Ở bài viết trước: “Nên đầu tư quỹ nào?” | Võ Hoàng Hạc (vohoanghac.com) tôi có đề cập đến hiệu quả khi đầu tư (1 lần) vào các quỹ. Gần đây nhận được câu hỏi của một bạn về việc đầu tư 1-2 triệu mỗi tháng, và một vài người khác có câu hỏi tương tự về việc đầu tư mỗi tháng vào quỹ nào cho ổn.
Thị trường chứng khoán tăng điểm thời gian vừa qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường và một lần nữa lịch sử lập lại đó chính là dòng tiền vào các quỹ mở lại tăng lên.
Khi thị trường chứng khoán tốt đẹp, ta nhìn nó và kỳ vọng vào một tương lai sắp tới cũng tươi đẹp không kém với nhiều lợi nhuận chảy vào tài khoản. Đó là cái mà ai ai cũng mong muốn.
Nhưng bài viết này của tôi sẽ không nói về việc đầu tư quỹ nào tốt hay là đầu tư quỹ nào sẽ nhận được lợi nhuận cao. Tôi sẽ đi ngược về quá khứ để nói rằng việc đầu tư rất khó. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước cuộc chơi dài hạn này và cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào tương lai.
Bài viết tôi sử dụng dữ liệu: ETF E1VFVN30 và quỹ mở trái phiếu VFMVFB.
Nhà đầu tư có khẩu vị không ai giống ai nên việc lựa chọn cổ phiếu cho danh mục cũng sẽ khác. Có người thích VNM, người thích PNJ hay REE cho danh mục… Tôi không thể phân tích trăm cổ phiếu được nên quyết định sử dụng ETF E1VFVN30, mô phỏng chỉ số VN30-TRI. Có thể tạm gọi thị trường sao thì chỉ số cũng sẽ biến động giống như vậy.
Tôi không sử dụng dữ liệu của các quỹ mở cổ phiếu hay quỹ lai trên thị trường bởi vì đó không phải là mục đích của bài viết này.
Và tôi không có liên quan gì đến hai quỹ kia hết.
Hình thức đầu tư của chúng ta là có 1.500.000 VNĐ mỗi tháng để đầu tư tích lũy mua chứng chỉ ETF trên sàn hoặc là tham gia quỹ mở trái phiếu VFMVFB.
Chi phí mua chứng chỉ rất thấp, nếu tham gia chương trình Saving của VFM thì hoàn toàn không trả phí nên tôi sẽ không tính phí mua chứng chỉ vào trong bài.
Ngoài ra, giả định thêm là nhà đầu tư mua hết 1.500.000 VNĐ luôn. Nhưng có một điều cần lưu ý là bắt đầu sang năm 2021 thì quy định mới bắt buộc nhà đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường phải mua với số lượng tối phiếu là 100 cổ phiếu. Nên nhà đầu tư chỉ có thể mua chứng chỉ quỹ ETF hoặc là quỹ mở (do giá hiện tại đang thấp).
Đây là bài viết số 17. Mọi dữ liệu liên quan đến bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
P/S: Mục đích ban đầu của tôi là viết bài có thêm biểu đồ có thể tương tác, tuy nhiên khi đọc bài viết này trên điện thoại thì nó không hiển thị được biểu đồ tốt như trên máy tính, nên tôi đã thay thế toàn bộ biểu đồ trong bài viết thành hình và chuyển toàn bộ biểu đồ động xuống cuối bài viết.
Đầu tư vào năm 2015
Hành trình bắt đầu vào năm 2015.
Lý do tôi chọn 2015 là bởi vì đây là thời kỳ im ắng của thị trường chứng khoán, index di chuyển sideway chứ không có rõ xu hướng tăng hay giảm.
