Thời gian đọc: 86 minutes
Tâm sự
Lúc tôi đặt mua cuốn sách này, tôi hình dung trong đầu rằng nó sẽ giúp cho tôi hiểu về Bitcoin hơn và có thêm động lực để mà đầu tư mặc dù tôi đã rút khỏi thị trường tiền ảo hồi tháng 3.
Sau khi hoàn thành cuốn sách, mọi quan điểm của tôi về Bitcoin đã thay đổi. Không phải là do tôi thấy Bitcoin tự nhiên tốt hơn trước mà là do cuốn sách đã cho tôi thấy hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính hiện tại nó “tệ” đến mức độ nào.
Mặc dù tôi có viết một vài nhận xét trên X hồi tháng 7: nhưng có bạn gửi mail tò mò không biết trong sách có điểm gì hay cho nên tôi viết một bài viết với mục chia sẻ các highlights của trong sách. Và tôi cũng đã cố gắng (hết sức) để dịch/chỉnh sửa lại sao cho thật dễ hiểu.
Cuốn sách này bao gồm 2 phần:
- Phần 1: Giới thiệu về lịch sử hình thành và thực trạng hiện nay của hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính.
- Phần 2: Giới thiệu Bitcoin
Cá nhân tôi thì thấy phần 1 hay và có giá trị nhất trong cuốn sách.
Nó làm tôi nhớ lại câu nói của Jeff Bezos:
Trong môi trường đầu tư này, nếu không liên tục thay đổi quan điểm của mình, thì rất khó để mà nhà đầu tư có thể tồn tại được lâu. Chúng ta không thể nào đầu tư với cái quan điểm A là A, B là B trường tồn mãi mãi được. Mọi thứ luôn luôn biến động và thay đổi liên tục cho nên bắt buộc chúng ta cũng phải linh hoạt thay đổi theo.
Quay lại phần 1 của cuốn sách Broken Money.
Mọi lập luận, dẫn chứng của tác giả đều sắc sảo. Nó thật sự làm tôi, một người có kinh nghiệm đầu tư chục năm, thật sự mở mang tầm mắt và làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về đầu tư. Nó giúp tôi hiểu thêm về hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính thời hiện đại, những điều mà không có cuốn sách hay thầy cô nào ở các trường đại học giảng dạy cả.
Cái hay của phần 1 là giúp cho người đọc biết thực trạng của vấn đề. Còn phần 2 là giới thiệu giải pháp cho mọi người, đặc biệt là những người đang sinh sống ở các quốc gia đang phát triển mà phải hứng chịu lạm phát cao cũng như việc mất giá của đồng tiền mà họ đang sử dụng.
Thật sự mà nói, những lập luận trong phần 2 chưa đủ mức để thuyết phục tôi về lợi ích của Bitcoin trong dài hạn. Nhưng mà bởi vì trong hiện tại chúng ta không có một loại tài sản nào có thể đóng vai trò như vàng dưới dạng kỹ thuật số cho nên tác giả mới giới thiệu Bitcoin đồng thời cũng không quên đề cập đến những rủi ro của nó trong cuốn sách.
Cuốn sách này cho người đọc (người dân làm công ăn lương) 2 sự lựa chọn:
- Ở lại với hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính lỗi thời và bị lợi dụng. Cố gắng kiếm tiền để chống lại lạm phát và việc mất giá của đồng tiền.
- Tích lũy tài sản thông qua việc mua và nắm giữ Bitcoin cho dù biết rằng giá cả liên tục biến động mạnh, và có thể hình thành bong bóng nhưng ngoài Bitcoin ra thì không còn một tài sản nào đủ tiềm năng thay thế được vàng trong thời đại kỹ thuật số.
Thời điểm đọc xong cuốn sách, tôi đã quyết định đầu tư vào Bitcoin trở lại mặc dù 4 tháng trước đó tôi đã viết bài nghỉ chơi. Bởi vì sự biến động của thị trường quá lớn cho nên tôi chỉ dám DCA mỗi ngày một chút cho tới hết tháng 10 và để danh mục tự chạy đến sang năm. Phần còn lại thì tôi trữ ở dạng stablecoins.
Liệu việc làm này có thực sự đúng đắn? Tôi sẽ chờ tương lai trả lời. Còn bây giờ thì qua chuyên mục nội dung sách.
Tóm tắt nội dung
Cuốn sách này thường xuyên đề cập đến câu hỏi “ai kiểm soát sổ cái?” và câu trả lời cho câu hỏi này đã thay đổi theo thời gian.
Trong lịch sử sơ khai, câu trả lời là: cộng đồng địa phương và thiên nhiên (đối với tiền hàng hóa – là loại tiền mà bản thân nó là một hàng hoá) kiểm soát sổ cái. Khi một số nền văn minh có được lợi thế công nghệ lớn so với các nền văn minh khác, công nghệ của họ đã cho phép họ kiểm soát sổ cái của các nền văn minh kém phát triển hơn bằng cách sản xuất nhiều loại tiền hàng hóa mà những nền văn minh kém phát triển đó cho là hiếm.
Với sự phát triển của ngân hàng và ngân hàng trung ương trong thế giới viễn thông, khi vàng trở nên quá chậm để sử dụng làm tiền, sổ cái ngày càng được tập trung và kiểm soát bởi các quốc gia. Về cơ bản, chính phủ và ngân hàng trung ương đã độc quyền về dịch vụ chuyển tiền nhanh, đường dài, điều này cho phép họ dễ dàng làm giảm giá trị khoản tiết kiệm của người dân và chuyển dịch giá trị đó theo những cách không minh bạch để đạt được mục tiêu của họ.
Trong tương lai, tiền kỹ thuật số như Bitcoin cố gắng trao lại quyền kiểm soát tài chính cho người dân, trong khi tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành lại giúp các quốc gia kiểm soát chặt chẽ hơn hệ thống tài chính mà mọi người đang sử dụng.
Khi nói đến việc kiểm soát sổ cái, có hai câu hỏi chính.
- “Ai có thể giám sát và kiểm duyệt giao dịch của người khác hoặc đóng băng tiền của họ?”
- “Ai có thể tạo ra tiền một cách gần như là miễn phí và làm mất giá trị tiết kiệm lẫn tiền lương của người khác?”
Seigniorage: Thu nhập từ việc phát hành tiền, là sự khác nhau giữa giá trị của tiền và chi phí sản xuất nó. Trong tiếng Pháp nghĩa là “quyền đúc tiền của vua chúa”.
- Giá trị đồng tiền: $100
- Chi phí sản xuất đồng tiền: $10
- Seigniorage = $90
Nếu một nhóm nào đó có thể tạo ra tiền với chi phí thấp hơn đáng kể so với giá trị thị trường, thì họ đã đạt được quyền lực phát hành tiền (seigniorage) và do đó kiểm soát toàn bộ hoặc một phần sổ cái.
Ngược lại, nếu không ai có thể tạo ra tiền một cách dễ dàng, như trong trường hợp các bộ tộc trao đổi hàng hóa với nhau, thì không ai có quyền lực phát hành tiền (seigniorage) mà chỉ có thiên nhiên kiểm soát sổ cái.
Nhưng nếu một nhóm có trình độ kỹ thuật vượt trội so với nhóm khác và có thể dễ dàng tạo ra những vật như hạt cườm, vòng cổ từ vỏ sò, đá rai, hoặc hạt ca cao mà nhóm kia dùng để cất giữ tài sản, thì nhóm có công nghệ cao hơn sẽ có quyền phát hành tiền (seigniorage). Quyền này tồn tại cho đến khi người ta nhận ra vấn đề và ngừng sử dụng loại tiền đã bị làm giả đó.
Trong các hệ thống tiền tệ pháp định, các chính phủ và ngân hàng trung ương có thể tạo ra tiền gần như miễn phí và mọi người phải coi tiền đó là có giá trị trong lãnh thổ của họ, ngay cả khi giá trị của nó liên tục bị pha loãng. Nhiều quốc gia quản lý sổ cái của họ rất tệ khi làm gia tăng lượng cung tiền lẫn giá cả hàng hóa.
Khi mọi người cố gắng chuyển sang các sổ cái hoặc tài sản khác để bảo vệ khoản tiết kiệm của mình thì các cơ quan chức trách hiếm khi nhận trách nhiệm mà thường đổ lỗi cho các nhà đầu cơ và các thế lực bên ngoài. Do đó chính quyền thường giải quyết bằng cách chặn các lối thoát này lại để hạn chế tiền “chạy” ra nước ngoài.
Vàng từ lâu đã được sử dụng như một tài sản phòng vệ và tiết kiệm, nhưng trong thời đại kỹ thuật số ngày nay thì vàng không còn được xem là loại tiền giao dịch hữu ích nữa. Mạng lưới Bitcoin mang đến một sự thay thế mới và nhanh hơn, nơi không ai có thể tạo ra Bitcoin miễn phí và do đó không ai có quyền lực phát hành tiền (seigniorage). Tương tự, không ai có thể kiểm duyệt giao dịch trừ khi họ kiểm soát hơn 50% sức mạnh xử lý của mạng lưới. Bitcoin có thể di chuyển toàn cầu mà không cần đến ngân hàng trung ương, vốn được xem là nút thắt làm tắt nghẽn việc chuyển và nhận tiền đa quốc gia. Tuy nhiên, mạng lưới này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và chúng ta còn phải chờ xem nó sẽ đứng vững thế nào trước những cuộc tấn công lớn từ chính phủ – những người đang cố gắng bảo vệ hệ thống tiền tệ tập trung (centralized) cho dù hệ thống này đang trở nên bất ổn qua thời gian.
“Bằng cách duy trì quá trình lạm phát liên tục, các chính phủ có thể âm thầm tịch thu một phần tài sản của người dân một cách bí mật và không bị phát hiện. Bằng cách này, họ không chỉ tịch thu mà còn tịch thu một cách tùy tiện; và trong khi quá trình này làm nhiều người trở nên nghèo hơn thì nó lại làm giàu cho một số người khác.”
– John Maynard Keynes
Ý tưởng tách biệt tiền tệ khỏi nhà nước không phải là để loại bỏ nhà nước mà là để tạo ra một công nghệ tiền tệ phi tập trung. Nếu công nghệ này được áp dụng rộng rãi, và có khả năng chống lại các cuộc tấn công, nó sẽ đưa nhà nước vào một sân chơi bình đẳng hơn với mọi người.
Trong một thế giới mà tiền tệ ngang hàng di chuyển nhanh, dễ mang theo, tự quản lý, có thể giao dịch toàn cầu, không bị mất giá trị và được mọi người sử dụng rộng rãi thì các chính phủ sẽ cần phải minh bạch hơn trong hành động của mình. Với 160 loại tiền pháp định trên thế giới và hơn một nửa dân số thế giới sống dưới nhiều hình thức độc tài khác nhau, thì đây là một mục tiêu không hề nhỏ.
Tiền mã nguồn mở dưới dạng Bitcoin có thể trở nên đủ lớn để cạnh tranh trực tiếp với đồng đô la Mỹ, nhưng trước mắt, mục tiêu dễ đạt nhất là công nghệ này cung cấp một giải pháp cho hàng tỷ người đang sử dụng các đồng tiền đang mất giá trị ở những quốc gia kém phát triển mà có lạm phát cao.
Mặc dù chính trị có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta sử dụng tiền tệ ở mức độ quốc gia và tạm thời, nhưng công nghệ mới là yếu tố ảnh hưởng đến cách chúng ta sử dụng tiền tệ toàn cầu và lâu dài. Khi công nghệ mới xuất hiện, các hệ thống tài chính cũ trở nên lỗi thời và biến mất, trong khi các hệ thống mới ra đời và trở nên cần thiết hơn.
Trong thời kỳ càng công nghiệp hóa, vàng đã chiếm ưu thế so với mọi loại hàng hóa khác và trở thành loại tiền tệ chính. Sau đó, khi thế giới ngày càng được kết nối bởi các hệ thống viễn thông, tiền pháp định đã thay thế vàng ở mọi quốc gia. Giờ đây, khi sự khan hiếm kỹ thuật số (digital scarcity) và thanh toán kỹ thuật số ra đời, một kỷ nguyên tiền tệ mới lại một lần nữa mở ra.
“Mục tiêu của tôi khi viết cuốn sách này là giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của tiền tệ và lý do tại sao hệ thống tài chính toàn cầu không hoạt động tốt như trước đây. Cuốn sách không chỉ nói về lý do tại sao hệ thống tài chính của chúng ta không hoạt động tốt trong năm nay hoặc thập kỷ này, mà còn là một phân tích sâu hơn về bản chất của tiền tệ, làm thế nào mà hệ thống phát triển đến được ngày hôm nay và những vấn đề cơ bản trong hiện tại là gì.”
– Lyn Alden
Phần 1: Hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính
Mỗi năm, các thợ mỏ vàng khai thác thêm khoảng 1,5% lượng vàng mới so với tổng lượng vàng đã có sẵn. Không giống như nhiều hàng hóa khác, vàng hầu như không bị tiêu thụ mà thường được nấu chảy lại và lưu trữ dưới nhiều hình dạng và ở nhiều nơi khác nhau.
