Sách kinh tế, chỉ báo kinh tế và chuyện đầu tư

Có bạn nhờ tôi giới thiệu cho vài cuốn sách kinh tế để bạn ấy đọc với mục đích là giúp cho việc đầu tư trở nên tốt hơn. Nếu nói về sách kinh tế thì tôi chỉ biết duy nhất hai cuốn:

  1. Kinh tế vi mô
  2. Kinh tế vĩ mô

Mặc dù đã đọc qua rồi nhưng những gì tôi áp dụng vào đầu tư chỉ là một phần nhỏ của lượng kiến thức học được. Tôi còn cho rằng nhà đầu tư không nhất thiết phải đọc hết toàn bộ cuốn sách kinh tế để làm gì vì nó mất nhiều thời gian mà không chắc đã hiệu quả.

Nâng cao hiểu biết là một chuyện, nhưng việc áp dụng kiến thức đó vào thời điểm nào lại là chuyện khác. Nếu cho cái tựa đề sách rồi kêu mọi người đọc thì có thể sẽ làm người ta thấy chán vì có quá nhiều thông tin mà lại không biết áp dụng ra sao. Thay vì tốn mấy tiếng đồng hồ đọc một cuốn sách khó nuốt thì người ta cần một chỉ điểm cụ thể rồi từ đó phát triển lên thì sẽ nhanh hơn so với việc lần mò trong bóng đêm.

Chính vì lí do đó, tôi viết bài này nhằm chia sẻ những kiến thức về kinh tế mà tôi tin rằng bất kì nhà đầu tư nào cũng cần phải biết.


1. Kinh tế

Ai cũng biết rằng giá cổ phiếu tăng hay giảm là do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tác động. Đây là kinh tế vi mô. Nhưng cũng có một ngoại lực khác có thể tác động đến không chỉ doanh nghiệp mà còn cả thị trường. Đó là kinh tế vĩ mô. Mặc dù kinh tế vĩ mô rất rộng nhưng tôi chỉ quan tâm đến hai thứ duy nhất:

  1. Lạm phát
  2. Lãi suất

Bạn hãy xem kinh tế vĩ mô như là thời tiết: nắng, mưa, bão lụt… Nếu trời nắng tốt, mọi thứ sẽ có thể phát triển, khoản đầu tư của bạn sẽ mang lại lợi nhuận. Nếu trời bão, như lạm phát cao, thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Bằng cách nhận biết được gió đang thổi như thế nào có thể giúp bạn “chèo lái” con thuyền một cách dễ dàng hơn và giúp bạn ra quyết định đầu tư tốt hơn.


2. Chỉ số lạm phát

Giả sử bạn mở quán bán cơm. Giá gạo ngày càng tăng, giá thực phẩm tươi sống cũng tăng… bắt buộc bạn phải tăng giá mỗi phần ăn. Nhưng, nếu khách hàng thấy quán cơm của bạn bán mắc quá thì họ sẽ hạn chế ăn mà dạt sang những quán khác rẻ hơn. Nếu tình hình này cứ tiếp tục thì startup của bạn sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng.

Doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và chế tạo: Khi lạm phát cao thì sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào. Giá càng cao thì lợi nhuận càng teo hẹp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng bị ảnh hưởng trong trường hợp lạm phát leo thang. Họ cần nhiều nhân lực cho nên áp lực tiền lương là vô cùng lớn. Không thể tăng lương liên tục được vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bởi vì thế, nhà đầu tư thường có xu hướng hạn chế đầu tư khi chỉ số lạm phát bắt đầu gia tăng. Họ cho rằng, lạm phát cao thì lãi suất có thể sẽ tăng. Mà lãi suất tăng thì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ doanh nghiệp mà còn đến việc đầu tư của họ, điều này tôi sẽ bàn ở phần 3 bên dưới.

2.1 Xem chỉ số

Theo tôi, cách dễ dàng nhất là theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại: Investing.com(cpi)

CPI này là CPI theo năm. Ví dụ, nếu CPI tháng 01/2023 cao hơn CPI tháng 01/2022 là 4,89% thì sẽ được báo cáo là 4,89%.

