Liệu có phải đồng USD tăng thì giá vàng sẽ giảm?

Vì tôi có quan tâm đến giá vàng, nên hay đi dạo mạng và có bắt gặp các phân tích vẽ đường xu hướng của chỉ số DXY (Dollar Index – sức mạnh đồng đô la Mỹ), ví dụ như:

Tôi không nói họ sai, chỉ có điều đôi lúc tôi không hiểu được suy nghĩ của những traders sử dụng phân tích kỹ thuật.

Liệu hình mẫu trong quá khứ đó có thực sự lập lại, hay là do một yếu tố ngẫu nhiên nào đó nó tác động đến giá đồng USD khiến hình thành nên mô hình đó, hay thậm chí là làm chệch hướng phân tích khiến traders lại phải vẽ thêm một đường khác.

Nhưng mà vấn đề ngày hôm nay không phải là debate xem phân tích kỹ thuật có tác dụng hay không. Mà chủ đề là tôi quan tâm đến việc đồng USD nó tác động thế nào đến giá vàng.

Tôi muốn xem thử: Liệu việc USD tăng giá (chỉ số DXY tăng) thì có phải rằng giá vàng sẽ di chuyển ngược lại hay không?

Và, có nguyên nhân nào tác động đến biến động đó không?


Từ bài viết này tôi bắt đầu thêm các biểu đồ động vào bài viết, có thể tinh chỉnh để xem được chứ không còn là hình như trước nữa. (Chỉ có biểu đồ giá vàng và Dollar Index thôi)

Dữ liệu giá vàng và Dollar Index lấy tại trang investing.com
Dữ liệu lợi tức trái phiếu lấy từ FRED.


Đây là bài viết số 16. Mọi dữ liệu liên quan đến bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog


Đôi điều về bài viết cũ

Tôi từng viết một bài về mối tương quan giữa giá vàng và chỉ số Dollar Index tại Kỳ vọng giá vàng tăng | Võ Hoàng Hạc (vohoanghac.com)

Trong đó, tôi có nói về việc lượng cung tiền sẽ tác động đến giá vàng.

Và biểu đồ biến động giá vàng và chỉ số Dollar Index trong các đợt khủng hoảng và kèm phân tích mối tương quan giữa giá vàng và chỉ số Dollar Index:

Như toàn bộ quãng thời gian từ 1999 đến tháng 08/2020:

Hoặc là riêng lẽ năm 2008:

Và tôi kết luận trong bài viết đó rằng: Đồng USD là một trong những yếu tố tác động đến giá vàng. Bởi, giá vàng và chỉ số Dollar index có mối tương quan nghịch biến, có nghĩa rằng giá vàng và chỉ số Dollar Index di chuyển ngược chiều nhau.

Nhưng cái dở ở đây là tôi đã không xem xét biến động trong từng quãng thời gian, hay là biến động dưới những điều kiện thị trường khác nhau.

Tôi có khả năng là đã bỏ lỡ quan sát đối với từng chu kỳ như 3 tháng, hay nửa năm khi mà giá vàng và chỉ số Dollar Index có thể chuyển động cùng nhau, hay có những đột biến nào đó.

Quãng thời gian càng dài, thì những biến động ngắn hạn đó sẽ dễ dàng bị bỏ qua trong quá trình phân tích. Khi tôi tính mối tương quan từ năm 1999 đến tháng 08/2020 và có kết quả -0.41 của cả quá trình 20 năm. Tuy nhiên, có thể trong một quãng thời gian ngắn nào đó thì hệ số tương quan của giá vàng và chỉ số Dollar Index không dịch chuyển ngược hướng với nhau mà thậm chí có thể là di chuyển cùng nhau.

Nếu thật sự có những đột biến như vậy, thì tôi sẽ xem cái gì đã gây ra điều đó. Và cũng tiện thể đi ngược lại quá khứ, xem điều gì trong quá khứ đã tác động đến giá vàng.


Rolling Correlation

Thay vì tính hệ số tương quan của cả một quá trình mấy chục năm, nay tôi sẽ vẽ biểu đồ biến động của hệ số (rolling correlation) này từ năm 2000 đến tháng 01/2020.

Hệ số tương quan mà tôi tính sẽ là hệ số tương quan với chu kỳ 6 tháng (tương đương 180 ngày) giữa giá vàng và Dollar Index. Có nghĩa là tôi sẽ sử dụng dữ liệu của tháng 1 đến 6 năm 2000 để tính hệ số tương quan cho tháng 6 năm 2000. Và sử dụng dữ liệu tháng 2 đến tháng 7 để tính toán cho tháng 7 năm 2000.

