Trên một diễn đàn tôi hay trao đổi với mọi người, có một anh đề cập đến việc mua cổ phiếu các công ty du lịch vì du lịch Việt Nam phát triển mạnh hằng năm. Thế là tôi mới nảy sinh một câu hỏi: Liệu tình hình du lịch Việt Nam như thế nào khi khủng hoảng kinh tế xảy ra? Liệu người ta có đi du lịch nhiều hơn hay hạn chế đi lại?
Tất nhiên nói bằng miệng thì ai cũng biết là khủng hoảng thì sẽ ít đi lại, tôi thì thích dùng số liệu để biểu diễn hơn nên đã dành 2 ngày nghĩ lễ giổ tổ Hùng Vương để tổng hợp số liệu thu thập từ Tổng Cục Thống Kê và Tổng Cục Du Lịch rồi vẽ biểu đồ. Tôi không nghĩ rằng số liệu chính xác hoàn toàn 100%, nhưng ít nhiều gì khi so sánh với các đợt khủng hoảng thì cho thấy đều vận động theo một xu hướng.
Bài viết này tôi trình bày dựa theo quan điểm cá nhân và trình độ hiện tại cho nên khả năng sẽ có thiếu sót nào đó trong việc phân tích để đưa ra kết luận, hay thiếu một vài biểu đồ nào đó cần thiết để thống kê vì dữ liệu không đầy đủ hoặc vì trong thời điểm hiện tại tôi không biết về tầm quan trọng của dữ liệu đó.
1. Tổng quan các đợt khủng hoảng
Dưới đây là biểu đổ: Tổng số lượng người nước ngoài tới Việt Nam (không phân biệt mục đích đến hay phương tiện) từ năm 1995 đến nay.
Trong quãng thời gian này, nước ta đã trải qua:
- Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1999.
- Dịch SARs năm 2003.
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu.
- Và một cái tôi không biết có nên xếp vào khủng hoảng không bởi vì hồi đó Trung Quốc bị đau đầu, nhưng thời gian này lùm xùm vụ giàn khoan HD981 tranh chấp biển Đông căng thẳng. Thị trường cổ phiếu thì không tăng trưởng mà lùng đùng suốt quãng thời gian 2014 – 2015.
Như biểu đồ biểu diễn, cứ mỗi đợt khủng hoảng thì lượng người nước ngoài tới Việt Nam sẽ sụt giảm. Nhưng, về dài hạn thì ta có thể nhận xét rằng các đợt khủng hoảng chỉ lạm chậm lại sự tăng trưởng lượng khách thôi bởi vì số lượng người nước ngoài tới Việt Nam tính ra rất cao, tăng trưởng trung bình 11.2% hằng năm.
*Tôi chia ra từng nước chính như vậy để dễ nhìn, chứ dồn hết vào một biểu đồ thấy rối lắm.
Khủng hoảng tài chính Châu Á
Việc đồng Baht Thái mất giá năm 1997 đã làm thị trường chứng khoán sụp đổ, làm liên lụy đến các quốc gia Châu Á. Mặc dù người ta nói rằng nó không ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng thật ra nó có tác động đến du lịch tại Việt Nam và trong năm đó bong bóng bất động sản tại nước ta nổ.
Trong thời gian này, hầu hết lượng khách nước ngoài tới Việt Nam ở các nước đều giảm, chỉ có duy nhất lượng khách từ Trung Quốc là vẫn tăng vì không bị ảnh hưởng. Trong đó, giảm mạnh nhất là Nhật Bản, giảm 26.800 lượng khách, -21,95% so với năm 1997.
