Đầu tiên, tôi xin gửi lời cám ơn đến các bạn đọc đã gắn bó với tôi trong suốt 5 năm qua.
Không chỉ dừng ở việc bình luận, các bạn đọc còn động viên, thăm hỏi và khích lệ tôi viết bài. Thậm chí còn ngỏ lời muốn donate cho cái blog nho nhỏ này nữa. Mặc dù chỉ là những hành động nho nhỏ được thể hiện qua câu chữ online thôi nhưng cũng đã làm tôi rất vui và có thêm động lực để tiếp tục làm cái blog này.
Có một vấn đề tôi vẫn lăn tăn đó là blog này không thân thiện với người mới. Nếu một người mới nhảy vào đọc blog có thể sẽ cảm thấy giống như bị lạc. Tôi cũng đã thử chỉnh sửa trang tổng hợp bài viết nhưng thực sự mà nói thì cá nhân tôi vẫn thấy khá rối. Nên một trong những mục tiêu năm 2023 là làm cho cái blog này trở nên đơn giản & dễ đọc hơn.
Chủ đề đầu tiên, cũng là chủ để dễ nói nhất: Sách
Những cuốn sách tôi đã đọc
Năm 2022 là năm đầu tiên mà tôi đọc cực kỳ nhiều sách đủ các thể loại tâm lý, đầu tư, triết học…
Mặc dù đọc nhiều nhưng không phải cuốn sách nào tôi cũng thấy hay. Có những cuốn mua rồi đọc xong mới biết rằng không phù hợp. Hên là mua ebook nên giá thành cũng rẻ hơn là ship sách giấy từ Amazon về.
Đây cũng là năm mà tôi mua sách ebook trên Amazon dữ nhất, gần 50 cuốn. Đọc chưa xong, nhưng lại cứ thích mua thêm sách về làm gì không biết nữa. Kế hoạch năm 2023 là phải hạn chế mua sách và đọc cho hết đám sách cũ.
Trong 22 cuốn trên, tôi tâm đắc nhất 6 cuốn:
- A Wealth of Common Sense (thể loại Tâm Lý Đầu Tư): Trong đầu tư, nhiều người hay nghĩ rằng họ cần một giải pháp phức tạp để giải quyết vấn đề của họ. Nhưng thực ra, đơn giản mới là tốt nhất. Ở các lĩnh vực khác, việc bạn cố gắng làm việc, trau dồi kỹ năng, phát triển bản thân… sẽ mang lại kết quả tốt nhưng trong đầu tư thì điều đó chưa chắn đã đúng.
- The Behavior Gap (thể loại Tâm Lý Đầu Tư): Các nhà đầu tư cá nhân hay có xu hướng Buy high & Sell low, hay để cảm xúc và thiên kiến của bản thân tác động đến việc ra quyết định. Yếu tố ảnh hưởng đến danh mục của nhà đầu tư không phải là hiệu suất của tài sản trong danh mục mà là hành vi của chính nhà đầu tư đó. Cuốn sách này phù hợp cho những ai đang muốn cải thiện việc ra quyết định trong đầu tư.
- Die With Zero (thể loại Tâm Lý, Triết Học, Self-help): Nhiều người dành cả tuổi thanh xuân để kiếm tiền, hoãn lại các sở thích/niềm vui mà họ mong muốn chỉ với suy nghĩ để bao giờ nhiều tiền mới làm. Họ tiết kiệm quá nhiều cho tuổi già, khi họ không còn hưởng thụ được nữa, bằng cách vắt kiệt sức khỏe thời tuổi trẻ. Bạn không cần phải quá giàu để hưởng thụ/theo đuổi hoạt động yêu thích trong hiện tại. Có những sở thích chỉ phù hợp với từng độ tuổi, khi bạn già đi thì cánh của đó sẽ khép lại mãi mãi. Kiếm tiền là để trải nghiệm cuộc sống, hãy làm điều mình thích. Die with zero.
