Cuối tuần vừa qua có một tin cực sốc với thị trường đó chính là việc sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (nguồn: VnExpress). Điều này đã gây nên sự hoang mang cực độ đối với các nhà đầu tư khi họ lo sợ rằng sẽ có thêm nhiều ngân hàng nữa bị phá sản trong tương lai, ảnh hưởng đến nền kinh tế của không chỉ riêng Mỹ mà còn cả thế giới.
Ngay sau đó, thị trường tiền ảo cũng phát ra tín hiệu tiêu cực đó là đồng USDC đã không còn neo ở mốc $1 nữa. Các nhà đầu tư vội vàng bán tháo tất cả để đổi sang đồng USDT, họ sẵn sàng làm điều phi lý trí nhất để có thể được cảm thấy an toàn.
Thời điểm tôi viết bài này thì thị trường chứng khoán của Việt Nam đang chuẩn bị mở cửa và tối nay thì sẽ tới lượt thị trường Mỹ mở phiên đầu tuần. Không biết kết quả sẽ ra sao nhưng tôi muốn các bạn đọc cho dù tình hình có thế nào đi chăng nữa thì cũng hãy thật bình tĩnh, đừng hoảng loạn làm điều không cần thiết.
Khi suy nghĩ là nguồn gốc của mọi vấn đề
Đây là một đoạn văn tôi viết lại dựa trên nội dung gốc của cuốn sách “Don’t Believe Everything You Think” (tạm dịch: đừng tin vào những gì bạn nghĩ) của Joseph Nguyen. Trong cuốn sách, tác giả đã hỏi hai câu hỏi, tuy đơn giản nhưng rất có chiều sâu.
Trước tiên tôi sẽ hỏi bạn một câu hỏi:
Số tiền bạn mong muốn kiếm được trong một năm là bao nhiêu?
Bạn hãy dành ra khoảng 30 giây để trả lời về số tiền bạn muốn kiếm được. Bạn cũng đừng đọc những dòng ở bên dưới. Hãy cứ trả lời câu hỏi ở trên trước đi đã.
Sau khi đã nghĩ xong, bạn hãy tiếp tục dành ra 30 giây để suy nghĩ về câu trả lời cho câu hỏi thứ hai:
Lấy con số đó nhân với 5. Bạn nghĩ sao nếu bạn kiếm bấy nhiêu đó tiền trong một năm?
Trong thời gian suy nghĩ, hãy để ý đến cảm xúc của bạn. Hãy xem xem liệu có luồng suy nghĩ nào khác hiện lên không.
Bây giờ tôi quay lại câu chuyện muốn kể.
Khi tôi hỏi bạn câu hỏi đầu tiên về số tiền bạn muốn kiếm được trong một năm, chắc chắn bạn có thể trả lời cực nhanh trong vài giây. Bạn hãy nhớ lại nó nhanh thế nào, và nó cũng không có khó khăn gì mấy khi nghĩ về con số đó.
Khi tới câu hỏi số hai, bạn đã nghĩ gì về câu trả lời? Nếu bạn như đại đa số mọi người thì chắc chắn cảm xúc của bạn sẽ bị đảo lộn. Bạn nghĩ rằng không thể nào bạn kiếm được số tiền đó. Làm gì để có được số tiền này? Trong nhà có ai kiếm được nhiêu đó tiền chưa?
Hãy để ý thật kỹ những gì bạn cảm thấy khi suy nghĩ về câu hỏi số 2.
Những suy nghĩ đơn giản như câu hỏi số 1 tôi gọi đây là ý nghĩ đầu tiên, nó đơn sơ, chỉ đơn giản là ý tưởng bộc phát ra mà thôi. Nó không có giới hạn và tràn đầy sự tích cực. Nhưng tại thời điểm chúng ta bắt đầu suy nghĩ về những ý nghĩ đó, chúng ta cảm thấy nghi ngờ bản thân, thiếu niềm tin, lo lắng hoặc trải nghiệm các cảm xúc tiêu cực khác.