Hình minh họa cho phương pháp này:

Và với việc chia nhỏ quãng thời gian ra để vẽ biểu đồ tôi có thể phát hiện các biến động của giá vàng và chỉ số Dollar Index qua các quãng thời gian khác nhau:

Ta thấy rằng trong xuyên suốt 20 năm qua, hệ số tương quan đa phần là số âm, chứng tỏ giá vàng và chỉ số Dollar Index hay di chuyển ngược chiều nhau và cho ra kết quả hệ số tương quan rơi vào tầm -0.41 (đường màu xanh biển)

Tuy nhiên, lại có những thời điểm hệ số tương quan là số dương, cả giá vàng và chỉ số Dollar Index đã có quãng thời gian di chuyển cùng chiều nhau như giai đoạn cuối năm 2005 và đầu năm 2006, tương ứng với giá trị 0.64.

Giá trị lớn nhất là 0.8, rơi vào thời điểm tháng 8 năm 2010. Và cuối cùng là khoảng thời gian cuối năm 2019 cho tới giữa năm 2020.

Dựa theo biểu đồ, tôi biết có những biến động đã tác động đến hệ số tương quan này bây giờ tôi sẽ đi ngược về quá khứ xem cái gì đã xảy ra vào thời điểm đó.


Năm 2005


Đầu tiên tôi xem qua tỉ lệ lạm phát của nước Mỹ:

Lạm phát trung bình tại Mỹ năm 2005 khá cao, rơi vào khoảng 3.4%.

Biểu đồ tiếp theo từ trang inflation.eu:

Chỉ số lạm phát của Mỹ cao nhất trong năm 2005 rơi vào tháng 9.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tháng 9/2005 chỉ số lạm phát lại cao đến vậy.

Năm 2005, Mỹ đối mặt với hai cơn bão lớn:

Katrina (tháng 8/2005): Hậu quả tồi tệ của bão Katrina với nước Mỹ – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Rita (tháng 9/2005): Rita – một trong những cơn bão đáng sợ nhất – 22-09-2005 | Thế giới | Báo điện tử Tiền Phong (tienphong.vn)

Có nhiều giả thuyết, nhưng tôi cho rằng sự lo sợ của người dân, và việc chính phủ Mỹ chi tiêu khắc phục hậu quả bão đã làm chỉ số lạm phát gia tăng trong thời gian này.

Kèm theo đó là giá dầu đã có xu hướng tăng:

Giá dầu thể hiện xu hướng tăng vững chắc, phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu đang ngày một cao chứ không phải là do cú sốc hay tác động bởi nguồn cung. Giá dầu tăng khiến cho các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm, tăng lương cho người lao động…

Và thế là, FED lại tăng lãi suất lên để kìm lạm phát.

Bởi vì giá vàng phản ứng với lạm phát kỳ vọng, cho nên nhà đầu tư cho rằng lạm phát sẽ tăng cao, đó là lúc giá vàng lục đục đi lên trong khi core inflation (chỉ số lạm phát đã loại trừ các cú sốc từ nguồn cung thực phẩm và dầu mỏ) mà FED công bố vẫn duy trì ở mức 2.1%.

Chúng ta nhớ lại, chỉ số Dollar Index là chỉ số so sánh đồng USD với một rổ các giỏ ngoại tệ khác: Euro (EUR – chiếm 57,6%), Yên Nhật (JPY – chiếm 13,6%), Bảng Anh (GBP – chiếm 11,9%)… U.S. Dollar Index (USDX) Definition (investopedia.com)

Nếu chỉ số Dollar Index đi lên giai đoạn cuối năm 2005, có nghĩa rằng các đồng ngoại tệ trong rổ này đang yếu đi so với đồng USD.

Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến mỗi nước Mỹ, mà nó còn ảnh hưởng đến các nước trong khối EU.

Nhìn chung lạm phát của Mỹ đến từ giá dầu tăng, trong năm 2005 là tầm 3,4%. Khối EU thì 2,2% (đây là chỉ số chung, chứ mỗi nước sẽ khác nhau), Nhật Bản thì 0%… Nhìn qua nhìn lại đều thấy Mỹ cao nhất. Vậy điều gì khiến cho chỉ số Dollar Index tăng?

Lãi suất cao thu hút nhà đầu tư. Đó chính là từ lợi tức trái phiếu phòng ngừa lạm phát của chính phủ Mỹ

Với loại trái phiếu này, tiền gốc sẽ tăng theo lạm phát. Sở hữu trái phiếu này trong danh mục sẽ giúp phòng ngừa được lạm phát và còn được hưởng lợi từ việc lạm phát gia tăng.