SARs
Ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nước ta vào năm 2003. Lúc này hầu hết các nước đều tránh xa Việt Nam và các nước Châu Á vào thời gian này. Tuy là nói như vậy thôi nhưng không có nghĩa rằng không ai tới Việt Nam. Trong thời gian này hoạt động du lịch vẫn hoạt động (tôi sẽ đề cập ở dưới), số khách nước ngoài tới Việt Nam giảm ~7,56% so với năm 2002. Chỉ là giai đoạn này trầm hơn thôi, nhưng sau đó vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Đây là lý do tại sao tôi cho rằng đợt giảm này ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Người ta sợ chết nên không dám đi đâu cả. Một số thì vẫn đi bất chấp dịch bệnh.
Thời gian này Nhật Bản lại giảm nhiều nhất vì họ lo sợ nhiều nhất.
Mỹ và các nước Châu Âu cũng cùng có một xu hướng. Hàng xóm chúng ta, Trung Quốc nhìn thì có vẻ giảm thấp hơn các nước khác (chỉ có -4,2%) nhưng thật ra lượng khách Trung Quốc năm đó giảm hơn 30.000 lượt, chỉ thấp sau Nhật Bản (giảm 70.200 lượt) và Mỹ (41.100 lượt).
Trong 2 đợt giảm, thì lượng khách từ Nhật Bản lại giữ vị trí quán quân giảm nhiều nhất.
Và bây giờ là cái nhìn toàn cảnh sau đó. Dù nước ta trải qua một đợt khủng hoảng tài chính châu Á trước đó, nhưng mà xét về lâu dài ngay tại thời điểm bị SARs này thì lượng khách nước ngoài tới Việt Nam đã tăng hơn rất nhiều so với năm 1997.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu
Nhân vật chính, ảnh hưởng không chỉ Châu Á mà toàn thế giới. Dữ liệu dưới đây sẽ cho ta thấy rằng, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì người ta sẽ hạn chế đi lại, và mục đích đi du lịch cũng sẽ giảm (nhưng tôi sẽ nói sau).
Năm 2008, tăng trưởng cực thấp trong các năm, đến năm 2009 thì hậu quả của đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thể hiện trên số liệu. Tăng trưởng âm 11,32%.
Trong đợt này, ta có sự góp mặt của Hàn Quốc (từ năm 2004), vì dữ liệu trước 2004 không có nên tôi chỉ có thể tổng hợp từ năm 2004 trở lại.
Năm 2004 chúng ta miễn thị thực cho Hàn Quốc, nên từ đó đến nay lượng khách từ Hàn Quốc đã tăng nhanh, có thể nói là vượt mặt Nhật Bản và Mỹ. Chiếm vị trí thứ 2, sau Trung Quốc, về lượng khách quốc tế.
Và cũng như bao quốc gia khác, lượng khách Hàn Quốc cũng tăng trưởng âm vào giai đoạn khủng hoảng tài chính. Nhưng sau đó lượng khách Trung Quốc lại tăng trưởng mạnh mẽ trở lại mà tôi sẽ đề cập sau.
Và cuối cùng chính là biểu đồ tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ 1995 – 2003
2 đợt khủng hoảng trước tuy nặng nề đối với du lịch Việt Nam nhưng ngay sau đó lượng khách quốc tế tăng trưởng trở lại và ngày càng nhiều hơn các năm trước đó.
Tôi có thể tạm kết luận ở đây rằng: các đợt khủng hoảng, dịch bệnh chỉ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế, chứ không phải dừng hẳn, và ngay sau đó chúng ta lại ngày càng đón nhiều khách nước ngoài hơn. Và cho dù khủng hoảng 2008-2009 có đáng sợ thế nào thì chắc chắn những năm sau chúng ta vẫn sẽ đón nhiều lượng khách hơn khi mà khủng hoảng đã qua đi.
Sau khi khủng hoảng đi qua sẽ là thời kỳ hoàng kim của nước ta.
China Worries
Thị trường kinh tế của Trung Quốc giai đoạn này không hề ổn, ngoài ra còn có xung đột biển đông, giàn khoan HD981.
Đây không phải là một khủng hoảng, nhưng mà nó cũng tác động đến sự tăng trưởng khách nước ngoài đến Việt Nam.
