Để đọc và hiểu một cuốn sách

Hiểu được nội dung sách, không chỉ những sách thông thường mà còn cả cuốn sách vượt “tầm”.

Có hai kiểu người đọc sách: tiếp thu kiến thức và thưởng thức. Dù là kiểu người nào đi nữa thì cái quan trọng nhất đó chính là hiểu được suy nghĩ của tác giả thông qua những con chữ. Số lượng sách tôi đọc trong 1 năm khoảng 12 cuốn, tức trung bình mỗi tháng là một cuốn. Với những cuốn “trình” cao thì thời gian dành cho nó dài hơn, bởi vì tôi đọc sách không chỉ đơn thuần đọc là xong mà còn phải đi tìm hiểu những thứ liên quan đến nó.

Đọc một cuốn sách không có nghĩa là ta phải biết hết tất cả mọi thứ trong đó, cách tốt nhất là ta hiểu được cuốn sách đó nói về cái gì, không cần phải hiểu hết và nhớ hết tất cả mọi thứ. Đời quá ngắn ngủi, số sách cần phải đọc còn rất nhiều, đừng nên tốn thời gian để ghi nhớ tất cả mọi thứ.

Phá bỏ tư duy trường lớp

Thầy cô trên lớp khi giảng dạy về một sự kiện hay bài văn nào đó thường hay đặt các câu coi như: “Năm đó là bao nhiêu?”, “Nhân vật đó tên gì?”, “Tiêu diệt được bao nhiêu địch?”… Các câu hỏi này không hề đóng góp tí nào trong việc chứng minh rằng ta có biết hay quan tâm gì về vấn đề đó hay không mà nó chỉ chứng minh một việc duy nhất đó chính là: ta có đọc qua cuốn sách đó. Ta nên bỏ cái tư duy đó đi. Chúng ta đọc sách là vì chính bản thân chúng ta chứ không phải vì ai khác, không nên đọc vì các thầy cô giáo trên trường, hay vì một ai đó. Tuy nhiên nếu còn đi học mà làm như này thì đảm bảo sẽ sống không bằng chết.

Như trong cuốn Devil take the hindmost, bong bóng hoa tulip xảy ra vào năm bao nhiêu, South-Sea là năm bao nhiêu, gây thiệt hại bao nhiêu, giá cả thế nào, tên tuổi cá nhân nổi bật… tôi không hề nhớ mấy chi tiết đó. Cái tôi quan tâm duy nhất là cái tâm lý của đại đa số người dân trong cơn bong bóng đó đã hóa rồ lên thế nào và các thủ đoạn tinh vi mà các tổ chức đã dùng để thao túng giá cổ phiếu. Hết.

Nói thẳng nói thật luôn là trong bài viết về các bong bóng tôi từng đăng, tôi còn phải đi mò lại ngày tháng năm, tên tuổi các thứ linh tinh vì làm quái gì có thể nhớ được mấy thứ đó. Quên hết các thứ lung tung: ngày tháng, năm, tên… đi vì nó không giúp ích gì cho chúng ta trong việc tiếp nhận thông tin cả, nó chỉ giúp trong những trường hợp muốn viết về nó như tôi đang viết blog này.

Chọn sách mà ta có thể mang ra áp dụng ngay

Một trong những cách cải tiến khả năng hấp thụ thông tin từ sách đó là lựa những cuốn sách mà ta có thể vận dụng các ý tưởng trong lúc đọc và mang nó ra thực hành ngay lập tức. Nếu ta đang có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, thì chắc chắn ta đang hừng hực động lực để mà “hấp thụ” hết toàn bộ các điều quan trọng trong cuốn Khởi nghiệp với $100.

Tất nhiên không phải cuốn sách nào cũng mang ra thực hành được. Nhưng không sao, ta có thể tìm kiếm tri thức ở các cuốn sách khác. Ví dụ như những cuốn sách hướng dẫn về đầu tư chứng khoán đang bán trên thị trường hoàn toàn không giúp gì cho ta trong việc đầu tư, cái ta nên tìm hiểu là về tâm lý con người và hiểu rõ hơn về cảm xúc của ta.

