Trên chiến trường Stalingard, nơi cái lạnh thấu xương cũng không thể sánh bằng lửa chiến tranh khắc nghiệt, một bóng người dũng cảm xuất hiện bên dưới đống đổ nát của những tòa nhà bị quét sạch bởi bom đạn. Đó là Vasily Zaytsev, huyền thoại bắn tỉa của Liên Xô. Anh sinh ra tại dãy Ural hẻo lánh, lớn lên bằng cách săn bắn nên kỹ năng thiện xạ của anh đã được mài giũa từ khi còn trẻ.
Trong bối cảnh căng thẳng của Thế Chiến II, Zaytsev đã không ngần ngại xung phong ra tiền tuyến. Anh đến Stalingrad, một trong những chiến trường khốc liệt nhất, nơi mà số phận của hơn 2 triệu sinh mạng bị định đoạt. Giữa đống hoang tàng đó, Zaytsev di chuyển linh hoạt, nhẹ nhàng như bóng ma, vô hình giữa các nơi ẩn nấp. Chiến thuật của anh không phải là xông pha lên tấn công một cách mù quáng, mà là kiên nhẫn rình rập kẻ thù.
Với từng hơi thở của anh là sự chờ đợi. Với mỗi nhịp đập con tim là sự tính toán kỹ lưỡng. Anh ẩn mình hàng giờ, đôi khi hàng ngày, đợi chờ thời cơ của mình. Con mồi, kẻ thù của anh, vẫn không hề hay biết rằng một thợ săn cừ khôi đang ẩn mình ngay gần đó. Những bài học săn bắn một thời từ dãy Ural hiện lên trong tâm trí anh: hiểu rõ địa hình, nắm bắt tâm lý kẻ địch, và thực hiện những phát bắn một cách chính xác.
Khi trận chiến Stalingrad bước vào giai đoạn cao trào, số kẻ địch gục ngã dưới họng súng của anh liên tục tăng. Mỗi phát súng, mỗi mạng người bị hạ gục, đều là minh chứng cho chiến thuật khôn khéo và sự tập trung kiên cường, nhẫn nại của anh. Zaytsev không chỉ là người anh hùng theo nghĩa thông thường, mà là một huyền thoại với tầm nhìn sâu rộng, sự kiên nhẫn vượt trội và mưu trí hơn kẻ địch.
Trận chiến kết thúc với phần thắng thuộc về Liên Xô, Vasily Zaytsev nổi lên không chỉ đơn thuần là một người sống sót. Anh trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí, sự kiên cường và sáng suốt về mặt chiến thuật, một ngọn hải đăng soi sáng bóng tối hỗn loạn của chiến tranh.
“Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”
– Sun Tzu (Tôn Tử)
Khi thị trường chứng khoán trở nên hưng phấn vào năm 2021, đã có vô số nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Đa số chỉ quan tâm đến việc “Làm thế nào để kiếm được lợi nhuận lớn nhất?” và “Làm sao để kiếm tiền thật nhanh?”. Họ không biết rằng thị trường chứng khoán không phải là nơi để làm giàu nhanh.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn quyết định đầu tư (dài hạn) nhưng lại không biết gì hết về thị trường chứng khoán? Giống như cầm súng rồi lao lên một cách hữu dũng vô mưu trên chiến trường.
Bạn không hiểu sự khốc liệt của chiến trường, lại không hiểu rõ bản thân nên đã khiến tâm lý lấn át lý trí. Cuối cùng, chúng ta có câu nói “đa số nhà đầu tư đều thua lỗ”.
Zaytsev cầm súng ra tiền tuyến không phải vì anh ấy muốn trở thành anh hùng, không phải để lao lên giết thật nhiều quân địch. Anh vẫn còn sống bởi vì anh hiểu được tính mạng của anh trông bé nhỏ như thế nào trước mưa đạn của kẻ thù. Mục tiêu của anh là cố gắng sống sót chứ không phải vì một chức danh nào đó. Anh kiên nhẫn đi từng bước một, không vội vàng hấp tấp mà làm hư chuyện.
Bạn hãy đầu tư (dài hạn) như Zaytsev ra chiến trường. Mục tiêu của bạn là tồn tại chứ không phải để kiếm tiền nhanh. Bạn cần phải tìm hiểu sơ về thị trường trước khi ra quyết định đầu tư. Đó là điều kiện quan trọng nhất để bạn có thể chiến thắng cuộc chiến này.
Một đồ thị đáng giá bằng hàng ngàn câu chữ. Tôi tin rằng, chỉ với các biểu đồ dưới đây, bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quát về thị trường chứng khoán.
Không nên trông đợi một con số tăng trưởng bình quân
Có nhiều bài viết, bài báo công bố thông tin rằng thị trường tăng x% mỗi năm sau một quãng thời gian. Cụ thể, trong bài viết này là VNINDEX có tăng trưởng 11%/năm.