Bạn có thể nghĩ rằng hành động suy nghĩ thật sự đang giúp bạn nhưng thực chất nó không hề giúp gì cả ngoài việc làm bộc phát cảm xúc tiêu cực, khiến chúng ta nghĩ tiếp về các lý do tại sao chúng ta không thể làm hay bắt buộc phải làm cái gì đó. Bạn hiểu hơn ai hết đó chỉ là những gì bạn tưởng tượng trong đầu, những điều đó không có thực.
Đó là lý do tại sao suy nghĩ là nguồn gốc của mọi vấn đề. Điều đó càng nguy hiểm hơn trong lĩnh vực đầu tư, nhất là trong trường hợp phải đối diện với một sự kiện bất ngờ xảy ra.
Khi suy nghĩ khiến nhà đầu tư hành động sai lầm
Tôi đã trải qua một vài bear market và có tìm hiểu thêm về quá khứ trước đó thì đây là những gì tôi biết được.
Khi có một sự kiện tiêu cực to lớn nào đó xảy ra trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy hoảng loạn và lo sợ. Họ nghĩ rằng thị trường ngày mai sẽ sụt giảm mạnh, mọi tin xấu sẽ lan ra rất nhanh và họ cần phải làm cái gì đó. Họ sẽ lựa chọn bán mọi thứ họ có (kể cả vàng) và giữ tiền mặt cho yên tâm. Điều này hoàn toàn đúng khi giá vàng và thị trường chứng khoán đều đi xuống trong giai đoạn quý 3 năm 2008 và tháng 03 năm 2020.
Khi họ cảm thấy an tâm hơn, có thời gian để suy nghĩ trở lại thì họ sẽ nhận ra một điều rằng: giữ tiền mặt trong điều kiện lạm phát là một việc không mang lại lợi ích gì cả. Phải tìm một chỗ để đầu tư cho sinh lời.
Họ ngay lập tức phản ứng lại với thị trường bằng cách:
- Mua vàng.
- Mua chứng khoán.
- Những người còn lại vì sợ tình hình trầm trọng hơn nên họ vẫn giữ tiền.
Nếu tình hình xấu đi thì vàng tăng trưởng mạnh hơn thị trường chứng khoán (giai đoạn năm 2009). Còn nếu tình hình bỗng trở nên tốt đẹp hơn thì thị trường chứng khoán tăng mạnh hơn vàng (năm 2020). Những người lo sợ tình hình trầm trọng hơn thì nhập cuộc khá trễ bởi vì họ chờ đợi tín hiệu phục hồi từ nền kinh tế (vốn có độ trễ).
Vấn đề là, chúng ta không thể cứ mãi phản ứng lại với thị trường. Hôm nay thế này, ngày mai thế kia. Hôm nay sợ giảm vội vàng bán, ngày mai hồi phục lao vào mua. Những hành động như thế này không hề mang lại kết cục tốt đẹp gì cho nhà đầu tư cả.
Đã từng có cả ngàn trường hợp tin xấu làm thị trường suy giảm khiến nhà đầu tư vội vàng bán tháo nhưng ngay sau đó thị trường “quay đầu” bắt buộc họ phải FOMO vào trở lại.
Việc bạn mãi suy nghĩ về một ngân hàng nào đó phá sản sẽ làm nảy sinh thêm nhiều ý tưởng tiêu cực. Bạn bắt đầu nghĩ đến những tình huống xấu sẽ xảy ra. Đến một lúc nào đó, vì bạn quá lo sợ và không thể chịu đựng thêm được nữa, bạn quyết định bán và xem đó là sự giải thoát cho bản thân khỏi gánh nặng tâm lý. Và đa phần thì những hành động “phản ứng lại với thị trường” này là những hành động phi lý trí.
Đây là biểu đồ VNINDEX tôi làm hồi xưa. Biểu đồ này ghi lại những sự kiện mà lúc đó tôi cho rằng nó có tác động mạnh tới tâm lý của những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thử tưởng tượng bạn cứ nhảy ra, nhảy vô mỗi khi có sự kiện gì đó xảy ra thì bạn có thể trụ lại được bao lâu?
Vì thế, tôi cho rằng: Nếu bạn đang không biết phải làm gì cả thì tốt nhất là đừng làm.