Vàng không bị mục nát, gỉ sét hay ăn mòn dễ dàng như hầu hết các loại vật liệu khác. Ngay cả khi bị nổ tung và phân tán, những mảnh vỡ đó không bị gỉ sét rồi biến mất như các vật liệu khác, do đó chúng có thể được thu hồi lại. Ngoại trừ một lượng nhỏ bị bỏ đi trong các bảng mạch điện tử hoặc chìm xuống đáy đại dương do các vụ đắm tàu, hầu hết vàng từng được khai thác vẫn nằm trong sự kiểm soát của con người. Vàng gần như không thể bị phá hủy.
Nhân loại đã cải thiện việc khai thác vàng nhờ công nghệ mới, nhưng vàng vốn dĩ rất hiếm và chúng ta đã khai thác hết các mỏ dễ tiếp cận trên bề mặt. Chỉ còn lại các mỏ sâu và khó tiếp cận, điều này giống như một sự điều chỉnh độ khó liên tục chống lại tiến bộ công nghệ của chúng ta. Một ngày nào đó, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ này bằng cách khai thác tiểu hành tinh bằng drone hoặc khai thác đáy biển sâu hay các công nghệ tương tự trong khoa học viễn tưởng, nhưng cho đến khi ngày đó đến, vàng vẫn giữ tỉ lệ stock-to-flow cao.
Stock-to-flow: Chỉ số này được dùng để đánh giá mức độ khan hiếm bằng cách so sánh stock – tổng nguồn cung đang lưu hành với flow – sản lượng được tạo ra hằng năm.
Ví dụ tổng nguồn cung của Bitcoin là 19.060.593 Bitcoin. Số lượng Bitcoin được đào ra mỗi năm là 328.500 Bitcoin.
Tỉ lệ Stock-to-flow của Bitcoin là: 19.060.593 / 328.500 = 58.02
Của vàng là xấp xỉ 66.
Trong một thị trường tự do, các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần bằng cách tính các mức phí khác nhau. Dần dần, các ngân hàng sẽ nhận ra rằng hầu hết số vàng trong ngân hàng không bao giờ bị rút hết cùng một lúc. Hãy tưởng tượng một ngân hàng phát hiện ra rằng trong mười năm qua, lần rút vàng lớn nhất của khách hàng chỉ chiếm cao lắm 40% số vàng có trong kho. Do đó, ngân hàng xác định là để cho an toàn thì cần giữ ít nhất 80% vàng trong kho, 20% còn lại thì mang đi cho vay để kiếm lãi, đồng thời áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ để thu hút nhiều khoản tiền gửi hơn. Và thế là hình thức “dự trữ một phần” ra đời.
Tuy nhiên, các ngân hàng có thể đi quá xa. Nếu 80% dự trữ và dịch vụ ngân hàng không thu phí là một sự kết hợp hấp dẫn, vậy thì 60% dự trữ và thay vì chỉ loại bỏ chi phí, ngân hàng còn chia cho người gửi tiền một phần nhỏ lợi nhuận dưới dạng lãi suất tiền gửi của họ thì sao? Chắc chắn điều đó sẽ thu hút hàng tấn tiền gửi về.
—
Việc ra đời của thẻ tín dụng vào những năm 1950, thương mại điện tử vào những năm 1990 và thanh toán qua điện thoại thông minh vào những năm 2010 đã làm nổi bật vai trò quan trọng của các hình thức thanh toán nhanh qua viễn thông.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một loại tiền yếu hơn (weaker money) lại trở nên phổ biến hơn so với một loại tiền mạnh hơn (harder money) trên quy mô toàn cầu. Điều này xảy ra vì hệ thống viễn thông đã mang yếu tố tốc độ vào cuộc cạnh tranh này. Vàng, mặc dù khan hiếm hơn, nhưng do khả năng vận chuyển và xác thực chậm cho nên không thể cạnh tranh với đồng bảng Anh, đô la Mỹ và các loại tiền pháp định khác (vốn nhanh hơn và tiện lợi hơn).
Bản vị vàng đã không còn tồn tại trong thời hiện đại vì cơ chế hoạt động của nó không còn hấp dẫn và vàng cũng quá chậm để sử dụng. Điều này khiến các quốc gia dễ dàng từ bỏ bản vị vàng. Ngày nay, khi mọi người muốn tích lũy bằng cách nắm giữ các tài sản khan hiếm thì họ thường chọn đầu tư vào bất động sản hoặc cổ phiếu thay vì vàng.
Nhờ vào việc tập trung hóa và trừu tượng hóa tiền tệ, các chính phủ không còn bị giới hạn bởi lượng vàng trong kho của họ vì họ có thể sử dụng khoản tiết kiệm của toàn bộ công dân. Nếu một chính phủ có thể rút cạn tài sản của công dân để phục vụ chiến tranh, thì cơ hội chiến thắng của họ sẽ tăng lên — trừ khi các quốc gia đối thủ cũng làm như vậy.
Trừu tượng hóa tiền tệ: về bản chất, tiền là một khái niệm trừu tượng phức tạp làm nền tảng cho kinh tế hiện đại, giúp thúc đẩy thương mại, lưu trữ giá trị và hoạt động như một đơn vị tính toán. Sức mạnh của nó không nằm ở hình thức vật chất mà nằm ở lòng tin tập thể và các thỏa thuận mang lại giá trị cho nó.
Thay vì công khai rút tiền (có thể quy đổi thành vàng) từ người dân thông qua thuế hoặc vay nợ để chi trả cho chiến tranh, chính phủ và ngân hàng trung ương đã bí mật hợp tác để in thêm một lượng lớn tiền mới và dùng số tiền đó để mua hàng hóa và dịch vụ phục vụ chiến tranh. Hậu quả là tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Anh đã mất hơn một nửa giá trị chỉ trong vài năm, và khả năng quy đổi tiền thành vàng cũng bị phá vỡ. Chính phủ và ngân hàng trung ương đã thao túng hệ thống tiền tệ quốc gia để buộc công chúng phải gánh chi phí chiến tranh bằng chính tiền tiết kiệm của họ, ngay cả khi họ không tự nguyện mua trái phiếu chiến tranh.
Vương quốc Anh không phải là quốc gia duy nhất in tiền cho chiến tranh. Mọi quốc gia tham chiến đều làm vậy. Khi Hoa Kỳ tham chiến sau đó vào năm 1917, họ cũng làm điều tương tự. Các bên thua cuộc trong cuộc chiến hầu hết đều thấy đồng tiền của họ bị mất giá quá mức, trong khi các bên thắng cuộc chỉ có lạm phát “rất cao” chứ không phải là siêu lạm phát hoàn toàn.
Đây là lý do tại sao tôi cho rằng sự sụp đổ toàn cầu của bản vị vàng là điều không thể tránh khỏi do nó không còn phù hợp với công nghệ. Càng dễ thao túng hệ thống tài chính, thì khả năng bị thao túng càng cao. Hệ thống ngân hàng và tiền giấy được bảo đảm bằng vàng rất dễ bị lạm dụng, vì tiền có thể được in trước, và các hậu quả như lạm phát hay phá vỡ tỷ giá neo với vàng có thể được xử lý sau.
—
Ngay sau kỳ nghỉ ngân hàng vào năm 1933, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu tất cả công dân phải giao nộp vàng của mình để đổi lấy đô la theo tỷ giá hiện hành. Việc sở hữu vàng, cả trong nước lẫn ở nước ngoài, bị cho là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù lên đến mười năm.
Sau khi thu thập được một lượng vàng đáng kể, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Dự trữ Vàng năm 1934. Đạo luật này định nghĩa lại đồng đô la từ khoảng 1/20 ounce vàng thành 1/35 ounce vàng. Nói cách khác, họ đã giảm giá trị đồng đô la đáng kể so với vàng sau khi đã có được nhiều vàng trong tay. Việc giảm giá trị tiền tệ có lợi cho con nợ hơn là chủ nợ, và không có con nợ nào lớn hơn chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
—
Sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971, thế giới rơi vào tình huống chưa từng có trước đây: đồng tiền mà hầu như mọi người đang sử dụng trên toàn thế giới không còn được đảm bảo bằng bất cứ thứ gì có tính khan hiếm.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu rất lớn. Hoa Kỳ đã thuyết phục nhiều nhà sản xuất dầu bán dầu bằng đô la và giữ các khoản thặng dư petrodollar của họ dưới hình thức đầu tư trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Bằng cách này, Hoa Kỳ đã tạo ra một hệ thống mà đồng đô la được hỗ trợ bởi dầu mỏ. Mặc dù đồng đô la không thể đổi trực tiếp lấy một lượng dầu cụ thể, nhưng hệ thống này khiến bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu dầu cũng muốn giữ đô la (thường dưới dạng trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ) làm dự trữ để có thể mua dầu khi cần. Điều này giúp duy trì nhu cầu đối với đồng đô la và từ đó giúp cho mạng lưới sử dụng đồng đô la tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Từ năm 1974 đến nay, thế giới chủ yếu dựa trên hệ thống petrodollar này.
—
Tính đến thời điểm này, có khoảng 160 loại tiền tệ pháp định trên thế giới và hầu hết chúng không được ưa chuộng hay sử dụng nhiều bên ngoài quốc gia của chúng. Tiền tệ vốn dĩ được tạo ra để tránh việc trao đổi hàng hóa trực tiếp, nhưng khi có đến 160 loại tiền tệ do chính phủ phát hành, thì hệ thống này lại mỉa mai thay giống như một hệ thống trao đổi hàng hóa — ít nhất là khi nói đến thương mại toàn cầu. Do đó, một tài sản thanh toán chính và đơn vị tính toán chung rất quan trọng để các quốc gia, dù không tin tưởng vào tiền tệ của nhau, vẫn có thể giao thương với nhau.
Hoa Kỳ duy trì hệ thống tiền tệ của mình, và các quốc gia khác kết nối với hệ thống này bằng cách giữ một lượng lớn đô la, thông qua tiền gửi ngân hàng hoặc trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Nếu đồng tiền của họ mất giá quá nhiều, ngân hàng trung ương của các nước đó có thể bán một phần đô la dự trữ để mua lại đồng tiền của họ, giúp tăng giá trị đồng tiền. Ngược lại, nếu một quốc gia có thặng dư thương mại lớn và đồng tiền của họ trở nên quá mạnh, họ có thể in thêm tiền, mở rộng hệ thống tiền tệ và mua thêm tài sản bằng đô la để làm giảm giá trị đồng tiền của mình và tăng lượng dự trữ đô la. Ngoài ra, các quốc gia cũng giữ một số lượng nhỏ tiền tệ của các nước lớn khác để đa dạng hóa dự trữ, và nhiều nước vẫn giữ một lượng lớn vàng trong kho dự trữ của mình.
Tổng hợp lại, thế giới cơ bản vận hành trên một hệ thống tài chính hai tầng.
- Hầu hết mọi người ở tầng dưới bị kẹt trong việc chi trả và tiết kiệm bằng đồng tiền quốc gia của họ (nằm trong số 160 đồng tiền không ổn định). Đặc biệt ở các nước đang phát triển, việc tiết kiệm trở nên rất khó khăn vì đồng tiền của họ liên tục mất giá, thậm chí có khi rơi vào siêu lạm phát.
- Trong khi đó, ở tầng trên, các công ty xuất nhập khẩu, người giàu có, và các ngân hàng trung ương lại sử dụng đô la và các loại tiền tệ lớn khác để giao dịch trên thị trường toàn cầu. Các nhà lãnh đạo ở những quốc gia thường làm mất giá tiền của dân mình thì lại giữ tài khoản bằng đô la, franc hoặc euro tại các ngân hàng nước ngoài và các thiên đường thuế để tránh bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng tiền quốc gia mà người dân của họ phải đối mặt hàng ngày.
—
Ngân hàng Thế Giới do người Mỹ điều hành và IMF do châu Âu điều hành nhưng cả hai đều do Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận của nước này kiểm soát chặt chẽ. IMF giúp các quốc gia giải quyết các vấn đề về cán cân thanh toán, trong khi Ngân hàng Thế giới tài trợ để phát triển cơ sở hạ tầng.
Để nhận được các khoản vay từ IMF, các nước đang phát triển phải đồng ý với nhiều điều khoản, thường bao gồm việc cố tình làm giảm giá trị tiền tệ để làm giảm lương trong nước và tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ. Các quốc gia giàu có đang kiểm soát IMF có quyền đặt ra các điều khoản cho những nước nhận khoản vay.
Các cải cách chính mà IMF yêu cầu khi cấp các khoản vay:
- Phá giá tiền tệ: IMF thường yêu cầu phá giá tiền tệ để làm cho xuất khẩu của một quốc gia trở nên cạnh tranh hơn, nhằm cải thiện cán cân thanh toán.
