Vào một năm nọ, tôi nhận được một tin nhắn của một bạn sinh viên, bạn ấy cám ơn tôi vì nội dung trong bài viết “Phân bổ tài sản và đầu tư dài hạn cho các nhà đầu tư trẻ tuổi” đã giúp bạn ấy biết thêm về rủi ro khi đầu tư ETF trong ngắn hạn và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Sau đó câu chuyện xoay quanh các vấn đề trong cuộc sống của bạn ấy và kế hoạch đầu tư của bạn ấy trong tương lai.
Lúc này tôi mới đứng hình. Tôi nhớ lại cái dòng nhận xét mà tôi đã viết trong bài trên khi so sánh danh mục 100% với danh mục có phân bổ ETF/TCBF:
Tôi muốn kết luận một điều nghe có vẻ rất bạo nhưng thực tế. Nếu bạn còn trẻ, là sinh viên thì cứ đầu tư 100% vào ETF.
Khi còn trẻ, ta không cần dùng số tiền đó vội, ta có thể chấp nhận rủi ro lớn hơn. Nhà đầu tư trẻ có thể thua mất 50% giá trị tài sản trong ngắn hạn như trong năm 2020 nhưng về dài hạn thì 100% ETF vẫn mang lại lợi nhuận tích lũy tốt nhất.
Nó không hề phù hợp với hoàn cảnh của bạn sinh viên đó. Bạn ấy không có đủ tiền để đầu tư mỗi tháng, ngoài ra còn phải đi làm thêm từ khuya tới sáng ở quán cà phê Viva và nhận đồng lương vô cùng ít ỏi với mong muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Tôi đã lấy bản thân cuộc sống của mình trong quá khứ để làm tiêu chuẩn và nghĩ rằng mọi sinh viên đều có thể đầu tư ETF thoải mái. Nhưng trong thực tế, tôi đã bỏ quên một bộ phận không nhỏ những bạn sinh viên không hề có nhiều tiền để mang đi đầu tư.
Bởi vì không hề sống cuộc đời như bạn ấy nên tôi không bao giờ hiểu được cuộc sống của bạn ấy khổ sở ra sao. Bạn ấy cũng không hề biết cuộc sống của tôi ra sao nhưng vẫn nuôi hi vọng đầu tư để kiếm tiền.
Tôi hoàn toàn bất lực và không biết tư vấn thế nào. Lúc này tôi mới nhớ lại một câu nói đáng suy ngẫm của một chuyên gia tư vấn đầu tư :
“Some lessons have to be experienced before they can be understood.”
– Michael Batnick
Tạm dịch: “Một số bài học phải trải qua mới có thể hiểu được”.
Tôi có đọc cuốn sách “Đi Tìm Lẽ Sống”, nhưng cho dù tác giả có mô tả cuộc sống của ông trong trại có khó khăn, nguy hiểm đến mấy thì tôi vẫn không tài nào đồng cảm được với tác giả bởi vì tôi chưa hề trải qua một trường hợp tương tự, cho dù là đi tù đi chăng nữa. Bởi vì thế, tôi không tài nào hiểu được cái “meaning” của tác giả trong phần hai của cuốn sách.
Giống như Scout trong cuốn “To Kill a Mockingbird”, cô bé không thể nào hiểu được những định kiến trong cuộc sống và sự thấu cảm cho đến khi chứng kiến phiên tòa xét xử Tom Robinson và tương tác với Boo Radley.
Tôi ngồi suy tư. Những sinh viên như bạn ấy không phải là đối tượng mà tôi nhắm đến khi viết bài viết đó. Nhưng bạn ấy vẫn đọc mà không biết rằng bạn ấy không hoàn toàn phù hợp với những gì tôi đề cập.
Cuối cùng tôi đã cho bạn ấy một cái khung, framework, mà tôi đã cố gắng thử áp đặt chính bản thân mình vào cuộc sống như bạn ấy. Nó không hề dễ dàng.
Cái gạch đầu dòng chính là: KHÔNG MANG TIỀN ĐI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN, ETF VÀ CÁC QUỸ CỔ PHIẾU.
Dù là người viết về đầu tư nhưng lại khuyên bạn đọc của mình không nên đi đầu tư. Một lời khuyên hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã viết trước đây.
Trong cái framework đó tôi còn đưa ra ví dụ và kế hoạch cho bạn ấy nhưng luôn nhấn mạnh rằng đầu tư không phải là cái mà bạn ấy nên làm, nhất là trong 2-3 năm tiếp theo sau khi ra trường.
Khi mà tôi thử áp mình vào cuộc sống của bạn ấy, tự hóa thân thành một sinh viên, thử sống cuộc sống mà khuya còn phải đi làm phục vụ quán cà phê… thì tôi nhận ra một điều rằng tôi không nên đầu tư vào các cổ phiếu hay ETF.
Cái quý giá nhất mà tôi nên đầu tư vào đó chính là sự nghiệp của bản thân. Trước mắt thì đó là con đường duy nhất có điểm sáng. Và điều mà bạn ấy cần làm cho tới khi ra trường, cho tới khi có một công việc, đó chính là tiết kiệm và sử dụng chính đồng tiền ấy để học thêm, nâng cao trình độ của bản thân. Không nên nghĩ rằng đầu tư là để kiếm tiền, để trở nên giàu có… không có đâu.
Tất nhiên là còn nhiều điều mà tôi muốn bạn ấy phải làm trước khi mang tiền đi đầu tư, nhưng hãy để dành cho bài viết khác.
Điều mắc cười nhất ở đây là: Khi tôi áp mình vào trường hợp tương tự của bạn sinh viên thì tôi nghĩ phương pháp trên hoàn toàn phù hợp với tôi. Sử dụng tính chất bắc cầu thì khả năng cũng phù hợp với bạn ấy. Tuy nhiên, liệu bạn ấy có muốn đầu tư vào sự nghiệp không? Hay là thích đi đầu tư hơn? Liệu bạn ấy có thấy đi làm chán và muốn tìm cái gì đó kiếm tiền nhanh hơn không? Chắc chắn sau này bạn ấy sẽ thay đổi quan điểm sống lẫn kế hoạch đầu tư…
Sài Gòn sáng chủ nhật trời đẹp, ngồi uống cà phê bỗng nhiên “tức cảnh sinh tình”. Viết về đầu tư sao mà thấy khó quá. Tôi chuyển sang viết self-help chắc có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Leave a Reply