Lên kế hoạch đầu tư ETF, đừng kỳ vọng sẽ có lãi năm đầu tiên

Tâm sự đầu bài

Tôi vô tình đọc được một câu hỏi như sau:

“mỗi tháng em dành tiền thu nhập mua hết ETF được không ạ (tầm nhìn > 2 năm). Vì em không có kinh nghiệm cũng như thời gian để nghiên cứu chứng khoán. Thấy ETF có vẻ phù hợp với em.”

– Trích dẫn từ một bạn trên Voz

Bạn nghĩ điều gì có sự tác động lớn nhất lên kế hoạch đầu tư ETF của bạn? Chi phí quản lý? Thanh khoản? Phân vân về việc lựa chọn ETF để đầu tư? Phương pháp đầu tư? Rủi ro thị trường chứng khoán?

Đó là khi danh mục của bạn không hoạt động như kỳ vọng. Bạn bắt đầu thấy lo lắng và tràn đầy cảm xúc tiêu cực khi đầu tư mãi một năm hoặc thậm chí hai năm mà không hề ra một đồng lời nào, thậm chí còn thua lỗ.

Trong tình huống này, liệu bạn có còn nghĩ rằng đầu tư ETF là sự lựa chọn phù hợp? Liệu bạn có vững niềm tin để mà tiếp tục với kế hoạch đầu tư mà bạn đã vạch ra trước đó không?

Vì thế, nếu bạn đang có suy nghĩ lên kế hoạch đầu tư ETF thì điều mà bạn nên quan tâm nhất đó chính là khoảng thời gian đầu tư ban đầu rất khó khăn và có khả năng cao rằng bạn sẽ bị thua lỗ.

Không phải đơn giản hễ cứ đầu tư là có lời. Bạn chỉ có lời trong bull market, khi thị trường đi lên. Thời gian còn lại là bạn kiên nhẫn ngồi nhìn danh mục chờ thời.

Về việc phân tích trong bài viết

Tôi sử dụng dữ liệu của ETF E1VFVN30 (với lý do là có nhiều dữ liệu – từ năm 2015 đến năm 2022) để phân tích về kết quả mà nhà đầu tư sẽ nhận được trong 1, 2 và 3 năm sau khi đầu tư vào E1VFVN30.

Ví dụ cụ thể: Với dữ liệu từ năm 2015 đến 2022 (8 năm), tôi chia ra làm 8 danh mục tương ứng với mỗi năm. Danh mục 1 – năm 2015, danh mục 2 – năm 2016… Sau đó, tôi so sánh tăng trưởng (lợi nhuận) của các danh mục sau 1 năm đầu tư.

Bài viết này chia làm 2 phần:

  • Phần 1: Đầu tư một lần duy nhất vào đầu mỗi năm.
  • Phần 2: Đầu tư thực tế hơn với phương pháp đầu tư trung bình giá – DCA vào đầu mỗi tháng.

Việc tôi sử dụng dữ liệu quá khứ ở đây không phải để cho bạn biết tương lai sẽ như thế nào nếu bạn đầu tư ngay bây giờ, mà là để cho bạn hiểu những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra khi bạn lựa chọn ETF để đầu tư.

Mặc dù trong bài viết tôi có đề cập đến lợi nhuận nhưng đó không phải là chủ đề chính của bài viết này. Hành trình để đi đến lợi nhuận đó mới là điều cần quan tâm.

Phần 1: Đầu tư một lần

Trong phần 1, kế hoạch đầu tư ở đây là đầu tư một lần duy nhất vào ngày giao dịch đầu tiên trong năm. Sau đó, đánh giá lợi nhuận của các danh mục sau quãng thời gian: 1, 2 và 3 năm đầu tư.

Tỷ suất sinh lợi bình quân hằng năm của E1VFVN30 (từ ngày giao dịch đầu tiên cho tới thời điểm hiện tại lúc tôi viết bài này, tháng 05/2023) là khoảng hơn 10%/năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bây giờ bạn mua E1VFVN30 thì năm sau bạn sẽ có lợi nhuận 10%.

Nếu bạn có đọc các thông tin trên mạng về con số bình quân hằng năm này thì nên biết rằng nó được tính sau một quãng thời gian dài hoạt động cho nên đây không phải là con số đáng tin cậy mà bạn có thể sử dụng để ước lượng lợi nhuận của một khoản đầu tư.

Tóm tắt phần 1: đầu tư một lần

Thời gian đầu tư 1 năm ban đầu rất khó khăn. Trừ khi chúng ta gặp may mắn hết cỡ khi đầu tư vào thời điểm trước khi thị trường tăng mạnh, còn nếu không thì sẽ phải trải qua giai đoạn danh mục không có tăng trưởng rõ rệt hoặc thậm chí thua lỗ.