Nếu nhìn các biểu đồ mà tôi đăng tải ở đầu bài, ta có thể thấy rằng tăng trưởng lượng khách Mỹ, Nhật Bản, các Hàn Quốc hoàn toàn không bị ảnh hưởng trong giai đoạn này. Nhưng mà thống kê ra thì tốc độ tăng trưởng lượng khách nước ngoài của ta năm 2015 lại cực kỳ thấp, chỉ có 1%.
Nguyên nhân chính bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong năm 2015, nước ta đón 1.780.918 lượt khách Trung Quốc, giảm 8.54% so với năm 2014. Lượng khách Trung Quốc chiếm hơn 22% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2015. Nhưng mà khi mọi thứ đều êm xuôi, thì lượng khách Trung Quốc bắt đầu tăng đột biến trở lại.
2. Lượng khách quốc tế được phục vụ
Dưới đây là biểu đồ thống kê: Số lượng khách nước ngoài được phục vụ bởi cơ sở lưu trú
Và: Số lượng khách nước ngoài được phục vụ bởi các công ty dịch vụ lữ hành.
Ta thấy có một điểm chung ở đây là dịch SARs năm 2003 có tác động đến sự tăng trưởng này. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng cho trường hợp tương tự. Có thể thấy thời kỳ dịch bệnh và khủng hoảng tác động cực xấu đến các công ty, dịch vụ làm du lịch vì lúc này lượng khách nước ngoài sử dụng dịch vụ thấp hơn năm trước. Nếu năm trước làm ăn phát đạt, năm nay chúng ta đẩy mạnh phát triển dịch vụ mà lại trúng thời điểm khủng hoảng thì cực kỳ căng!
Đó là với người nước ngoài. Còn tình hình du lịch trong nước ta thì cho dù khủng hoảng thế nào vẫn là thời gian tốt để đi du lịch.
3. Lượng khách quốc tế tới Việt Nam với nhu cầu du lịch
Đây là biểu đồ hay nhưng mà số liệu tôi tìm được chỉ có từ năm 2001 – 2014. Mặc dù ít nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy nhu cầu đi du lịch của khách quốc tế có thay đổi như thế nào trong 2 đợt: dịch cúm SARs và khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Không khó để nhận ra rằng nhu cầu đi du lịch trong hai quãng thời gian đó đều tăng trưởng âm so với năm trước. Nhưng xét về dài hạn thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch vẫn tăng trưởng mạnh hằng năm. Dù không có dữ liệu 4 năm sau đó, nhưng tôi đoán rằng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích du lịch ít nhiều cũng tăng gấp 2 lần kể từ thời điểm năm 2014.
Kế đến là phương tiện bao gồm: Đường Không, Đường Bộ và Đường Biển.
Nếu nhìn vào đây ta thấy khách đi lại bằng đường không ngày càng tăng và nghĩ rằng nếu mua cổ phiếu công ty hàng không thì kiểu gì cũng có lời thì nên suy nghĩ lại bởi vì không phải cứ khách đi lại nhiều thì mua cổ phiếu HVN, VJC sẽ có lời bởi vì không phải chỉ có hai hãng này khai thác chuyến bay quốc tế đến Việt Nam mà còn rất nhiều hãng khác, chưa kể còn bị tác động bởi giá dầu, cạnh tranh về giá…
4. Các tháng nhiều người nước ngoài
Biểu đồ tròn là tôi đã scale tính giá % cho nên nhìn có vẻ như không có ai đi vào các tháng đó, nhưng thật ra người ta đi nhiều lắm, chỉ có điều không nhiều bằng các khác khác thôi. Ta có thể thấy, tháng 5-6-7 và tháng 9-10 là quãng thời gian ít người nước ngoài tới Việt Nam hơn các năm khác. Tăng trưởng chủ yếu vào các tháng cuối năm – quý 1.
5. Tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam
Trong số các nước mà tôi thống kê được thì vị trí dẫn đầu là Trung Quốc, từ lâu lắm rồi. Tiếp đến là Hàn Quốc, số lượng người Hàn Quốc tới Việt Nam ngày càng đông và khả năng bắt kịp Trung Quốc trong tương lai chăng? Cuối năm 2018, chúng ta đón 4.966.468 lượt khách Trung Quốc còn Hàn Quốc là 3.485.406. Có một điều là tôi thấy báo chí toàn bảo rằng người Trung Quốc đi du lịch Việt Nam thôi, đi đâu cũng thấy Trung Quốc. Về Nha Trang cũng thấy nhiều người Trung Quốc.
Nhưng số liệu cho ta thấy rằng ngoài ra Hàn Quốc cũng nhiều lắm, vì mới đây nước ta khai trương đường bay thẳng từ Hàn Quốc. Về Cam Ranh thì có hẳn 5 hãng hàng không chuyên chở khách Hàn Quốc – Việt Nam. Năm 2018 Nha Trang đón hơn 83.000 lượt khách Hàn Quốc cao gấp đôi so với năm 2017. Và nhận định năm nay 2019 sẽ còn đón tiếp nhiều hơn nữa.
Ở quê tôi Nha Trang, khi mà người ta thấy khách Trung Quốc tới Nha Trang nhiều và người Nga ít hẳn thì họ nói rằng Nga không thích Trung Quốc nên không đi du lịch nữa. Nhưng mà không phải vậy.
Năm 2014-2015 cả hai nước đều có “một nỗi khổ riêng”. Nga thì đồng Ruble mất giá do khủng hoảng tài chính Nga. Còn Trung Quốc thì năm đó là thời điểm bong bóng chứng khoán, bất động sản hoành hành. Với việc Shanghai giảm điểm mấy hơn 40% so với đỉnh.
Nhưng mà chúng ta phải thấy rằng lượng khách Trung Quốc trước thời điểm đó đã nhiều gần gấp 6 lần lượng khách Nga. Và sau biến cố thì lượng khách Nga và Trung Quốc tăng lại. Điều này không có nghĩa là do khách Trung Quốc tới nhiều quá dân Nga không thích nên không tới Việt Nam nữa. Thật sự mà nói là họ vẫn tới, nhưng mà vì chúng ta thấy nhiều Trung Quốc quá nên chúng ta cho rằng người Nga ít đi hay không còn đi nữa. Biểu đồ cho thấy năm 2018 có hơn 600 ngàn lượt khách Nga tới Việt Nam. Cho nên không có vụ dân Nga bỏ Nha Trang đi chỗ khác.
6. Kết luận
Dựa vào dữ liệu ta thấy, khách quốc tế tới Việt Nam có xu hướng giảm khi khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh diễn ra.
Tuy nhiên lượng khách du lịch trong nước hoàn toàn không hề xuy giảm mà vẫn tăng trưởng đều.
Lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam năm 2018 chiếm tỷ trọng 32,05% trong số tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp theo đó là Hàn Quốc chiếm 22,49%.
Trong thời gian bị khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm dần hoặc không tăng trưởng nhưng khi chu kỳ kinh tế mới bắt đầu thì chúng ta lại đón tiếp nhiều lượng khách quốc tế hơn xưa.
Tháng 5-6-7 và 9-10 là các tháng ít người nước ngoài tới Việt Nam nhất. Mùa cao điểm rơi vào các tháng cuối năm 11-12 và 1-2-3 của quý 1.
*Các dữ liệu tổng hợp từ tổng cục thống kê và tổng cục du lịch.
*Có khả năng thiếu một vài biểu đồ nào đó cần thiết để có cái nhìn tốt hơn. Hoặc thiếu thông tin nào đó mà tôi chưa nghĩ tới.
Leave a Reply