Hiện tại thị trường đang lình xình, kèm thêm những tin tức tiêu cực thời gian qua, đã khiến cho mọi người lo sợ rằng thị trường sẽ sụp đổ.
Có bạn email hỏi tôi rằng: “nếu mua xong thị trường sụp luôn thì nên làm gì? Có nên chờ tín hiệu thị trường hồi phục rồi mới bắt đầu không?”
Nếu bạn từng đọc qua bài “VNINDEX biến động như thế nào vào năm bầu cử tổng thống Mỹ?” thì sẽ thấy rằng càng gần đến ngày bầu cử thì thị trường càng có biến động liên tục bởi vì các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức thực hiện tái cơ cấu danh mục của họ cho nên không có gì phải lo lắng cả.
1. Phương pháp phân tích
Trong bài này, tôi sẽ tiến hành phân tích trường hợp một nhà đầu tư cực xui khi bắt đầu DCA ngay đúng năm mà thị trường tạo đỉnh, đó là năm 2018 và 2022.
Nhà đầu tư sẽ thực hiện DCA một số tiền cố định vào ngày giao dịch đầu tiên của mỗi tháng. Có hai giai đoạn phân tích đó là từ năm 2018 đến nay và từ năm 2022 đến nay. Cả hai đều là giai đoạn phải trải qua Bear Market.
Có 2 loại quỹ được sử dụng để phân tích trong bài:
Quỹ ETF:
- E1VFVN30: đại diện cho rổ cổ phiếu VN30
- FUEDCMID: sử dụng dữ liệu của bộ chỉ số VNMIDCAP-TRI, đại diện cho rổ cổ phiếu vốn hóa vừa.
- FUEVFVND: VN DIAMOND (bắt đầu phân tích năm 2022)
Quỹ mở cổ phiếu
- DCDS
- VESAF
Ngoài 2 quỹ mở cổ phiếu trên, còn có quỹ khác mà tôi đánh giá tốt là SSI-SCA. Nhưng bài viết này tập trung giới thiệu ý tưởng cho nên tôi sẽ không phân tích hết các loại quỹ mở cổ phiếu trên thị trường.
2. Các điểm cần lưu ý
1/ Bài viết này phân tích dựa trên thông tin một mốc cố định từ A đến B cho nên kết quả chắc chắn sẽ khác nếu chúng ta thay đổi mốc thời gian, ví dụ như A+10 ngày đến B+10 ngày.
- Vấn đề này rất quan trọng bởi vì chỉ cần thay đổi một thời điểm thôi là có thể thay đổi mọi kết quả.
- Ví dụ đơn giản là bạn truy cập trang: haxj.github.io, lựa chọn vài quỹ rồi thay đổi mốc thời gian sẽ thấy có thời điểm quỹ X hơn quỹ Y nhưng lại có thời điểm thì quỹ Y lại tốt hơn. (Đây là một trang web rất hay mà tôi hay dùng để xem thông tin toàn cảnh các quỹ mà đỡ phải code.)
- Kiểu phân tích này thường được áp dụng bởi nó đơn giản và dễ hiểu.
- Tuy nhiên, với những ai có ý đồ thì sẽ có thể chèo lái thông tin theo hướng có lợi cho họ. Vì vậy, nếu bạn có vô tình đọc hoặc xem các phân tích trên mạng mà chỉ có thông tin tăng trưởng từ năm A -> B mà không có bất kỳ lời giải thích nào thì cần phải cảnh giác.
- Có một cách đánh giá tốt hơn đó là tính tăng trưởng trung bình trong một chu kỳ nắm giữ mà tôi từng trình bày trong bài viết “Giữ vững lộ trình”. Trong ngắn hạn, sự khác biệt giữa tỷ suất sinh lời của nhà đầu tư A và nhà đầu tư B có thể rất lớn, nhưng trong dài hạn thì sự cách biệt sẽ dần thu hẹp lại. Ví dụ như tỷ suất sinh lợi hằng năm của MIDCAP với chu kỳ đầu tư 7 năm là (10-14%) còn của DCDS là (10-15%).
- Tôi sẽ viết về những trường hợp nhà đầu tư mắc bẫy thông tin như này trong bài viết khác.
2/ Chỉ số tăng trưởng hằng năm trong bài là CAGR.
- Hợp lý khi dùng để so sánh các quỹ khi mà thời gian đầu tư không bắt đầu tại cùng một thời điểm.