“You will never maximize your wealth unless you can optimize your mind.”

– Jason Zweig, Your Money & Your Brain.

Đọc review trước khi đọc sách

Còn gì tiện lợi hơn khi có hơn chục người ngồi viết tóm tắt cho ta xem. Từ những bài review đó ta có thể đúc kết được nội dung trong cuốn sách đó nó mang lại ý nghĩa gì cho từng người đọc khác nhau ở các góc nhìn khác nhau và cuối cùng ta có thể hiểu được ý nghĩa của nó, ít nhất là một góc nào đó. Có người khen thì cũng sẽ có người chê, ta cứ bỏ thời gian đó ra đọc.

Tuy nhiên có một cái lưu ý đó là: đừng nên đọc review trên mấy trang bán hàng như Tiki… những review đó đa phần review về sản phẩm tốt, giấy tốt, giao hàng nhanh, ai ai cũng rate 5 sao vào cuốn sách đó làm nó lên top tháng, chưa kể những review dạng vô thưởng vô phạt kiểu như này:

Cái đó là cái gì? Ngộ ra cái gì? Khuyết điểm bản thân là cái gì? Đừng bao giờ phí thời gian với những review như thế này. Ta cứ lên thẳng Google hoặc GoodReads gõ review cuốn sách đó, chuẩn bị sẵn 2 bản: một cái khen, một cái chê để tổng hợp lại. Cuối cùng rút ra nhận xét của bản thân trước khi đọc cuốn sách đó. Như vậy, quá trình đọc của ta sẽ dễ dàng hơn vì chúng ta đã hiểu khái quái nội dung.

*Nó giống như kiểu đi ra quán cà phê ở quận 1 chơi nên xem bản đồ đường đi trước chứ không phải để tới nơi chạy loạn hết lên mò mẫm tìm đường.

Tra Google, Wikipedia

Đọc sách với tôi không chỉ đơn giản cầm sách lên rồi đọc cho tới hết rồi gấp lại. Có những trích dẫn của tác giả về tài liệu mà họ tham khảo (không có ở sách tiếng Việt) mà ta có thể lên mạng đọc để biết thêm, hay lúc giới thiệu một cuốn sách nào đó mà họ khuyên đọc… Hoặc khi gặp một thứ gì đó vô cùng lạ lẫm và khó hiểu như: “A 12-Inch Tri-Ply (Laminated) Straight-Sided Lidded Sauté Pan” trong The Food Lab, “Straight-Sided Lidde Sauté Pan” là cái quái quỉ gì? Đó là lúc tôi đặt cuốn sách xuống và đi lên Google. Tôi có cảm giác như đi nghiên cứu hơn là chỉ đọc cuốn sách đó.

Skillet và Sauté Pan

Và tôi biết một điều rất thú vị đó là mặc dù nó tên là Sauté Pan nhưng mà cái phù hợp nhất để Sauté đó chính là dùng cái Skillet chứ không phải Sauté Pan.

Và vì công đoạn này phức tạp nên lúc nào cũng phải kè kè bên cạnh cái máy tính để tìm, chứ không là không tài nào hình dung được tác giả đang nói tới cái gì.

Với sách tiếng Anh, luôn cần từ điển

Tôi đọc sách tiếng Anh thường xuyên, nhưng tôi lúc nào cũng cần phải có từ điển bên cạnh. Bởi vì số lượng từ mới rất nhiều, và đôi khi cũng là một từ tôi đã gặp qua nhưng mà ý nghĩa của nó trong câu thì là hoàn toàn khác so với nghĩa gốc của chính nó.

Ví dụ:

“We simply don’t expect to find this kind of dedication and commitment from employees…”

Barry Schwartz, Why we work.

*Dedication = the willingness to give a lot of time and energy to something because it is important.

*Commitment = a willingness to give your time and energy to something that you believe in.