- Bãi bỏ hoặc giảm các kiểm soát về ngoại hối và nhập khẩu: IMF thường khuyến nghị tự do hóa thị trường ngoại hối và thương mại để thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu.
- Thu hẹp tín dụng ngân hàng trong nước: IMF thường yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt tín dụng để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tăng lãi suất: Tăng lãi suất là một biện pháp thường được IMF khuyến nghị để kiểm soát lạm phát và ổn định tiền tệ.
- Tăng thuế: Tăng thuế là một biện pháp để tăng nguồn thu ngân sách, nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
- Chấm dứt trợ cấp cho người tiêu dùng về thực phẩm và năng lượng: IMF thường yêu cầu giảm hoặc chấm dứt trợ cấp để giảm gánh nặng ngân sách và khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
- Giới hạn mức lương: IMF có thể yêu cầu giới hạn mức lương trong khu vực công để kiểm soát chi tiêu công.
- Hạn chế chi tiêu của chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục: IMF thường khuyến nghị cắt giảm chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách, mặc dù việc cắt giảm trong lĩnh vực y tế và giáo dục thường gây tranh cãi.
- Điều kiện pháp lý thuận lợi và ưu đãi cho các tập đoàn đa quốc gia: IMF thường khuyến khích cải cách pháp lý để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài.
- Bán các doanh nghiệp nhà nước và quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên với giá rẻ: Tư nhân hóa là một biện pháp thường được IMF khuyến nghị để cải thiện hiệu quả kinh tế và giảm gánh nặng tài chính của chính phủ.
Người đọc nên lưu ý rằng Hoa Kỳ và các quốc gia giàu có khác thường bỏ qua các bước này khi họ gặp khủng hoảng.
Trong khi các quốc gia giàu có hiếm khi áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính cho chính mình, họ lại mong đợi các quốc gia đang phát triển phải làm như vậy mỗi khi đối mặt với suy thoái kinh tế, để tuân theo hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay.
Khi các nước đang phát triển bị yêu cầu giảm khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng trong nước, trong khi các tập đoàn đa quốc gia lại được khuyến khích vào thị trường của họ bằng các ưu đãi thuế, điều này tạo ra một tình huống đặc biệt có hại. Việc giảm tín dụng ngân hàng khiến các doanh nghiệp nhỏ và địa phương khó tồn tại và phát triển hơn. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia, nhờ được hưởng ưu đãi thuế, có cơ hội lớn để vào thị trường đúng lúc các doanh nghiệp địa phương đang yếu đi, từ đó chiếm lấy thị phần của họ. Quá trình này diễn ra lặp đi lặp lại theo chu kỳ.
Nhiều quốc gia đang phát triển đã nhận được hơn một chục khoản vay từ IMF kể từ khi tổ chức này được thành lập. Các khoản nợ cũ liên tục được tái cấu trúc, tái tài trợ và chuyển thành các khoản nợ mới. Trong nhiều trường hợp, dù các quốc gia này đã trả số tiền lớn gấp nhiều lần khoản vay ban đầu do lãi suất cao, nhưng họ vẫn nợ nhiều hơn số tiền đã vay ban đầu.
Hơn nữa, một phần lớn của các khoản vay nhanh chóng được chuyển trở lại vào các công ty Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi các nước đang phát triển lại phải gánh chịu hậu quả.
Ví dụ, Ngân hàng Thế giới có thể cho các nước đang phát triển vay tiền để xây dựng đường sắt và cảng. Nhưng thay vì tự mình làm, các nước này lại thuê các công ty từ Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản để thực hiện phần lớn công việc, dùng số tiền mà họ đã vay. Kết quả là, tiền từ các nước phát triển chỉ lưu lại trong thời gian ngắn ở các nước đang phát triển, rồi nhanh chóng quay trở lại các công ty ở nước phát triển. Trong khi đó, các nước đang phát triển vẫn phải gánh khoản nợ với các nước phát triển.
Đường sắt và cảng sau đó chủ yếu được dùng để vận chuyển và xuất khẩu tài nguyên từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, những nước đã tài trợ cho dự án. Người dân ở các nước đang phát triển nhận được ít lợi ích từ dự án nhưng lại phải gánh khoản nợ. Khi khoản nợ gần đến hạn, các khoản vay thường được tái cấu trúc, và đồng tiền của quốc gia đó bị mất giá mạnh, ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm và tiền lương của người dân.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia đang phát triển có những nhà lãnh đạo tham nhũng và độc tài. IMF và Ngân hàng Thế giới thường ký các thỏa thuận với những nhà độc tài này, những người kiểm soát hệ thống tiền tệ của đất nước. Những nhà lãnh đạo này thường rút một phần lớn tiền cho bản thân và đồng bọn, sống xa hoa và cất giữ tài sản ở tài khoản ngân hàng nước ngoài và bất động sản. Trong khi đó, hầu hết người dân ở các quốc gia này không có tiếng nói, không nhận được lợi ích từ các thỏa thuận, nhưng vẫn phải gánh chịu khoản nợ và đối mặt với tình trạng mất giá tiền tệ.
Các quốc gia đang phát triển thường tập trung vào việc tối đa hóa xuất khẩu để thu về ngoại tệ, thay vì ưu tiên tự cung tự cấp và cân bằng nền kinh tế. Điều này có nghĩa là khi những quốc gia này gặp khủng hoảng cán cân thanh toán thì khả năng tự cung cấp lương thực cho người dân bị đe dọa nghiêm trọng vì họ phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm cơ bản bằng đô la Mỹ (mặc dù có đủ khả năng sản xuất trong nước). Khi đồng đô la Mỹ tăng mạnh, nhiều nước đang phát triển đồng loạt gặp khủng hoảng cán cân thanh toán và phải cầu cứu IMF nhiều lần.
—
Chủ nghĩa trọng thương là một chính sách kinh tế nhằm tối đa hóa xuất khẩu và giảm thiểu nhập khẩu. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa này có thể liên tục phá giá đồng tiền của mình để giữ mức lương thực tế trong nước thấp, thay vì để tiền tệ tăng giá tự nhiên. Điều này ngăn cản người dân tiêu dùng nhiều hàng nhập khẩu, giữ mức lương của họ ở mức rất thấp để có tính cạnh tranh trên toàn cầu, và giúp quốc gia thu về nhiều giá trị hơn. Tuy nhiên, giá trị này thường tập trung vào tay những người giàu có và chính phủ.
Các nước theo chủ nghĩa trọng thương có xu hướng xây dựng các trung tâm công nghiệp lớn và tích lũy nhiều dự trữ ngoại hối, trong khi người lao động của họ thấy tiền tiết kiệm và sức mua của mình liên tục bị rút cạn.
Tiền tệ thường xuyên bị phá giá (do quản lý yếu kém của lãnh đạo hoặc theo yêu cầu của IMF) khiến tiền lương và tiền tiết kiệm của người lao động mất giá trị trên thị trường toàn cầu. Điều này làm giàu cho các lãnh đạo tham nhũng ở các nước đang phát triển, những người kiểm soát hệ thống tài chính và rút tiền cho bản thân bằng cách làm giảm giá trị tài sản của người dân. Nó cũng làm giàu cho các tập đoàn ở các nước phát triển, trong khi để lại gánh nặng nợ nần cho người dân nghèo ở các quốc gia đó.
Sau đó, nó giúp những nhà cầm quyền tham nhũng đó tiếp tục nắm quyền bằng cách cung cấp cho họ các khoản cứu trợ và tái cấu trúc — lên đến hàng chục lần hoặc hơn — để liên tục đẩy các vấn đề sang tương lai bất cứ khi nào họ gặp khủng hoảng ở hiện tại. Những khủng hoảng này thường xảy ra do họ đã vay quá nhiều nợ bằng đô la từ trước và giải pháp thường thấy là vay thêm nợ, khiến họ rơi vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
—
ĐỒNG TIỀN DỰ TRỮ QUỐC TẾ
Nhiều người nghĩ rằng thế giới phải có một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu. Họ nghĩ rằng giống như cách tiền tệ dự trữ toàn cầu đã chuyển từ đồng bảng Anh sang đồng đô la Mỹ, tiếp theo sẽ là đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Các nhà phân tích khác cho rằng vì đồng nhân dân tệ Trung Quốc không đủ tốt, không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cả hai kịch bản đó đều hiểu sai về lịch sử. Thế kỷ 19 và 20 là những ngoại lệ. Thế giới đang chuyển sang một hệ thống tiền tệ dự trữ đa cực và trung lập, thay vì một hệ thống mà một quốc gia phát hành loại tiền tệ dự trữ toàn cầu vượt trội nhất. Không có quốc gia nào, dù là Hoa Kỳ, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, đủ lớn để phát hành một loại tiền tệ pháp định mà cả thế giới có thể và muốn sử dụng. Chỉ có một thứ đủ lớn là một loại tiền tệ siêu quốc gia; một loại tiền có sự khan hiếm tự nhiên và không được phát hành bởi chính phủ.
Từ giữa thế kỷ 19 đến những năm 1960, lượng vàng toàn cầu do các ngân hàng trung ương nắm giữ (dự trữ vàng quốc gia) tăng từ gần như không có gì lên khoảng 38.000 tấn. Sau đó, lượng vàng do các ngân hàng trung ương nắm giữ trên toàn thế giới bắt đầu giảm dần xuống dưới 30.000 tấn trong khi lượng đô la Mỹ do các ngân hàng trung ương nắm giữ liên tục tăng. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương nước ngoài bắt đầu tích lũy vàng trở lại, và hiện nay đã trở lại mức trên 35.000 tấn. Bắt đầu từ giữa thập niên 2010, các ngân hàng trung ương nước ngoài ngừng tích lũy dự trữ bằng đô la Mỹ. Thay vì chủ yếu tích lũy đô la, các ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển đang đa dạng hóa vào nhiều loại tiền tệ khác nhau và đang tích lũy vàng.
Sự đa dạng hóa này trở nên ngày càng quan trọng trong một thế giới có xung đột và chiến tranh. Hoa Kỳ có thể trừng phạt bất kỳ quốc gia nào miễn là quốc gia đó chủ yếu sử dụng các kênh thanh toán bằng đô la hoặc tích lũy dự trữ bằng các tài sản tính bằng đô la.
Nga, dự đoán được điều này nên đã tập trung vào việc tích lũy dự trữ vàng và giảm dự trữ đô la trong thập kỷ qua. Khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, các nhà chức trách Hoa Kỳ và châu Âu đã đóng băng dự trữ của Nga (mà vào thời điểm đó chủ yếu bằng đồng euro; Nga dường như không dự đoán rằng ngay cả tài sản bằng đồng euro của họ cũng sẽ bị đóng băng). Nga sau đó đã đẩy nhanh mục tiêu bán dầu, khí đốt và các hàng hóa khác cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Một số quốc gia khác cũng đã đa dạng hóa phương thức thanh toán và tiết kiệm của họ theo cách tương tự.
Tại sao Ả Rập Xê Út lại tiếp tục định giá dầu của mình chỉ bằng đô la Mỹ và tích lũy mạnh mẽ Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, khi đối tác thương mại lớn nhất của họ hiện nay là Trung Quốc? Và nếu một ngày nào đó Hoa Kỳ quyết định đóng băng dự trữ của Ả Rập Xê Út thì sao? Tại sao Trung Quốc, là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, lại giữ dự trữ chủ yếu bằng đô la Mỹ? Và tại sao Ấn Độ lại làm điều này?
Nếu một quốc gia giữ phần lớn dự trữ của mình bằng tiền tệ của quốc gia khác, thì họ không hoàn toàn có chủ quyền vì khoản tiền gửi của họ có thể bị đóng băng bởi quốc gia đó. Tiền giấy vật lý không thể bị đóng băng, nhưng việc giữ lượng lớn tiền giấy là không khả thi vì không giống như chứng khoán, tiền giấy không sinh lãi để bù đắp một phần lạm phát. Do đó, dự trữ thường được giữ dưới dạng tiền gửi hoặc chứng khoán có trả lãi, và do đó có thể bị đóng băng bởi những người kiểm soát sổ cái của quốc gia đó.
Các quốc gia quyền lực trên thế giới đang tìm cách dần dần đa dạng hóa dự trữ của mình, sử dụng vàng làm dự trữ, và/hoặc xây dựng các kênh thanh toán thay thế không phụ thuộc vào đô la Mỹ hoặc các tổ chức tài chính ở New York. Điều này cho phép họ, với tư cách là các quốc gia có chủ quyền, có thể tiết kiệm và thanh toán theo các điều khoản của họ,
—
FEDERAL RESERVE SYSTEM
Những quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (FED) ảnh hưởng đến tình hình của 330 triệu người Mỹ và hàng tỷ người trên thế giới, nhưng lại được đưa ra một cách thủ công và chủ quan bởi một nhóm chỉ có mười hai người.