Biểu đồ dưới là tổng tài sản nếu tôi đầu tư 1.500.000 VNĐ mỗi tháng vào năm 2015, kết thúc tại ngày 22-01-2021:
Cột màu xám là số tiền ta đầu tư vào (chưa điều chỉnh lạm phát) và dòng màu đỏ là biến động tài sản qua thời gian. Nếu dòng màu đỏ chạm vào cột màu xám và chạy xuống như năm 2020 có nghĩa rằng tổng tài sản của bạn nhỏ hơn số tiền mà bạn đã bỏ ra mua chứng chỉ quỹ (không có lợi nhuận).
Nếu tôi đầu tư năm 2015 thì tôi phải trải qua giai đoạn 2015 và 2016 khi mà khoản đầu tư của tôi không hề mang lại một chút lợi nhuận nào.
Thử tưởng tượng bạn đầu tư 2 năm trời, mà danh mục không có tiến triển gì hết… lúc đấy tâm lý sẽ thế nào?
Danh mục bắt đầu mang lại lợi nhuận khi thị trường chứng khoán vào xu hướng tăng năm 2017. Đó là lúc bạn bắt đầu gặt hái thành quả, cao nhất là lời ~80% so với số tiền bỏ ra vào thời điểm đầu năm 2018. Tổng tài sản 106 triệu, số tiền bỏ ra chỉ có 60 triệu.
Nhưng bạn không bán, thích để đó tích lũy tiếp theo phong cách và quan điểm đầu tư đã đặt ra. Tới đầu năm 2020, danh mục thua lỗ, giá trị danh mục bây giờ còn thấp hơn cả số tiền bỏ ra.
Liệu lúc đó bạn có thấy tức khi mà đầu tư 5 năm trời, không có một chút lợi nhuận đã vậy còn thua lỗ? Bạn lật đật cầm máy tính lên bấm thử coi giả sử gửi tiết kiệm ngân hàng thì bây giờ có mấy trăm triệu…
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cố gắng nắm giữ thì tới thời điểm ngày 22-01-2021 danh mục bạn mang lại lợi nhuận hơn 60% so với số tiền bạn đã bỏ ra tính tới bấy giờ.
Nhưng, liệu quá khứ có lập lại hay không? Lỡ thị trường trồi sụt rồi mọi thứ lại đổ sông đổ bể hết thì sao? Lúc đó liệu bạn còn thời gian để mà chờ nữa không?
Với việc lựa chọn năm 2015, nó cho ta thấy 3 khung bậc cảm xúc của nhà đầu tư.
Cảm giác chán nản giai đoạn 2015 – 2016 khi khoản đầu tư không hề mang lại lợi nhuận. Quãng thời gian từ năm 2018 – 2019, xem lại lợi nhuận 5 năm của cả danh mục là 30%. Thấp hay cao thì tuỳ kỳ vọng mỗi người. Nhưng bản thân tôi là thấy hơi tức. (j/k)
Giai đoạn tăng trưởng mạnh 2017 và cuối năm 2020 giúp danh mục gặt hái được nhiều lợi nhuận.
Giai đoạn tháng 3/2020 khi thị trường sụt giảm, khiến cho danh mục đầu tư 5 năm trời trở thành thua lỗ. Đây có thể nói là giai đoạn sẽ gây bất mãn lớn nhất đến nhà đầu tư.
Giai đoạn 2016
Tôi chọn năm 2016, nhìn thì thấy giống như năm 2015 thôi nhưng, lợi nhuận nếu bạn bắt đầu vào năm 2016 gặt hái được ở cả hai giai đoạn đỉnh 2018 (+66%) và ngày 22-01-2021 (+50%). Đều thấp hơn trường hợp bạn đầu tư vào năm 2015.
Và khoản thua lỗ tháng 03-2020: danh mục 2016 là -18,5% trong khi đó danh mục 2015 là -13%.
Giá chứng chỉ quỹ giai đoạn 2016 này đã tăng nên chi phí trung bình bạn bỏ ra sẽ nhiều hơn, đồng thời sở hữu ít chứng chỉ quỹ hơn so với khi đầu tư năm 2015. Quãng thời gian càng dài thì khoản thua lỗ mà bạn gánh chịu khi thị trường sụt giảm càng thấp.
