Tin tức tiêu cực
Thời gian gần đây mỗi khi lên mạng là tôi hay bắt gặp những bài viết về chuyện công nhân bị mất việc. Mới nhất là “Cú sốc cuối năm của thị trường lao động” trên Vnexpress.
“40 năm làm ngành giày chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến thị trường lạ lùng thế này, đơn hàng rơi hàng loạt trong thời gian ngắn”, đại diện Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam nói. Ông kể, tháng 6, các nhà máy còn hào hứng nhận đơn, tuyển dụng lao động chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất. Nhưng chỉ một tháng sau, đơn hàng bắt đầu rụng dần. Trong đó, phổ biến là thiếu 50-70% đơn hàng, có những doanh nghiệp không có một đơn nào.
Không chỉ công nhân mà dân văn phòng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bắt buộc cắt giảm nhân viên để giảm thiểu chi phí. Những ai còn đi làm thì sẽ thấp thỏm lo âu, sự việc càng tồi tệ hơn khi ngày nào cũng nghe tin đồn về “cắt” cái này, cái nọ, hay doanh nghiệp kia cho nhân viên thôi việc…
Nhà đầu tư quỹ mở trái phiếu bị thua lỗ, đầu tư chứng khoán không tốt đẹp, mô hình cho vay ngang hàng P2P thoái trào, lãi vay tăng cao khiến những ai đang vay nợ như ngồi trên đống lửa…
Nếu ai mà liên tục đọc các tin tức tiêu cực và trải nghiệm trực tiếp những sự kiện mà tôi đã nêu ra ở trên… chắc chắn sẽ có cái nhìn cực kì bi quan về tương lai sắp tới.
Không dừng lại ở đó, hiện tại người ta đang bàn luận về cái Yield Curve và nỗi lo suy thoái sắp tới.
Năm 2019, tôi từng viết nhiều bài về cái Yield Curve bị đảo và tiềm tàng khả năng khủng hoảng có thể xảy ra. Dự báo Yield Curve đã đúng tuy nhiên việc COVID xảy ra là điều ngoài sự phán đoán của tôi. Tại thời điểm viết bài, tôi chưa từng có một suy nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua một cái đại dịch tàn khốc đến như vậy.
Và tháng 12 năm 2022 thì Yield Curve đã bị đảo một lần nữa:
Tiếp theo là một cái đồ thị mà các chuyên gia kinh tế đánh giá về khả năng xảy ra suy thoái (kinh tế) trong vòng 12 tháng sau, cụ thể là khoảng cuối năm 2023.
Và nếu như quá khứ lập lại thì chắc chắn rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng gì đó trong tương lai và nó cũng sẽ ngoài tầm dự đoán của mọi người. Chiến tranh chăng?
Làm nhà đầu tư chứng khoán quá khó khi mà lúc nào cũng có tin tiêu cực xuất hiện trên thị trường.
Nifty 50 – 1970s
Trong cuốn Principles của Ray Dalio, ông đã kể về quãng thời gian những năm 1970 như sau:
Ngày 15 tháng 08 năm 1971, tổng thống Mỹ Nixon xóa bỏ chế độ bản vị vàng. Thay vì thị trường chứng khoán sụp đổ như Ray từng nghĩ thì điều ngược lại đã xảy ra. Chỉ trong một ngày thị trường đã tăng 4%.
Nhờ việc in tiền và bãi bỏ chế độ bản vị vàng nên nền kinh tế và thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 1972. Hot nhất thời điểm đó là Nifty 50, top 50 cổ phiếu xịn xò mà người ta đánh giá rằng cứ đầu tư là sẽ luôn thắng.
Tháng 10 năm 1973, khủng hoảng dầu mỏ khiến giá dầu tăng mạnh, giá các loại hàng hóa cũng tăng theo và tại thời điểm đó thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu vào bear market.
FED đáp trả lại bằng cách áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, một điều mà bất cứ ngân hàng trung ương nào cũng phải làm khi lạm phát tăng cao. Hành động này làm thị trường chứng khoán hứng chịu một đợt giảm sâu.
