Trò chơi không có hồi kết
Khi còn nhỏ, bạn chắc hẳn đã từng chơi những trò như ném lon, năm mười…
Ví dụ trò chơi năm mười hay còn gọi là trốn tìm. Đầu tiên là phải oẳn tù tì để tìm người thua. Rồi người thua sẽ phải úp mặt vào tường đếm “năm, mười, mười lăm… một trăm”. Trong thời gian đó, những người còn lại sẽ đi núp. Những ai bị bắt thì phải oẳn tù tì để làm người đếm ở ván sau. Trò chơi càng vui hơn khi chơi vào ban đêm, lúc cả xóm bị cúp điện.
Bạn hãy dành 10 giây để nhớ lại những kỷ niệm chơi trò chơi hồi nhỏ. Bạn có thấy vui không?
Trong quá khứ, chúng ta ai cũng đã từng chơi nhiều ngày liên tục mà không hề chán. Nhưng cứ khi phải về nhà thì ai cũng buồn.
Ai là người chơi giỏi nhất? Ai là người núp hay nhất? Ai là người ném lon tài ba nhất? Tôi không biết. Thời đó chúng tôi không hề có danh hiệu hay công nhận ai là giỏi nhất.
Vậy tại sao lại chơi?
Không phải để thắng hay thua, mà đơn giản là ai cũng thích chơi những trò chơi đó. Không ai thích đứng ở ngoài cả. Chúng ta thấy vui sướng vô cùng khi đến lượt mình chơi. Chúng ta chơi vì muốn được chơi, cho dù có chơi thua thì vẫn tươi cười chơi tiếp.
Bản thân trò chơi đó đã là phần thưởng quý giá nhất rồi.
Thời gian trôi đi, chúng ta lớn lên và chơi một trò chơi mới: Đầu tư.
Chúng ta “chơi” nhưng không phải đơn thuần là muốn được “chơi”. Chúng ta “chơi” để kiếm tiền, muốn được người khác công nhận đầu tư hay, muốn chứng tỏ bản thân mình giỏi giang, muốn trở thành niềm tự hào của gia đình…
Không cần biết trò chơi này vui thế nào, đích đến luôn luôn là có tiền hoặc thua lỗ. Và chúng ta làm mọi thứ để có thể chiến thắng trong trò chơi này: đọc báo, nghe lời tư vấn của các chuyên gia youtuber, đọc các bài viết trên một blog vô danh nào đó, xem biểu đồ, giả định tình huống tương lai…
Trò chơi không hề kết thúc khi chúng ta kiếm được tiền. Chúng ta có thể thỏa mãn với lợi nhuận nhưng điều này chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Ngay sau đó, chúng ta vội vàng đi tìm khoản đầu tư mới, lời khuyên mới, các cổ phiếu ít ai quan tâm, tín hiệu kỹ thuật giúp phán đoán hướng đi của cổ phiếu…
Chúng ta cứ mãi quan tâm đến kết quả của những khoản đầu tư mà quên mất thời gian dành cho bản thân.
Bạn còn bao nhiêu thời gian?
Thử tưởng tượng một tình huống đơn giản như sau. Bạn dành:
- 30 phút đồng hồ để nghe chuyên gia nhận định thị trường.
- 30 phút để đọc biểu đồ các cổ phiếu bạn muốn mua.
- 1 tiếng để định hướng, suy nghĩ về tương lai. Giả định những tình huống có thể xảy ra, đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ảo tưởng về lợi nhuận sẽ có được trong tương lai…
- 1 tiếng để Google, lên diễn đàn hỏi thăm xem người ta nhận định thế nào về cổ phiếu mà bạn muốn mua, có ai cùng ý kiến của bạn không và sẵn sàng tranh cãi nếu ai đó có quan điểm đối lập.
Sau đó, bạn ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu mà bạn nghĩ sẽ tăng vọt trong tương lai. Kết quả là… 3 tuần sau bị thua lỗ. Bạn mau chóng cắt lỗ và chuyển sang mua một cổ phiếu khác đang tăng giá.
Một ngày bạn dành 3 tiếng để “phân tích”. Một năm 250 ngày giao dịch thì bạn đã lãng phí 750 tiếng đồng hồ, tương đương 31 ngày.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn đang lãng phí thời gian của bản thân không?
Thời gian mỗi ngày 24 giờ ai cũng có như nhau. Tuy nhiên, ngoài đầu tư ra thì cuộc sống của chúng ta còn phải lo toan nhiều thứ: công việc, gia đình, người thân, sở thích cá nhân…
Nếu bạn dành 3 tiếng mỗi ngày để học thêm tiếng Anh, học Excel, học thêm chứng chỉ hay làm gì đó có ích cho công việc chính thì thế nào? Còn gia đình, sở thích cá nhân của bạn thì sao? Bạn có dành thời gian cho chính mình không?