Đầu tư ngay đỉnh 2018
Năm 2018 thị trường chứng khoán thu hút nhiều nhà đầu tư mới, tạo cho họ một cơn thèm thuồng, khao khát gặt hái kỳ vọng như năm 2017. Rất nhiều loại hình đầu tư quảng cáo trên Facebook.
Nếu một nhà đầu tư chọn đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF này thì:
Nhà đầu tư phải gánh chịu 3 năm danh mục không tạo ra được một đồng lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ. Tôi hay nói vui giai đoạn này làm nhà đầu tư quay lưng lại với các quỹ, có thể còn nạp vào thâm tâm quỹ mở là lừa đảo nữa (cái này không hiếm).
Thời điểm tháng 03-2021 thử thách bạn với khoản lỗ ~ 30%.
Lúc bắt đầu đầu tư thì quan điểm, kỷ luật, mục tiêu bạn đặt ra rất rõ ràng và thề sẽ làm tới cùng nhưng thử cảm giác nắm giữ 3 năm mà còn thua lỗ như nhà đầu tư 2018 thì liệu bạn sẽ ứng xử thế nào trong tình cảnh này?
Bạn có tức điên lên không?
Đây có là cái ổn mà bạn đang tìm kiếm không? Mục tiêu tích lũy cho tương lai mà suốt mấy năm trời chỉ thấy hao hụt. Cái tương lai của bạn ngày dần phai mờ đi…
Nhưng, ánh sáng hy vọng vào cuối năm 2020 như giải thoát bạn. 3 năm đầu tư bạn có khoản lãi 30% so với số tiền bỏ ra. Bạn tạm hài lòng với nó. Ít hay nhiều thì tùy quan điểm mỗi người. Tuy nhiên kịch hay còn ở dưới.
Đầu tư năm 2020
Năm 2019:
Năm 2020:
Điều gì khiến năm 2019 và 2020 khác biệt?
Đó là khoản lời và lỗ của bạn đều tốt hơn so với việc đầu tư năm 2018. Nếu bạn đầu tư năm 2020 thì bạn sẽ không trải qua những cung bậc đầy cảm xúc như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu có thể làm hại đến bạn trong quá trình đầu tư. Tôi gọi đó là sự tự tin thái quá. Có thể một ngày nào đó nó sẽ quay đầu lại ‘cắn” bạn và sẽ đưa bạn vào trải nghiệm hành trình như các nhà đầu tư 2015 -> 2018.
Tất nhiên, bạn không cần phải sợ vì bây giờ tâm lý của bạn đã vững vàng hơn sau khi tôi cho bạn biết quá khứ có gì. Việc học từ quá khứ không bao giờ là điều sai lầm hay lãng phí thời gian cả.
Bonus: quỹ trái phiếu VFMVFB
Lúc đầu kế hoạch tôi không làm cái này, tuy nhiên có người nhắc đến mà thấy trong bài viết trước tôi bỏ sót quỹ trái phiếu của họ nên nay tôi cho vào bài luôn.
Cũng vẫn giả định như trước thì tôi có:
Tổng lợi nhuận của danh mục tầm 30% trong suốt quá trình nắm giữ 6 năm và liên tục đầu tư thêm. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư bạn thoải mái ngủ mà không phải trả qua những cảm xúc như những nhà đầu tư khác. Và nếu để ý, ta thấy rằng khoảng cách giữa đường màu đỏ (tổng tài sản) và cột màu xám (số tiền bỏ ra) càng ngày càng lớn.
Khi thời gian đầu tư càng dài thì lợi nhuận tương lai gặt hái được càng lớn. Tuy chậm nhưng chắc.
Tổng kết
Bài viết này tôi không phân tích quỹ nào tốt hay không tốt. Hay là so sánh lợi nhuận đầu tư với hình thức đầu tư cổ phiếu vì rõ ràng nếu ta nắm giữ những cổ phiếu tốt thì lợi nhuận mang lại còn lớn hơn nhiều so với đầu tư vào quỹ. Tuy nhiên từ năm 2021 thì nhiều cổ phiếu tốt đã nằm ngoài tầm với đối với với các nhà đầu tư nhỏ lẻ ít vốn.