- Factfulness – Sự thật về thế giới (thể loại Tâm Lý, Khoa Học, Kinh Tế): Thế giới này không tệ như bạn nghĩ. Mọi thứ đang ngày càng trở nên tốt hơn chỉ có điều là không được báo cáo rộng rãi. Báo chí hay lựa chọn tin tiêu cực để đăng bởi những tin đó có tác động mạnh, nó làm thao túng thế giới quan của chúng ta, khiến ta có cái nhìn tiêu cực về thế giới. Bài viết tổng hợp nhiều câu chuyện kèm dữ liệu chứng minh rằng cuộc sống chúng ta đang tốt hơn nhưng nhiều người lại không hề hay biết điều đó.
- The Art of Living (thể loại Triết Học): Một dạng sách self-help với các lời khuyên về cuộc sống, cách xử lý vấn đề… viết bởi Epictetus, triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ lừng danh. Từng trình bày cảm xúc tại bài viết Năm 2019 của tôi.
- What I Learned Losing a Million Dollars (thể loại Tiểu Sử, Tâm Lý, Đầu Tư): Cuốn sách này được Nassim Taleb giới thiệu trong Black Swan. Đây là tiểu sử của tác giả kể về quá trình phát triển của bản thân và sự nghiệp của mình. Những cảm xúc và bài học rút ra khi đầu tư thành công và lúc gặp thất bại. Cuốn sách này không phải là cuốn sách dạy đầu tư hay bày cách mua cho thắng thị trường… chủ đề chính ở đây là thất bại, biết thất bại, hiểu thất bại rồi làm gì khi gặp thất bại.
Việc review chi tiết từng cuốn sách sẽ có một bài viết riêng.
Tôi không đọc các cuốn sách dạy đầu tư chứng khoán. Ví dụ: làm giàu từ chứng khoán, canslim, elliott, chiến lược đầu tư hay sách kinh tế… vốn là những đầu sách mà các nhà đầu tư hay tìm mua khi muốn tìm hiểu về đầu tư chứng khoán.
Chủ đề ưa thích của tôi là Tâm Lý Đầu Tư. Có rất nhiều sách về chủ đề này và lần nào đọc cũng học được nhiều điều mới mẻ. Kinh tế sẽ thay đổi, môi trường đầu tư sẽ thay đổi, phương pháp đầu tư sẽ thay đổi, doanh nghiệp sẽ thay đổi nhưng bản chất con người sẽ không bao giờ thay đổi. Yếu tố tâm lý tác động rất nhiều đến việc ra quyết định của nhà đầu tư. Đọc thêm về các loại sách tâm lý sẽ giúp chúng ta hạn chế đưa ra các quyết định sai lầm.
Những gì đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về đầu tư?
Như Jeff Bezos từng nói:
Và đây là những gì mà bản thân tôi đã được nâng cấp trong phiên bản 2022:
Đầu tư dài hạn quỹ mở trái phiếu chưa chắc đã tốt
Năm 2022 đã làm tôi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn về việc đầu tư dài hạn vào quỹ mở trái phiếu.
Tôi sẽ không đi chi tiết về những gì đã xảy ra với TCBF và lý do tại sao mà lại trở thành như vậy. Đạo đức kinh doanh và sự thờ ơ của họ đã khiến nhiều người có cái nghĩ xấu về quỹ mở tại Việt Nam, vốn dĩ đã xấu thì giờ thành tiêu cực.
Việc xảy ra với TCBF làm gác lại các bài viết về chủ đề phân bổ danh mục đầu tư, đã đề cập trong bài viết Về việc sử dụng dữ liệu TCBF. Tôi vẫn chưa có kế hoạch tìm dữ liệu khác để thay thế TCBF.
