Kỳ vọng giá vàng tăng

1. Ngẫm

Là một người “long” vàng từ hồi giá vàng 35 triệu/lượng, tháng 5 năm 2019 nên có thể nói rằng một vài (hoặc tất cả) quan điểm của tôi trong bài viết đều là “bullish” về giá vàng. Tuy nhiên, mục đích viết bài này là tôi muốn ghi lại quan điểm, nhận định của cá nhân mình trong thời điểm hiện tại và để sau này vài năm sau lục lại coi có đúng không, hay để xem sau này mình có tiến bộ hơn hiện tại không.

Bài viết được chỉnh sửa, cập nhật lại từ một bài đăng cũ hồi đầu tháng trên một diễn đàn do bài cũ viết khá vắn tắt và sơ sài về quan điểm của tôi.

Bắt đầu từ lúc giá vàng sụt giảm mạnh khi có tin nước Nga chuẩn bị “ra mắt” vắc-xin chữa COVID-19, sau đó là SJC thao túng giá vàng… tất cả mọi nhận định lúc đó đều là do có tin tốt về vắc-xin chữa bệnh, khiến nỗi lo lắng của các nhà đầu tư biến mất…

Tuy nhiên, đối với tôi việc giá vàng giảm chỉ là do tín hiệu kỹ thuật, là kết quả của việc “chốt lời” và tâm lý kỳ vọng rằng bệnh dịch sắp được đẩy lùi. Đối với tôi, tôi cho rằng các sự kiện liên quan tới bệnh dịch nó chỉ là các yếu tố gián tiếp làm ảnh hưởng đến giá vàng. Tôi cho rằng chính lượng cung tiền trên thị trường mới chính là yếu tố nội tại tác động đến giá vàng.

Vì thế hướng quan sát của tôi là dựa theo lượng cung tiền và sự suy yếu của đồng Đô-la để nhận định về giá vàng.

Còn một điều nữa: Có nhiều người thích để ý đến giá vàng, thích đoán giá sẽ tăng bao nhiêu, lên mấy ngàn đô, rồi điều chỉnh về bao nhiêu bằng phương pháp phân tích kỹ thuật: đọc biểu đồ. Tôi không nói họ sai, chỉ có điều tôi không quan tâm đến việc giá vàng sẽ tăng đến $3000 hay $4000 một troy ounce hay là sẽ dao động quanh một mốc nào đó.


2. Các gói nới lỏng định lượng (QE)


Nới lỏng định lượng (tiếng Anh: Quantitative easing, viết tắt là QE) là một phương thức của ngân hàng trung ương để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu cùng những tích sản khác từ các ngân hàng thương mại hầu giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Về mặt lý thuyết thì như Wikipedia giải thích, đó là cách mà các ngân hàng trung ương “bơm” tiền vào nền kinh tế. Điều này sẽ làm:

  • Giá cổ phiếu, giá trái phiếu sẽ tăng.
  • Các ngân hàng có tiền, và họ sẽ đẩy mạnh cho vay.

Kết quả là:

  • Khi giá trái phiếu tăng, lợi tức sẽ giảm, đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ suy yếu và khả năng mức độ lạm phát sẽ tăng.
  • Lãi suất thấp sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, người tiêu dùng thì đẩy mạnh chi tiêu.
  • Giá của các tài sản, như chứng khoán và đất đai, sẽ tăng lên và làm nhà đầu tư (cảm thấy) giàu có hơn.

Tại Mỹ, thực tế thì:

Lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp 2%. Nhưng giá của các loại tài sản tài chính như nhà cửa đất đai, trái phiếu và chứng khoán lại tăng mạnh mẽ.

Nếu mọi thứ tiến triển tốt như mong đợi thì: Lạm phát vẫn được duy trì, ngân hàng bán trái phiếu để hấp thu lượng tiền mặt dư thừa trên thị trường, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng.