Nếu như tôi không nói gì thêm về con số này thì có thể khiến bạn hiểu rằng: cứ đầu tư chỉ số (ETF) là sẽ được lãi 11%/năm.
Mặc dù điều đó có thể đúng trong một tương lai dài hạn xa xăm. Nhưng trong ngắn hạn thì thị trường rất hiếm trả về kết quả tăng trưởng trung bình mỗi năm.
Như biểu đồ tăng trưởng của VNINDEX từ năm 2001 đến 2023. Nếu con số 11%/năm là tăng trưởng trung bình của thị trường thì chúng ta phải thấy các điểm dữ liệu tập trung quanh mốc 11%. Nhưng thay vào đó, các điểm dữ liệu lại phân bố rời rạc, có năm tăng 50%, có năm thì giảm 25%… tính trung bình trong dài hạn thì có con số 11%/năm.
Tăng trưởng hằng năm là một con số trung bình đại diện cho toàn bộ quá trình đầu tư, không có nghĩa rằng năm nào bạn cũng sẽ nhận được lợi nhuận bằng con số đó.
Dựa trên thông tin của biểu đồ, rất khó để có thể phán đoán VNINDEX năm sau tăng bao nhiêu điểm, đó là chưa kể đến các điều kiện về kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, có một điểm sáng ở đây: từ năm 2001 đến 2023, chỉ có 7 năm là ghi nhận tăng trưởng âm (trên tổng số 23 năm, tương ứng tỷ lệ 30%). Hay có thể nói thị trường chứng khoán thường xuyên đi lên.
Thị trường thường xuyên đi lên
Với kinh nghiệm đầu tư lâu năm, tôi nhận ra rằng thị trường xuyên đi lên trong dài hạn. Tỷ lệ ở đây không phải 50/50 mà hiện tại là 70 tăng và 30 giảm. Vì vậy, lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán không phải là một lựa chọn tồi.
Trong phần này, tôi sử dụng dữ liệu của ETF E1VFVN30. ETF này mô phỏng chỉ số VN30-TRI (có bao gồm cổ tức). Sử dụng để phản ánh tổng tăng trưởng của chỉ số hợp lý hơn việc sử dụng VNINDEX hoặc VN30.
Có nhiều lý do tại sao thị trường đi lên, nhưng đối với tôi thì đơn giản chính là:
- Mọi người đều hướng tới những điều tốt đẹp hơn, không ai chọn điều tồi tệ.
- Các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực cải tiến, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
- Vì có cạnh tranh, những doanh nghiệp tốt sẽ ngày càng tốt hơn. Doanh thu tăng cho nên lợi nhuận cũng tăng.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán nước ta là thị trường cận biên có biên độ biến động rất lớn, với mức rủi ro không hề nhỏ. Thị trường tăng rất mạnh trong Bull Market và sụt giảm không kém trong Bear Market.
Thị trường tăng mạnh rồi sẽ giảm mạnh
Từ năm 2001 đến 2023, VNINDEX đã chứng kiến nhiều đượt sụt giảm mạnh thông qua biểu đồ “Tỷ lệ sụt giảm” dưới đây (hay còn gọi là Drawdowns).
Vùng màu đỏ:
- Càng xuống sâu: thì tỷ lệ sụt giảm càng lớn.
- Càng rộng (sang phải): thì thời gian hồi phục (chạm lại đỉnh cũ) càng lâu.
Khủng hoảng năm 2008 đã làm VNINDEX giảm 80% so với đỉnh và cuốn trôi thành quả của rất nhiều nhà đầu tư. Không những thế, thị trường còn mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Sau khi chạm lại đỉnh cũ vào năm 2018, thị trường có xu hướng đi lên nhưng cũng không duy trì được bao lâu. Năm 2021, hình mẫu này lại xuất hiện.
Chỉ bởi vì thị trường thường xuyên đi lên, không có nghĩa rằng bạn có thể đầu tư một cách thoải mái.
Lịch sử đã chứng minh:
- Luôn có đợt giảm mạnh sau khi thị trường tăng nóng.
- Thị trường giảm rồi sẽ tăng trở lại.
Bạn cần phải lên kế hoạch để chuẩn bị cho hai tình huống trên.
Tuy nhiên, cho dù kế hoạch đầu tư dài hạn của bạn có tốt đến mấy thì cũng hãy chuẩn bị tâm lý bị thua lỗ trong ngắn hạn.
Bạn vẫn có thể bị thua lỗ trong ngắn hạn
Thị trường không tăng một cái vèo mà sẽ có vô số ổ gà trên đường đi. Nếu bạn không chấp nhận được rủi ro, thua lỗ, trong ngắn hạn thì khó có thể gặt hái được lợi nhuận trong dài hạn.
Cột màu xám là tăng trưởng của VNINDEX và chấm màu đỏ là tỷ lệ sụt giảm từ đỉnh trong chính năm đó.