Mặc dù một số danh mục không hoạt động hiệu quả trong 1 năm đầu tiên, nhưng sau 2-3 năm đầu tư thì các danh mục bắt đầu cho kết quả tốt hơn (nhờ vào bullmarket).

1.1 Lợi nhuận sau 1 năm đầu tư

Bạn nghĩ thế nào nếu đầu tư ETF vào đầu năm và để đến cuối năm mới quay lại đánh giá danh mục?

Trong phần này, chúng ta có tổng cộng 8 danh mục tương ứng với mỗi năm từ năm 2015 đến năm 2022.

Và tôi chọn mốc tỷ suất sinh lợi tương đương 10%/năm để đánh giá độ hiệu quả. (Việc lựa chọn này không thực sự quan trọng bởi vì chủ đề của bài viết là về quãng thời gian khi mới bắt đầu đầu tư)

Nếu bạn gặp may mắn hết cỡ, là xuất phát vào năm 2017, 2020 và 2021, thì lợi nhuận mà bạn nhận được sau một năm đầu tư là cực kỳ lớn.

5/8 danh mục (tỷ lệ 62,5%) trả về kết quả lợi nhuận không đạt kỳ vọng, thấp hơn 10%, thậm chí có năm còn thua lỗ thảm hại. Không giống như tung đồng xu với xác suất 50/50, tỷ lệ để bạn chiến thắng ở đây còn thấp hơn.

Tiếp theo, tôi chia các danh mục ra thành từng biểu đồ riêng biệt để dễ dàng quan sát mức độ tăng trưởng của danh mục qua thời gian.

2017 và 2021 có khởi đầu vô cùng dễ dàng khi danh mục luôn luôn tăng.

Năm 2020, mặc dù ghi nhận lợi nhuận cuối năm hơn 20% nhưng hơn nửa đầu năm là danh mục chìm trong thua lỗ. Đây là lúc mà bạn sẽ trở nên nghi ngờ về quyết định đầu tư ETF của mình. Bạn không biết liệu thị trường có còn đi xuống nữa không (năm 2022 tương tự nhưng với thời gian dài hơn).

Năm 2018, thị trường tăng mạnh nhưng cuối cùng lại giảm mạnh và khiến bạn thua lỗ, có thể bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì đã không chốt lời.

Năm 2015 và 2019 thì thị trường side way, không rõ lên xuống.

Đầu tư không chỉ đơn giản là nhìn kết quả rồi đánh giá. Bạn còn phải trải qua một quá trình đầu tư cực khổ mới có được kết quả cuối cùng, có thể khổ quá sẽ khiến bạn từ bỏ kế hoạch mà bạn đặt ra.

Tóm lại, qua phần phân tích trên, chúng ta biết được:

  1. Kết quả trong ngắn hạn có thể sẽ không đạt kỳ vọng mà bạn đặt ra.
  2. Xuyên suốt quá trình đầu tư luôn có những thời điểm thị trường giảm, khiến danh mục trở nên thua lỗ và làm bạn nghi ngờ quyết định của bản thân.

1.2 Lợi nhuận sau 2 năm đầu tư

Các danh mục đã trở nên tốt hơn nếu lựa chọn thời điểm đánh giá là sau 2 năm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua hai giai đoạn: 2015 và 2018 khi danh mục mãi lặn ngụp và không cho kết quả tốt đẹp.

Danh mục 2021 thì sau khi trải qua một chu kỳ tăng nóng, thời thế thay đổi, khiến cho bạn đang thắng trở thành thua.

Giống như danh mục 2020 ở phần trước, trong phần này thì chúng ta chứng kiến danh mục năm 2019 đang có lời thì bỗng nhiên “dính” COVID và lao đầu xuống. Bạn thử tưởng tượng đầu tư hơn 1 năm trời rồi bỗng nhiên trở nên thua lỗ. Bạn sẽ làm điều gì tiếp theo?

Trong phần này chúng ta chứng kiến 5 kiểu thị trường dễ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư:

  1. Mãi lặn ngụp không có tiến triển hoặc cho kết quả không hài lòng. (2/7 danh mục, tỷ lệ gần 30%).
  2. Đang thắng thì trở thành thua. (1/7 danh mục, tỷ lệ 14%).
  3. Đang thua lỗ nhưng bất ngờ tăng trưởng mạnh. (1/7 danh mục, tỷ lệ 14%).
  4. Đang thắng, sau đó thua đậm nhưng lại ngay lập tức quay đầu tăng trở lại. (1/7 danh mục, tỷ lệ 14%).
  5. Sau 2 năm đầu tư vẫn thắng mạnh. (2/7 danh mục, tỷ lệ gần 30%)

Nếu ở phần trước tôi lấy mốc là 10% để đánh giá danh mục thì trong phần này điều kiện sẽ là 21%.