Nếu mọi thứ xấu đi: Thì sẽ gây nên tình trạng lạm phát kèm suy thoái (stagflation). Là một nền kinh tế mà có lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao, kinh tế trì trệ.

Khi COVID-19 “nổ”, hàng loạt doanh nghiệp tại Mỹ đã đệ đơn phá sản. Đầu tiên, COVID-19 “tấn công” các doanh nghiệp đã thực sự suy yếu trong năm 2019, có nghĩa rằng nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu suy yếu từ năm 2019, và COVID làm bộc lộ sự suy yếu đó ra. Làn sóng thứ nhất sẽ được tiếp nối bởi làn sóng thứ hai. Như năm 2008 hơn 8.000 doanh nghiệp đệ đơn phá sản, và năm 2009 tăng lên hơn 12.000.

Balance sheet của FED đã tăng từ 4,2 ngàn tỷ đô-la lên 7 ngàn tỷ đô-la bắt đầu từ cuối tháng 02 năm 2020, tăng trưởng hơn 66%.

Lượng cung tiền (M2) cũng gia tăng mạnh trong thời gian này.

Lợi tức của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng sụt giảm mạnh xuống còn 0,7%.

Đây là một trong những chỉ báo dùng để đo lường kỳ vọng về sự lạm phát. Vào đầu năm 2020, lợi tức trái phiếu ở mức 1,8% và kỳ vọng lạm phát trong năm được hình thành bởi yếu tố này. Tuy nhiên khi COVID-19 bùng phát đã khiến cho lợi tức trái phiếu giảm mạnh (giá tăng), nối liền tiếp theo đó là sự gia tăng của giá vàng, từ $1500 tăng lên hơn $1900 / troy ounce.

Vì thế, có thể nói rằng, việc giá vàng tăng chính là kết quả từ việc các nhà đầu tư kỳ vọng về lạm phát trong tương lai.


3. Sự suy yếu của đồng Đô-la

Việc thực hiện QE sẽ khiến cho đồng nội tệ của quốc giá đó bị mất giá, nôm na là tiền càng nhiều thì giá trị càng thấp.

Tôi có thể nói rằng: Giá vàng không tăng, mà là do tiền mất giá trị so với vàng.

Trong phần này, tôi sử dụng chỉ báo Dollar Index, là thước đo giá trị của đồng đô-la Mỹ so với các ngoại tệ khác. Và giá vàng XAU/USD để xem xét mối tương quan về sự biến động của Dollar Index và giá vàng.

Tôi muốn biết rằng, có thực sự giá vàng sẽ tăng khi đồng Đô-la mất giá và ngược lại không?

Dưới đây là 2 biểu đồ giá vàng và Dollar Index. Vùng màu xám là các quãng thời gian khủng hoảng, số liệu lấy từ FRED.

Nguồn: Investing.com

Kiểm định hệ số tương quan:

Việc kiểm định hệ số tương quan ở đây là để biết được rằng mối tương quan giữa hai biến có ý nghĩa hay không. Đó là nếu ta biết hệ số tương quan khác 0 nhưng không có nghĩa rằng mối quan hệ này có đủ độ tin cậy mang tính thống kê. Ta không biết rằng biến động của giá vàng là hoàn toàn ngẫu nhiên tạo thành hay là có lý do của nó.

Vì vậy tôi cần phải đi kiểm định giả thuyết, với giả thuyết không và giả thuyết nghịch như sau:

[katex]H_0: \rho = 0[/katex]

[katex]H_1: \rho \not = 0[/katex]

Với [katex]H_0[/katex] là hệ số tương quan sẽ bằng 0. Và [katex]H_1[/katex] là hệ số tương quan sẽ khác 0. Với mức ý nghĩa [katex]\alpha = 0.05[/katex]

Pearson's product-moment correlation

data:  Vàng and Dollar
t = -33.348, df = 5643, p-value < 2.2e-16
alternative hypothesis: true correlation is not equal to 0
95 percent confidence interval:
 -0.4273081 -0.3837177
sample estimates:
       cor 
-0.4057436

p-value < 2.2e-16, tại mức ý nghĩa 5%, tôi bác bỏ giả thuyết không không có mối tương quan và kết luận rằng mối tương quan giữa giá vàng và dollar index là khác 0, và có ý nghĩa.