Năm 1913 khi Cục Dự trữ Liên bang được thành lập, có 19,31 tỷ đô la trong tổng số tiền tệ (broad money). Vào cuối năm 2022, tổng số tiền tệ đã tăng lên 21,4 nghìn tỷ đô la (21.400 tỷ đô la), tăng 1.118 lần, tức là trung bình 6,6% mỗi năm trong suốt 109 năm.
M0: Toàn bộ tiền mặt do ngân hàng trung ương phát hành.
M1: Tiền tệ thanh toán. Bao gồm M0 và các khoản tiền gửi không kỳ hạn, tài khoản thanh toán, tài khoản vãng lai…
M2: Tiền tệ mở rộng – Broad money. Bao gồm M1 cùng với các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi và các loại tài sản tương đương tiền khác.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Hoa Kỳ có thể cố ý tăng cường hoặc làm suy yếu đồng đô la bất cứ khi nào họ cần để đạt được mục tiêu của mình.
Khi đối mặt với lạm phát, họ có thể tăng lãi suất và giảm lượng tiền cơ bản trong hệ thống, làm thắt chặt các điều kiện tài chính, từ đó khiến đồng đô la mạnh lên.
Ngược lại, khi gặp giảm phát và kinh tế trì trệ, họ có thể giảm lãi suất, tăng lượng tiền cơ bản trong hệ thống và thực hiện các biện pháp kích thích tài chính, làm nới lỏng các điều kiện tài chính, khiến đồng đô la yếu đi.
Nếu họ thấy nhiều quốc gia có nhiều nợ bằng đô la, họ có thể cố ý thắt chặt các điều kiện tài chính và làm mạnh đồng đô la để gây ra nhiều khó khăn về kinh tế.
Một quốc gia đang phát triển có quá nhiều nợ bằng đô la thường sẽ gặp phải suy thoái kinh tế, giảm sử dụng tài nguyên và có nguy cơ vỡ nợ. Điều này có thể giúp giảm lạm phát tài nguyên ở Hoa Kỳ. Sau đó, Hoa Kỳ có thể cung cấp các khoản vay bằng đô la để giúp đỡ quốc gia đó, nhưng kèm theo các điều kiện và ảnh hưởng từ phía Hoa Kỳ, bao gồm cả việc thiết lập căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong nước họ vì mục đích địa chính trị.
Trong nhiều trường hợp, chính phủ các quốc gia đang phát triển gây ra khó khăn cho chính người dân của mình. Họ quản lý kinh tế kém, hạn chế quyền tự do xã hội và kinh tế, không xây dựng được các thể chế mạnh mẽ để phân quyền, từ đó dẫn đến sự trì trệ của xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, việc quản lý hệ thống tài chính của các quốc gia này trở nên phức tạp hơn nhiều do một phần lớn nợ của họ được tính bằng một loại tiền tệ mà một cường quốc nước ngoài (Hoa Kỳ) có thể tùy ý làm mạnh hoặc yếu đi để phục vụ lợi ích của cường quốc đó.
—
Những tài sản khan hiếm nhất, như bất động sản ven biển và tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ đã khuất, thường tăng giá nhanh chóng theo tốc độ tăng trưởng của nguồn cung tiền. Điều này là do sự hữu hạn của chúng và thực tế rằng chúng ta không thể tạo ra thêm bằng cách nào hiệu quả hơn.
Kết quả là, khi lượng tiền tăng lên, giá của những loại tài sản này cũng tăng gần như theo cùng tỷ lệ. Ví dụ, một bất động sản ven biển ở Miami Beach được bán với giá 100.000 đô la vào năm 1930, đến năm 2022 có giá trị khoảng 30 triệu đô la. Tức là, giá trị của nó tăng trưởng trung bình 6,4% mỗi năm, gần bằng tốc độ tăng của nguồn cung tiền trong cùng thời gian.
Nếu vàng được coi là tiền tệ, thì nó sẽ là một dạng tiền khá ổn định, khiến nhà đầu tư ít có lý do để sở hữu thêm căn nhà thứ hai, thứ ba, các danh mục cổ phiếu lớn, hoặc các món đồ sưu tầm. Tất nhiên, vẫn sẽ có người sở hữu những tài sản này, nhưng chúng có khả năng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản ròng của họ.
Tuy nhiên, trong môi trường tiền tệ suy yếu, nơi mà cung tiền liên tục tăng và lãi suất dưới mức lạm phát thì sẽ có một động lực mạnh mẽ khiến các nhà đầu tư tránh giữ tiền mặt và thay vào đó sở hữu ngôi nhà thứ hai, thứ ba, mua cổ phiếu, và sở hữu một loạt các đồ sưu tầm với giá trị bị thổi phồng. Khi không có tiền tệ tốt, những thứ có mức độ khan hiếm nhất định sẽ có xu hướng mang đặc điểm của tiền tệ.
Nếu giá vàng tăng gấp đôi vào năm sau, hầu hết mọi người trong xã hội sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Nhưng nếu nhà ở trở thành một công cụ đầu tư và phần lớn bị bỏ trống trong năm vì các nhà đầu tư giàu có và tầng lớp trung lưu mua thêm bằng tín dụng với lãi suất thấp, thì điều này có thể khiến tầng lớp trung lưu và lao động gặp khó khăn trong việc mua nhà với giá hợp lý.
Trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã cho phép các ngân hàng lớn vay hàng trăm tỷ đô la với lãi suất thấp để duy trì thanh khoản và khả năng thanh toán. Khi giá tài sản sụp đổ và hầu như không ai có thể tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ vào thời điểm đó, các ngân hàng này lại có thể sử dụng nguồn tiền đó để nhanh chóng mua tài sản và mua lại các đối thủ đang gặp khó khăn (những người không được tiếp cận tín dụng dễ dàng như vậy) với giá rẻ. Nhìn chung, các ngân hàng và giám đốc điều hành của họ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ trong khi những chủ nhà thuộc tầng lớp trung lưu nhận được rất ít hoặc không nhận được gì cả.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ vào thời điểm đó là cựu CEO của Goldman Sachs, và Goldman Sachs là một trong những công ty nhận được khoản tín dụng đặc biệt này. Sau khi được cứu trợ, nhân viên của các công ty ở Phố Wall tiếp tục nhận các khoản tiền thưởng lớn, trong khi các giám đốc điều hành của những ngân hàng sắp phá sản – những người chịu trách nhiệm cho các khoản vay rủi ro trong những năm trước – đã “nghỉ hưu” với các gói hưu trí lên tới hàng chục triệu đô la.
Trong khi đó, nhiều người đã mất nhà của họ vì nhận được rất ít sự hỗ trợ tài chính. Mặc dù nhiều người mắc sai lầm, nhưng chỉ những người giàu có và có quan hệ tốt mới có cơ hội được cứu trợ, trong khi người dân bình thường hầu như không nhận được sự giúp đỡ nào.
Nói chung, các tổ chức lớn (đặc biệt là các ngân hàng và tập đoàn) hưởng lợi nhiều hơn từ hệ thống này so với các tổ chức nhỏ, vì họ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Điều này cho phép họ mua thêm tài sản khan hiếm và bảo vệ giá trị của mình trước sự mất giá của tiền tệ. Những tổ chức này, gần với nguồn tạo ra tiền, có lợi thế tiếp cận thị trường vốn và các khoản vay dễ dàng (trong thời kỳ tốt) và các gói cứu trợ (trong thời kỳ xấu). Đây là một hệ thống có xu hướng tập trung quyền lực và giúp những người chiến thắng trong hiện tại tiếp tục thắng nhiều hơn. Sau đó, những người chiến thắng này có thể trở thành các nhà tài trợ chính trị lớn để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn tài chính khi cần.
Từ góc nhìn của các tổ chức tài chính lớn, ngoài việc cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nhỏ hơn, việc mua lại các đối thủ đó, tái cấp vốn hoặc tận dụng đòn bẩy bằng các khoản nợ rẻ là lựa chọn hợp lý. Trong nhiều thập kỷ, các tập đoàn lớn và công ty cổ phần tư nhân đã tận dụng khả năng tiếp cận tín dụng rẻ mà các doanh nghiệp nhỏ không có. Họ mua lại và hợp nhất các doanh nghiệp nhỏ hơn, thu về lợi nhuận khổng lồ. Khi tiền tệ liên tục mất giá, chiến lược thông minh nhất là mở rộng quy mô và đảm bảo quyền tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ.
—
Sau khi bong bóng dot-com nổ vào năm 2000, Cục Dự trữ Liên bang đã hạ lãi suất xuống còn 1%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dù suy thoái kinh tế lúc đó khá nhẹ, cả về mức giảm sút kinh tế lẫn tỷ lệ thất nghiệp. Mức lãi suất thấp này không thực sự cần thiết và đã khuyến khích mọi người vay tiền mua bất động sản với các khoản vay có lãi suất rẻ, kể cả các khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh. Từ năm 2004 đến 2006, sau khi lượng nợ mới tăng vọt, Cục Dự trữ Liên bang đã nhanh chóng tăng lãi suất trở lại. Đáng tiếc, sự thay đổi đột ngột này đã góp phần gây ra tình trạng vỡ nợ thế chấp và là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008.
Tương tự, trong cuộc khủng hoảng COVID-19 năm 2020, Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất xuống gần mức bằng không và bơm một lượng lớn tiền vào hệ thống tài chính. Khi một nghị sĩ Hoa Kỳ hỏi về khả năng lạm phát giá sau khi cung tiền tăng mạnh, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell, đã trả lời rằng ông không thấy có khả năng xảy ra lạm phát nghiêm trọng. Dự báo lãi suất chính thức của Cục Dự trữ Liên bang trong vài năm tới là rất thấp và vị chủ tịch nổi tiếng đã nói, “Chúng tôi thậm chí còn chưa nghĩ đến việc suy nghĩ tăng lãi suất.”
Vào cuối năm 2021, khi lạm phát giá vượt quá 6%, Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ lãi suất ở mức bằng không và tiếp tục mua trái phiếu chính phủ để mở rộng cơ sở tiền tệ. Khi lạm phát bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát vào đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang mới thừa nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng và sau đó đã hoàn toàn thay đổi chính sách tiền tệ của mình để cố gắng khắc phục.
Họ bắt đầu bán các trái phiếu mà họ đã mua trước đó (thông qua quá trình đáo hạn), và tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, điều này trái ngược với những dự báo trước đó của họ. Sự thay đổi nhanh chóng này trong cả cung tiền và lãi suất đã hút thanh khoản từ các ngân hàng nhỏ về các ngân hàng lớn và các quỹ thị trường tiền tệ, tạo ra những khoản lỗ chưa thực hiện khổng lồ của các ngân hàng đã mua trái phiếu chính phủ dài hạn vào năm 2020 và 2021 tại mức lãi suất thấp.
Cuối cùng, sự sụt giảm thanh khoản nhanh chóng này đã góp phần gây ra vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ vào đầu năm 2023, cùng với một loạt các vụ phá sản ngân hàng khác. Điều này buộc Cục Dự trữ Liên bang phải cung cấp một nguồn thanh khoản khẩn cấp và thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn khủng hoảng lan rộng trong hệ thống tài chính. Ngoài ra, lãi suất cao hơn của Cục Dự trữ Liên bang đã làm tăng chi phí lãi vay cho chính phủ, dẫn đến thâm hụt tài chính lớn hơn vào thời điểm thâm hụt tài chính là động lực thúc đẩy lạm phát
—
Khi tiền tệ của một xã hội giữ được giá trị ổn định theo thời gian, mọi người có xu hướng giữ tài sản của mình dưới dạng tiền tệ. Những người tiết kiệm thông minh sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc đầu tư bao nhiêu tiền vào các khoản đầu tư vì họ biết rằng đầu tư có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng cũng đi kèm với rủi ro lớn hơn so với việc giữ tiền, vốn ổn định và đáng tin cậy.
Ngược lại, khi tiền tệ mất giá theo thời gian, mọi người sẽ có xu hướng chuyển sang nắm giữ các tài sản khan hiếm hơn, điều này đẩy giá trị của những tài sản đó lên cao hơn cả giá trị sử dụng thực tế của chúng.
Nhiều người giàu có ở Trung Quốc không muốn giữ toàn bộ tài sản của họ trong nước vì dễ bị tịch thu và kiểm soát. Trong vài thập kỷ qua, họ đã mạnh mẽ đầu tư vào bất động sản ở Úc, Canada và Đông Nam Á, góp phần làm giá nhà ở những khu vực này tăng cao đột biến. Giá trị bất động sản không chỉ bị đẩy lên do lãi suất thấp một cách giả tạo mà còn trở nên tồi tệ hơn do nhu cầu mua bất động sản của người nước ngoài ngày càng tăng.
Tiền yếu (weak money) khuyến khích mọi người liên tục vay và đầu tư thay vì tiết kiệm ngay cả khi điều đó không thực sự hợp lý. Ngược lại, tiền tốt (hard money) khuyến khích mọi người tiết kiệm và chỉ vay hoặc đầu tư khi điều đó thực sự có lý.
