Về ETF E1VFVN30 và các quỹ mở cổ phiếu khác
Nếu bạn đọc nào quan tâm đến ETF E1VFVN30 và các quỹ mở khác ngoài VFMVF1 thì có thể đọc bài viết so sánh giữa ETF với các quỹ mở cổ phiếu được viết vào tháng 07/2021.
Thời gian gần đây tôi hơi lười biếng, động lực viết bài không còn vì cạn kiệt ý tưởng. Cứ mong muốn tìm cái gì hay để viết rốt cuộc chả viết được cái gì. Bỗng nhiên nhận được mail của một anh bạn (giấu tên) nhờ nhận xét danh mục của anh ấy.
Anh ấy dự định đầu tư vào:
- VFMVFB: Quỹ trái phiếu – VFM
- VFMVF1: Quỹ lai cổ phiếu và 10% trái phiếu – VFM
- FUEVFVND: Quỹ ETF VFMVN Diamond
Với danh mục này tôi thấy anh ấy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và cũng đã nghiên cứu nhiều rồi. Nên tôi nghĩ việc hỏi tôi là để xem quan điểm của tôi đồng thời hy vọng củng cố quan điểm về danh mục mà anh ấy lựa chọn.
Tôi không phải là một nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp, tôi thấy năng lực bản thân không đạt tới mức độ của một nhà tư vấn và hiện tại chưa có cơ hội để đi con đường đó cho nên nội dung cuộc trò chuyện giữa tôi với anh chỉ dừng lại ở mức độ thảo luận.
Sau khi viết bài “Nên đầu tư quỹ nào?” tôi đã không còn viết thêm bài viết nào liên quan trực tiếp đến các quỹ nữa. Bài viết đó giờ nhìn lại thấy tôi chỉ đứng ở ngoài phân tích hàng loạt quỹ, có thể nó không phải là cái mà các bạn đọc tìm kiếm khi họ search trên Google, có thể là họ đang tìm kiếm một quỹ để họ đầu tư cả đời, nhưng bài viết đó lại nói chung chung quá… bởi vì chủ đề của bài viết đó không phải là tìm quỹ nào tốt nhất mà là bàn về việc kỳ vọng của nhà đầu tư khi đầu tư vào các quỹ mở.
Và như kết quả đã phân tích tại bài viết cũ, ta thấy rằng VFMVF1 rất hiệu quả (2016 -> 2020). Nay tôi đi sâu hơn một chút về các quỹ này.
Nội dung của bài viết này là những gì mà tôi với anh ấy đã trao đổi (đã được lược bỏ bớt)
Dữ liệu trong bài viết:
- VFMVFB: Từ trang web của quỹ Thông tin về quỹ VFMVFB
- VFMVF1: Từ trang web của quỹ Thông tin về Quỹ VFMVF1
- E1VFVN30: Cophieu68. Tạm gọi ETF VN30 trong bài.
- FUEVFVND: Cophieu68. Tạm gọi ETF DIAMOND
- FUESSV50: ETF SSI VNX50. Cophieu68
- FUESSVFL: Tạm gọi ETF FINLEAD. Cophieu68
Đây là bài viết số 20, mọi dữ liệu về bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
Lưu ý:
Tôi tại thời điểm viết bài không làm việc cho các quỹ này và cũng không có liên quan gì tới họ.
Về lựa chọn đầu tư VFMVF1
Đầu tiên, tôi so sánh giữa VFMVF1 và ETF VN30 (E1VFVN30).
Có thể nhiều người sẽ thấy vô lý khi tôi đem so sánh quỹ lai với ETF, sao không so sánh với các quỹ lai khác? Tuy nhiên, bản thân nhà đầu tư cá nhân thì họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận gặt hái được từ khoản đầu tư của mình. Việc đầu tư vào quỹ nào không quan trọng, miễn là có lợi nhuận. Và dựa theo kết quả của bài viết cũ “Nên đầu tư quỹ nào?”, quỹ VFMVF1 nổi trội hơn so với các quỹ còn lại.
Lựa chọn ETF VN30 bởi nó phổ biến, hoạt động lâu (từ cuối năm 2014) và dễ mua bán trong khi đó các quỹ ETF khác thì mới hoạt động gần đây.
Và bài viết này tôi cố không đi lan man mà tập trung vào cái cần nói. Và cố gắng viết thật dễ hiểu.
Ta thấy rằng 1 đồng đầu tư vào VFMVF1 vào 06/10/2014 đến 23/02/2021 mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư là 2,33 đồng. Lớn hơn so với việc đem đi đầu tư chứng chỉ quỹ VN30 (1,91 đồng).
ETF VN30 mang lại lợi nhuận cao hơn VFMVF1 năm 2017, nhưng những năm còn lại thì đều thua VFMVF1. VFMVF1 có đầu tư trái phiếu (~9% tỷ trọng) nên rủi ro của quỹ này thấp hơn ETF VN30 (vốn 100% cổ phiếu)
Tại thời điểm đầu tư ngày 06/10/2014 tới nay thì các kết quả của VFMVF1 đều tốt hơn ETF VN30.
Do tác động bởi thị trường gấu năm 2018 và COVID-19 đầu năm 2020, VFMVF1 có mức độ sụt giảm vốn từ đỉnh là -39,7% thấp hơn ETF VN30 -47,67%. Và trong các quãng thời gian hoạt động, ETF VN30 cho thấy có nhiều lần sụt giảm từ đỉnh đến ~10% hơn VFMVF1.
Thậm chí nếu nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ vào đầu tháng 03/2018 (trước khi thị trường vào bear market):
VFMVF1 vẫn hiệu quả hơn ETF VN30.