2.2 Ảnh hưởng đến việc đầu tư

Trong thời gian đó, thị trường chứng khoán đã phản ứng như sau:

Có thể thấy, chỉ số này và thị trường chứng khoán luôn di chuyển ngược chiều với nhau. Vì vậy, khi mà bạn nghe phong phanh rằng lạm phát tăng mạnh hay có dấu hiệu tăng mạnh thì cần cân nhắc trong vấn đề đầu tư.

Bạn có thể xem xét ở các giai đoạn khác và nhận ra mô hình tương tự.


3. Lãi suất

Nếu bạn vay tiền để mua nhà thì bạn muốn lãi suất thấp hay lãi suất cao? Khi lãi suất thấp, nhu cầu vay mượn của người dân tăng cao, dễ dàng thúc đẩy kinh tế hơn so với lãi suất cao.

Những ảnh hưởng của việc giảm lãi suất:

  1. Kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giúp người tiêu dùng có thể chi tiêu thoải mái hơn bằng tín dụng. Cho doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị…
  2. Người đi vay được hưởng lợi.
  3. Giảm chi phí hoạt động doanh nghiệp -> Tăng lợi nhuận.
  4. Tăng giá trị thực của tài sản (lãi suất chiết khấu thấp thì định giá tài sản sẽ cao hơn). Khi lãi suất giảm, chỉ số P/E tăng, các nhà đầu tư kỳ vọng giá trị doanh nghiệp sẽ tăng nên sẽ mua cổ phiếu.
  5. Giảm lợi nhuận tiềm năng mà các nhà đầu tư kỳ vọng (do giá cổ phiếu tăng)
  6. Các tài sản đồng loạt tăng giá, ai cũng cảm thấy mình trở nên giàu hơn và có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
  7. Kích thích việc sử dụng đòn bẩy trong đầu tư.

Khi nền kinh tế trở nên quá nóng, giá cả vật chất leo thang thì lãi suất sẽ có xu hướng tăng để kiềm lạm phát.

Các khoản nợ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Người ta sẽ vay ít hơn, đồng nghĩa với việc chi tiêu cũng ít hơn xưa. Doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư máy móc phục vụ hoạt động sản xuất. Những doanh nghiệp nào đang có nhiều nợ phải trả cũng sẽ gặp khốn đốn nếu lãi suất cứ liên tục đi lên.

Những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng sẽ gặp khó khăn tương tự.

Tôi lấy một ví dụ đơn giản như sau:

  • Một nhà đầu tư phát hiện một khoản đầu tư có cơ hội mang lại lợi nhuận 10%/năm.
  • Anh nạp 10 triệu, vay 10 triệu, tổng tiền 20 triệu. Lãi suất phải trả là 8%/năm.
  • Không tính chi phí giao dịch.

Nếu chỉ đơn giản sử dụng tiền của mình mà đầu tư thì anh ấy sẽ được hưởng lãi 10%/năm. Nhưng trong trường hợp này, anh ấy vay thêm tiền để đầu tư.

  • Tổng tiền đầu tư là 20 triệu, đã bao gồm 10 triệu đi vay.
  • Vì đi vay cho nên anh ấy phải trả lãi 8% của 10 triệu = 800 ngàn.
  • Sau 1 năm, khoản đầu tư 20 triệu này mang lại lợi nhuận 10%. Anh lời 2 triệu.
  • Trả lãi 800 ngàn thì tiền lời của anh còn lại 1,2 triệu.
  • Lợi nhuận thực tế trên số tiền mà anh bỏ ra: 1,2 triệu / 10 triệu = 12%.

Bây giờ, nếu lãi suất tăng từ 8% lên 9% thì sao? Bằng phép tính tương tự, lợi nhuận của anh chỉ còn 11%.

Nếu lãi suất tiếp tục tăng từ 9% lên 10% hoặc lớn hơn thì đi vay không còn ý nghĩa gì nữa. Trong trường hợp này anh thà cắt và trả tiền lãi vay thật sớm trước khi chi phí ăn hết lợi nhuận.

Bởi vì lẽ đó, mỗi khi lãi suất có dấu hiệu tăng lên là thị trường sẽ phản ứng lại bằng vài cây nến đỏ. Thị trường càng giảm mạnh thì những người sử dụng đòn bẩy sẽ cảm thấy như ngồi trên đống lửa.