Bất kỳ ai sở hữu một số thứ gì đó có nguồn cung linh hoạt đều phải luôn cảnh giác để tránh bị pha loãng.
Hội đồng Vàng Thế giới ước tính rằng có hơn 200.000 tấn vàng đã được tinh chế trên toàn thế giới, tương đương khoảng 7 tỷ ounce. Mỗi năm, thế giới sản xuất thêm hơn 3.000 tấn vàng, và rất ít vàng bị phá hủy hoặc mất đi. Vì vậy, nguồn cung vàng tăng khoảng 1,5% mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này khá ổn định vì tốc độ tăng dân số và năng suất thường bằng hoặc cao hơn 1,5%. Do đó, giá trị của mỗi đồng vàng vẫn giữ nguyên (hoặc thậm chí tăng nhẹ) sức mua của nó đối với hàng hóa và dịch vụ qua nhiều thế kỷ.
Tiền pháp định có xu hướng bị pha loãng nhanh hơn nhiều so với vàng hoặc bất động sản. Vào năm 2010, cung tiền (broad money) của Hoa Kỳ là dưới 8,5 nghìn tỷ đô la. Đến cuối năm 2022, con số này đã lên khoảng 21,4 nghìn tỷ đô la, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 7,3%. Trong khi đó, hầu hết các tài khoản ngân hàng chỉ trả lãi suất gần bằng 0 cho các tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi trong suốt thời gian đó.
Tất nhiên, mọi người có thể làm việc và kiếm thêm đô la mới, nhưng phần lớn số đô la mới mà họ kiếm được chỉ để bù đắp cho sức mua giảm dần của số đô la họ đã có. Điều này giống như giữ một túi đá đang tan chảy và làm việc để kiếm thêm những viên đá cũng đang tan chảy.
Nếu hàng hóa và lao động nước ngoài dồi dào và có giá thấp, cùng với năng suất liên tục cải thiện, thì sự tăng trưởng nhanh chóng của cung tiền này có thể không ngay lập tức dẫn đến lạm phát giá tiêu dùng cao. Lạm phát giá sẽ xảy ra ở từng ngành cụ thể, như giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và nhà ở tăng nhanh hơn nhiều so với giá giày dép, thực phẩm, hoặc đồ điện tử sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh cung tiền tăng trưởng nhanh chóng này, giá tài sản có xu hướng tăng đối với hầu hết những thứ có nguồn cung tăng chậm hơn so với đồng đô la. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong suốt thập kỷ 2010, giá cổ phiếu, bất động sản, nghệ thuật tinh xảo và các đồ sưu tầm khác đều tăng mạnh. Việc nắm giữ các tài sản khan hiếm hoặc tương đối khan hiếm trở nên rất hợp lý khi cung tiền tăng nhanh hơn nhiều so với lãi suất mà người giữ tiền mặt và các tài sản tương đương nhận được.
Hệ thống tài chính lạm phát hiện nay ưu ái những người có thể vay vốn với lãi suất thấp và biết sử dụng vốn đó một cách thông minh. Thậm chí những sai lầm của họ cũng có thể được cứu trợ nếu họ gặp khó khăn. Nói cách khác, bí quyết thành công là vay tiền, nhưng không nên vay quá nhiều để tránh trở thành người đầu tiên phá sản khi kinh tế suy thoái. Người tiết kiệm thường bị ảnh hưởng bởi lạm phát, trong khi những người vay nợ quá mức dễ bị vỡ nợ. Điều quan trọng là duy trì mức vay hợp lý mà không bị quá tải.
—
Người gặp khó khăn về tài chính thường rất khó tiếp cận tín dụng và không dễ vay được thế chấp với lãi suất thấp. Thay vào đó, nếu họ cần vay, họ phải sử dụng thẻ tín dụng hoặc các khoản vay ngắn hạn với lãi suất rất cao. Ngược lại, nhà đầu tư giàu có lại dễ dàng tiếp cận các khoản tín dụng rẻ vì họ có nhiều tài sản để làm thế chấp. Điều này cũng đúng với quy mô kinh doanh. Một cửa hàng phần cứng do gia đình điều hành thường phải chịu chi phí vay cao hơn nhiều so với một chuỗi cửa hàng phần cứng quốc gia. Các doanh nghiệp lớn có nhiều tài sản có thể dùng chúng làm thế chấp để vay vốn với lãi suất thấp hơn và vì họ đủ lớn nên họ có thể tiếp cận các thị trường vốn công cộng, tức là có thể phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư thay vì chỉ dựa vào ngân hàng.
Tất nhiên, lãi suất khác nhau sẽ phản ánh rủi ro khi cho các thực thể khác nhau vay tiền. Tuy nhiên, trong một hệ thống tài chính được xây dựng hoàn toàn dựa trên mức tín dụng rất cao và tiền tệ liên tục mất giá, sự chênh lệch giữa việc có quyền tiếp cận tín dụng giá rẻ và không có quyền tiếp cận tín dụng giá rẻ trở nên rất quan trọng.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vào tháng 3 năm 2020, các thị trường tài chính bị đóng băng, và thậm chí thị trường trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ gần như mất hoàn toàn thanh khoản. Để giải quyết vấn đề này, Cục Dự trữ Liên bang đã in hơn 1 nghìn tỷ đô la trong vòng ba tuần để mua trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và tái cung cấp thanh khoản cho thị trường, và sau đó tiếp tục thực hiện thêm các đợt mua bổ sung khác.
Điều này cho phép chính phủ liên bang Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ cho mình dù thị trường trái phiếu Kho bạc bị đóng băng và mất thanh khoản. Thông thường, Cục Dự trữ Liên bang không được phép in tiền để mua trái phiếu doanh nghiệp, nhưng chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã trao cho họ quyền làm như vậy trong cuộc khủng hoảng này. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng băng, cục dự trữ liên bang đã can thiệp bằng cách sử dụng tiền in ra để mua trái phiếu và tái cung cấp thanh khoản cho thị trường, giúp các tập đoàn lớn có thể tiếp tục phát hành nợ mới và tái tài trợ nợ hiện tại với lãi suất thấp hơn mà không gặp vấn đề gì.
Tuy nhiên, không có phản ứng tức thời nào để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, và cũng không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện điều đó. Cục Dự trữ Liên bang có thể nhanh chóng mua các quỹ ETF trái phiếu doanh nghiệp và tái tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách dễ dàng, nhưng việc hỗ trợ tín dụng cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình lại mất nhiều thời gian hơn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa, trong khi các đối thủ cạnh tranh lớn của họ (những công ty được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán) lại dễ dàng được cứu trợ thông qua các chương trình này.
Và sau đó, để cố gắng giải quyết sự mất cân bằng này, Quốc hội đã giới thiệu Chương trình Bảo vệ Tiền lương như một phần của Đạo luật CARES. Chương trình Bảo vệ Tiền lương cung cấp hàng trăm tỷ đô la (bằng cách in thêm tiền) dưới dạng các khoản cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ (tối đa 500 nhân viên) và những khoản vay đó sau đó đã được xóa bỏ, biến chúng thành các khoản trợ cấp hoàn toàn.
Thoạt nhìn thì điều này có vẻ hợp lý: Các nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ có thể nhận được vài tháng tiền hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch, và thực tế, nhiều doanh nghiệp đã được cứu nhờ chương trình này.
Tuy nhiên, việc chuyển tiền đến các doanh nghiệp nhỏ mất nhiều thời gian hơn so với việc tài trợ cho các tập đoàn lớn và chương trình này cũng không sàng lọc hiệu quả các doanh nghiệp thực sự cần sự hỗ trợ. Ví dụ, chủ sở hữu của một công ty luật hoặc công ty nghiên cứu đầu tư có lợi nhuận cao có thể nhận được khoản trợ cấp 500.000 hoặc 1.000.000 đô la ngay cả khi doanh nghiệp của họ không gặp khó khăn và vẫn có thể trả lương cho nhân viên như bình thường. Trong trường hợp này thì số tiền kia đã mang lại lợi nhuận cho những chủ sở hữu doanh nghiệp vốn đã giàu có.
Nếu môi trường tiền tệ khuyến khích tiết kiệm và sử dụng tín dụng một cách thận trọng từ đầu thì nền kinh tế sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với các cú sốc bên ngoài như đại dịch. Tuy nhiên, do môi trường này lại khuyến khích vay vốn nên hệ thống trở nên có đòn bẩy cao và rất dễ bị tổn thương trước bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài.
Nhìn chung, các tổ chức lớn (đặc biệt là ngân hàng và tập đoàn lớn) được hưởng lợi nhiều hơn từ hệ thống này so với các tổ chức nhỏ vì họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn rẻ. Điều này cho phép họ mua thêm các tài sản khan hiếm và bảo vệ giá trị trước sự mất giá của tiền tệ. Các tổ chức này, gần với các nguồn tạo ra tiền, có lợi thế tiếp cận thị trường vốn và các khoản vay dễ dàng (trong thời kỳ tốt) và các gói cứu trợ (trong thời kỳ khó khăn). Hệ thống này có xu hướng tập trung quyền lực vào tay những người đang chiến thắng, giúp họ tiếp tục thắng lớn hơn.
Dưới tác động lâu dài của việc phá giá tiền tệ và việc tiếp cận tín dụng rẻ một cách có chọn lọc, các doanh nghiệp lớn thường có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Điều này dẫn đến sự tập trung tài sản và quyền lực dần dần rơi vào tay những người kiểm soát các doanh nghiệp lớn đó.
- Trong hệ thống này, con nợ lớn nhất luôn có thể tiếp cận tín dụng rẻ và thanh khoản dồi dào chính là chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Nợ của họ sẽ được Cục Dự trữ Liên bang mua lại bằng tiền cơ sở mới bất cứ khi nào cần thiết.
- Tiếp đến là các ngân hàng và tập đoàn lớn của Mỹ liên tục được ưu tiên — nhờ vào các hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang và các gói kích thích tài chính từ Quốc hội — để tiếp cận các thị trường nợ với chi phí thấp và thanh khoản cao một cách dễ dàng ngay cả trong những thời kỳ khủng hoảng. Còn các tổ chức nhỏ hơn, ít quan hệ hơn lại gặp nhiều khó khăn hơn.
- Ở giữa danh sách về khả năng tiếp cận tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và những người sở hữu nhà bình thường, họ chỉ có thể tiếp cận tín dụng giá rẻ một cách chọn lọc khi tình hình kinh tế thuận lợi.
- Còn ở cuối danh sách là tầng lớp lao động hoặc những người sống trong cảnh nghèo khó, họ hiếm khi có cơ hội tiếp cận tín dụng giá rẻ.
Đối với người nghèo, việc giao dịch ngân hàng lại trở nên đắt đỏ một cách trớ trêu. Các khoản vay mà người nghèo có thể vay để trang trải cuộc sống, như vay nóng hoặc vay thẻ tín dụng, đều có lãi suất rất cao, trong khi người giàu lại có thể vay với lãi suất thấp hơn nhiều.
Nợ nần và nghèo đói có xu hướng tăng lên theo cấp số nhân, khiến con người ngày càng lún sâu hơn, trong khi tín dụng và sự giàu có lại tăng theo chiều ngược lại, giúp người giàu ngày càng giàu hơn. Con người thường nghĩ theo cách tuyến tính, nhưng thực tế những vấn đề này phát triển theo cấp số nhân. Sự khác biệt này dần dần làm rối loạn các mô hình xã hội của chúng ta theo thời gian.
—
Khi bắt đầu giai đoạn mở rộng kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu phục hồi sau suy thoái và do đó bắt đầu vay nợ nhiều hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn. Điều này thường xảy ra vì ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống để khuyến khích vay mượn. Khi quá trình mở rộng tiếp diễn, mức nợ ngày càng cao và sự đầu tư quá mức (từ các doanh nghiệp) cùng tiêu dùng quá mức (từ các hộ gia đình) khiến họ trở nên ngày càng nặng gánh và dễ tổn thương hơn. Giá tài sản cũng thường tăng từ mức rẻ đến đắt đỏ trong quá trình này. Đến cuối chu kỳ, nhiều khoản đầu tư không còn thấy có lý nữa (dựa trên kỳ vọng tăng trưởng phi thực tế và sự hưng phấn), dẫn đến việc sử dụng tài nguyên kém hiệu quả hơn. Ở giai đoạn này, nền kinh tế có thể đang hoạt động quá nóng và ngân hàng trung ương có thể sẽ tăng lãi suất, điều này làm vỡ bong bóng tín dụng (mà chính họ đã góp phần tạo ra từ đầu chu kỳ).