Mục đích chính của bài viết là cho ta thấy trong quãng thời gian đầu tư, có những sự kiện hay điều kiện thị trường không tốt nó làm ảnh hưởng đến việc đầu tư của cá nhân mỗi người, có thể làm lay động quan điểm hay cam kết đầu tư mà họ đã đặt ra trước đây. Và nhà đầu tư cần chuẩn bị thật kỹ càng tâm lý trước khi đối mặt với nó.
Không có hình thức đầu tư nào là ổn cả. Bởi quan điểm ổn của mọi người khác nhau. Có người thích lợi nhuận cao, nếu gặp lợi nhuận thấp là không ổn. Có người thì ổn đối với họ là chậm mà chắc, tích lũy dần dần.
Và hơn hết, đừng cố đặt kỳ vọng quá cao vào tương lai dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ. Việc kỳ vọng cao sẽ dễ làm tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Đầu tư là luôn có thua lỗ, vấn đề là ta đối mặt với nó như thế nào.
Bonus 2: Đầu tư vào VNINDEX
Tôi thấy trên mạng có share một cái hình của Dragon Capital nói về việc đầu tư bình quân vào VNINDEX. Bài báo tại đây: Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vẫn đang được định giá thấp | VTV.VN
Trong bài báo, anh ấy khuyên rằng các nhà đầu tư nên chia tiền thành nhiều khoản nhỏ để đầu tư thay vì đầu tư hết một lần và lấy ví dụ về ngày đầu tư đầu tiên rơi ngay vào tháng 03/2007.
Biểu đồ đó toàn chữ thôi nên tôi cũng thử giả định y chang đó là một nhà đầu tư có thể mua được VNINDEX và không phải trả bất kỳ chi phí nào. Bắt đầu đầu tư hồi 03/2017 cho tới 22/01/2021.
Thật sự là tăng, và tăng rất nhiều. Nhà đầu tư đã bỏ ra tổng cộng 1 tỷ 670 triệu đồng. Tổng tài sản của nhà đầu tư tới 22/01/2021 là 3 tỷ 361 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại giai đoạn thị trường hồi tháng 03 và 04 năm 2020 bị tác động bởi COVID. Tài sản của nhà đầu tư sụt giảm mạnh khiến cho khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư gặt hái được sau hơn 12 năm đầu tư chỉ còn lại vỏn vẹn 20%. My god!
Và cần lưu ý rằng, nhà đầu tư này không gặt hái được lợi nhuận nào trong xuyên suốt 7 năm trời.
Giả định đầu tư vào đầu năm 2007 rồi kết luận cả quá trình đầu tư gặt hái được x% lợi nhuận/năm là ổn nhưng nó không cung cấp đầy đủ thông tin cho mọi người về hành trình đầu tư của nhà đầu tư đó. Như biểu đồ ta thấy đầu tư rất khó. Để gặt hái được lợi nhuận như trên báo cáo họ đưa ra thì nhà đầu tư phải cam kết liên tục đầu tư, không rút ra, không bị tâm lý tác động, nhà cửa yên ổn không có chuyện gì bất thường… Nó quá vô lý đi. Nhưng giả định thì vẫn là giả định, vẫn mang ý nghĩa về việc đề cao đầu tư trong dài hạn.
Nếu một nhà đầu tư thực hiện tương tự bằng cách mua chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 trong thời gian dài thì khả năng sẽ nhận được lợi nhuận bằng thậm chí là hơn cả như vầy (Bởi vì tôi tin rằng thị trường chứng khoán các năm sau luôn tốt hơn so với hồi 2007-2010).
Các biểu đồ đều có điểm chung là thời gian đầu tư lúc đầu không suôn sẻ. Nhưng hiệu quả chỉ đến vào các năm sau đó, và thời gian càng dài thì có vẻ đầu tư càng hiệu quả.
Biểu đồ tương tác
Đầu tư quỹ trái phiếu:
Đầu tư VNINDEX 03/2007
Leave a Reply