ngân hàng giám sát: 0,04% NAV /năm
  • Dịch vụ lưu ký: 0,04% NAV/năm
  • Phí quản trị quỹ: 0,04% NAV/năm
  • Và các loại phí khác

Một số quỹ khác trên thị trường họ quảng cáo mức phí tầm 1,9%/năm mà thôi, các nhà đầu tư nếu đọc trên website thì rất dễ bỏ qua các thông tin này. Nên nếu muốn đầu tư vào quỹ thì hãy đọc thật kỹ bản điều lệ quỹ của họ để nắm rõ số chi phí mà mình sẽ phải chi trả.

3. Phí càng thấp càng tốt

  • Tôi có 100.000.000 VNĐ đầu tư cho mỗi quỹ.
  • Có 3 quỹ trên thị trường tạm gọi là A, B và C.
  • NAV bây giờ là 10.000 đồng mỗi chứng chỉ quỹ.
  • Tăng trưởng của mỗi quỹ đều như nhau là 10%/năm
  • Chi phí quỹ A là 1%, B là 1,5% và C là 2%. Tạm thời ví dụ là như vậy bởi tôi không có khả năng xác định được chính xác chi phí của các quỹ mở tại Việt Nam.
  • Bỏ qua chi phí gia nhập.

Số tiền đầu tư vào quỹ A sau 1 năm sẽ tăng lên thành 110.000.000, NAV lúc này sẽ là 11.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Tỷ suất sinh lợi của tôi là 10%. Nhưng do chi phí quỹ A là 1%, nên nó chỉ tăng trưởng thật sự có 9%. Là 1 triệu sẽ được trừ ra khỏi quỹ này, cuối cùng tôi chỉ còn lại 109.000.000 đồng, và NAV sẽ là 10.900đ/chứng chỉ quỹ.

Như ta thấy, chi phí của 3 quỹ chỉ chênh lệch nhau có 0,5% thôi nhưng về lâu dài thì lợi nhuận mà ta có được từ mỗi quỹ sẽ cách biệt ngày càng lớn.

Đó chỉ là ví dụ về việc tác động của chi phí đến thành quả đầu tư. Tôi không khuyên rằng chúng ta nên đi tìm các quỹ nào mà thu phí thấp để đầu tư trong thực tế, tại vì chưa chắc tỷ suất sinh lợi sẽ cao. Nhưng, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm về ETF, quỹ mô phỏng chỉ số theo danh mục thị trường. Chi phí thấp, tôi nghĩ tầm 0,5% NAV, và lợi nhuận cũng sẽ thấp nhưng các ETF này phân bổ danh mục dàn trải nên rủi ro của danh mục sẽ nhỏ nhất có thể.


“Tại sao không đầu tư quỹ mở cho an toàn?”

Khi mà cuộc sống bộn bề lo trăm ngàn thứ, nhiều người chọn quỹ mở để đầu tư vì lý do an toàn, và có người đứng ra quản lý dùm hết tất cả mọi thứ trong khi đó ta chỉ việc nộp tiền vào thôi.

Nếu tôi nói không nên đầu tư vào quỹ mở thì khả năng nhiều người sẽ giãy nãy lên và từ chối việc đầu tư cổ phiếu tự thân. Với họ, việc đầu tư cổ phiếu bằng chính đôi tay nó rất rủi ro, nó khó khăn, lo sợ cổ phiếu rớt giá, rồi nghe người bạn bảo đầu tư cổ phiếu luôn thua lỗ, thị trường này rất đen tối, lừa lọc… Đầy những thứ không chắc chắn. Chính cái tâm lý như vậy đã đẩy nhiều người vào việc đầu tư quỹ mở vì nó nghe: chắc chắn, an toàn, hoàn toàn tự tin vì dù sao họ cũng là công ty lớn, yên tâm hơn rất nhiều khi tự đầu tư.  

Sự thật là, quỹ mở cũng như một nhà đầu tư bình thường. Cũng có lúc đầu tư thua lỗ, cũng có lúc lời, nhưng họ lại chịu áp lực rất lớn từ nhà đầu tư.

Ví dụ như quỹ VCBF-BCF, tài sản ròng của quỹ tăng mạnh đầu năm 2018 do các nhà đầu tư lao vào đầu tư chứng khoán, và đầu tư vào các quỹ đầu tư

Đây là lý do tại sao tôi lại nói rằng lợi nhuận trong quá khứ không phải thước đo chỉ báo lợi nhuận trong tương lai.

Khi các nhà đầu tư bị lôi kéo bởi tỷ suất sinh lợi trong quá khứ, như năm 2018, họ hình dùng rằng trong tương lai quỹ VCBF-BCF này cũng sẽ gặt hái được nhiều lợi nhuận như vậy cho họ. Và khi mà quỹ hoạt động không được tốt, thị trường chứng khoán giảm điểm liên tục từ quý 1-2018, thì các nhà đầu tư rút vốn của mình, tài sản ròng của quỹ sụt giảm.

*Dữ liệu trên là tôi làm cho bài viết sắp tới về quỹ đầu tư VCBF-BCF của tôi, tôi dự định sẽ đi tìm hiểu tình hình đầu tư của các quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam hiện nay như thế nào, dòng vốn vô hay ra… nhưng thời gian lại không có nhiều để viết bởi vì việc tìm kiếm số liệu và phân tích hơi phức tạp.

Có một mục mà tôi rất quan tâm đó chính là Lưu Chuyển Tiền Thuần từ hoạt động tài chính trong bảng báo cáo lưu chuyển dòng tiền. Mục này nó phản ánh dòng tiền thu được từ phát hành chứng chỉ quỹ và tiền mua lại chứng chỉ quỹ khi nhà đầu tư bán lại cho quỹ.

