John C. Bogle
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đang đầu tư vào ETF cũng đều nghe qua cái tên John Bogle.
Là nhà sáng lập quỹ Vanguard nổi tiếng, là cha đẻ của Passive Investing và cũng là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng như: Đầu Tư Chứng Khoán Theo Chỉ Số (trên Tiki), The Little Book of Common Sense Investing, Common Sense on Mutual Funds…
Tôi cũng là fan hâm mộ John Bogle, tới nỗi mua luôn bản hardcover từ Amazon ship về Việt Nam để mà đọc. Và thú thật rằng, cuốn sách này tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần từ năm 2018 tới nay mà vẫn không thể nào lĩnh hội được toàn bộ tri thức của tác giả.
Đây là một trong những cuốn sách có tác động rất lớn đến việc hình thành nên quan điểm đầu tư của tôi ngày hôm nay.
Nhưng câu chuyện của ngày hôm nay không phải là về cuốn sách của ông.
John C. Bogle (tạm gọi – Jack) có một người con trai là John Bogle junior (tạm gọi – John).
Các bạn đọc sách của Jack sẽ thấy rằng: đối với ông, các index funds (quỹ đầu tư chỉ số), passive investing (đầu tư thụ động)… mới là con đường đúng đắn mà các nhà đầu tư nên lựa chọn. Hedge funds (quỹ phòng hộ) và mutual funds (quỹ tương hỗ) là rất xấu, không nên đầu tư vào những loại quỹ này.
Bạn thử hình dung mình là John, con của Jack. Sống và lớn lên cùng với ông dưới một mái nhà thì chắc chắn rằng bạn cũng phải thấm nhuần tư tưởng đầu tư như cha mình. Giống như kiểu đứa con thường hay lựa chọn công việc giống với cha/mẹ.
“The apple doesn’t fall far from the tree.”
John cũng đầu tư và có mở quỹ nhưng không giống như cha mình, quỹ của anh là một Hedge Fund (Bogle Small Cap Growth Fund). Không những thế, bản thân Jack còn đầu tư vào quỹ của con trai ông. Một người đề cao việc đầu tư thụ động vào các index funds chi phí thấp và kịch liệt lên án các quỹ mở cổ phiếu chi phí cao nhưng lại đầu tư vào một hedge fund!
Tới lúc này có thể bạn sẽ ngẫm nghĩ trong đầu: tại sao Jack luôn khuyên các nhà đầu tư lựa chọn index fund mà lại đi đầu tư vào hedge fund? Jack có phải là một người đạo đức giả?
Jack đã bày tỏ quan điểm của ông rằng:
Một nhà lãnh đạo giỏi rất cần tính nhất quán. Sự nhất quán của họ thể hiện trong tư tưởng và hành động vì thế họ luôn kiên định với lý tưởng và mục tiêu mà họ đang theo đuổi chứ không phải làm việc theo kiểu “sáng nắng chiều mưa”.
Nhưng trong trường hợp của Jack, ông đã đầu tư vào quỹ của con trai mình vì lý do gia đình. Hành động này cho dù không nhất quán với quan điểm của ông nhưng theo ông thì điều đó hoàn toàn bình thường. Đời mà. Chúng ta không thể nào biết trước được mọi thứ bởi cuộc đời không chạy theo một đường thẳng. Nó rất gập ghềnh và đầy chuyện bất ngờ.
Đó là lý do tại sao tôi đặt tựa đề của bài viết này là “Có lý nhưng không hợp lý”.
John C. Bogle không đầu tư vào các hedge funds vì ông biết các quỹ này không thể hoạt động tốt trong dài hạn, là có lý lẽ của riêng ông. Nhưng việc đầu tư vào hedge fund của người con trai là một hành động mà bất kỳ người cha nào cũng sẽ làm.
John Bogle junior cũng tương tự, mặc dù quản lý một hedge fund của riêng mình nhưng anh lại để dành tiền cho con của anh bằng cách đầu tư vào quỹ chỉ số Vanguard.