3.1 Xem chỉ số

Cách dễ nhất mà tôi hay sử dụng để theo dõi chính là quan sát lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tại Investing.com(bond yield) hoặc TradingView(VN10Y)

Và đọc các báo cáo trên: Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam

3.2 Ảnh hưởng đến việc đầu tư

Tương tự như chỉ số CPI.

Từ năm 2022, lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có xu hướng tăng. Các nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán.

Đầu năm 2023, lợi tức có xu hướng giảm -> Các nhà đầu tư có thêm niềm tin để mà đầu tư chứng khoán.

Sau khi lạm phát đã có dấu hiệu được kiểm soát. Nếu không có gì đó thực sự bất ổn, nhà đầu tư sẽ cho rằng ngân hàng trung ương/nhà nước sẽ có xu hướng không tăng lãi suất và có thể sẽ hạ lãi suất trong tương lai. Điều này làm các nhà đầu tư tự tin hơn, cho rằng các doanh nghiệp sẽ có khả năng hoạt động tốt hơn trong tương lai nên họ quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán mạnh hơn.

Để dễ dàng hình dung hơn bạn có thể tham khảo biểu đồ về biến động của ETF E1VFVN30 và lợi tức trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm từ năm 2014 đến nay.

Bạn cũng có thể đọc thêm báo cáo trên Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam. Hiện tại thì lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đang có dấu hiệu đi lên trở lại do lạm phát.

Đầu năm 2024:

Hiện tại: 07/03/2024

Thị trường chứng khoán đã phản ánh lại ngay lập tức bằng hai cây nến đỏ vào ngày 08/03 và 11/03.


Tại sao GDP không phải chỉ số đáng tin cậy với nhà đầu tư

GDP là chỉ số đánh giá tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán. Là một chỉ số cực kỳ quan trọng trong kinh tế vĩ mô. Nếu GDP của một quốc gia ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc quốc gia đó ngày càng phát triển.

Khi một quốc gia xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, giá trị sẽ được tính vào GDP của quốc gia đó, làm tăng giá trị kinh tế tổng thể.

Tuy nhiên:

  1. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta nước ta ước tính là 355,5 tỷ USD. Khối doanh nghiệp FDI đóng góp 73,1%.
  2. Các doanh nghiệp FDI không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nguồn: Vietnambiz tới tháng 10 năm 2023

Chính việc này đã gây nên những sự việc trái chiều, cụ thể như tình hình kinh tế vĩ mô tốt đẹp nhưng các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán lại gặp khó khăn, chỉ số VNINDEX mãi đi loanh quanh mốc 1200 mặc dù GDP năm nào cũng tăng.


Những chỉ số quốc tế khác cần quan tâm

Giá dầu: Dầu tăng giá ảnh hưởng đến hầu hết mọi thứ trong cuộc sống.

Fed Funds Rate. Là một trong những chỉ số quan trọng mà nhà đầu tư nào trên thế giới cũng theo dõi. Mỗi hành động tăng hay giảm lãi suất tại Mỹ đều ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Xem tại: fred.stlouisfed.org(effective).

Tôi sử dụng trang web này để xem lịch của các cuộc họp quan trọng mà kết quả có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư: Investing.com(calendar)

Ví dụ tối nay ngày 12/03 sẽ có thông báo về CPI của Mỹ.

Có thể bạn sẽ thắc mắc những thông tin này là của riêng Mỹ thì liên quan gì đến Việt Nam. Tôi đồng ý. Nhưng mà bởi vì hầu hết những nhà đầu tư trên thế giới đều quan sát những chỉ số này và ra quyết định đầu tư dựa theo nó nên bạn bỏ xíu thời gian đọc cũng không sao cả. Không nhất thiết phải canh me theo dõi như các trader làm gì, bạn có thể đọc báo ngày mai để biết tâm lý chung của các nhà đầu tư là như thế nào.


Kết luận

Đối với những nhà đầu tư mới, việc hiểu về mối quan hệ giữa kinh tế vĩ mô và sự vận động của thị trường chứng khoán là vô cùng cần thiết.

Nếu bạn không muốn đọc sách khô khan thì chỉ cần nghiên cứu sâu hơn về hai chỉ số mà tôi giới thiệu trong bài. Hai chỉ số này thường xuyên được tôi sử dụng để đánh giá và lên kế hoạch đầu tư. Tôi không sử dụng thông tin gì hầm hố cả vì đối với tôi: đơn giản tốt hơn phức tạp. Biết nhiều quá cũng không tốt.

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải hiểu rằng việc sử dụng thông tin kinh tế vĩ mô ở đây không phải là để giúp bạn “mua đáy bán đỉnh”. Mọi thứ đều có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính, ví dụ như:

  • COVID-19 làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán năm 2020, lãi suất mỗi quốc gia đồng loạt giảm, thị trường chứng khoán tăng từ đó.
  • Thị trường chứng khoán Mỹ năm 2001: Bong bóng DotCom nổ, vụ tấn công 11 tháng 9, nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng kinh tế chậm lại… FED đã hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế suốt một năm 2001 nhưng tới năm 2003 thì thị trường chứng khoán Mỹ mới thấy đáy.
  • Thị trường chứng khoán Mỹ năm 2008: chúng ta có khủng hoảng tài chính. FED đã liên tục hạ lãi suất để cứu nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh tới tháng 03/2009 mới có dấu hiệu hồi phục.

Chính bởi vì hai đợt giảm lãi suất trong bối cảnh suy thoái kinh tế đó cho nên nhiều người cho rằng cứ hễ khi FED giảm lãi suất là sẽ có khủng hoảng nhưng thực tế, bởi vì có khủng hoảng nên mới phải giảm lãi suất.

Chỉ sử dụng lãi suất thôi đã khá phức tạp, mà chúng ta còn phải quan tâm thêm lạm phát nữa vì mỗi đợt tăng/giảm của các chỉ số này còn phải phụ thuộc tình hình kinh tế của quốc gia đó. Nhìn vào biểu đồ quá khứ thì khá dễ nhưng đào sâu xem hồi xưa tại thời điểm đó bị cái gì mà người ta quyết định nâng/hạ lãi suất thì lại phải tiêu tốn rất nhiều thời gian.

Vì vậy, chúng ta không nên ra quyết định một cách rập khuông theo kiểu “có A là sẽ có B” mà hãy suy nghĩ rằng: “có khả năng ra B hoặc C” rồi từ đó lên kế hoạch đầu tư bằng cách phân bổ sang các tài sản khác để hạn chế rủi ro hoặc tranh thủ tận dụng thời cơ.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


8 responses

  1. Quá hay, đơn giản và dễ hiểu 🙌 Bài này làm rõ comment của bác bên voz hôm trước 💡

    Btw, tình hình sách đến đâu rồi bác Hạc ơi 😁

    1. Mình đang viết song song blog với sách. Bài nào thấy hay thì mình cóp vào sách luôn. Mà viết sách thấy khó quá 😢

  2.  Avatar
    Anonymous

    vàng, stock, bitcoin mới bay được vài tháng mà sắp bị lãi suất đấm rồi

  3. Amazing! em là dân kinh tế đọc 2 quyển Vi Mô và Vĩ Mô rồi nhưng mỗi lần đi giải thích cho người khác đều chưa thể nói 1 cách súc tích như vậy.

  4. Chào bạn!

    Bạn dự định khi nào ra sách và bạn sẽ thông báo trên blog này chứ? Bạn ra sách mình sẽ đặt ngay lập tức, hjhj.
    Hy vọng bạn viết về crypto để mọi người bổ sung thêm kiến thức.

    Xin cảm ơn và chúc sức khỏe.

    1. Cám ơn bạn, mình sẽ cố gắng hết sức có thể. Khả năng là cuốn sách sẽ hoàn thành lâu hơn dự định. 🙁

  5. Bài viết xịn xò quá ạ, đơn giản nhưng toàn những khái niệm quan trọng được giải thích kỹ lưỡng và thực tế. Mong ngóng nhiều bài về chủ đề này nữa ạ

  6. Phan Minh Vương Avatar
    Phan Minh Vương

    Cảm ơn b vì những bài viết rất bổ ích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