- CAGR là chỉ số tăng trưởng được tiêu chuẩn hóa bằng cách giả định một con số tăng trưởng đều đặn qua thời gian. Giúp cho dễ so sánh các khoản đầu tư với nhau mà bỏ qua sự biến động của dòng tiền (vô và ra).
- Vì có bạn sẽ muốn so sánh các quỹ này với nhau cho nên việc sử dụng CAGR sẽ hợp lý và dễ hiểu hơn (mặc dù về cơ bản nó giống như so sánh trái táo với trái chuối). Kiểu như tôi đầu tư X đồng, cuối năm nhận Y đồng thì lời Z đồng.
3/ Ý tưởng của bài viết này là: nhà đầu tư cực xui khi đầu tư ngay đỉnh thì điều gì xảy ra với danh mục của họ.
- Đa phần mọi người hay lựa chọn một loại tài sản để đầu tư dựa trên hiệu suất hoạt động trong quá khứ.
- Nếu bạn đọc các bài viết khác trên blog này thì sẽ thấy rằng, lựa chọn tài sản đầu tư dựa trên thông tin đó là không đủ. Đa phần nhà đầu tư không hề có lãi trong 2 năm đầu (trừ khi gặp may) với phương pháp đầu tư DCA. Vì vậy, nếu như gặp ai đó cung cấp thông tin quỹ tăng trưởng cao thì bạn phải giả định rằng đó là kết quả bạn nhận được sau khi DCA ít nhất 2-3 năm hoặc hơn.
- Tôi từng viết về chủ đề này trong bài viết “Lên kế hoạch đầu tư ETF, đừng kỳ vọng sẽ có lãi năm đầu tiên”. Điều này cũng áp dụng với các loại quỹ mở cổ phiếu.
4/ Trong bài viết này tôi muốn nhấn mạnh 3 điều:
- Đầu tư không phải chỉ là lựa chọn loại sản phẩm có tăng trưởng tốt mà còn là có một sự hài hòa giữa tài sản đó và phong cách đầu tư của bạn.
Vì thế, ngoài việc sử dụng ý tưởng trong bài viết này, bạn cần phải nghiên cứu kỹ hơn về sản phẩm mà bạn muốn đầu tư. Bởi chỉ có khi hiểu thì bạn mới đầu tư tốt hơn cho dù bạn lựa chọn ETF hay quỹ mở cổ phiếu đi chăng nữa. - Hành trình đầu tư không hề suôn sẻ. Bạn chỉ biết được kết quả sau khi đã thực sự đầu tư và trải qua mọi thứ.
Đôi lúc, kết quả bạn nhận được có khi còn khác xa với kỳ vọng. Những năm đầu tiên là những năm chán nản nhất nhưng chỉ cần bạn vẫn tiếp tục thì khi mà đã tích lũy đủ thì chắc chắn danh mục sẽ dễ dàng tăng trưởng hơn trước. - Hiện tại trên mạng đang có xu hướng kêu gọi mọi người đầu tư vào quỹ mở cổ phiếu do tăng trưởng cao.
Thị trường tăng -> Rủ đầu tư quỹ mở cổ phiếu do có tăng trưởng tốt trong năm trước đó.
Đầu tư xong -> Thị trường giảm, thua lỗ, trù ẻo quỹ mở cổ phiếu lừa đảo và rút vốn.
Thị trường tăng trở lại -> Lớp nhà đầu tư mới rủ nhau đầu tư quỹ mở cổ phiếu.
Sự việc như trên lặp đi lặp lại tính tới nay cũng đã 2 lần, tương ứng hai mùa Bull và Bear từ năm 2017 tới nay. Tôi cũng từng bàn về vấn đề này trong bài viết “Sai lầm đầu tư quỹ cổ phiếu mà người thông minh cũng mắc phải”. Điều này cũng áp dụng với cả ETF.
Về bản chất, những loại hình, tài sản, này không có gì sai. Cái sai là nhiều người đầu tư dựa vào hiệu suất hoạt động trong quá khứ mà không lên kế hoạch đầu tư kỹ lưỡng.
Cho dù bạn có đang đầu tư cái gì đi chăng nữa thì cũng không cần phải lo việc thị trường giảm. Thị trường giảm là cơ hội để bạn mua cái tài sản đó với chi phí thấp hơn, bạn nên thấy mừng bởi vì đa phần lợi nhuận vượt trội đều được tạo ra trong lúc thị trường giảm chứ không phải lúc thị trường tăng.