Ngày xưa lúc viết bài chê bai loại hình quỹ mở cổ phiếu, nay gặp thêm vụ quỹ mở trái phiếu TCBF, điều này càng làm tôi có suy nghĩ rằng các công ty quỹ mở không phải là đối tượng chúng ta nên làm bạn. Không nên nghĩ dài hạn khi “làm ăn” với các công ty quỹ mở. Nhà quản lý quỹ cũng là con người, họ luôn đặt lợi ích của bản thân (và đối tác) lên trên những đối tượng khác. Đầu tư ở đây chúng ta phải hiểu rằng lợi ích của chúng ta không phải số 1, cũng chưa chắc là số 2 trên danh sách của họ. Họ ở giữa, lấy tiền của chúng ta kiếm lợi cho họ và khi lỗ thì chúng ta mất tiền.
Đồng xu hai mặt, sấp hay ngửa, họ vẫn luôn thắng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam rủi ro cao
Năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy các dấu hiệu xấu, giống với thời điểm đầu năm 2018. Tôi đã bán tín bán nghi về hành động rời khỏi thị trường chứng khoán của mình. Lo sợ rằng “This time is different”, sợ rằng quyết định “ngồi ngoài” là sai lầm. Nhưng không để bản thân tiếp tục lo âu, tôi đã quyết định nghỉ và cũng dừng luôn việc viết blog vào giai đoạn nửa năm 2021.
Và rồi quan điểm đầu tư của tôi đã được củng cố:
DCA trong bull market không có gì xấu, nhưng nếu thấy thị trường có xu hướng tăng quá đà như những gì đã xảy ra trong quá khứ 2018 và năm 2021, làm cho giá trị danh mục DCA có lợi nhuận 50% hay lớn hơn so với số vốn đã bỏ ra thì đó là lúc nên hạn chế đầu tư. Đây là giai đoạn để chúng ta review lại danh mục của mình, tập trung hạ thấp rủi ro cho danh mục.
Trích từ bài viết: Cẩm nang DCA toàn tập (Tháng 11/2022)
Có thể bán bớt hoặc thay vì DCA thì nên lấy tiền gửi ngân hàng đề phòng trường hợp xấu. Và chúng ta sẽ tiến hành DCA trở lại trong bear market.
Kết hợp với nhận xét về việc đầu tư quỹ mở cổ phiếu:
… Tôi nghĩ rằng không nên đầu tư vào các quỹ trong thời gian dài. Nên đầu tư lúc giá chứng chỉ quỹ bị hạ thấp như hiện tại, và nắm giữ đến khi tăng trưởng trở lại và tăng nóng như đợt 2016, 2017 thì nên rút không nên “ôm” lâu. Mặc dù hình thức quỹ mở này thường hay được quảng cáo là tích lũy cho tương lai, nhưng mà sau khi phân tích sơ thì tôi không thích kiểu tích lũy như này cho lắm.
Trích từ bài viết: “Nên đầu tư quỹ nào?” (tháng 08/2020)
Quan điểm được củng cố thêm sau 2 bear market: Thị trường chứng khoán Việt Nam luôn luôn giảm mạnh sau những đợt tăng nóng. Cần phải biết hạ rủi ro danh mục và không nên để khoản lợi nhuận bốc hơi lãng phí.
Thị trường giảm mạnh, như hiện tại, là thời điểm tốt nhất để đầu tư ETF (hoặc lựa chọn khác rủi ro hơn đó là quỹ mở cổ phiếu – các hình thức đầu tư mua một lần và sở hữu cả rổ cổ phiếu để không phải gánh rủi ro của một cổ phiếu riêng lẻ), vì trước sau gì thị trường cũng sẽ tăng trở lại.
Cash is king (not on investing)
- Doanh nghiệp lao đao, người lao động bị sa thải, đi làm bị giảm lương… là những lúc cho ta thấy tầm quan trọng của tiền mặt.
- Là chỗ dựa tâm lý trong những lúc khó khăn, bớt stress. Để tiền nằm không không mang lại lợi nhuận như trong đầu tư nhưng lại có lợi nhuận về mặt tâm lý. Tâm lý vững vàng sẽ giúp ta sáng suốt hơn trong việc ra quyết định. #1 ROI.
- Là kế hoạch dự phòng cho kế hoạch chính, đề phòng khi sự việc không đi theo ý muốn. Giúp chúng ta tồn tại lâu hơn để có thể tiếp tục “trò chơi”.
Biết thêm được những gì trong năm 2022?
- Sử dụng quillbot để chỉnh sửa ngữ pháp và viết lại câu tiếng Anh. Là một trong những cách tôi dùng để tập viết.
- Sử dụng ChatGPT để dịch nghĩa của từ, cho ra kết quả (nghĩa, cách sử dụng, các ví dụ…) chi tiết hơn Google Translate.
- Blinkist là ứng dụng tôi đang dùng để đọc tóm tắt sách và luyện nghe tiếng Anh. Mỗi chương trong sách có thời gian đọc khoảng 5 phút, thích hợp cho những ai muốn đọc cái gì đó nhẹ nhàng vào sáng sớm như tôi.
Đôi lúc đọc tóm tắt xong thấy hay quá nên tôi phải mua sách về đọc cho bằng được nhưng rốt cuộc cuốn sách lại không hay bằng bản tóm tắt (?) - Từ trước đến nay hay sử dụng Trello để lên kế hoạch viết bài, nay biết thêm Notion – sử dụng để viết dàn bài chi tiết, soạn note.
- Sử dụng Obsidian để lưu các highlights trên Kindle thay thế cho ReadWise.
Những sai lầm tôi mắc phải trong năm 2022
- Cố gắng đọc cho hết những cuốn sách mà không thấy hay (không phải bản thân cuốn sách đó dở). Vì đã mua rồi nên mang tâm lý phải đọc cho hết để đỡ tốn tiền. Mãi đến khi đọc được một bài viết về cách đọc tốt hơn trên Farnam Street thì tôi mới nhận ra rằng việc cố gắng hoàn thành những cuốn sách này không mang lại lợi ích gì cho tôi, đã vậy còn làm lãng phí thêm thời gian. Nên đọc lướt qua vài chương, nếu không thích thì bỏ. Hãy biết trân trọng thời gian của bản thân.
- Không mua pin sạc sớm hơn. Mấy năm qua, trung bình 20 ngày là phải thay 2 viên AAA Energizer cho con chuột. Kể từ lúc đổi sang loại pin có thể sạc được thì đã tiết kiệm chi phí đi rất nhiều.
- Ăn quá nhiều đồ ăn nhiều dầu và ít rau… làm bụng bự.
- Ngồi lâu, ít tập thể dục làm chân yếu.
Mua gì cho bản thân?
Tháng 10 năm nay tôi đã “đầu tư” một dàn PC mới để chiến game code cho xịn. Lúc đầu cũng rất băn khoăn khi phải chi tiêu một khoản tiền lớn cho một thứ mà có thể với người khác nó là vô bổ… nhưng mà thôi, YOLO!
Kế hoạch năm 2023
Vậy là đã kết thúc năm 2022. Thật sự là năm nay do viết bài ở thời điểm cuối năm nên có nhiều chuyện tôi đã quên mất. Năm sau 2023 hứa sẽ viết nhật ký thường xuyên.
Năm nay phấn đấu là một năm đầy công suất. Viết nhiều hơn, nhiều chủ đề hơn, luyện viết tốt hơn. Nghiêm túc trong vấn đề viết lách hơn.
Về việc đầu tư năm 2023 thì tôi thấy năm nào cũng như năm nào. Thị trường sẽ luôn biến động, sẽ có lúc tăng, lúc giảm. Như đã đề cập ở bài viết Vượt qua nỗi sợ hãi bear market, kế hoạch của tôi là DCA cho tới gần hết năm 2023 và đón chờ bull market năm 2024.
Không ai biết tương lai sẽ thế nào và chắc chắn rằng tại một thời điểm nào đó trong năm 2023 tôi sẽ thay đổi lại kế hoạch đầu tư một lần nữa.
Một lần nữa cám ơn các bạn đọc đã gắn bó với tôi trong suốt thời gian qua. Chúc các bạn một năm mới thật vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình.
Leave a Reply