Cuối cùng, một tác nhân tiêu cực nào đó (như một cú sốc từ bên ngoài hoặc sai lầm trong chính sách của ngân hàng trung ương) kết hợp với mức nợ cao và các khoản đầu tư sai lầm sẽ kích hoạt một đợt suy thoái kinh tế và chu kỳ giảm nợ. Các doanh nghiệp với doanh thu sụt giảm sẽ cắt giảm nhân viên, dẫn đến việc ít người có tiền để chi tiêu và mua sắm, điều này có thể khiến các doanh nghiệp khác tiếp tục cắt giảm nhân viên nhiều hơn. Các nhà hoạch định chính sách thường phản ứng bằng cách hạ lãi suất và cung cấp thêm tiền cho những người vay có quan hệ tốt cùng với các gói kích thích tài khóa để bù đắp cho giai đoạn giảm phát này. Kết quả là xuất hiện một số vụ vỡ nợ, hệ thống sẽ loại bỏ các khoản đầu tư và nợ không hiệu quả và rồi chu kỳ lại bắt đầu lại từ đầu.
Một vấn đề trong hệ thống tiền tệ tập trung là quá trình giảm nợ hiếm khi đưa mức nợ trở về như ban đầu. Khi quá trình giảm nợ bắt đầu diễn ra, các nhà lập pháp và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phản ứng bằng cách tung ra các gói kích thích để khởi động chu kỳ mở rộng kinh tế tiếp theo càng nhanh càng tốt. Đến khi mọi thứ dần ổn định, các doanh nghiệp đã giảm bớt một phần nợ của mình nhưng vẫn còn nhiều nợ hơn so với trước đó. Lúc này, các nhà hoạch định chính sách lại cắt giảm lãi suất và bơm thêm tiền để khuyến khích vay mượn và tăng trưởng tín dụng lần nữa.
- Năm 1987, thị trường chứng khoán sụp đổ bất thường. Các lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang đã can thiệp bằng cách cung cấp thanh khoản và liên lạc với các ngân hàng thương mại để đưa ra các lời đảm bảo, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng.
- Đến năm 1998, một quỹ đầu cơ có mức đòn bẩy cao mang tên Long-Term Capital Management bị phá sản, Cục Dự trữ Liên bang lại can thiệp bằng cách cung cấp thanh khoản, cắt giảm lãi suất và cung cấp một gói cứu trợ cho quỹ đầu cơ này cùng với 14 ngân hàng nhằm tránh việc để cuộc khủng hoảng tín dụng lan rộng.
- Sự can thiệp vào năm 1998 đã góp phần làm thị trường chứng khoán tăng mạnh trong 2 năm và giúp hình thành nên bong bóng Dot-com.
- Sau khi bong bóng dot-com tan vỡ và dẫn đến suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang đã hạ lãi suất xuống còn 1%, điều này khuyến khích việc vay nợ ồ ạt và đầu cơ mạnh mẽ vào thị trường bất động sản trong những năm tiếp theo. Bong bóng này cuối cùng đã vỡ tung vào năm 2008.
- Trong suốt quá trình kéo dài hàng thập kỷ này thì khoản tín dụng dư thừa chưa bao giờ được xóa bỏ mà nó liên tục được hỗ trợ và đẩy lên mức cao hơn.
Biểu đồ cho thấy các chu kỳ kinh doanh của Hoa Kỳ trong năm thập kỷ qua cho đến ngay trước khi xảy ra khủng hoảng COVID-19. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp so với GDP giảm trong các cuộc suy thoái nhưng lại liên tục đạt mức đáy và đỉnh cao hơn sau mỗi chu kỳ. Điều này phần lớn là do lãi suất ngày càng giảm thấp hơn trong mỗi chu kỳ, các khoản nợ này đã tích lũy và tăng dần theo thời gian. Đây là kết quả một phần từ các chính sách của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Nếu chính phủ muốn duy trì tăng trưởng kinh tế một cách bền vững thông qua các chính sách phản chu kỳ, thì chính phủ nên tạo thặng dư và xây dựng quỹ dự trữ trong giai đoạn kinh tế mở rộng, sau đó sử dụng quỹ dự trữ này để bù đắp thâm hụt trong giai đoạn suy thoái. Như vậy, ngân sách sẽ cân bằng qua toàn bộ chu kỳ kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt. Trong thực tế, không có nhiều động lực chính trị để tạo ra thặng dư trong ngắn hạn, nên việc này hiếm khi được thực hiện. Vì thế, nợ công so với quy mô nền kinh tế không những tăng nhẹ trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mà còn tăng nhanh hơn nữa trong các cuộc suy thoái.
Biểu đồ cho thấy tổng nợ của Hoa Kỳ (bao gồm cả nợ công và nợ tư) từ đầu năm 1952 (461 tỷ USD) đến cuối năm 2022 (93,5 nghìn tỷ USD). Người đọc có thể thấy xu hướng tăng đều đặn. Trong suốt bảy thập kỷ này, tổng số nợ trong hệ thống chưa bao giờ giảm, ngoại trừ một giai đoạn ngắn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nợ giảm 1,3%, trước khi tiếp tục xu hướng tăng đều đặn và không ngừng này.
Với khả năng in tiền của các ngân hàng trung ương, các loại tiền tệ vật lý (ví dụ như vàng) với tốc độ giao dịch chậm khiến chúng không thể cạnh tranh như một hệ thống thanh toán thay thế so với sổ cái tiền pháp định. Điều này đã khiến các động cơ chính trị chuyển hướng theo hướng thâm hụt tài khóa liên tục, tăng trưởng tín dụng không ngừng, và phá giá tiền tệ kéo dài trong khi những người không hài lòng với tình trạng này hầu như không có biện pháp gì để thay đổi.
Mặc dù vàng có nguồn cung ổn định hơn đồng đô la pháp định, nhưng việc vận chuyển và xác thực vàng rất tốn kém và mất nhiều thời gian, vì vậy nó không thể trở thành một lựa chọn thay thế trong thời đại kỹ thuật số. Khi đồng đô la pháp định ra đời, những người quản lý nó đã dễ dàng loại bỏ vàng khỏi hệ thống tiền tệ mà không gặp nhiều phản đối.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một loại tiền tệ yếu hơn lại chiến thắng một loại tiền tệ mạnh hơn trên toàn cầu, và điều này xảy ra vì một yếu tố mới được thêm vào cuộc cạnh tranh tiền tệ: tốc độ. Sự khác biệt về tốc độ giữa giao dịch và thanh toán đã giúp các ngân hàng và ngân hàng trung ương có thêm quyền lực, tạo ra cơ hội kiếm lời và làm tăng mức độ tập trung quyền kiểm soát tài chính hơn bao giờ hết.
Phần 2: Bitcoin
“Tôi không tin rằng chúng ta sẽ có một loại tiền tệ tốt nếu vẫn để nó nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Vì không thể dùng bạo lực để lấy lại quyền kiểm soát đó, cách duy nhất chúng ta có thể làm là khéo léo đưa vào hệ thống một thứ mà chính phủ không thể ngăn chặn.”
– Friedrich Hayek
Ở các quốc gia đang phát triển, người dân thường chuyển sang trữ đô la hoặc vàng để có một mức độ ổn định nhất định thay vì hoàn toàn tin tưởng vào đồng tiền nội địa vốn không ổn định của họ.
Năm 1983, David Chaum phát minh ra e-cash, sử dụng một kỹ thuật mật mã do ông phát triển gọi là “blind signatures” để cho phép thực hiện các giao dịch điện tử man tính riêng tư mà ngay cả những bên thực hiện cũng không thể thấy chi tiết cuộc giao dịch đó nhưng vẫn có thể xử lý được nhờ các chứng minh toán học (mathematical proofs). Đến năm 1989, ông thành lập công ty DigiCash để thương mại hóa ý tưởng này. Tuy nhiên, dự án không thành công. Ông chỉ thu hút được một số ít người bán và người dùng. Năm 1998, DigiCash phá sản.
Năm 1996, công ty Gold and Silver Reserve Inc. (G&SR) ra mắt e-gold, một dịch vụ cho phép người dùng mở tài khoản trực tuyến trên trang web của họ, và các tài khoản này được định giá theo gram vàng. Người dùng có thể chuyển giá trị (tiền tương đương giá vàng) cho người khác. Ở thời kỳ đỉnh cao, e-gold đã có hơn 5 triệu tài khoản và khối lượng giao dịch hàng năm lên đến 2 tỷ USD. Tuy nhiên, đến những năm 2000, họ bắt đầu đối mặt với các thách thức pháp lý. Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Patriot, trong đó có các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động kinh doanh chuyển tiền. Cuối cùng, chính phủ Hoa Kỳ đã kiện công ty này, và đến năm 2009, hoạt động của e-gold bị đóng cửa.
Năm 1997, Adam Back tạo ra Hashcash, một hệ thống dùng sức mạnh tính toán để ngăn chặn thư rác và các cuộc tấn công mạng. Ý tưởng này được Nick Szabo phát triển thêm với và tạo ra Bit Gold, một tài sản kỹ thuật số khan hiếm không thể làm giả. Hal Finney sau đó kết hợp các ý tưởng này và tạo ra Reusable Proof of Work (RPOW) vào năm 2004, một hệ thống tạo ra các token kỹ thuật số (khan hiếm) có thể tái sử dụng.
Hạn chế chung của hầu hết các dự án tiền tệ này là chúng đều mang tính tập trung. DigiCash là một công ty tập trung, nhưng đã thất bại trong việc xây dựng hiệu ứng mạng lưới. E-gold khá thành công cho đến khi bị chính phủ đóng cửa. Các token RPOW thì phụ thuộc vào một máy chủ tập trung.
Năm 2008, một nhà lập trình hoặc một nhóm ẩn danh sử dụng bút danh Satoshi Nakamoto đã triển khai một số kỹ thuật này theo cách phi tập trung. Vào ngày 31 tháng 10 năm 2008, Satoshi đã giới thiệu một bài báo có tên “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System”.
Nếu tôi phải giải thích ngắn gọn vì sao tiền tệ trên toàn thế giới đã “hỏng” trong thời gian dài, trong khi hầu hết mọi thứ khác đều tiến bộ đáng kể (như năng lượng, công nghệ, v.v.), thì lý do chính là khoảng cách giữa tốc độ giao dịch và tốc độ thanh toán mà kỷ nguyên viễn thông đã tạo ra.
Trong hơn một thế kỷ qua, thế giới đã bị mắc kẹt trong một hệ thống tiền tệ không tối ưu, nơi mà để giải quyết các vấn đề, người ta phải tạo ra những hệ thống tập trung (centralization) ngày càng phức tạp.
- Hệ thống tiêu chuẩn vàng quốc tế hoạt động tốt khi không có chiến tranh, nhưng nó có vấn đề vì có quá nhiều người muốn sử dụng vàng, trong khi lượng vàng thực tế lại rất ít. Điều này khiến cho hệ thống dễ gặp khó khăn.
- Hệ thống Bretton Woods còn có nhiều vấn đề hơn nữa vì nó phức tạp hơn rất nhiều và đã thất bại chỉ sau chưa đầy mười lăm năm kể từ khi được áp dụng hoàn toàn.
- Hệ thống tiền tệ hiện nay gồm 160 loại tiền pháp định khác nhau và chúng ngày càng mất giá. Những loại tiền này đều liên kết vào một loại tiền chính trên thế giới, nhưng hệ thống này có vấn đề lớn vì không dựa trên nguồn tài sản có giới hạn, hay không có cơ sở cố hữu, nên dễ bị mất giá trị.
- Bitcoin được tạo ra như một hệ thống thanh toán nhanh, mã nguồn mở với số lượng giới hạn. Đây là cách đầu tiên có thể thu hẹp khoảng cách giữa tốc độ giao dịch và thanh toán. Bây giờ, việc cần làm là nghiên cứu và thử nghiệm để xem liệu Bitcoin có thể hoạt động tốt trên quy mô lớn và trong thời gian dài hay không.
Vấn đề cốt lõi với tiền tệ thông thường là nó đòi hỏi quá nhiều sự tin tưởng để có thể hoạt động. Chúng ta phải tin tưởng ngân hàng trung ương không làm mất giá đồng tiền, nhưng lịch sử tiền pháp định đầy rẫy những lần lòng tin bị phản bội. Chúng ta phải tin tưởng các ngân hàng giữ tiền của mình và chuyển khoản điện tử, nhưng họ lại cho vay ồ ạt trong các bong bóng tín dụng, trong khi chỉ giữ lại một phần nhỏ tiền dự trữ. Chúng ta phải tin tưởng họ bảo vệ sự riêng tư, không để kẻ trộm danh tính rút cạn tài khoản của mình. Chi phí hoạt động khổng lồ của họ cũng khiến việc thanh toán nhỏ lẻ trở nên bất khả thi.
Không giống như ngân hàng, ngân hàng trung ương hay hệ thống tiền pháp định, không có ai có thể làm giảm giá trị sổ cái của Bitcoin. Không ai có thể tự tạo ra hàng triệu đồng Bitcoin cho mình. Người khác không thể lấy được Bitcoin của bạn trừ khi họ có khóa bảo mật của bạn (khóa này có thể được bảo vệ thêm bằng mật khẩu hoặc chữ ký đa lớp) hoặc ép bạn chuyển Bitcoin cho họ. Sổ cái của Bitcoin minh bạch, công bằng và được bảo vệ bởi năng lượng điện và các bộ xử lý chuyên dụng.