Nên nhớ, VFMVF1 là quỹ lai, có cổ phiếu và ~9% trái phiếu và là quỹ mở nên phí quản lý lớn hơn ETF nhiều. Tuy nhiên VFMVF1 lại hoạt động hiệu quả hơn. Đầu tư mua chứng chỉ VFMVF1 mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư hơn là mua chứng chỉ ETF E1VFVN30.
Kết luận.
Tôi thấy quỹ VFMVF1 này rủi ro thấp hơn ETF VN30, nhưng mang lại tỷ suất sinh lợi cao hơn. Trong ngắn hạn không phản ánh được gì về độ hiệu quả nhưng nếu xem xét quãng thời gian dài thì VFMVF1 bỏ xa ETF VN30.
Nếu các nhà đầu tư cá nhân có quan tâm đầu tư chứng chỉ quỹ dài hạn thì nên tìm hiểu và liên hệ quỹ VFMVF1 này để họ tư vấn chi tiết.
Lựa chọn ETF
Đây là phần riêng tôi trao đổi với anh ấy. Nó không phải là khuyến nghị đầu tư cho tất cả mọi người. Tôi viết ra để sau này quay lại đánh giá bản thân.
Anh ấy lựa chọn cho danh mục của mình một ETF đó là DIAMOND.
Vì DIAMOND mới ra nên không có nhiều dữ liệu phân tích. Trong phần này tôi sẽ so sánh các ETF:
- ETF FUEVFVND: DIAMOND của VFM
- ETF FUESSV50: của SSI
- ETF FUESSVFL: FINLEAD của SSI
Mục đích là tìm ETF phù hợp để kết hợp với VFMVF1 nên tôi sẽ chọn một mốc để đầu tư cùng lúc 4 quỹ, đó là thời điểm 24/06/2020.
Đầu tư vào VFMVF1 và FUESSV50 là tương đương nhau thời điểm này. Trong khi đó cả DIAMOND và FINLEAD đều vượt trội hơn và mang lại lợi nhuận hơn 60% cho nhà đầu tư. DIAMOND là ETF có các cổ phiếu xịn xò, trong khi đó FINLEAD lại tập trung vào ngành tài chính. Vậy thì nên lựa chọn gì đây?
Dưới đây là hệ số tương quan của các quỹ dựa theo biến động giá NAV/chứng chỉ quỹ hằng ngày:
Nếu phải kết hợp VFMVF1 với một trong 3 ETF trên thì FINLEAD cho kết quả ổn nhất do hệ số tương quan của 2 quỹ VFMVF1 + FINLEAD là 0,51 thấp hơn so với so với khi kết hợp với DIAMOND (0,61).
Theo sách giáo khoa là như vậy. Hệ số tương quan giữa các tài sản trong danh mục càng nhỏ hơn 1 thì càng tốt. Nó sẽ có tác dụng giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Nên nhớ ngoài 2 quỹ cổ phiếu chúng ta còn có VFMVFB quỹ trái phiếu trong danh mục nữa.
Tôi đi xem thử danh mục các chứng khoán cơ cấu ETF DIAMOND tại ngày 08/03/2021 thì thấy:
Các cổ phiếu bôi vàng là các cổ phiếu có trong danh mục đầu tư của VFMVF1. 9/13 cổ phiếu, điều đó lý giải tại sao hệ số tương quan biến động giá NAV của VFMVF1 và DIAMOND là 0,61, gần như nhau.
Trong khi đó FINLEAD thì tập trung chủ yếu vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán:
Nếu đầu tư vào đây thì sẽ chịu rủi ro với toàn ngành tài chính. Chiếm 36% tỷ trọng etf DIAMOND là các cổ phiếu ngân hàng nên tôi thấy không có nhiều ý nghĩa khi đầu tư cả VFMVF1 và DIAMOND (tại thời điểm hiện tại)
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân và nội dung tôi gửi cho anh ấy: “Các nước đang phát triển, thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì cổ phiếu ngân hàng sẽ là trụ cột của cả thị trường. Cho dù sắp tới có điều chỉnh ngắn hạn như đợt COVID-19 nhưng tương lai sau đó giá cổ phiếu cũng sẽ tăng trở lại và hệ thống ngân hàng rất tốt, không dễ bị sụp đổ. Kỳ vọng rằng cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, nhóm ngành tài chính sẽ tăng những năm sau.
Trong ngắn hạn, quỹ trái phiếu VFMVFB khả năng sẽ “gánh” danh mục này khi mà thị trường điều chỉnh nhưng đó cũng là cơ hội để mua chứng chỉ quỹ VFMVF1 giá rẻ. Về dài hạn kỳ vọng VFMVF1 nhiều hơn”.
Và tôi nói cho anh ấy về danh mục chứng khoán Việt Nam này thì tỷ trọng: 20% VFMVFB, 40% FINLEAD và 40% VFMVF1.
Danh mục anh ấy lựa chọn ban đầu là: 20% VFMVFB, 30% DIAMOND và 50% VFMVF1.
Vài năm sau tôi sẽ lục lại bài viết này và cập nhật một lần nữa.
Bài viết này không phải là khuyến nghị đầu tư cho tất cả mọi người. Do tôi chỉ viết blog một mình, tôi không thể nào liên tục cập nhật các thông tin về các quỹ. Mọi thứ trong bài viết là quan điểm hiện tại của tôi về quỹ đó, có thể trong tương lai kết quả sẽ khác hoặc tôi sẽ tìm thấy quỹ tốt hơn. Cái tôi làm là đưa ra các thông tin dễ hiểu, giúp cho mọi người có cái nhìn tổng quát. Còn việc tìm hiểu rồi đưa ra quyết định đầu tư là do chính bạn lựa chọn.
Leave a Reply