Hệ số tương quan giữa Vàng và Dollar là -0,41. Có nghĩa là có mối tương quan ngược chiều với nhau nhưng ở mức trung bình.

Nếu dựa vào dữ liệu từ năm 1999 đến tháng 08 năm 2020, thì tôi tạm kết luận rằng biến động giá vàng và Dollar ngược chiều nhau. Khi giá trị của đồng Dollar suy yếu so với các ngoại tệ khác trong rổ Dollar Index thì lúc đó giá vàng tăng cao.

Để kiểm chứng rõ hơn, tôi xem xét mối tương quan ở quãng thời gian khác:

Thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu thì biến động của giá vàng và đồng đô-la là -0.54

Tương tự, năm 2019 khi giá vàng bắt đầu xu hướng tăng.

Vì vậy, tôi kết luận rằng sự suy yếu của đồng Đô-la là một trong những yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng và ngược lại.


4. Giá vàng tăng hàm ý điều gì

Nhìn lại biểu đồ giá vàng, ta thấy rằng giá vàng liên tục tăng trong quãng thời gian kinh tế tăng trưởng, điều chỉnh trong khủng hoảng, tăng trưởng kéo dài sau khủng hoảng 2009 và sụp đổ khi mà nỗi lo sợ về lạm phát do các gói QE của FED dần biến mất.

Một lượng lớn tiền (thanh khoản) được bơm vào các thị trường bởi các ngân hàng trung ương gây nên sự lo sợ về lạm phát. Các nhà đầu tư bây giờ có quá nhiều loại chứng khoán để đầu tư, việc thèm khát lợi nhuận (có rủi ro) thay vì an phận với các loại hình đầu tư mang lại sự an toàn (do lãi suất thấp) đã khiến các nhà đầu tư mạnh dạn hơn khi đầu tư vào các loại tài sản tài chính và ảo tưởng về lợi nhuận tương lai mà các cổ phiếu này mang lại và thế là giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng cao.

Hiện tại các ngân hàng trung ương không còn gì ngoài những gói QE để kích thích nền kinh tế, nếu trong ngắn hạn FED thực hiện tiếp một đợt nữa thì khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Chưa kể một điều đó là nền kinh tế Mỹ hiện tại đã ngập trong nợ, các doanh nghiệp liên tục vay nợ để hoạt động, trường hợp nhận biết rõ nhất đó chính là Hertz. Dự báo rằng nợ của Mỹ sẽ xấp xỉ 100% GPD vào năm 2030 nhưng ngay thời điểm tháng 6/2020 này thì số nợ đã tăng lên 20,53 ngàn tỷ đô, khoảng 106% GDP. Nó giống như một con bệnh, cho uống thuốc nhằm kéo dài thời gian hy vọng chữa được bệnh. Nếu ta có thuốc đúng thì tiếp tục duy trì cuộc sống, còn uống thuốc sau thì đổ bể. Lượng tiền trên toàn nền thế giới sẽ liên tục tăng, và điều đó đồng nghĩa rằng vàng sẽ có giá trị hơn nữa.

Tuy nhiên, với những nhận định trên không có nghĩa rằng không nên đầu tư (chứng khoán) Mỹ, mà ngoài ra cũng có thể xem xét đầu tư vào vàng, hoặc bitcoin (ít) để phân bổ danh mục thì đó không phải ý kiến tồi. Đó là hai thứ tôi có trong danh mục, và hiện tại vẫn chưa có ý định bán. Tôi là người e ngại rủi ro.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