Lý do chính mà hệ thống ngân hàng và giấy tờ chứng nhận đã được xây dựng dựa trên vàng trong nhiều thế kỷ là để giúp vàng dễ sử dụng hơn như một phương tiện trao đổi. Vàng là tài sản tốt để tiết kiệm, nhưng do khó chia nhỏ, cần phải kiểm tra xác thực khi trao đổi, và khó sử dụng trong giao dịch hiện đại, nên nó không phải là phương tiện trao đổi lý tưởng. Khi dùng vàng để thanh toán số lượng lớn, cách duy nhất để biết thỏi vàng đó là thật là phải nấu chảy và đúc lại. Nếu muốn giao dịch vàng trực tuyến hoặc từ xa, người dùng phải dựa vào một bên trung gian để giữ vàng và trao đổi các chứng nhận kỹ thuật số thay vì trao đổi vàng thật.
Ngược lại, Bitcoin là một tài sản mà người dùng có thể tự giữ an toàn, ngay cả với số lượng lớn (đặc biệt khi sử dụng các thiết lập đa chữ ký), và có thể gửi trực tiếp từ người này sang người khác trên toàn thế giới qua internet chỉ trong vài phút. Do đó, Bitcoin không cần phải dựa vào các bên trung gian để lưu giữ.
Ngoài việc gửi Bitcoin trực tuyến, bạn cũng có thể mang theo Bitcoin dưới dạng khóa bảo mật khi đi khắp thế giới. Không giống như tiền mặt hay vàng, bạn không thể mang theo số lượng lớn qua sân bay hoặc biên giới. Các ngân hàng có thể chặn chuyển tiền trong và ngoài nước. Nhưng với Bitcoin, bạn có thể mang theo giá trị không giới hạn trên điện thoại, USB, hoặc lưu trữ trong tệp bảo mật trên đám mây, mà bạn có thể truy cập từ nhiều quốc gia. Bạn thậm chí có thể ghi nhớ một cụm từ gồm mười hai từ để lưu giữ Bitcoin trong đầu. Chính phủ sẽ rất khó ngăn chặn điều này mà không có sự giám sát chặt chẽ, đặc biệt là đối với những người hiểu về công nghệ.
Khi người Do Thái trốn khỏi châu Âu dưới sự kiểm soát của Đức Quốc Xã, họ gặp khó khăn trong việc mang theo tài sản có giá trị. Khi người dân rời khỏi Liên Xô đang sụp đổ, họ chỉ có thể mang theo số tiền tương đương 100 USD. Ngày nay, khi người dân muốn rời khỏi Venezuela, Syria, Iran, Trung Quốc, Afghanistan, hay nhiều quốc gia khác, họ thường gặp khó khăn trong việc mang theo phần lớn số tiền tiết kiệm của mình, trừ khi họ tự giữ Bitcoin. Tôi biết một số người đã làm như vậy. Ngay cả khi họ muốn ở lại, người dân ở các nước đang phát triển trên khắp thế giới vẫn phải chịu cảnh tiền tệ bị mất giá liên tục, khiến việc tiết kiệm trở nên rất khó khăn.
Bitcoin và hệ sinh thái xung quanh nó đã trải qua nhiều chu kỳ bùng nổ và sụp đổ, và sau mỗi chu kỳ, ngày càng có nhiều vốn lớn quan tâm đến nó.
- Trong giai đoạn đầu tiên, trải nghiệm người dùng khá khó khăn và đòi hỏi hiểu biết kỹ thuật, nên Bitcoin chủ yếu được sử dụng bởi các nhà khoa học máy tính và những người đam mê công nghệ.
- Trong giai đoạn thứ hai, mạng lưới Bitcoin trở nên dễ sử dụng hơn và Bitcoin đạt đủ thanh khoản để có giá niêm yết bằng đô la và các loại tiền pháp định khác, điều này thu hút sự chú ý của những nhà đầu cơ sớm cũng như người mua/bán trên web đen để mua ma túy và các thứ khác.
- Trong giai đoạn thứ ba, Bitcoin bắt đầu được chấp nhận rộng rãi hơn, với việc các sàn giao dịch cung cấp thêm thanh khoản cho thị trường và cải thiện trải nghiệm người dùng, giúp mọi người dễ dàng mua Bitcoin hơn.
- Trong giai đoạn thứ tư, các tổ chức lưu ký cấp độ tổ chức tham gia vào thị trường, cho phép các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ phòng hộ, doanh nghiệp nhỏ và quỹ đầu tư quốc gia… được phân bổ vốn một cách an toàn vào Bitcoin.
Không giống như các công nghệ khác như điện, máy giặt, tivi, máy tính và điện thoại, một loại tiền mới không thể được chấp nhận rộng rãi một cách nhanh chóng. Nếu quá nhiều người cùng chấp nhận nó ngay lập tức sẽ khiến giá tăng cao, thu hút nhiều người mua sử dụng đòn bẩy. Điều này sẽ tạo ra bong bóng và khi bong bóng vỡ, giá sẽ giảm, khiến nhiều người mất niềm tin trong một thời gian trước khi nó xây dựng nền tảng mới và tiếp tục phát triển. Do liên quan đến đòn bẩy, Bitcoin khó có thể có đường cong chấp nhận sản phẩm (production curve) nhanh chóng và suôn sẻ như các công nghệ phi tiền tệ khác.
Không có gì đảm bảo rằng Bitcoin sẽ thành công trong dài hạn, nhưng nếu nó thành công, chắc chắn nó sẽ trải qua nhiều chu kỳ lên xuống, với các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn khi liên tục loại bỏ các nhà giao dịch đầu cơ sử dụng đòn bẩy. Chỉ khi Bitcoin đến gần với thị trường tiềm năng tối đa của nó, với mức thanh khoản cực kỳ cao và sự chấp nhận rộng rãi của người dùng, thì sự biến động giá lớn của nó mới có thể thực sự thuyên giảm.
Theo quy luật Gresham, nếu mọi người có một loại tiền tốt và một loại tiền xấu với tỷ giá cố định giữa chúng thì họ thường sẽ muốn tiêu tiền xấu và giữ lại tiền tốt. Trớ trêu thay, tiền xấu lại là loại được sử dụng nhiều, lưu thông nhanh, trong khi tiền tốt được tích trữ và lưu thông chậm.
- Quá trình đầu tiên là tiền tốt hơn thường được tích trữ, do đó, nó vẫn ở trong quốc gia nhưng không được sử dụng trong giao dịch hàng ngày. Thay vào đó, tiền tốt được xem như một dạng tiết kiệm.
- Quá trình thứ hai là các thực thể quốc tế có thể nhận thấy điều này và tận dụng chênh lệch giá để kiếm lời.
- Ví dụ, nếu tỷ lệ quy đổi giữa bạc và vàng là 15,5:1 trên toàn thế giới (15,5 bạc đổi 1 vàng), nhưng chính phủ Mỹ lại ấn định tỷ lệ này là 15:1 (đánh giá thấp vàng so với bạc), thì một thực thể châu Âu có thể liên tục bán bạc cho người Mỹ và mua vàng từ người Mỹ để tận dụng chênh lệch đó. Theo thời gian, vàng sẽ ngày càng ít đi ở Mỹ, trong khi bạc lại trở nên dư thừa.
Điều tương tự cũng đã xảy ra trong các giai đoạn lịch sử khi tiền xu bị giảm giá trị. Nếu ban đầu tiền xu vàng được phát hành với 90% hàm lượng vàng, nhưng sau đó các đồng xu mới chỉ chứa 80% vàng và chính phủ vẫn coi cả hai loại này có cùng giá trị pháp lý, thì sẽ dẫn đến những kết quả dễ đoán: các đồng xu chứa 90% vàng sẽ được tích trữ trong nước hoặc trao đổi với các thương nhân nước ngoài theo giá trị thực của chúng, trong khi các đồng xu chứa 80% vàng sẽ được sử dụng trong giao dịch nội địa, do đó lưu thông với tốc độ cao khi chúng được đánh giá cao hơn so với giá thị trường. Cuối cùng, hầu hết các đồng tiền lưu thông trong nước sẽ là loại chứa 80% vàng.
Nguồn cung tiền mở rộng (M2) của Mỹ đã tăng trưởng với tỷ lệ trung bình 7% mỗi năm kể từ năm 1960. Hầu hết các quốc gia phát triển cũng có tỷ lệ tương tự, trong khi các thị trường mới nổi thường có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nhiều.
Trong khi đó, tổng nguồn cung Bitcoin đang tăng trưởng với tỷ lệ dưới 1,8% mỗi năm, và sẽ giảm xuống dưới 0,9% vào năm 2024, và khoảng 0,4% vào năm 2028. Mạng lưới Bitcoin được lập trình để tiến gần tới tổng số 21 triệu Bitcoin bằng cách giảm một nửa tốc độ tạo ra Bitcoin mới sau mỗi bốn năm cho đến khi đạt tỷ lệ lạm phát là 0%.
Mọi người thường muốn tiết kiệm những thứ như vàng hoặc Bitcoin, và chi tiêu bằng tiền pháp định như đô la, bảng Anh, yên Nhật, euro, nhân dân tệ, peso, naira, và rupee. Khi cả hai loại tiền đều được chấp nhận rộng rãi, tiền pháp định có xu hướng mất giá trị sẽ được chi tiêu nhiều hơn, trong khi tiền khan hiếm như vàng hoặc Bitcoin, có xu hướng tăng giá trị, sẽ được giữ lại làm tiết kiệm và ít được chi tiêu hơn.
Mặt khác, những người nắm giữ Bitcoin nhưng chưa sử dụng nó như một phương tiện trao đổi, vẫn đang sử dụng nó như một dạng tiền tệ. Họ giữ Bitcoin vì tin vào giá trị của nó trong tương lai, cũng như để bảo vệ và dự phòng cho tương lai nhờ vào các đặc tính như có thể di chuyển dễ dàng, tự lưu giữ, nguồn cung hạn chế, và khả năng chống kiểm duyệt của nó.
Quy luật Gresham áp dụng khi tiền tệ yếu hơn vẫn còn giá trị, nhưng khi nó trở nên vô dụng, quy luật Thiers sẽ chiếm ưu thế. Quy luật này nói rằng tiền tốt sẽ thay thế tiền xấu. Người mua thường muốn dùng tiền xấu để trả, còn người bán lại muốn nhận tiền tốt. Khi tiền xấu trở nên quá yếu kém đến mức người bán không còn chấp nhận nữa thì quy luật Gresham sẽ nhường chỗ cho quy luật Thiers. Khi đó, chính phủ sẽ khó thu lợi từ việc in thêm tiền và phải tìm cách khác, minh bạch hơn, để tài trợ cho các hoạt động của mình thay vì làm giảm giá trị tiết kiệm của người dân một cách không rõ ràng.
—
Proof-of-work VÀ Proof-of-stake
Một blockchain sử dụng cơ chế proof-of-work có tính chất phân phối tự nhiên. Người sở hữu tiền không nhận được thêm tiền mới chỉ vì họ có tiền; họ chỉ có thể kiếm thêm tiền mới nếu họ trao đổi một thứ gì đó để mua (như đô la hoặc các tài sản khác mà họ sở hữu) hoặc đi đào.
Một blockchain sử dụng cơ chế proof-of-stake có xu hướng tập trung hóa. Người sở hữu tiền sẽ nhận được thêm tiền mới tương ứng với số tiền họ nắm giữ nếu họ tham gia staking. Điều này đòi hỏi rất ít hoặc không cần chi tiêu tài nguyên. Nếu lợi nhuận họ kiếm được từ staking vượt quá chi phí thì họ có thể tích lũy thêm tiền một cách liên tục và theo cấp số nhân.
—
Những nhà đầu tư quen thuộc với các công ty khai thác tài nguyên biết rằng lợi nhuận dài hạn của ngành này thường rất kém. Trong thời kỳ lạm phát, các công ty khai thác có thể hoạt động tốt, nhưng giữa các chu kỳ đó, họ thường thua lỗ và không có hiệu suất tài chính tốt như chính loại tài nguyên họ đang khai thác.
Điều này xảy ra vì các công ty khai thác không kiểm soát được chi phí (như nhiên liệu và lao động) hay giá sản phẩm của mình (như đồng, vàng, v.v.). Họ phải khai thác ở những nơi có trữ lượng tài nguyên, phải chi tiền cho lao động, thiết bị và nhiên liệu, nhưng không thể kiểm soát giá của những yếu tố này hoặc giá của loại tài nguyên đó.
Các công ty khai thác chỉ có thể quyết định khi nào nên mạo hiểm đầu tư nhiều hơn hoặc khi nào nên giảm rủi ro để bảo vệ tài chính. Khi giá hàng hóa cao, khai thác có lãi thì nhiều công ty đầu tư mạnh mẽ. Khi giá giảm, nhiều công ty gặp khó khăn hoặc phá sản. Đây là lý do ngành khai thác thường có những chu kỳ bùng nổ và suy thoái mạnh.