50/50 – chứng khoán/trái phiếu
Harry Markowitz, cha đẻ của lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (modern portfolio theory), cho rằng bằng cách kết hợp nhiều loại hình tài sản khác nhau thì nhà đầu tư sẽ tạo ra được một danh mục tối ưu có tỷ suất sinh lợi kỳ vọng lớn nhất so với mức độ rủi ro của nó.
Nếu bạn không học ngành tài chính thì công việc này có thể mô tả đơn giản như sau:
- Bạn muốn xây dựng danh mục dựa trên 2 cổ phiếu.
- Bạn tạo ra 10 danh mục với tỷ trọng mỗi cổ phiếu khác nhau. Vd: Danh mục 1: 10/90, danh mục 2: 20/80, danh mục 3: 25/75…
- Tính lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro của các danh mục dựa trên tỷ trọng đã giả định.
- Lựa chọn danh mục nào có lợi nhuận kỳ vọng là lớn nhất so với mức độ rủi ro.
Mặc dù chỉ với 2 loại tài sản nhưng bạn đã phải tính toán rất nhiều. Nếu muốn xây dựng danh mục từ dữ liệu của 100 hay thậm chí 1000 cái ETF thì bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ lập trình như R và Python để tính chứ bạn không thể nào tính tay được.
Lý thuyết là như vậy, nhưng khi Jason Zweig (biên tập viên cuốn Nhà Đầu Tư Thông Minh) phỏng vấn Harry Markowitz về cách ông phân bổ danh mục:
“Instead, I visualized my grief if the stock market went way up and I wasn’t in it — or if it went way down and I was completely in it. My intention was to minimize my future regret.
So I split my contributions 50/50 between bonds and equities.”
Để giảm thiểu sự hối tiếc trong tương lai: lo sợ thị trường chứng khoán tăng lúc ông không đầu tư hoặc sợ thị trường giảm khi ông đã đầu tư nên ông đã xây dựng một danh mục 50/50 chứng khoán và trái phiếu.
Việc tính toán để tìm ra danh mục tối ưu nhất dựa theo thuyết danh mục đầu tư hiện đại là có lý. Nhưng Harry Markowitz đã lựa chọn một danh mục mà theo ông nghĩ rằng nó phù hợp với những kỳ vọng của ông hơn.
Nhà đầu tư thông minh
Nếu bạn có cuốn Nhà Đầu Tư Thông Minh (của Nhã Nam xuất bản) thì hãy lật sang trang 591 – Tái bút.
Phần tái bút này Benjamin Graham mô tả về “hai thành viên” của một “công ty hợp danh”:
“… Họ tránh xa bất cứ cái gì mà có vẻ như được định giá quá cao và tống đi khá nhanh chóng các phát hành nào lên cao đến mức mà họ cảm thấy không còn hấp dẫn nữa. Danh mục đầu tư của họ luôn khá đa dạng, với trên một trăm các phát hành khác nhau. Bằng cách đó, họ đã thực hiện được khá tốt qua nhiều năm trồi sụt trên thị trường chung; họ đạt được mức lợi nhuận trung bình khoảng 20% một năm…”
Đó là Graham và Jerome Newman. Cả hai tìm được một khoản đầu tư béo bở (GEICO – một công ty bảo hiểm) và quyết định phá bỏ nguyên tắc đầu tư mà ông đã định ra trước đó không đầu tư quá 5% giá trị danh mục cho một khoản đầu tư.
Bạn đang thấy một version Breaking Bad do Benjamin Graham thủ vai.
Graham đã lấy 25% giá trị tài sản của quỹ Graham-Newman mà ông đang quản lý để đầu tư vào GEICO, đổi lấy 50% quyền sở hữu GEICO. 712.500 đô la tại thời điểm bấy giờ.
25 năm sau, vào năm 1973, khoản đầu tư 712 ngàn đô la ban đầu của Graham-Newman đã tăng lên thành 400 triệu đô.
“Trớ trêu thay, tổng các lợi nhuận sinh ra từ riêng quyết định đầu tư này đã vượt xa tổng của tất cả các đầu tư khác được thực hiện suốt 20 năm với các hoạt động trải khắp trong các lĩnh vực chuyên môn hóa của các thành viên hợp danh này, trong đó có biết bao nhiêu khảo sát, suy ngẫm cân nhắc, và các quyết định cá nhân không đếm xuể.”