Nền kinh tế đang ở trong tình trạng trì trệ, kèm lạm phát cao (lạm phát đình trệ – stagflation) giờ đây lại bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối Watergate khiến mọi việc ngày càng trầm trọng hơn. Vòng xoáy đi xuống này làm mọi người trở nên bi quan hơn nên họ tiếp tục bán cổ phiếu và thị trường chứng khoán ngày càng đi xuống sâu hơn.
Để cứu vãn tình hình, FED đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ quý 3 năm 1974. Thị trường chứng khoán chạm đáy vào tháng 12 cùng năm.
Bạn có thấy quen không? Chúng ta cũng đã trải qua những sự kiện tương tự: Lãi suất giảm, tiền rẻ lên ngôi, thị trường chứng khoán bùng nổ, giá dầu tăng, giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng. Chính sách tiền tệ thắt chặt tung ra, lãi suất tăng, thị trường chứng khoán đi xuống.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ lạm phát cao. Tình hình sẽ xấu hơn và tới một lúc nào đó thì cũng sẽ được cứu vãn.
Ray Dalio đã nói rằng: “Bạn phải hiểu những gì đã từng xảy ra với những người khác tại địa điểm hay thời điểm khác… Nếu bạn không làm được điều đó thì bạn sẽ không biết cách phải đối phó thế nào khi điều tương tự xảy ra với bạn”
Nếu quá khứ thật sự lập lại, như nó đã từng xảy ra hơn 10 lần rồi, dựa theo biểu đồ Yield Curve ở trên thì khả năng chúng ta sẽ đón chào một cuộc khủng hoảng vào năm sau. Khi mọi chuyện tồi tệ hơn thì ngân hàng trung ương sẽ có động tác cứu vãn tình hình và thị trường chứng khoán chạm đáy.
Vậy thì lần này chúng ta có nên ôm tiền ngồi chờ thời để sang năm vào lại không? Phải chuẩn bị như thế nào? Phải đối phó ra làm sao?
Trước khi trả lời câu hỏi này các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu quá trình chuyển biến tâm trạng của nhà đầu tư cá nhân.
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân
Dựa theo kinh nghiệm cá nhân tôi, thị trường chứng khoán có khả năng tác động đến cảm xúc của nhà đầu tư và khiến họ trở nên lạc quan sai thời điểm, cụ thể là lúc mà thị trường đã lên cao chót vót.
Quá trình này hình thành như sau:
Một bộ phận nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm nhận ra một điều rằng: nên đầu tư khi giá rẻ, ít ai quan tâm và chờ đợi đến lúc có lợi nhuận.
Những nhà đầu tư khác quan sát thấy những người này kiếm được tiền và cũng nảy sinh ý tưởng tương tự, họ ngay lập tức mua vào và đẩy giá loại tài sản đó lên.
Khi giá tăng cao thì ngày càng nhiều nhà đầu tư điên cuồng lao vào với suy nghĩ kiếm tiền đã trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần mua là lời. Họ không cần quan tâm đến cái giá đó có hợp lý hay không.
Có một cái nghịch lý ở đây: Chúng ta đi mua sắm thì luôn muốn mua giá rẻ, nhưng trong đầu tư giá càng mắc thì người ta lại càng muốn mua.
Tất nhiên là bữa tiệc nào cũng sẽ có lúc phải tàn, không có bull market nào kéo dài mãi mãi. Giá bắt đầu giảm, tuy nhiên lúc đầu nó chỉ giống như một cái điều chỉnh nho nhỏ. Không ai mảy may nghi ngờ vì đó là điều bình thường hay xảy ra trong mỗi bull market.
Vì hưng phấn quá đà trong bull market nên không có ai chuẩn bị tâm lý trước khi bear market ập tới. Và kết quả là họ hoảng loạn bỏ chạy khi chứng kiến một đợt sụt giảm sâu hơn. Trong Bear Market, họ còn phải đối mặt với vô số tin tức tiêu cực, càng làm tâm lý thêm ảnh hưởng và nó tạo thành một vòng xoáy đi xuống. Càng bán, thị trường càng đi xuống và họ sẽ tiếp tục làm như vậy cho tới khi không còn gì để bán.