Khi nào thì mới nên “làm cái gì đó”?
“Losers react; leaders anticipate.“
– Tony Robbins (Money: Master The Game)
Bạn đừng nghĩ rằng những gì mà bạn làm sau khi biết tin ngân hàng phá sản là để chuẩn bị (anticipate) cho khả năng tương lai sẽ tồi tệ hơn. Đó đơn thuần chỉ là việc bạn phản ứng (react) lại với thị trường. Bạn lo sợ cho nên bạn hành động. Bạn ngồi đó suy nghĩ khả năng bạn sẽ bị thua lỗ nhiều hơn nên bạn mau chóng bán và giữ tiền cho yên tâm.
Nếu thị trường giảm thật sự trong tương lai thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy mình tài ba vì ra quyết định đúng đắn chứ không phải do may mắn. Nhưng sau đó thì sao? Nếu những ai đã có suy nghĩ thị trường sụp đổ thì chắc chắn họ sẽ không mua vào vì họ cho rằng thị trường sẽ có thể tiếp tục đi xuống cho đến khi tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện.
Nếu thị trường không giảm mà tăng thì sao? Họ sẽ suy nghĩ rằng thị trường trước sau cũng sẽ đi xuống tiếp thôi. Nhưng nếu thị trường tiếp tục tăng thì họ sẽ FOMO vào vì lo sợ “trễ tàu”.
Suy nghĩ là nguồn gốc của mọi vấn đề.
Đó là một trong những lý do tại sao nhà đầu tư luôn thua lỗ. Họ không biết họ đầu tư vì cái gì. Không biết lý do tại sao lại đầu tư nên mỗi khi tin xấu xuất hiện là họ luôn phản ứng lại bằng cách hoảng loạn bán tháo và khi giá tăng thì vội vàng vào mua.
Chúng ta cần phải có một kế hoạch đầu tư cụ thể.
Tháng 12/2022, tôi đã viết bài “Vượt qua nỗi sợ hãi bear market” trong đó tôi đã đề cập về việc FED tăng lãi suất và yield curve bị đảo ngược.
Tôi biết rằng đầu tư trong bear market rất rủi ro và dễ khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an cho nên tôi đã lên kế hoạch trước, xem xét về những khả năng có thể xảy ra và kết luận rằng:
“Không nên FOMO trong thời điểm hiện tại nếu thị trường có dấu hiệu đi lên. Hãy DCA chậm rãi. Không cần phải vội vàng.”
Thông qua việc DCA, chúng ta sẽ hạn chế được rủi ro nếu thị trường đi xuống khi có tin xấu, đồng thời cũng không lo sợ bị thua lỗ nhiều. Tâm lý đầu tư bây giờ sẽ vô cùng thoải mái do chúng ta luôn còn tiền để mua thay vì “tất tay” hết tất cả. DCA trong bear market thì bạn sẽ liên tục được mua chứng chỉ ETF giá rẻ, giúp gia tăng lợi nhuận có thể gặt hái được trong tương lai.
Khi yield curve bị đảo thì dựa theo những gì đã biết trong quá khứ, và gần nhất là năm 2019 đã cho ta biết rằng giá vàng sẽ bắt đầu tăng khi có tín hiệu bị đảo. Đó là thời điểm bạn bắt đầu lên kế hoạch mua vàng để phòng bị cho tương lai.
Bằng cách lên kế hoạch cụ thể, chúng ta biết mình sẽ làm gì và phải làm gì. Chúng ta biết lý do tại sao mua ETF. Hiểu được tại sao phải DCA. Biết được lý do tại sao cần mua vàng. Khi chúng ta thực hiện như kế hoạch đã đặt ra thì sẽ không còn phải lo lắng suy nghĩ về tình hình thị trường ngày ngày mai hay thậm chí tháng sau. Tỷ lệ thua lỗ của chúng ta cũng sẽ giảm đáng kể so với việc cứ liên tục phản ứng lại với thị trường.
Vẫn chưa quá trễ để bạn lên kế hoạch đầu tư cho năm nay. Đừng hoảng loạn và làm gì đó không cần thiết khi có tin xấu xảy ra.
Leave a Reply