Có thể dễ dàng thấy rằng chúng ta đã có 4/7 danh mục thỏa mãn điều kiện. Tỷ lệ chiến thắng bây giờ đã tăng lên thành 57% (ở phần trước là 37,5%).

1.3 Lợi nhuận sau 3 năm đầu tư

Khi thị trường trải qua các đợt bull & bear market thì thứ hạng của các danh mục cũng thay đổi.

Nếu như danh mục năm 2020 ở mục 1.2 đã mang lại lợi nhuận 74% thì sang mục 1.3, khi trải qua bear market năm nay thì danh mục chỉ còn lại vỏn vẹn 17%, tỷ suất sinh lợi khoảng 6%/năm. Tương tự, danh mục 2016 ở mục 1.2 có lợi nhuận 72% thì sang 1.3 chỉ còn 52%.

Trong khi đó, danh mục 2015 mặc dù đạt lợi nhuận 8% ở mục 1.2 thì bây giờ đã có lợi nhuận 72%.

Cột mốc để đánh giá trong mục 1.3 là các danh mục phải đạt lợi nhuận tối thiểu 33%. Và chúng ta có 4/6 danh mục thỏa mãn điều kiện. Tỷ lệ để chiến thắng bây giờ đã tăng lên 66% (từ 57% ở mục 1.2)

Tuy nhiên, kết quả cuối cùng như thế nào không phải là chủ đề chính của bài viết này mà là hành trình để đạt tới cột mốc đó.

Để đạt được thành quả như năm 2015, 2016, 2019 và 2020 (năm 2020 trước khi vào bear market) thì nhà đầu tư phải trải qua những quãng thời gian danh mục không hoạt động hiệu quả.

Ai ai cũng nói rằng đầu tư dài hạn ETF thì tốt, nhưng để thực sự đi tới cái “tốt” đó thì chúng ta cần phải có nghị lực phi thường để trụ vững khi danh mục không có tiến triển, kèm niềm tin mãnh liệt rằng thị trường sẽ đi lên trong tương lai.


Phần 2: Đầu tư mỗi tháng – DCA

DCA mỗi tháng một lần là phương pháp dễ làm và phù hợp với đại đa số các nhà đầu tư dài hạn vì tôi không nghĩ rằng sẽ có người dám all-in hết trong một lần rồi xóa app, vài năm sau quay trở lại cả. Và bởi vì mọi người có thể trích một phần thu nhập mỗi tháng để đầu tư cho nên phương pháp này thực tế hơn.

Tóm tắt phần 2: DCA

Tương tự như phương pháp mua một lần, quãng thời gian đầu tư ban đầu cũng rất khó khăn.

Trong một năm đầu tiên thì khả năng để có lợi nhuận cao là rất thấp. Mọi thứ khó có thể đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, từ năm thứ hai hoặc thứ ba trở đi thì các danh mục có xu hướng trở nên tốt hơn.

Việc so sánh lợi nhuận giữa hai phương pháp ở đây không quan trọng. Bởi vì mua DCA cho nên khi thị trường tăng, giá chứng chỉ quỹ cũng tăng làm cho cái giá trung bình mà nhà đầu tư chi trả cũng tăng theo. Điều này làm cho tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư của phương pháp DCA thấp hơn phương pháp đầu tư một lần.

2.1 Lợi nhuận sau 1 năm đầu tư

So sánh với phương pháp đầu tư 1 lần

Phương pháp DCA phù hợp trong bear market, hoặc khi thị trường lình xình không rõ đi lên hay xuống.

Điển hình năm 2022, với DCA thì nhà đầu tư lỗ 21% so với vốn bỏ ra nhưng nếu đầu tư ngay một lần thì lỗ lên đến hơn 33%.

Cho dù lựa chọn phương pháp nào đi chăng nữa, khởi đầu luôn luôn gian nan và không phải lúc nào nhà đầu tư cũng có lãi.

2.2 Lợi nhuận sau 2 năm đầu tư

So sánh với phương pháp đầu tư 1 lần

Sau 2 năm đầu tư thì các danh mục cũng bắt đầu cho kết quả tốt hơn.

Danh mục 2017: Bằng cách mua 1 lần ngay trước khi thị trường vào bull market, ghi nhận lợi nhuận lớn hơn so với khi đầu tư theo phương pháp DCA.