Nếu bạn có thể sống được tới 90 tuổi (rất lạc quan) và giống như tôi thì bạn còn lại nhiêu đây thời gian:
Thực tế, tôi kỳ vọng cao lắm là sống tới 60 (ngay đường gạch) nên tôi chỉ còn 50% thời gian còn lại là sống khỏe. Qua mốc đó là chất lượng cuộc sống suy giảm dần dần do cơ thể lão hóa, bị bệnh…
Có thể bạn có nhiều thời gian hơn tôi hoặc có thể ít hơn, nhưng dù gì đi chăng nữa một khi thời gian đã trôi qua thì chúng ta không thể nào tìm lại được.
Trong cuộc sống, bạn càng dành nhiều thời gian để học tập, thể dục thể thao… thì chất lượng cuộc sống của bạn sẽ ngày càng đi lên. Nhưng trong lĩnh vực đầu tư, việc bạn càng dành nhiều thời gian để “phân tích” cổ phiếu không có nghĩa rằng bạn sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn từ khoản đầu tư đó. Càng dành nhiều thời gian thì việc đầu tư càng trở nên khó khăn hơn.
Hãy biết tận dụng thời gian của bản thân một cách triệt để. Đừng lãng phí thời gian vào việc theo đuổi những cổ phiếu nóng trên thị trường. Trò chơi đó không dành cho đại đa số và cho dù có thắng thì cũng không có gì đảm bảo rằng ta sẽ tiếp tục chuỗi chiến thắng ở các ván sau.
Đầu tư không phải là để chiến thắng ai cả
Mục đích của đầu tư không phải để làm giàu mà là để không bị nghèo.
Chúng ta đầu tư thì đừng lấy lý do phải đánh bại thị trường hay để có lợi nhuận cao. Tiền bạc không phải là đích đến mà là một trong những phương tiện giúp ta đạt được mục tiêu trong cuộc sống như mua nhà, cho con cái học tập hoặc để dành khi về hưu.
Bạn là nhân vật chính trong câu chuyện của mình, không có ai ở đây để ganh đua với bạn cả nên không cần phải so sánh bản thân với người khác.
Đừng để những người xung quanh tác động đến bạn. Đừng thấy họ đầu tư được nhiều tiền mà bạn nổi lòng ghen tị, bắt buộc bản thân phải kiếm được nhiều hơn họ. Việc bạn cố gắng làm điều gì đó ngoài khả năng thường không mang lại kết quả tốt đẹp. Đừng cố gắng chạy nhanh làm gì cả.
Đừng nghĩ rằng bạn phải đầu tư thì mới giàu. Đại đa số nhà đầu tư không hề giàu lên nhờ đầu tư chứng khoán mà là đến từ công việc chính của họ. Công việc của bạn mới là cái quan trọng. Hãy chỉ nghĩ đến đầu tư khi mọi thứ đã suôn sẻ.
Tại sao có người đi làm, nhận lương đàng hoàng nhưng vẫn vay vốn để đầu tư rồi cuối cùng vỡ nợ khi thị trường sụt giảm. Từ hai bàn tay trắng làm nên đống nợ. Không chỉ mất tiền mà họ còn mất luôn cả cơ hội để có thể quay lại “trò chơi” khi thị trường có tín hiệu hồi phục.
Tại sao lại dùng số tiền mà mình không có, để đi tìm kiếm lợi nhuận mà mình không cần, rồi cuối cùng mất hết tất cả.
Hãy biết cân bằng giữa cuộc sống và chuyện đầu tư.
Rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới bạn khi bạn bắt đầu già đi không liên quan gì tới thị trường chứng khoán hay các khoản đầu tư khác cả. Mà là bệnh tim. Cứ 3 người tử vong thì có 1 người do nguyên nhân tim mạch. Cứ 4 người trưởng thành lại có một người bị tăng huyết áp và những người bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
Thay vì bỏ thời gian tìm kiếm cổ phiếu để đầu tư thì hãy dành thời gian đó để sống một lối sống lành mạnh, tích cực hơn.
Đầu tư ETF là để hạn chế sai lầm của bản thân
Đầu tư ETF không phải là để tìm kiếm cổ phiếu chiến thắng mà là để tránh chọn phải cổ phiếu thua cuộc.
Sau một thời gian đầu tư chứng khoán, bạn nhìn lại thấy có nhiều cổ phiếu đã tăng giá gấp đôi, gấp ba. Những cổ phiếu chiến thắng này làm bạn nghĩ rằng đầu tư thật dễ, chỉ cần lựa cổ phiếu tốt rồi nắm giữ lâu dài là sẽ có cơ hội làm giàu.