Nếu bạn đọc xong vẫn không hiểu điều tôi viết bên trên, hãy cứ thử mạnh dạn DCA ETF hoặc chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu trong Bear Market thực sự và đợi 2-3 năm.
3. Mua ngay đỉnh 2018
Nhà đầu tư để dành tiền mua mỗi tháng một lần, mua bất chấp điều kiện thị trường, từ đầu năm 2018 cho đến nay.
3.1 Đầu tư ETF
3.2 Đầu tư quỹ mở cổ phiếu
3.3 Kết luận từ năm 2018
Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng:
Bắt đầu DCA ngay tại đỉnh nhưng nếu nhà đầu tư vẫn cứ đầu tư theo kế hoạch thì tới nay danh mục vẫn có lợi nhuận.
Cho dù đầu tư ETF hay quỹ mở cổ phiếu, nếu đầu tư ngay đỉnh thì danh mục vẫn không hề mang về nhiều lợi nhuận trong suốt 2 năm đầu. Nhưng khi mà tích lũy đủ thì danh mục sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu bạn nhìn vào con số “Tổng lợi nhuận” rồi vội vàng đưa ra quyết định đầu tư thì hãy thận trọng.
Ví dụ như VESAF có tổng lợi nhuận 80,9% và tăng trưởng mỗi năm 9,4%. Đó là con số cuối cùng mà nhà đầu tư có được sau một quãng thời gian rất lâu, trải qua 2 đợt Bear Market và có khả năng bị xóa sổ toàn bộ lợi nhuận. Bạn không thể bắt đầu đầu tư ngay ngày hôm nay rồi kỳ vọng rằng đầu tư 3 năm có lãi 9%/năm.
Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm này còn thay đổi liên tục tương ứng với điều kiện của thị trường.
Việc tính toán tăng trưởng từ mốc A->B có một điểm yếu là nó không thể hiện được biến động của tài sản trong quá trình đầu tư.
Như ETF MIDCAP có tăng trưởng hằng năm khi DCA là 7.24%/năm từ năm 2018 đến hiện tại, 14/08/2024. Nhưng nếu xem xét từng năm thì con số này biến động liên tục, hết năm 2021 thì danh mục có tăng trưởng 22%/năm nhưng sang Bear Market năm 2022 thì tăng trưởng của danh mục chỉ còn lại 3,86%/năm.
Đây là sự thật phũ phàng mà bất cứ nhà đầu tư theo phương pháp DCA nào cũng phải chấp nhận. Đó là con số tăng trưởng người ta quảng cáo 20-30% nó chỉ là tăng trưởng giá của quỹ, còn khi nhà đầu tư áp dụng phương pháp DCA vào thì con số thật sự thấp hơn rất nhiều.
Lý do là nhà đầu tư thực hiện phương pháp DCA mỗi tháng khiến chi phí trung bình bị thay đổi, còn quỹ và những người quảng cáo họ tính tăng trưởng giá từ mốc A->B.
4. Mua ngay đỉnh 2022
4.1 Đầu tư ETF
4.2 Đầu tư quỹ mở cổ phiếu
4.3 Kết luận từ năm 2022
Kết quả vẫn giống như phân tích đầu tư năm 2018, kể cả khi bạn bắt đầu DCA ngay đỉnh thì sau 2 năm danh mục vẫn có lợi nhuận.
Trong quá trình này, đầu tư quỹ mở cổ phiếu, cụ thể là DCDS và VESAF, mang lại lợi nhuận vượt trội hơn so với quỹ ETF VN30.
Vì chúng ta đang so sánh từ mốc A->B (từ năm 2022 cho đến hiện tại) nên nếu thay đổi quãng thời gian thì kết quả cũng sẽ thay đổi.
Ví dụ: Đầu tư DCA từ năm 2018 tới 2024 thì MIDCAP và VESAF cho tăng trưởng tốt hơn DCDS. Nhưng kể từ năm 2022 thì cả hai quỹ DCDS và VESAF lại có hiệu suất tương đương nhau.
Tuy nhiên, cái cách mà bạn đầu tư là một trong những yếu tố có tác động lớn đến sự tăng trưởng của danh mục, chứ không hẳn là do loại tài sản mà bạn lựa chọn để đầu tư.