Benjamin Graham cho rằng thành công của khoản đầu tư này hoàn toàn là dựa vào may mắn.
Các quy tắc đầu tư mà ông đặt ra để giúp ông đầu tư tốt hơn và trở thành một nhà đầu tư thông minh là có lý. Nhưng ông đã lựa chọn phá vỡ hết tất cả để đầu tư vào GEICO.
Chúng ta là con người có cảm xúc
Khi viết blog, tôi mong muốn rằng các bài viết của tôi trên đây có thể giúp được thật nhiều người. Cố gắng phân tích để cho mọi người có thể hình dung ra được vấn đề và giúp họ ra quyết định đầu tư tốt hơn.
Và có nhiều lúc tôi suy nghĩ.
Chúng ta ai cũng biết khái niệm đầu tư dài hạn, thời gian càng dài thì lợi nhuận từ khoản đầu tư càng lớn, ít nhất là trong đầu tư thụ động bằng cách mua ETF. Nhưng chúng ta lại quá quan tâm vào các khoản lỗ ngắn hạn. Không ai thích việc mới mua ETF mà thị trường lại đi xuống cả. Cho nên khi cầm được 1-2 tháng mà thấy không có triển vọng thì chúng ta lại bán ngay và mua cái khác.
Hoặc nói về khái niệm lãi kép. Ai cũng biết cách nó hoạt động thế nào nhưng mà các khoản lợi nhuận nó khó hình dung quá đi, chúng ta không biết nó sẽ tăng đến thế nào nên không có động lực để mà tiếp tục tiết kiệm để đạt được cái lãi kép đó.
Khả năng chấp nhận rủi ro của chúng ta cũng tăng và giảm theo thị trường. Nhà đầu tư trẻ thì thường thích chấp nhận rủi ro cao nhưng khi nói đến sức mạnh tinh thần thì những nhà đầu tư có kinh nghiệm lại thắng thế vì họ đã trải qua biết bao chu kỳ thị trường. Những lời khuyên của tôi trên blog này có lý với tôi, nhưng có thể không hợp lý với bạn đọc.
Ví dụ: Thị trường giảm như hiện tại là một trong những thời điểm tốt để DCA. Tôi đang làm điều đó vì tôi thấy nó có lý. Nhưng với các bạn đọc thì điều này có thể không phù hợp, “thị trường còn đang downtrend, nguy cơ này nọ như thế kia thì mà mua thì chỉ có lỗ…”
Nếu tôi khuyên đừng tham gia mạng xã hội do tâm lý sẽ dễ bị tác động bởi rất nhiều thông tin tiêu cực, những thông tin này hoàn toàn vô bổ và không có lợi gì cho bạn cả. Nhưng bạn không thể bỏ facebook, bỏ telegram, bỏ zalo, bỏ theo dõi tin tức chứng khoán như tôi được. Ai cũng biết rằng không nên đầu tư theo đám đông, nhưng chúng ta lại không làm được điều đó.
Mặc dù ai cũng biết theo đuổi mấy cái cổ phiếu nóng, dự án tiền ảo nóng sốt là không nên nhưng khi mà nó tăng giá quá trời thì chúng ta lại bật mode FOMO. Kỳ vọng nó sẽ tiếp tục tăng nữa. Ngay cả bản thân tôi cũng mắc sai lầm tương tự. Trong bull market thì rất khó để ta có thể giữ được bản thân.
…
Là một nhà đầu tư cá nhân, có bao giờ bạn phá vỡ mọi quy tắc mà bạn đề ra để theo đuổi một cái gì đó hot không? Tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng đã từng hành động như vậy. Bởi vì, chúng ta là con người có cảm xúc mà.
Thời gian gần đây đứt cáp nên mạng lag, tôi không làm được gì nhiều ngoài việc viết bài tâm sự. Bao giờ hết lag thì sẽ bắt đầu viết bài phân tích trở lại.
Leave a Reply