Bắt đầu từ thời điểm tháng 9/2015. Các nhà đầu tư e ngại lạm phát cao, lại đang muốn tìm một loại tài sản phi rủ ro có trả lãi tốt để đầu tư… vì thế họ lựa chọn việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Việc tăng nhu cầu đầu tư tài sản tài chính tại Mỹ giúp cho đồng USD có giá hơn các đồng khác, chỉ số Dollar Index gia tăng. Ngoài ra, lạm phát kỳ vọng cao cũng đẩy giá vàng tăng.

Kết cục, hệ số tương quan của giá vàng và chỉ số Dollar Index là dương, ám chỉ di chuyển cùng chiều nhau trong quãng thời gian này.

// Đó là những thông tin tôi tìm được, khả năng có thể bỏ sót một vài yếu tố quan trọng nào đó.


Năm 2008 – 2009

Mặc dù ý định phân tích quãng thời gian cuối năm 2010 nhưng giai đoạn này khiến tôi có nhiều suy ngẫm.

Chỉ số Dollar Index tạo đáy vào khoảng tháng 3/2008. Lúc đó, SP500 index chỉ trông như là một sự điều chỉnh thôi.

Tới tháng 08/2008, nỗi lo sợ khủng hoảng tài chính đã khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu lẫn vàng, tăng nhu cầu sở hữu đồng USD do lãi suất trong thời gian này đang giảm, các doanh nghiệp muốn nắm giữ USD:

Fed Funds Rate

Đó là lý do tại sao chỉ số Dollar Index tăng trong khi giá vàng và SP500 index lại giảm. Nó giống với sự kiện đầu năm 2020 khi thị trường điều chỉnh do tác động bởi COVID-19.

Cuối tháng 11/2008, FED thực hiện một “cú” nới lỏng định lượng (QE – Quantitative Easing) đầu tiên, đồng thời cắt giãm lãi suất về gần bằng 0%, khiến chỉ số Dollar Index giảm.

Vì lãi suất thấp, nên trái phiếu chính phủ thu hút nhiều nhà đầu tư, giá trái phiếu càng cao (do nhu cầu sở hữu tăng) thì lợi tức sẽ càng thấp. Còn giá trái phiếu thấp thì lợi tức sẽ cao, nhà đầu tư không còn nhu cầu sở hữu đồng USD nhiều như trước.

Vào thời điểm tháng 03/2009 thị trường chứng khoán đã tạo đáy và sau đó cả chứng khoán lẫn vàng bắt đầu xu hướng tăng mới. Tâm lý của nhà đầu tư đã ổn định, họ không còn nhu cầu trữ USD nữa. Kết hợp với việc FED “bơm” tiền hỗ trợ, gây lo sợ về các khoản nợ, đã làm đồng USD suy yếu so với các ngoại tệ. (EUR)


Năm 2010

Đến giai đoạn 2010, bắt đầu từ đầu năm cho tới tháng 08/2010, cả giá vàng và chỉ số Dollar Index đều tăng và cùng giảm giai đoạn 06/2008 đến 08/2008. Có điều gì đã xảy ra?


Khủng hoảng nợ công châu Âu – Wikipedia tiếng Việt

Nhìn lại khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và kinh nghiệm đối với Việt Nam (tapchitaichinh.vn)

Nhà đầu tư lo sợ về khủng hoảng nợ công Hy Lạp, làm giảm nhu cầu sở hữu đồng Euro, khiến đồng Euro suy yếu so với USD. Và nguy cơ khủng hoảng thì lại là nhiên liệu để cho giá vàng bay lên.

Vào tháng 06/2010, FED nắm giữ số tài sản kỷ lục 2,35 nghìn tỷ USD (ndh.vn) , thông tin này khiến nhiều người lo sợ.

Kết hợp với Foreign Account Tax Compliance Act – Wikipedia (bắt buộc ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính phải cung cấp thông tin về thu nhập và các tài sản của các khách hàng Mỹ nhằm coi ông nào giàu mà trốn thuế). Nhiều người lo ngại rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ từ chối làm việc với khách hàng có quốc tịch Mỹ.

Và thế là đồng USD suy yếu. Không có giải thích gì cho việc giá vàng điều chỉnh.


Năm 2011

Khủng hoảng nợ công Châu Âu và nợ Mỹ khiến giá vàng tăng liên tục cho đến năm 2011. Hy Lạp thì trên bờ vực thẳm, tương lai đồng Euro đang bị ảnh hưởng, một vài ngân hàng Châu Âu đã bán vàng dự trữ của họ để nắm giữ USD.

Đó là lý do tại sao giá vàng giảm và chỉ số Dollar Index tăng lên từ năm 2011.

