Vô tình dạo voz và chứng kiến cuộc tranh luận giữa hai bên về vấn đề: đầu tư ETF và gửi tiết kiệm lâu dài, cái nào lợi hơn? Tất nhiên, chia hai phe tranh luận thì phải có phe đúng và phe sai. Nhưng nếu tôi nói cả hai đều đúng thì bạn đọc thấy thế nào?
Trong đầu tư, có điều tưởng đơn giản nhưng thực chất lại phức tạp.
Rất khó để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa “tôi đầu tư sai dẫn đến thất bại” và “phân tích của tôi là đúng nhưng tôi không gặp may”
Warren Buffett từng nói một câu:
“It’s good to learn from your mistakes. It’s better to learn from other people’s mistakes.”
Không rõ câu nói nổi tiếng trên được nói trong hoàn cảnh nào nhưng quả thật tôi thấy điều này nói dễ hơn làm.
Tôi nghĩ rằng ai sống trên đời này cũng đã một lần chạm tay vào cái nồi trên bếp, hoặc ít nhất là nhìn thấy người khác chạm tay vào cái nồi. Ngay thời điểm đó, chúng ta biết rằng chạm tay vào cái nồi là sai. Bài học rút ra là không nên chạm vào cái nồi trên bếp.
Đầu tư không giống như chạm tay vào cái nồi. Ta không thể nào học được từ sai lầm trừ khi bản thân ta biết được chính xác cái sai lầm đó là gì.
Quay lại vấn đề tranh luận giữa: đầu tư ETF và gửi tiết kiệm. (Vì dữ liệu lãi suất ngân hàng liên tục biến động nên tôi thay thế bằng dữ liệu của quỹ mở trái phiếu TCBF)
Tại quãng thời gian này ta có thể nhận biết được bên nào đúng, bên nào sai dựa trên giá trị tổng tài sản. Nếu đang sống tại thời điểm này thì không có gì bàn cãi khi tôi công nhận rằng đầu tư ETF lời hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.
Nhưng trong đầu tư thì không có gì đảm bảo cả.
Việc lựa chọn đầu tư vào ETF có phải là sai lầm không? Hay ta có thể biện minh rằng: Danh mục ETF này có tiềm năng tăng trưởng tốt nhưng mà do bị gặp xui nên nó giảm?
Chúng ta tiếp tục câu chuyện với thị trường đầu năm 2022 khi ETF chiến thắng:
Và thời điểm hiện tại khi gửi Tiết Kiệm chiến thắng:
Việc tranh luận giữa đầu tư ETF và gửi Tiết Kiệm sẽ không bao giờ có hồi kết tại vì có thời điểm thị trường giảm và có thời điểm thị trường tăng. Tranh luận cái đúng, cái sai ở đây nó chỉ mang tính thời điểm. Năm nay sai nhưng không có nghĩa rằng năm sau cũng sẽ sai.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết được tỷ lệ thành công của khoản đầu tư. Cái duy nhất chúng ta có thể làm là suy đoán:
- Chúng ta ra quyết định sai lầm và nghĩ rằng mình bị xui xẻo.
- Chúng ta ra quyết định đúng nhưng kết quả không như mong muốn. Cho rằng mình đã ra quyết định sai nên từ bỏ cuộc chơi.
Rất khó để có thể biết được chính xác liệu đó có phải là sai lầm hay không để chúng ta có thể học được từ nó. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp.
Bản thân tôi từ khi viết blog này luôn sử dụng dữ liệu của quỹ mở trái phiếu TCBF thay cho dữ liệu gửi tiết kiệm ngân hàng bởi vì tôi nghĩ nó an toàn và có nhiều dữ liệu để tôi phân tích dài hạn hơn các quỹ khác. Như trong bài viết phương pháp tái cân bằng danh mục.
Cho đến hôm nay thì tôi mới nhận ra rằng những gì tôi từng nghĩ nó không còn phù hợp với hiện tại.
Hiện tại báo chí đăng tải thông tin liên tục về sự kiện này kèm theo lời khuyên cho các nhà đầu tư không nên bán tháo. (Backup: https://archive.ph/d7RNa)
Link tải báo cáo phân tích TCBF: Bản gốc từ TCBF, bản sao lưu.
“…Trong một số trường hợp, để có nguồn mua lại chứng chỉ quỹ, các công ty quản lý quỹ phải hạ giá bán trái phiếu trong danh mục. Điều này gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ.
Chưa dừng lại ở đó, việc các trái phiếu xác lập giá thị trường thấp sẽ khiến cho các trái phiếu còn lại trong danh mục của các quỹ đầu tư bị định giá thấp tương ứng (theo nguyên tắc market-to-market). Điều này dẫn đến tổng giá trị danh mục giảm đáng kể và kéo theo giá mỗi chứng chỉ quỹ sụt giảm tương ứng.”
Nguồn: VnEconomy (https://vneconomy.vn/co-nen-ban-thao-chung-chi-quy.htm)
Sự kiện này đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhiều nhà đầu tư và tôi cho rằng thế hệ các nhà đầu tư này sẽ không bao giờ đầu tư vào quỹ mở trái phiếu nữa. Đối với họ, chắc chắn sẽ không có gì tốt bằng gửi tiết kiệm ngân hàng.
“What you should learn when you make a mistake because you did not anticipate something is that the world is difficult to anticipate. That’s the correct lesson to learn from surprises – that the world is surprising.”
Daniel Kahneman
Khi mắc một sai lầm nào đó trong đầu tư, chúng ta liền tìm cách sửa chữa sai lầm ấy (nếu chúng ta xác định rõ ràng sai lầm đó là gì). Nó có nghĩa rằng chúng ta sẽ làm tốt hơn nếu trường hợp tương tự xảy ra.
Nhưng quả thực thế giới đầy sự bất ngờ. Chúng ta có phòng thủ như thế nào đi chăng nữa thì những thứ ảnh hưởng đến chúng ta nhất chính là những thứ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới.
Cho dù tôi có nằm mơ đến thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không bao giờ nghĩ tới chuyện nhà đầu tư bán tháo trái phiếu TCBF như thế này. Nó không còn là quản trị rủi ro đơn thuần nữa mà là quản trị những rủi ro mà chưa ai biết đến bao giờ. Có lẽ tôi nên nhìn nhận việc người ngoài hành tinh tấn công Trái Đất cũng là một khả năng có thể xảy ra.
“Anything that can go wrong will go wrong.”
Murphy’s First Law
Thị trường giảm mạnh, chúng ta có SCB và Vạn Thịnh Phát, chủ doanh nghiệp vay nợ chơi chứng khoán, nhà đầu tư bán tháo chứng chỉ quỹ mở trái phiếu TCBF… Như định luật Murphy, biết đâu chúng ta sẽ đón tiếp một cú “trời giáng” nào đó trong năm nay.
*Vì đang trong quá trình tìm lại cảm giác viết bài sau khi bỏ bê cả năm nên bài viết này ngắn… chủ yếu để tôi lấy lại động lực viết.
Leave a Reply