Mặc dù có thể chúng ta đã biết nghĩa của từ trong tiếng Việt, và khi gặp lại chúng ta vội vàng áp cái nghĩa đó vào câu, nhưng nếu có thể rãnh một vài giây nào đó thì ta nên tìm hiểu từ này xem ý nghĩa của nó thế nào.

Có một thời gian tôi đọc sách tiếng Anh rất máy móc. Tôi thấy một từ khá lạ nhưng lại lười biếng tra từ điển, thay vào đó tôi đọc hết câu và tự đoán ra nghĩa của từ đó. Có thể nhiều người cũng làm vậy, và thấy khá là tự hào với trình độ tiếng Anh của bản thân. Nhưng làm điều đó thật là sai lầm và tai hại.

Cho đến khi tôi đọc được đoạn này trong cuốn: Verbal Advantage: 10 Steps to a Powerful Vocabulary.

“Đừng bao giờ “đọc bừa” những từ mà bạn không biết hoặc nghĩ rằng bạn có thể đoán ra nghĩa của nó dựa trên ngữ cảnh. Bỏ qua một từ mà bạn nghĩ rằng bạn biết nó bởi vì bạn đã nhìn thấy từ đó một hoặc hai lần trước đó (hoặc bởi vì bạn có thể đoán được nghĩa của cả câu là gì) là một thói quen xấu có thể gây bất lợi cho vốn từ của bạn sau này.

Xui thay, nhiều người lại hay đọc bừa mà không hề nhận ra điều đó. Tôi thậm chí đã thấy lo lắng khi gặp nhiều người mà họ cảm thấy tự hào về việc có thể nhận biết được ý nghĩa của cả đoạn văn mà không cần biết ý nghĩa chính xác của những từ trong đó. Cái đó gọi là “ảo tưởng sức mạnh”.

Cái hành động này không được gọi là do thông minh mà ra; mà nó là biểu hiện của sự lười biếng. Chưa kể, hậu quả của việc đoán mò ý nghĩa của từ có thể vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, bạn đã tự huyễn bản thân về việc am hiểu ngôn ngữ đó, và cái thứ hai đó chính là độ sai lệch quá lớn, bạn sẽ thường xuyên đoán sai hơn là đoán đúng.”

Từ điển thì có đầy trên mạng, nhưng tôi hay sử dụng từ điển Cambridge bởi vì hệ thống từ điển đồ sộ, giải thích đầy đủ nghĩa, cung cấp giọng đọc Anh và Mỹ và nhiều ví dụ trong câu.

Từ điển tiếng Việt của HelloChao, vì có nhiều ví dụ về từ trong câu đã được dịch sang tiếng Việt.

Một trang web khác là Definr mà tôi hay sử dụng để xem nghĩa của một từ với nhiều cách áp dụng mà có thể trên Cambridge không có.

Highlight, ghi lại những nội dung quan trọng có thể tìm kiếm được

Tôi hay đánh dấu những trang có nội dung quan trọng, và đánh dấu lên những trang nào cần lấy ý tưởng để viết blog. Hay danh mục sách mà tác giả đề cập đến. Việc mua sách về là để phục vụ nhu cầu đọc nên tôi không ngại trong việc “phá” nó.

Thói quen khi đọc sách của tôi là sau khi highlight đoạn quan trọng đó thì ghi lại nó vào đây: https://github.com/vhoanghac/BookNotes – tập hợp các trích đoạn hay câu văn đã tổng hợp hơn 1 năm mà tôi cho là có ý nghĩa để sau này tham khảo lại hay là dùng làm tư liệu để viết bài. Việc tìm lại cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều vì chỉ việc vào mục đó bấm CTRL+F rồi gõ chữ là xong.