Thua lỗ ngắn hạn là một phần không thể tránh khỏi. Cho dù thống kê VNINDEX có tăng trưởng trong một năm như thế nào đi chăng nữa thì trong năm đó bạn cũng sẽ phải chứng kiến cảnh thị trường giảm điểm.
Bear Market cũng không vui vẻ gì mấy bởi vì nó xảy ra quá nhanh.
Năm 2018, thị trường giảm sâu tới 26% nhưng cuối năm hồi phục trở lại chỉ còn giảm 9%.
Năm 2020 cũng tương tự, thị trường bị ảnh hưởng bởi tin COVID giảm hơn 34% nhưng lại ngay lập tức hồi phục.
Thay vì trốn tránh thua lỗ, hãy chấp nhận sự thật rằng thua lỗ là một điều không thể tránh khỏi trong đầu tư. Không việc gì phải xấu hổ khi bạn bị thua lỗ. Đầu tư dài hạn là bạn phải chấp nhận nỗi đau này mới có thể “hái quả” được trong tương lai.
Rủi ro thua lỗ giảm dần theo thời gian
Chuyện thị trường tăng/giảm trong ngắn hạn không phải là chuyện bất thường nên bạn không cần phải quá quan tâm về chuyện đó.
Thực tế, càng đầu tư lâu dài, tỷ lệ thua lỗ càng thấp.
Lần tới nếu thị trường giảm điểm mạnh thì hãy tự tin bởi vì khó khăn nào cũng sẽ qua đi.
Sẽ luôn luôn có một thứ gì đó làm bạn lo lắng
Hôm qua bạn đọc bài về chiến tranh làm ảnh hưởng tới giá dầu, hôm nay bạn đọc bài về việc có thể có khủng hoảng nợ xảy ra, một ngân hàng nào đó phá sản. Lên YouTube thấy một chuyện gia nào đó cảnh báo làn sóng gì đó sắp xảy ra, vô cùng căng thẳng và khốc liệt.
Cho dù bạn có làm tốt đến mấy thì sẽ luôn luôn có một lý do khiến bạn cảm thấy lo lắng về nền kinh tế quốc gia và của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong dài hạn thì những sự kiện đó chỉ còn là những điểm thông tin nhỏ nhoi mà không còn ai nhớ về nó nữa.
Cách hiểu dễ nhất là bạn hãy Google những tin tức chấn động từ xưa tới nay, ví dụ vụ dàn khoan HD-981 và để ý xem cảm xúc của bạn như thế nào. Mặc dù bản thân tôi từng trải qua sự kiện đó nhưng tôi của hiện tại lại thấy vụ việc này nhỏ bé và vớ vẩn vô cùng.
Đây là biểu đồ VNINDEX từ 2005 đến 2018. Nếu muốn bán thì lúc nào bạn cũng có lý do để bán cả.
Bạn không thể cứ mãi phản ứng lại với thị trường. Hôm nay thế này, ngày mai thế kia. Hôm nay sợ giảm vội vàng bán, ngày mai hồi phục lao vào mua. Những hành động như thế này không hề mang lại kết cục tốt đẹp nào cả.
Xây nhà thật vững
Với việc tiếp cận thông tin vô cùng nhanh chóng trong thời đại ngày nay, các trang báo luôn đăng những thể loại tin tức gây tác động đến tâm lý, dễ khiến mọi người ra quyết định ngắn hạn trong lúc hoảng loạn. Là một nhà đầu tư chỉ số ETF, hoặc đầu tư quỹ mở cổ phiếu, cái bạn cần là tập trung vào đầu tư dài hạn và loại bỏ các thông tin nhiễu vô giá trị.
Một nhà đầu tư có lợi thế là một người có kiên nhẫn và chiến thuật đầu tư phù hợp, bao gồm luôn cả việc nhận biết các chu kỳ của thị trường trong quãng thời gian dài.
Hãy xem biến động trên thị trường chứng khoán như là quãng thời gian thời tiết thất thường: lúc nắng, lúc mưa, có lúc bão tố.
Đầu tư ngắn hạn, để cảm xúc bị chi phối bởi các tin tức, không có kế hoạch đầu tư cụ thể… giống như là cố gắng xây một căn nhà cho thật nhanh mà không hề có bản vẽ cụ thể. Tất nhiên, căn nhà này sẽ được hoàn thành nhanh nhưng nền móng không vững chắc, thiết kế không kiên cố, khó tồn tại được trong mùa mưa bão.
Tưởng tượng hành trình đầu tư của bạn như là xây một ngôi nhà để đời. Bạn lên kế hoạch đặt từng viên gạch bằng cách đi học thêm kiến thức, tăng thu nhập công việc chính… với mục đích xây dựng một nền móng tốt.
Vì lo sợ mưa bão nên bạn gia cố cho “ngôi nhà” này bằng cách phân bổ danh mục để gia tăng khả năng chống chịu. Thiết kế của bạn sẽ trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều thời gian xây dựng, nhưng cũng sẽ tồn tại lâu hơn.
Đây là bài viết số 45, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock
Leave a Reply