  • Phương pháp DCA: 19%
  • Phương pháp mua 1 lần: 40%

Danh mục 2020: Hưởng lợi thế mua giá rẻ khi thị trường sụp đổ do COVID.

  • Phương pháp DCA: Tăng trưởng 90%
  • Phương pháp mua 1 lần: tăng trưởng 74%

Danh mục 2021: Việc thị trường tăng mạnh làm cho cái giá trung bình mà nhà đầu tư chi trả càng cao, gây thiệt hại khi thị trường vào downtrend.

  • Phương pháp DCA: -22%
  • Phương pháp mua 1 lần: -5%

3/7 danh mục DCA có tăng trưởng tốt hơn các danh mục đầu tư một lần là: 2015, 2018 và 2020. Đây là những giai đoạn thị trường downtrend và không rõ xu hướng.

Tóm lại:

  • Mặc dù bạn lên kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, nhưng nếu DCA liên tục khi thị trường tăng nóng thì đó không phải là một cách hay.
  • Phương pháp DCA được phát huy sức mạnh trong bear market.

2.3 Lợi nhuận sau 3 năm đầu tư

So sánh với phương pháp đầu tư 1 lần

Khác biệt dễ nhận biết nhất giữa hai phương pháp vẫn là hai danh mục 2018 và 2020, mua lúc downtrend nên tăng trưởng vẫn lớn hơn phương pháp mua 1 lần.

Sau ba năm đầu tư thì các danh mục DCA cũng đều mang lại lợi nhuận, không ít thì nhiều (5 danh mục có lợi nhuận hơn 20%) và tất nhiên là hành trình để đi đến lợi nhuận đó cũng không hề dễ dàng. Cả hai phương pháp đều có một điểm chung là khởi đầu luôn khó khăn.

Tổng kết

Nếu bạn đang có ý định đầu tư ETF thì nên hạ thấp kỳ vọng xuống và chấp nhận khả năng rằng bạn sẽ bị thua lỗ trong năm đầu tiên. (Với hai phương pháp trong bài viết, lấy xuất phát điểm là vào đầu mỗi năm, thì bạn chỉ có tỷ lệ 25% là đạt lợi nhuận vượt mức mong đợi 10% trong năm đầu tiên)

Việc chuẩn bị tâm lý về khả năng bị thua lỗ trong tương lai sẽ giúp chúng ta đầu tư tốt hơn bởi kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều. Khi chúng ta trở nên thất vọng thì sẽ không còn tuân theo kế hoạch đầu tư mà bản thân đã đặt ra nữa.1 Việc chuẩn bị tâm lý về khả năng bị thua lỗ trong tương lai sẽ giúp chúng ta đầu tư tốt hơn, “Quá nhiều sự lựa chọn để đầu tư ETF”, https://vohoanghac.com/qua-nhieu-su-lua-chon-de-dau-tu-etf

Bear market là thời điểm tốt để DCA vì chúng ta sẽ tận dụng thời điểm giá chứng chỉ quỹ đang rẻ, khi bull market quay trở lại thì chúng ta sẽ nhận được lợi nhuận nhiều hơn. (giống như danh mục năm 2015 khi thị trường không đi đâu về đâu trong 1 năm đầu nhưng khi bull market quay trở lại đã giúp danh mục tăng trưởng cực kỳ tốt)

Biết lúc nào nên rút. Thị trường chứng khoán cận biên có rủi ro cao, từ bull thành bear rất nhanh. Đầu tư theo phương pháp DCA không có nghĩa là bạn phải mua vào liên tục. Cách tốt nhất khi thấy thị trường tăng nóng là giảm thiểu rủi ro bằng cách chốt lời một phần (nếu đạt tới lợi nhuận mong muốn) hoặc thay vì mua chứng chỉ quỹ thì hãy gửi tiền và chờ đợi thị trường điều chỉnh.2 Đầu tư theo phương pháp DCA không có nghĩa là bạn phải mua vào liên tục, “Cẩm nang DCA toàn tập”, https://vohoanghac.com/cam-nang-dca-toan-tap


Đây là bài viết số 38, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog

Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock

Chú thích


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


3 responses

  1. ThanhThu Avatar
    ThanhThu

    cảm ơn bạn đã dành thời gian viết bài và chia sẻ

  2. khanh thi Avatar
    khanh thi

    anh có sách nào hay về đầu tư quỹ chỉ số không giới thiệu e với , sách tiếng việt thôi ạ em ko giỏi tiếng anh

    1. Chào bạn, nếu vậy thì mình gợi ý cuốn Đầu Tư Chứng Khoán Theo Chỉ Số, của John C. Bogle, hiện có bán trên tiki nha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