Không quá khó để hiểu tâm lý nhà đầu tư, khi mà thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm, sau đó giá trị tài sản ròng của quỹ teo hẹp, NAV/CCQ ngày càng giảm, các nhà đầu tư ngày càng bất mãn khi đầu tư vào quỹ mở nên đã bán rút tiền về.

Hiện tại, tôi không biết chỉ có mỗi VCBF-BCF có tình trạng này hay là các quỹ 100% Equity hay Balanced hay Bond Funds đều như thế này, tôi sẽ cập nhật sau.


Quay lại cái tâm lý con người. Khi mà nói về đầu tư chứng khoán hay làm bất cứ thứ gì trên đời, chúng ta đều một sự chắc chắn, muốn những thứ đơn giản, dễ hiểu và thoải mái khi thực hiện nó.  Nhưng thực tế không quan tâm đến những điều đó. Tương lai là một thứ không ai biết, quyết định đầu tư hoàn toàn khó khăn, rủi ro ở trên thị trường này luôn rình rập bất cứ lúc nào cho dù là đầu tư cá nhân hay là quỹ đi chăng nữa. Đó là thực tế mà ai cũng phải trải qua.

Cũng là lý do tại sao những người mới đầu tư chứng khoán họ luôn luôn đi hỏi những câu hỏi như: “Con A này qua tháng sau liệu tăng lên bao nhiêu?”, “Tình hình này thì 2 tháng sau sẽ lời hay lỗ?”, “nhận định dùm em con B trong năm nay sẽ như thế nào?”… Những câu hỏi ngây ngô, muốn sự chắc chắn trong đầu tư, và những lời khuyên phía sau đó mang tính miễn phí nhưng để lại hậu họa khôn lường.

Thời điểm chứng khoán đầu năm 2018 tăng mạnh cũng là lúc kéo theo nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường, bởi vì họ thấy dễ dàng quá, mua là trúng, đầu tư dễ vậy mới thích chứ khó khăn, hôm nay mua mai lỗ thì ai mà “chơi”? Đó cũng là lúc cả đống người ập vào mở tài khoản đầu tư.

Cũng giống như nhiều người đầu tư vào các quỹ mở khi thị trường cổ phiếu tăng mạnh, rồi lại mau chóng bán đi khi thị trường sụt giảm, rồi khi thị trường tăng lại đâm đầu vào, cứ thế lập đi lập lại tới lúc hết tiền. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn là vấn đề đau đầu với các quỹ đầu tư. Đầu tư với các khách hàng này rất khó, chỉ có khách hàng trung thành đi cùng quỹ tới cùng mới dễ nói vì họ hiểu cơ chế thị trường. Trong khi đó, mỗi khi đầu tư thua lỗ là những cá nhân này đè quỹ ra mà chê trách. Bởi vì họ không hiểu đầu tư chứng khoán là gì nên mới có suy nghĩ như vậy.

Đầu tư với họ là những phi vụ chóng vánh, mau mau lấy tiền để đi đầu tư tiếp cái khác, cứ thế chạy theo xanh đỏ. Cho nên khi nói chuyện đầu tư chứng khoán với ai tôi rất dè dặt, bởi vì có những thứ họ không hiểu, mà cho dù tôi có cố gắng giải thích thì cũng sợ rằng họ sẽ không hiểu.


Lời kết: Có nên đầu tư quỹ mở ở Việt Nam?

Bài viết cũ 02/2019 về chủ đề này tôi để một tựa đề rất sốc là: “Đầu tư quỹ mở – sáng mở mắt thấy mất tiền” thực chất là đề cập đến việc chi phí tác động rất nhiều đến thành quả đầu tư. Chứ không phải là đầu tư vào quỹ sẽ thua lỗ.

Trong quá khứ tôi cũng viết một bài không nên đầu tư vào quỹ mở tại Việt Nam hồi tháng 03/2018 trong lúc thị trường đang nóng và có khả năng giảm mạnh.

Và trong 2 bài viết này tôi đã sử dụng nhiều từ ngữ hàm ý chê bai những nhà quản lý quỹ, tôi thực sự xin lỗi điều đó vì tôi nông cạn và thiếu hiểu biết. Có thể bài viết này cũng có sai sót chỗ nào đó mà tôi trong hiện tại không nhận ra được, mà chỉ có thể trong tương lai khi tôi tìm hiểu thêm, hiểu biết rộng ra tôi sẽ quay lại cập nhật.

Quay lại câu hỏi: “Có nên đầu tư quỹ mở ở Việt Nam” thì câu trả lời sẽ không thể chung chung được vì mỗi nhà đầu tư có một kế hoạch đầu tư khác nhau, người ngắn hạn, người dài hạn, vì vậy tôi sẽ để lại cho cá nhân nhà đầu tư trải nghiệm bởi không có một công thức chung cho tất cả mọi người, nó là tài chính cá nhân chứ không phải tài chính…cộng đồng.

Thời điểm tháng 03/2018 tôi viết bài không đầu tư quỹ mở, cho tới bây giờ thì nhận định đó là đúng. Nhưng còn bây giờ tới tương lai thì sao? Thật sự tôi không biết được.

Riêng tôi, tôi cho rằng dù nhà đầu tư cá nhân nào thì cũng nên có đầu tư quỹ mô phỏng ETF trong danh mục đầu tư của họ. Việc đầu tư phân bổ vào danh mục thị trường sẽ làm giảm thiểu rủi ro của danh mục đầu tư, và về dài hạn còn có thể mang lại tỷ suất sinh lợi nhiều hơn các quỹ chủ động.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