Nếu đầu tư thật sự dễ như vậy.
Giả sử thị trường có 10 cổ phiếu. Một cổ phiếu tăng trưởng 100% trong khi chín cổ phiếu còn lại chỉ tăng 10%. Lợi nhuận trung bình là 19% nhưng mà chỉ có duy nhất một cổ phiếu mang lại tỷ suất sinh lợi trên mức trung bình.
Có thời điểm những cổ phiếu tốt nhất có thể tăng hơn 100% thậm chí 200% và về dài hạn thì còn tăng nhiều hơn nữa trong khi những cổ phiếu thua cuộc không thể giảm hơn 100% giá trị của chúng.
Giống như trò chơi kéo co. Cổ phiếu chiến thắng có thể kéo chỉ số trung bình lên cao hơn, còn lực kéo của cổ phiếu thua cuộc thì có giới hạn. Đó là lý do tại sao phần lớn các cổ phiếu thường mang lại tỷ suất sinh lợi dưới mức trung bình.
Thử hình dung trường hợp như sau, bạn bị gãy chân và bác sĩ cho bạn hai lựa chọn phẫu thuật:
- Phương án 1: Tỷ lệ thành công 10%. Tỷ lệ thất bại: 90%. Nếu thành công thì đôi chân của bạn từ nay về sau sẽ miễn nhiễm với tất cả mọi thương tật. Nếu thất bại thì mất đôi chân luôn.
- Phương án 2: Tỷ lệ thành công 90%. Tỷ lệ thất bại: 10%. Nếu thành công thì chân của bạn lành lặn lại như bình thường, không có siêu năng lực gì cả.
Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ chọn phương án 2 bởi vì không có lý do gì để bạn chọn phương án 1 với xác suất 90% thất bại cả.
Khi tôi đưa ra hai phương án, bạn đã biết rõ tỷ lệ thành công và kết cục của mỗi phương án. Bạn có thêm thông tin hơn và luôn luôn chọn những gì có lợi cho bản thân. Nhưng trong đầu tư thì khác, bạn không thể tính được rủi ro hay tỷ lệ thất bại, cũng không thể hình dung được kết quả sẽ ra sao. Cách duy nhất chúng ta có thể làm là hạn chế sai lầm nhất có thể trong hiện tại.
Những cổ phiếu chiến thắng này sẽ mời gọi bạn đầu tư thật cật lực vào để có thể hưởng lãi nhiều hơn. Nhưng nếu bạn làm điều đó, khả năng cao là bạn sẽ không chọn trúng cổ phiếu chiến thắng nữa và lợi nhuận của bạn có thể còn thấp hơn mức trung bình thị trường. Trong thực tế, tỷ lệ để chọn trúng cổ phiếu chiến thắng rất thấp. Và cho dù có chọn trúng thì khả năng bạn cũng không thể nắm giữ được tới lúc cổ phiếu đó tăng.
Thay vào đó, để có thể đạt được tỷ suất sinh lợi của thị trường thì bạn nên phân bổ danh mục càng nhiều càng tốt. Làm việc này là bạn đang gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu chiến thắng trong danh mục.
Và đó chính là: đầu tư vào ETF.
Bạn sẽ không còn phải bận tâm đến việc đi tìm các cổ phiếu “tiềm năng tăng trưởng”. Không còn phải lo âu khi một doanh nghiệp nào đó gặp vấn đề khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Không còn phải “đứng núi này, trông núi nọ” khi cổ phiếu bạn nắm giữ không hề có tiến triển.
Việc đầu tư cổ phiếu làm nảy sinh ra nhiều lựa chọn, khiến bạn phải đắn đo suy nghĩ tốn thời gian và công sức. Bạn càng suy nghĩ thì những tình huống tiêu cực càng xuất hiện nhiều hơn. Đến một thời điểm nào đó không chịu đựng được nữa thì bạn quyết định hành động, phải làm một cái gì đó để giải thoát cho tình huống bức bối này. Và, đa phần đó đều là những quyết định sai lầm.
Yếu tố quan trọng tác động đến lợi nhuận không phải là các khoản đầu tư mà là hành vi của chính nhà đầu tư.
Bằng cách đầu tư vào ETF, bạn chấp nhận rằng bạn sẽ có lợi nhuận giống như thị trường. Những nỗi lo khác hoàn toàn không xuất hiện nữa bởi vì bạn không còn quan tâm đến chúng. Bây giờ, bạn có nhiều thời gian hơn để làm những gì mình yêu thích, cho gia đình và cho công việc.
👉 Đọc thêm: Suy nghĩ về đầu tư ETF
Leave a Reply