Hãy số hóa tài liệu bằng cách lưu vào các phần mềm hay dịch vụ tương tự để dễ dàng tìm kiếm nhằm tiết kiệm thời gian hơn: Evernote, OneNote… Cho dù có đang đọc Ebook, sách giấy hay trên Kindle đi chăng nữa. Ngoài ra, với các bài viết hay từ các blogger khác trên mạng, tôi sử dụng ứng dụng GetLiner trên trình duyệt để Highlight nội dung đó. Những gì tôi vừa highlight sẽ được lưu lại trong một danh mục để tôi có thể tìm đọc lại nhanh chóng và có thể truy cập ở cả máy tính và điện thoại.

Mindmap

Một cách để kiểm tra việc đọc sách đó là sau khi đọc nó xong ta ngồi viết tóm tắt về cuốn sách đó thật ngắn gọn những gì mà ta hiểu về nó. Việc này có cái lợi đó chính là chúng ta biết mình hiểu được bao nhiêu từ cuốn sách. Thay vì kéo hết từ trang này tới trang nọ, viết những gì ta hiểu ra thì việc tiếp thu cuốn sách đó sẽ dễ dàng hơn nhiều vì bây giờ cái ta đang nhìn là những ý chính và những suy nghĩ của ta về nó chứ không phải là toàn bộ chữ trong cuốn sách.

Ví dụ như cái Mindmap Năng đoạn kim cương mà tôi đang đọc đây. Tôi vẽ ra để nắm các ý chính mà tôi đã hiểu trong cuốn sách, và các ghi chú để sau này tôi viết một bài về nó.

Cả phần hai của cuốn sách được gói gọn chỉ trong có nhiêu đó theo một cách thật dễ hiểu nhất (tôi cho là vậy).

[su_divider top=”no” style=”dotted” size=”8″]

Một số sẽ thấy phức tạp khi làm những việc như này, nhưng để hiểu sâu và lâu nội dung trong sách thì đây là những việc mà ta cần phải làm. Cho dù là đọc sách thưởng thức đi chăng nữa, ta vẫn cần phải ghi lại suy nghĩ của mình sau khi đọc cuốn sách đó. Nếu vài năm sau đọc lại rồi nhận ra rằng suy nghĩ mình đã khác với hồi xưa, đã tiến bộ hơn rất nhiều thì đó là một điều tốt. Và việc tôi đang viết blog đây cũng nhằm mục đích như vậy. Suy nghĩ rồi cũng sẽ thay đổi theo thời gian, thời gian càng dài thì nhận thức của chúng ta sẽ “nâng-lên-một-tầm-cao-mới”.

Bạn phải viết, viết, viết ra những gì đang suy nghĩ. Phải xuất nó ra ngoài. Đừng để nó nằm trong đầu vì một ngày nào đó bạn cũng sẽ quên nó thôi.

Việc đọc một cuốn sách sẽ không hoàn toàn thay đổi cuộc đời của chúng ta, thậm chí cho dù cuốn sách đó có hay đến thế nào đi chăng nữa. Mục đích chính của việc đọc sách ở đây chính là trở nên thông thái hơn một chút mỗi ngày, cho dù chỉ là 1%.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


2 responses

  1. Cảm ơn Hạc vì đã cho mình thu lượm thêm được một kênh khá quan trọng để note lại sách là Github, đó giờ mình không để ý thật sự mà có thể làm việc đó với Github luôn ấy. Tụi mình cũng có thể đánh dấu những sách đã đọc bằng Goodreads và nhận review ở trang đó, nó sẽ bao gồm tiêu cực và tích cực. Cảm ơn Hạc và mong rằng bạn sẽ tiếp tục cập nhật bài viết mới nhé.

    1. Cảm ơn bạn. Mình cũng dùng Goodreads bằng tài khoản Amazon nhưng mà đa số sách mình đọc là sách giấy nên không thể sync lên goodreads như đọc trên kindle được nên mới dùng github. Goodreads mình dùng chủ yếu là đọc các review vì dù gì thì đây cũng là cộng đồng review sách có tiếng.
      Mà mình nghĩ ít người dùng github để note lắm, tại vì trông hơi dị dị, nhưng mà được cái là ai cũng có thể đọc được mà không cần phải share như các app note khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *