Có bao giờ bạn nghĩ rằng những thứ mà bạn biết trong đầu tư chỉ đúng với mỗi mình bạn không? Hay nói cách khác, thực tế mà bạn biết không phải là cái thực tế thật sự.
Tôi lấy ví dụ một nhà đầu tư chân ướt chân ráo quyết định đầu tư quỹ mở cổ phiếu sau khi đọc báo thấy thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh mẽ vào thời điểm đầu năm 2018.
Anh lựa chọn đầu tư vào quỹ lai VCBF-TBF (hay còn gọi là quỹ cân bằng, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu).
Sau 3 năm, kết quả mà anh nhận được như sau:
Khá thất vọng.
Có thể không cần chờ tới 3 năm, chỉ cần 1 năm mà thấy không có lời là anh bán ngay lập tức.
Bài học mà anh rút ra ở đây chính là: “đầu tư quỹ mở cổ phiếu chỉ có thua lỗ” hoặc “đọc bài trên một blog vô danh nào đó nói đầu tư ETF vào năm 2020 có lợi nhuận cao hơn quỹ cổ phiếu, bây giờ ngẫm lại mới thấy đúng. Thôi mua ETF.”
Mặc dù thông tin trên biểu đồ là chính xác nhưng nếu chỉ dựa vào một sự kiện như trên rồi rút ra nhận xét về quỹ mở cổ phiếu có thể khiến chúng ta có một góc nhìn lệch lạc trong đầu tư.
—
Bạn lựa chọn danh mục nào trong số 3 danh mục sau đây?
Quãng thời gian đầu tư của 3 danh mục đều như nhau: 36 tháng – 3 năm.
Danh mục màu đỏ tăng trưởng mạnh nhất, danh mục màu xanh biển thì chỉ ở tầm trung còn danh mục màu xanh lá thì thảm hại.
Hiển nhiên rằng bạn sẽ lựa chọn danh mục màu đỏ, đúng không?
Thật ra, cả 3 đường trên biểu đồ đều đại diện cho cùng một danh mục. Điểm khác biệt đó là thời gian bắt đầu đầu tư.
- Màu đỏ: đầu tư vào năm 2016
- Màu xanh biển: đầu tư vào năm 2020
- Màu xanh lá: năm 2018
Kết quả
—
Trong cuốn The Psychology of Money (tựa tiếng Việt: Tâm lý học về tiền) của Morgan Housel, tác giả đã nhận xét rằng:
Chúng ta ra quyết định đầu tư bằng cách kết hợp thông tin đang có trong hiện tại với quan điểm của riêng mỗi người về cách thị trường hoạt động.
Nhưng cái “quan điểm” đó không phản ánh toàn bộ sự thật về thực tế mà ta trải qua.
Mỗi người trong chúng ta đều nhìn vào thực tế từ những góc nhìn khác nhau như trong câu chuyện thầy bói xem voi.
Lúc trước, tôi nghĩ rằng chính bản thân những sự kiện trong quá khứ là thứ làm ảnh hưởng đến cách mà mọi người suy nghĩ và ra quyết định trong đầu tư.
Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, kể cả có cùng trải qua một sự kiện, bài học mà họ rút ra vẫn có thể khác nhau hoàn toàn.
Tại sao lại như vậy?
“Chúng ta chỉ có thể hiểu được một phần nhỏ của thực tế và đó chính là cái phần mà chúng ta lựa chọn để tập trung sự chú ý vào.”
Thibaut Meurisse
Cách tập trung vào vấn đề, nghĩ về nó và phản ứng lại với nó đã mang lại cho chúng ta một góc nhìn độc nhất về đầu tư.
Ví dụ đơn giản, một nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để đầu tư tiền ảo dẫn đến mất hết tiền thì có 2 cách phản ứng:
- Buồn bã và từ bỏ cuộc chơi.
- Xem như một bài học để đầu tư tốt hơn.
Chúng ta có SỰ LỰA CHỌN ở đây.
Ví dụ khác: đọc tin tức là việc mà nhà đầu tư nào cũng làm. Nhưng nếu báo chí chỉ đăng những tin bình thường thì rất là nhàm chán. Nghề này sinh ra là để câu kéo sự chú ý của người khác. Vì thế, họ phải viết những tin sốc và tiêu cực để làm bùng phát nỗi sợ hãi trong bạn, khiến bạn tò mò đến nỗi bắt buộc bạn phải đọc.
Đọc những tin này liên tục khiến cho chúng ta có cảm giác tình hình thế giới đang ngày càng xấu đi. Nó làm cho chúng ta có cái nhìn lệch lạc và tiêu cực.
Bạn làm gì theo?
- Không đọc.
- Đọc rồi ra quyết định trong sợ hãi.
- Đọc và không để nó ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư.
Mỗi ngày bạn phải đối mặt với hàng ngàn thứ tích cực lẫn tiêu cực. Thị trường tăng, thị trường giảm. Nhưng, để trở nên bi quan hay lạc quan thì hoàn toàn là ở bản thân bạn.
Trong ví dụ đầu bài, bạn có hai LỰA CHỌN:
- Không động vào quỹ mở cổ phiếu nữa vì cho rằng đó là sai lầm, chuyển sang đầu tư cái khác.
- Xem như bài học để đầu tư tốt hơn.
Nếu lựa chọn cách 1 thì bạn đã bỏ qua khả năng đầu tư quỹ mở mang lại lợi nhuận như danh mục năm 2016 và 2020.
Và khi mà bạn nhận định sai lệch về một loại tài sản đầu tư nào đó, bạn đã vô tình khép lại một cánh cửa cơ hội.
Cái bạn thiếu không phải là CƠ HỘI ĐỂ ĐẦU TƯ.
Mà là TẦM NHÌN.
Bạn để những thất bại trong quá khứ cản trở tầm nhìn. Chính bạn là người dựng lên các giả thuyết khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Đây là bài viết số 47, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
Mỗi khi đọc bài viết phân tích online (kể cả blog này) và thấy biểu đồ chỉ có 1 đường thẳng như ở đầu bài thì bạn không nên vội vàng nhảy tới kết luận.
Hãy lập tức bật chế độ “Nghi Vấn” bởi khi tác giả gộp tất cả thông tin lại và biểu diễn trên 1 biểu đồ, có thể nhiều thông tin bổ ích khác đã bị bỏ lơ.
Hãy dành một chút thời gian để kiểm chứng thông tin xem những gì mà tác giả không đề cập đến có giá trị không. Xem thử nếu vào một thời điểm khác, với cách đầu tư khác, thì quan điểm có thay đổi không – giống như biểu đồ 3 đường thẳng.
Leave a Reply