Sau đó, nền kinh tế Mỹ phát triển trở lại, thị trường chứng khoán liên tục tạo đỉnh mới, nhu cầu sở hữu đồng USD càng tăng trong khi đó giá vàng lại liên tục giảm không thấy đáy.

Đến năm 2014, giá dầu sụt giảm mạnh (What triggered the oil price plunge of 2014-2016 and why it failed to deliver an economic impetus in eight charts (worldbank.org)), khiến cho chỉ số Dollar Index tăng sốc trong giai đoạn này.


Năm 2019 – 2020

Sau khi tạo đáy năm 2015 thì vàng bắt đầu di chuyển sideway, mãi đến năm 2019 mới hình thành nên xu hướng tăng. Cùng lúc đó, tháng 07/2019 thì chỉ số Dollar Index cũng tăng theo giá vàng.

Thực chất chỉ số Dollar Index tăng từ năm 2018, khi mà trade war hình thành cũng là lúc đồng Euro suy yếu so với đồng USD.

Thời gian này FED cũng bắt đầu tăng lãi suất, khiến đồng USD trở nên có giá trị hơn đối với nhà đầu tư. Khi mà nhà đầu tư trông mong vào lợi nhuận ngắn hạn hơn là dài hạn, nó làm cho yield curve bị đảo, họ nghĩ rằng nền kinh tế sắp xảy ra khủng hoảng. Và đó cũng là lý do giá vàng tăng.

Trong năm 2020 có nhiều cái lạ:

SP500 index

Đó là khi COVID-19 bùng nổ vào đầu năm 2020, chỉ số SP500, giá vàng, chỉ số Dollar Index đều giảm. Nếu lấy hình mẫu năm 2008, đáng lẽ chỉ số Dollar Index phải tăng và giá vàng giảm trong đợt khủng hoảng này.

Sau khi các chính sách kích thích nền kinh tế được Mỹ tung ra, cả giá vàng lẫn chỉ số Dollar Index đều tăng, hệ số tương quan dương, đáng lẽ rằng đồng USD phải suy yếu trong quãng thời gian đầu năm 2020.

Nhưng đó là lúc ngân hàng trung ương Châu Âu thực hiện QE để hỗ trợ nền kinh tế dưới tác động của COVID-19, khiến cho đồng EUR mất giá so với đồng USD.

Cuối cùng, cả hai đồng USD và EUR đều mất giá so với vàng và đồng EUR mất giá hơn so với đồng USD trong quãng thời gian đầu năm 2020.

Sau khi vàng tạo đỉnh vào tháng 8, cả giá vàng và chỉ số Dollar Index đều giảm cùng nhau. Có nhiều ý kiến, trong đó: Người ta rút vàng về để đầu tư chứng khoán do thị trường chứng khoán tăng mạnh, và chỉ số Dollar Index giảm là do FED thực hiện QE, hỗ trợ nền kinh tế, “bơm” thêm tiền vào khiến đồng USD ngày càng mất giá.


Lời Kết

Tôi không nghĩ bài này lại dài như vậy. Việc xem xét nhiều thời điểm khác nhau, lấy dữ liệu, phân tích ngốn rất nhiều thời gian nên các lý do mà tôi cho rằng tác động đến giá vàng và chỉ số Dollar Index có thể sẽ thiếu sót. Bởi vì nền kinh tế này vận hành bởi rất nhiều yếu tốt. Nó không chỉ đơn thuần bao gồm thị trường chứng khoán, giá USD, giá EUR, giá vàng… mà còn cả chính sách, tổng thống, cán cân thương mại… của quốc gia đó và chính sách, tác động của các quốc giá khác nữa. Tôi không tài nào kể ra hết được mọi thứ trên thị trường nên chắc chắn sẽ có thiếu sót trong quá trình viết bài.

Nhưng, mục tiêu chính vẫn là biến động giá vàng và chỉ số Dollar Index.

Không phải lúc nào giá vàng và chỉ số Dollar Index cũng di chuyển ngược chiều nhau. Trong những lúc tình thế rối ren, bị tác động bởi yếu tố gì đó cực nghiêm trọng thì giá vàng và chỉ số Dollar Index lại cho thấy một mẫu hình khác. Nhưng đa phần cả hai đều di chuyển ngược chiều.

Nếu như đồng USD đang có xu hướng suy yếu, vậy sau này chỉ số Dollar Index tăng (một cú hồi theo phân tích kỹ thuật khi chạm hỗ trợ – mà không rõ là tự nhiên hay có cái gì đó tác động) thì liệu vàng sẽ tăng lên hay giảm khi mà lượng tiền trong toàn bộ nền kinh tế đã quá nhiều rồi ? Tôi sẽ để tương lai trả lời và quay lại viết tiếp.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