Mục đích ở đây là gì? Tâm lý đám đông. Làm chuyện mà ai cũng làm sẽ cho ta cảm giác được an toàn bởi có sự ủng hộ của số đông.
Đó là lý do tại sao người ta nói rằng các nhà đầu tư cá nhân hay gặp thua lỗ, hay “buy high & sell low”.
Giống như vầy:
Tâm lý đầu tư của Warren Buffett
Nếu nhà đầu tư bình thường có cung bậc cảm xúc như hình trên thì của Warren Buffett là một hình ảnh đối lập hoàn toàn như phản chiếu qua gương.
Tháng 10 năm 2008, khủng hoảng tài chính diễn ra tại Mỹ khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, nhà đầu tư chạy đôn chạy đáo, bán cổ phiếu tìm chỗ trú ẩn thì Warren Buffett đã viết một bài viết có tựa đề: “Buy American. I Am.” trên The New York Times.
Thông qua bài viết, chúng ta biết được câu nói để đời của ông: “Hãy biết sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”.
Trong bài viết ông cũng đã nói rằng bản thân ông không thể đoán được chuyển động ngắn hạn của thị trường chứng khoán. Ông không tài nào biết được liệu thị trường có tăng hay giảm vào tháng sau hay năm sau. Tuy nhiên, có một điều ông biết đó chính là thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ luôn tăng trong dài hạn.
Có một vấn đề quan trọng ở đây đó là thời điểm ông viết bài và mua cổ phiếu không phải là đáy. Thị trường chứng khoán vẫn còn trong bear market, sau đó giảm hơn 20% mới tới đáy và đến tháng 3 năm 2009 thì bull market mới quay trở lại.
Một nhà đầu tư tài ba như Warren Buffett còn không mua được trúng đáy thì tại sao ta phải mơ về điều này?
Đây không phải là lần đầu tiên Warren Buffett mua một cái gì đó trong Bear market. Vào tháng 11 năm nay, Berkshire Hathaway đã mua cổ phiếu TSMC. Bear market không làm ông lo sợ, khủng hoảng có thể xảy ra hay không ông cũng không quan tâm. Ông quan tâm đến giá trị doanh nghiệp và tiềm năng phát triển trong tương lai hơn là biến động giá trong ngắn hạn.
Vượt qua nỗi sợ Bear Market
Từ đầu đến giờ tôi đã bàn:
- Khả năng có khủng hoảng/suy thoái kinh tế xảy ra năm 2023
- Câu chuyện xóa bỏ chế độ bản vị bàng năm 1971, thị trường trở nên hưng phấn. Sau đó lâm vào khủng hoảng năm 1973. Thị trường chứng khoán chạm đáy cuối năm 1974.
- Tâm lý nhà đầu tư, buy high & sell low.
- Tâm lý của Warren Buffett ngược lại hoàn toàn với các nhà đầu tư cá nhân, buy low & sell high. Không mua trúng đáy, không quan tâm biến động ngắn hạn. Chỉ quan tâm đến giá trị khoản đầu tư mang lại trong tương lai.
Cá nhân tôi thấy, nếu đợt khủng hoảng tiếp theo không phải là chiến tranh hay bệnh dịch thì không có gì phải lo lắng cả. Thật sự là tôi quan tâm tới những thứ có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người hơn là chuyện ai phá sản, kinh tế suy thoái…
Khả năng rằng FED sẽ không còn tăng lãi suất vào quý 2 năm 2023. Tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn sẽ còn khá yếu giai đoạn nửa đầu năm. Lãi suất chưa giảm thì doanh nghiệp vẫn sẽ còn lao đao, rất khó để tăng lợi nhuận trong thời điểm hiện tại. Như câu chuyện năm 1973 ở trên, lúc FED giảm lãi suất chắc cũng là lúc khủng hoảng diễn ra.
Không nên FOMO trong thời điểm hiện tại nếu thị trường có dấu hiệu đi lên. Hãy DCA chậm rãi. Không cần phải vội vàng.
Khi ta đã đoán được sơ bộ kịch bản những thứ có thể xảy ra. Điều duy nhất còn lại đó chính là cách vượt qua hoảng loạn. Vì đây là hành động khác thường so với những việc mà chúng ta hay làm nên bắt buộc phải có một góc nhìn khác.
