Trước khi ca nhiễm số 17 xuất hiện ở Việt Nam và chính phủ đã chuẩn bị tinh thần công bố hết dịch cũng như đề ra gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh… ai ai cũng hy vọng rằng điều này sẽ giúp chứng thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại, thu hút dòng tiền vào thị trường.
Nhưng khi nỗi sợ dịch bệnh bùng phát trở lại, ngày hôm nay, ngay tại thời gian tôi viết bài thì VNINDEX đã giảm về ~839 điểm.
Giảm sàn đồng loạt trên toàn thị trường, và tôi cho rằng yếu tố tác động lớn nhất ở đây chính là các nhà đầu tư của các quỹ mở rút vốn khiến quỹ ồ ạt bán chứng khoán ra thị trường.
Bản thân ngành tiện ích cũng hứng chịu sự giảm điểm này, có cổ phiếu còn giảm sàn 7% ví dụ như POW gần 7%, GAS gần 7%%, NT2 gần 5%, CHP…
Đối với các nhà đầu tư, các ngành tiện ích là ngành phòng hộ, luôn được xem là sự lựa chọn để trốn “bão” khi nền kinh tế xấu đi.
Nhưng trường hợp này lại khác, khi mà dịch bệnh Corona hoành hành ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu họ.
Thời gian này có nên đầu tư?
Đây là điều tôi thấy lạ nhất.
Không phải bây giờ, mà là khi đã có thông tin dịch bệnh xuất hiện, người ta vẫn không ngừng giao dịch, mua bán, kiếm tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thậm chí ngay cả bây giờ, khi rủi ro bùng phát dịch bệnh và việc dịch bệnh có khả năng lan rộng đang hiện hữu, cộng với việc thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh như hôm nay, người ta vẫn cho rằng đây là thời điểm nên vào mua, cho rằng nên trích tiền mặt để cân bằng danh mục vì bây giờ mọi thứ đã “nằm sàn”, giá rẻ, mua bây giờ có lợi.
Tôi thà nằm im với mấy cây vàng còn hơn là vào thị trường chứng khoán ngay lúc này.
Tôi biết rằng khi mọi thứ giảm điểm mạnh như thời gian này thì đây là tín hiệu tốt cho những ai muốn mua hàng giá rẻ. Nhưng giá như thế nào là rẻ? Không phải cứ hễ giảm vài đợt là ta có thể nói rằng giá rẻ hơn, nên vào mua để mà sau này kiếm lợi. Bởi vì ta không hề biết rằng dịch bệnh này sẽ kéo dài đến bao lâu.
Trên đây là biểu đồ về lượt khách quốc tế đến Việt Nam được cập nhật đến tháng 2 năm nay. Biểu đồ này tôi từng viết trong bài viết về du lịch Việt Nam qua các đợt khủng hoảng và được cập nhật mới.
Có thể thấy rằng ngành du lịch, dịch vụ, nhà hàng khách sạn, hàng không… đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chủ yếu sự tác động này là đến từ việc sụt giảm khách Trung Quốc trong tháng 2, sắp tới đây sẽ là khách Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vì vậy để thật sự hồi phục trở lại thì ít nhất chúng ta cũng phải cần điều kiện là cả 3 nước này hoàn toàn hết dịch bệnh.
Nhưng nếu như có vaccine, dịch bệnh hết thì người dân có đi du lịch lại ngay lập tức không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Bởi vì tâm lý bất an chắc chắn sẽ còn đó, và chưa kể sau quá trình khủng hoảng họ cần có thời gian tích lũy tiền bạc… nên không thể nào nói rằng hết dịch bệnh thì người dân sẽ di chuyển trở lại và tăng x2, hay x3 doanh thu cho các doanh nghiệp được.
Việc các doanh nghiệp ngành du lịch, nhà hàng khách sạn kinh doanh khó khăn, chắc chắn họ sẽ cắt giảm nhân viên, đẩy một lượng lớn người lao động ra đường. Vấn đề ở đây là tình hình chung đều khó khăn, nên sẽ khó có thể kiếm được việc làm ngay. Nên những người này buộc phải cắt giảm chi tiêu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động trong ngắn hạn. Và tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì càng thê thảm.
Nếu việc này gây nên khủng hoảng kinh tế, hoặc ta xem dịch bệnh hiện tại là khủng hoảng đi chăng nữa… thì nó luôn luôn đi qua chứ không tồn tại mãi mãi. Và sau đó, ta có thêm 5-6-7-8-9-10 năm tiếp theo để phát triển kinh tế, để các doanh nghiệp làm ăn, để đầu tư tài sản.
Nếu quãng thời gian chúng ta đầu tư dài như vậy, liệu có đáng để ta phải chấp nhận rủi ro thật cao hiện tại để đầu tư rồi kỳ vọng sẽ được lợi nhuận cao sau này không? Khi mà ta không hề biết ngày mai ra sao, liệu tình hình có còn xấu hơn không, rồi áp lực tâm lý ảnh hưởng đến đời sống, nếu bị mất việc thì phải bán cổ phiếu để sinh hoạt… có vô vàn nỗi âu lo trong hiện tại. Liệu có đáng để ta đầu tư ngay bây giờ?
Nhiều người như mất hết common sense rồi, họ chỉ biết đến tiền, giá của cổ phiếu, nó thấp hơn trước bao nhiêu, rồi đánh một ván bài may rủi.
Tóm lại, điều tôi muốn nói rằng:
- Ta không biết được dịch bệnh này kéo dài đến bao lâu.
- Hàng xóm chúng ta sẽ như thế nào.
- Liệu có thêm hệ lụy nào nữa không?
- Nền kinh tế sau khủng hoảng sẽ có một quãng thời gian dài phát triển để ta có thể đầu tư.
Vậy thì việc gì phải vội vàng đầu tư trong thời gian này?
Tôi vẫn thiên về quan điểm giữ tiền mặt và tài sản như vàng. Chờ đợi tới giữa năm nay xem tình hình thế nào rồi hẵng quyết định tiếp.
Leave a Reply