Trong cuốn sách “The Most Important Thing: Uncommon Sense for the Thoughtful Investor” (tựa tiếng Việt: Điều Quan Trọng Nhất), Howard Marks đã nhận định rằng: “Thành công trong đầu tư không đến từ việc ‘mua những thứ tốt’ mà đến từ việc ‘mua đúng cách’.”
Thật sự là vậy, nếu bạn theo dõi blog của tôi sẽ thấy tôi liên tục kêu gọi mua trong Bear Market vào năm 2022. Cho đến thời điểm hiện tại, danh mục ETF của tôi có:
- ETF E1VFVN30 tăng trưởng 24,5%. Tỷ trọng: 56%.
- ETF FUEDCMID tăng trưởng 36,6%. Tỷ trọng: 44%.
Tại sao tăng trưởng của tôi lại lớn hơn nhiều so với 2 ETF đã phân tích trong bài?
Cụ thể là vào tháng 05/2022 sau khi thị trường đã giảm 20% so với đỉnh – là lúc tôi xác nhận đây là Bear Market chứ không phải điều chỉnh. Với kế hoạch là mua đều nhưng khi thị trường giảm sâu hơn nữa thì tôi lại tăng lượng tiền đầu tư lên. Những lệnh mua lớn nhất là thời điểm đầu năm 2023, quanh vùng giá 17.5 của E1VFVN30. Nhưng cũng giống như phân tích trong biểu đồ, 1 năm đầu tiên danh mục không hề có lợi nhuận.
Như bạn thấy, việc đầu tư như cách tôi làm rất khó để mà có thể đem phân tích dữ liệu rồi biểu diễn trên biểu đồ. Cho nên, tôi chỉ có thể giới thiệu cho bạn ý tưởng rồi từ đó bạn mang ra áp dụng thử và bạn cần phải linh hoạt thay đổi cách đầu tư, không thể chỉ đầu tư cứng nhắc theo kiểu A là A, B là B được.
Bạn có thể tham khảo các bài viết sau để có thêm động lực nếu thị trường giảm mạnh:
5. Tổng kết
Nhiều người đánh giá thấp việc đầu tư. Họ nghĩ rằng, đầu tư là phải:
- Luôn có lời.
- Phải tìm một loại tài sản luôn mang lại lợi nhuận hằng năm lớn hơn lãi suất huy động của ngân hàng.
Thế là họ đi đầu tư vào những sản phẩm được quảng cáo là có lợi nhuận tốt trong 1 năm vừa qua nhưng khi mà không đạt được kỳ vọng thì họ vội vàng bỏ chạy. Lỗi ở đây không phải là ở sản phẩm đó mà là ở chính bản thân nhà đầu tư.
Nếu bạn lựa chọn hình thức đầu tư ETF và chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu, bạn nên xác định là lập một kế hoạch đầu tư tối thiểu 3 năm. Lúc này thì khả năng chiến thắng của bạn sẽ cao hơn và bạn cũng không cần phải lo lắng mua/bán lúc thị trường có tín hiệu tiêu cực hay lạc quan. Và nếu thị trường có giảm thì bạn cũng nên thấy vui bởi vì dù gì thì chi phí trung bình của bạn cũng sẽ thấp hơn, bạn có nhiều thời gian để tích lũy hơn và nó còn tốt hơn là mua trong lúc thị trường hưng phấn.
Và đừng quên việc phân bổ danh mục. Có người phân bổ bằng cách đầu tư: VESAF, ETF rồi mua thêm DCDS… đó không phải là phân bổ. Phân bổ ở đây là: mua quỹ mở cổ phiếu, trong nhà có cây vàng, có chút Bitcoin, có tiền tiết kiệm và có quỹ dự phòng…
Với những người đi làm, tôi biết rằng việc “all-in” vào một thứ rồi kỳ vọng có lợi nhuận cao nó rất là hấp dẫn nhưng đó cũng là một cách nhanh nhất để “đi vào lòng đất”. Nếu gặp may thì chắc chắn sẽ có lời, nhưng xui rủi thì phải chịu thua lỗ và bắt đầu lại từ đầu. Trong môi trường đầu tư này thì việc gặp xui có tỉ lệ nhiều hơn là gặp may.
Vẫn là câu kết quen thuộc của blog này: thị trường giảm không đáng sợ bằng thị trường tăng. Bạn hãy lên kế hoạch đầu tư một cách thoải mái và đừng lo sợ gì cả.
Đây là bài viết số 53, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
Leave a Reply