“Rather than dwelling on the things we’d lose, we need to shift our focus on the things we’d gain and the opportunities that the change presents”
– Jason Feifer (Build for Tomorrow)
Để vượt qua nỗi sợ Bear Market này, chúng ta cần phải nghĩ về những thứ mà chúng ta sẽ gặt hái được trong tương lai chứ không phải là lo lắng việc sẽ thua lỗ bao nhiêu nếu đầu tư (chứng khoán) trong hiện tại. Giống như Warren Buffett mua cổ phiếu ngay cả trong Bear Market.
Đầu tư dài hạn không hề dễ dàng. Nhưng khi đã lựa chọn con đường này, bạn cần phải có suy nghĩ rằng vào một ngày nào đó, tài sản mà bạn đang nắm giữ (ETF) sẽ quay trở về đỉnh của nó một lần nữa.
Cách thức dễ nhất để chúng ta vượt qua nỗi sợ bear market chính là hình dung khoản lợi nhuận mà ta sẽ nhận được nếu mua ngay tại thời điểm này và bán lúc giá quay về đỉnh cũ.
Ví dụ E1VFVN30 đã giảm 38% so với đỉnh. Nếu mua ngày hôm nay và khi E1VFVN30 chạm lại đỉnh cũ thì sẽ lời hơn 60%.
Điều này không có nghĩa rằng bạn sẽ bán khi E1VFVN30 chạm đỉnh cũ. Đó là cơ hội bạn có thể nhận được khi mà đại đa số nhà đầu tư khác đang chất hàng ra bán trong hiện tại.
Bạn còn nhớ Hòa Phát – HPG? Nếu không tính đợt sụt giảm do COVID năm 2020 thì tại năm 2019, HPG đã giảm hơn 40% so với đỉnh năm 2018. Nếu mua thời điểm đó thì đã lời 75% khi HPG quay lại đỉnh cũ cuối năm 2020.
Không chỉ riêng HPG mà còn nhiều cổ phiếu, loại hình tài sản khác cũng tương tự như vậy.
Nếu bạn không lo lắng về chuyện tương lai, nhà cửa yên ổn, nợ nần không có gì nhiều, vẫn có tiền để dành riêng và công việc ổn định thì hãy DCA ngay từ bây giờ. (ETF luôn là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư dài hạn)
Làm sao tôi vẫn có thể giữ được tâm lý lạc quan ngay lúc này?
- Vì đây không phải là cái Bear Market đầu tiên mà tôi trải qua. Tôi có cảm giác rằng khi kinh nghiệm càng cao thì những việc này không còn làm tôi lo sợ như những lần trước nữa.
- Cộng với việc để dành sẵn tiền sống thoải mái nên tôi không còn phải lo lắng việc danh mục tăng hay giảm trong ngắn hạn.
- Ít tiếp xúc với tin tức tiêu cực và không để nó làm ảnh hưởng đến cảm xúc cá nhân. Nếu không viết bài thì tôi đọc sách và chơi game.
Mua giá rẻ không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có thể tận dụng. Còn chuyện tương lai thì sao?
“Que Sera Sera
Youtube: Doris Day – Que Sera Sera.
Whatever will be will be
The future’s not ours to see
Que Sera Sera
What will be will be“
👉 Đọc thêm: Để chiến thắng trong bear market
Lưu ý: Cũng như các bài viết khác thì bài viết này nên được nhìn nhận là một bài viết cung cấp thông tin chứ không phải khuyến nghị đầu tư. Cách sử dụng blog.
Trừ ETF E1VFVN30 ra thì các cổ phiếu khác là do tôi lựa chọn ngẫu nhiên. Không phải là khuyến nghị mua những cổ phiếu hay tài sản đó. Với các nhà đầu tư dài hạn thì việc lựa chọn ETF là tốt nhất. Nếu các nhà đầu tư thích thú với Bitcoin thì có thể đọc bài quan điểm về Bitcoin.
Các bạn có thể tham khảo thêm tổng hợp các bài viết về Bear Market.
Đây là bài viết số 32, mọi dữ liệu về bài viết tôi lưu tại: https://github.com/vhoanghac/blog
Leave a Reply