Điều tương tự cũng xảy ra với các thợ đào tiền điện tử. Họ mua các bộ vi xử lý chuyên dụng, xây dựng trung tâm dữ liệu và mua điện. Dù có thể chọn những nơi có điện rẻ, họ không thể kiểm soát giá của những thứ này. Khi bắt đầu đào tiền, họ cũng không kiểm soát được giá trị của đồng tiền mà họ khai thác. Do đó, đây là một ngành kinh doanh rất khó khăn, và các thợ đào thường không phát triển quá lớn.
Các thợ đào Bitcoin lớn hơn có thể tiết kiệm được một chút chi phí quản lý nhờ quy mô, nhưng điều này chỉ có giới hạn. Ngược lại, các nguồn điện rẻ nhất hoặc cách sử dụng nhiệt thải hiệu quả nhất thường chỉ có ở quy mô nhỏ, điều này lại có lợi cho các thợ đào nhỏ. Vì vậy, các thợ đào tiền điện tử trong hệ thống proof-of-work thường không tập trung hóa mà phân tán và thay đổi liên tục.
Trái ngược với tất cả điều này, proof-of-stake có xu hướng tập trung hóa và bền vững hơn. Khi một người nắm giữ số lượng lớn tiền mã hóa, trở thành người xác thực (validator) và bắt đầu kiếm thêm tiền, họ sẽ dần dần tăng tỷ lệ sở hữu trong mạng lưới một cách theo cấp số nhân. Không giống như thợ đào proof-of-work phải đối mặt với chi phí thực tế cao và dao động, chi phí của người xác thực proof-of-stake để duy trì số tiền và vị trí của mình gần như bằng không. Họ có thể tiếp tục thu thập tiền mới từ việc xác thực và sử dụng những đồng tiền này để tạo ra nhiều tiền hơn nữa.
Nếu một mạng lưới proof-of-stake bị tấn công kiểm duyệt bởi phần lớn các validator (thường là một nhóm nhỏ gồm những người nắm giữ nhiều tiền nhất, bao gồm cả các tổ chức lưu ký lớn có thể bị chính phủ kiểm soát), thì những người bị kiểm duyệt không có cách nào để giao dịch của họ được thông qua, trừ khi họ tách ra và tạo một mạng lưới mới. Trong một cuộc tấn công như vậy, hầu hết các đồng tiền mới sẽ rơi vào tay những validator lớn nhất, chính là những kẻ đang kiểm duyệt, và không có cách nào khác để tạo thêm đồng tiền mới và làm suy yếu sự kiểm soát của nhóm này. Đây là tình huống “chiếu hết” trừ khi các validator thay đổi ý định hoặc bị ép buộc ngừng kiểm duyệt, hoặc nếu mạng lưới bị chia tách nhằm mục đích khắc phục tình hình.
Tóm lại, các blockchain sử dụng cơ chế proof-of-stake có rất ít hoặc không có chi phí vận hành cho các validator, vì vậy tiền thường tập trung vào tay những người giàu có. Nếu nhóm nhỏ và giàu có này quyết định kiểm duyệt các giao dịch vì bất kỳ lý do gì, thì không có cách nào khác ngoài việc tách mạng lưới ra để giành lại quyền kiểm soát và hủy bỏ kiểm duyệt. Các validator trong hệ thống proof-of-stake có quyền quyết định ai sẽ trở thành validator và liệu có cho phép thêm validator mới tham gia vào mạng lưới hay không, do đó, mạng lưới có thể bị chiếm giữ vĩnh viễn.
Ngược lại, trong hệ thống proof-of-work, các thợ đào không thể ngăn cản người khác sử dụng sức mạnh xử lý và điện năng để tạo ra các khối giao dịch mới. Vì vậy, mạng lưới này có thể bị chiếm giữ tạm thời nhưng không thể bị chiếm giữ vĩnh viễn.
—
RỦI RO
Risk 1: Market Dilution
- Vàng đã được sử dụng làm tiền trong hàng ngàn năm.
- Tiền giấy do chính phủ hoặc ngân hàng phát hành và các hệ thống sổ cái tập trung đã được sử dụng làm phương tiện trao đổi trong nhiều thế kỷ.
- Bitcoin, một mạng lưới phần mềm tương đối mới, chỉ hoạt động từ năm 2009.
Chúng ta không nên vội vàng so sánh những thứ này với nhau.
Từ ban đầu, tôi đã do dự vì nhận thấy rằng bất kỳ ai cũng có thể sao chép mã nguồn và tạo ra một loại tiền blockchain khác. Với kim loại quý, mỗi loại đều hiếm và chỉ có vài loại, nhưng với tiền blockchain, bất kỳ ai biết lập trình đều có thể sao chép một loại đã tồn tại, thay đổi vài chi tiết và phát hành nó. Điều này có nghĩa là mặc dù chỉ có 21 triệu Bitcoin, nhưng khái niệm về tiền blockchain có thể bị lạm phát và pha loãng do sự ra đời của vô số loại tiền blockchain mới. Nếu thị trường bị chia nhỏ giữa quá nhiều loại blockchain, có thể không loại nào sẽ duy trì được giá trị, tính thanh khoản hoặc an ninh lâu dài. Thêm vào đó, tôi cũng lo ngại về rủi ro từ lệnh cấm của chính phủ, lỗi phần mềm và những thay đổi đột ngột trong quy tắc của mạng lưới.
Như tôi đã giải thích trước đó, việc cố gắng tạo một hard fork từ Bitcoin giống như việc sao chép toàn bộ dữ liệu từ Wikipedia và đăng lên trang web riêng của bạn, nhưng sau đó không nhận được nhiều lượt truy cập vì bạn không có hàng triệu liên kết trỏ đến như Wikipedia thật, và cũng không có đội ngũ tình nguyện viên liên tục cập nhật. Phiên bản của bạn sẽ yếu hơn ngay từ đầu vì nó không có hiệu ứng mạng mạnh mẽ. Tương tự, bất kỳ hard fork nhỏ nào của Bitcoin cũng sẽ có ít node hơn và ít sức mạnh xử lý từ thợ đào hơn, khiến nó kém an toàn và dễ bị kiểm duyệt hơn. Đây chính là vấn đề mà Bitcoin Cash và các hard fork khác đã gặp phải.
Rủi ro đầu tiên mà tôi nhận ra là sự pha loãng của thị trường. Nếu mọi người liên tục tạo ra các loại tiền điện tử mới, thì điều gì ngăn cả thị trường khỏi bị pha loãng và phân mảnh nghiêm trọng? Không có gì đảm bảo rằng chỉ một hoặc hai loại tiền điện tử sẽ trở nên phổ biến nhất và chiếm phần lớn giá trị trong số vô số các đồng tiền có thể tồn tại. Tuy nhiên, thực tế là Bitcoin đã luôn là loại tiền điện tử lớn nhất về vốn hóa thị trường trong suốt 14 năm qua, và chỉ có Ethereum là đôi khi đạt gần mức đó. Không có loại tiền điện tử nào khác đạt đến quy mô như vậy. Khi một loại tiền điện tử được thiết kế tốt và trở nên lớn mạnh, sự an toàn và tính thanh khoản của nó sẽ vượt trội so với tất cả những loại khác.
Mặc dù không gian thiết kế của Bitcoin rất hạn chế (nghĩa là hầu hết các cải tiến đều đi kèm với những đánh đổi khiến hệ thống kém hiệu quả hơn), không có gì đảm bảo tuyệt đối rằng Bitcoin sẽ không bị vượt qua hoặc thay thế trong tương lai, và đây là một rủi ro cần xem xét. Tuy nhiên, hiện tại chưa có đối thủ nào có thể so sánh được với Bitcoin về quy mô, tính thanh khoản, an ninh và khả năng bất biến. Mạng lưới duy nhất có kích thước tương đương là Ethereum, nhưng nó khác biệt rõ rệt về nhiều mặt so với Bitcoin.
—
Risk 2: Critical Software Bugs
Bitcoin và tất cả các loại tiền điện tử khác đều là phần mềm được viết bởi con người, mà con người thì không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Bitcoin được thiết kế đơn giản có chủ đích, vì vậy mã nguồn của nó nhỏ gọn hơn, dễ kiểm tra và giám sát hơn so với các loại tiền điện tử khác, nhưng lịch sử của nó cũng không hoàn toàn không có sai sót.
Vì lý do này, khi các nhà phát triển phát hành một bản cập nhật mới, nhiều người vận hành node thường cố tình chậm cập nhật. Các nhà phát triển không thể “đẩy” cập nhật tới người vận hành node, điều này giúp hệ thống duy trì tính phi tập trung và bất biến, đồng thời hạn chế quyền lực của các nhà phát triển. Người vận hành node có quyền quyết định có cập nhật hay không và trong thực tế thì tốt nhất là nên chờ một thời gian để bản cập nhật được kiểm tra kỹ lưỡng và hoạt động ổn định, đảm bảo không có lỗi nghiêm trọng.
—
Risk 3: Government Bans
Bitcoin là tiền tệ không phụ thuộc vào quốc gia nào và nhiều “Nhà nước” không thích sự tồn tại của nó.
Chính phủ các nước có nhiều luật về ngân hàng cho phép họ giám sát giao dịch ngân hàng và đóng băng tài khoản. Quan trọng hơn, chính phủ hưởng lợi từ việc phát hành tiền mới; họ có thể khắc phục thâm hụt ngân sách bằng cách in thêm tiền, từ đó làm giảm giá trị tiết kiệm của mọi người dần dần một cách không minh bạch. Các chính phủ có nợ bằng chính đồng tiền của họ thì sẽ không bao giờ phải vỡ nợ vì họ luôn có thể in thêm tiền. Tuy nhiên, họ bị ràng buộc bởi lạm phát và sự bất mãn của người dân. Đồng tiền của họ có thể mất giá trị nếu quá nhiều người mất niềm tin vào nó.
Mọi người thường nghĩ Bitcoin cạnh tranh với đô la, euro và vàng, nhưng mối đe dọa trước mắt hơn là nó cạnh tranh với hơn 100 loại tiền tệ yếu và nhỏ hơn. Chẳng hạn, người dân Argentina tích trữ stablecoin là đô la, Bitcoin và các tài sản liên quan nhiều hơn so với người dân Na Uy. Bitcoin và stablecoin đe dọa quyền in tiền của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có đồng tiền yếu. Tuy nhiên, các chính phủ có nhiều cách để phản ứng lại điều này.
Trước hết, chính phủ có thể ngăn chặn các sàn giao dịch hoặc nhà môi giới tiền điện tử kết nối với hệ thống ngân hàng quốc gia của họ, thông qua luật pháp hoặc áp lực ngầm. Chính phủ hoặc ngân hàng trung ương có thể yêu cầu các ngân hàng không cho phép khách hàng chuyển tiền đến các sàn giao dịch tiền điện tử hoặc cung cấp dịch vụ cho các công ty liên quan đến tiền điện tử. Điều này rất dễ thực hiện đối với chính phủ và là một hình thức kiểm soát vốn, nhằm hạn chế tốc độ mà tiền có thể chạy khỏi hệ thống ngân hàng quốc gia để chuyển vào Bitcoin, stablecoin, hoặc các loại tiền điện tử khác. Khi một quốc gia phải đối mặt với nợ công lớn và cần làm lạm phát để giảm bớt nợ, kiểm soát vốn là biện pháp phổ biến. Khi đồng tiền của một quốc gia bị mất giá trị, các nhà lập pháp thường cố gắng giữ người dân trong hệ thống tiền tệ của quốc gia đó, thay vì để họ chuyển sang các hệ thống tiền tệ khác.
Tuy nhiên, ngay cả việc cấm hoàn toàn các ngân hàng gửi tiền pháp định đến các sàn giao dịch tiền điện tử cũng không phải là giải pháp triệt để cho chính phủ, vì mọi người vẫn có thể trao đổi giá trị trực tiếp với nhau. Rất khó để một ngân hàng xác định rằng một khoản thanh toán ngẫu nhiên từ người này sang người khác là để đổi lấy Bitcoin, stablecoin, hoặc các loại tiền điện tử khác.
Thứ hai, chính phủ có thể phản ứng bằng cách áp đặt các quy định khắt khe. Họ có thể đánh thuế tiền điện tử ở mức cao, hoặc làm cho việc kinh doanh tiền điện tử trở nên bất hợp pháp hoặc cực kỳ khó khăn để hoạt động.
Thứ ba, và nghiêm trọng nhất, chính phủ có thể cấm hoàn toàn việc sử dụng tiền điện tử trong công chúng. Ví dụ, họ có thể làm cho việc vận hành một node Bitcoin hoặc sở hữu bất kỳ loại tiền điện tử nào trở thành hành vi bất hợp pháp và có thể bị phạt tù. Tại Hoa Kỳ, trong suốt bốn thập kỷ từ những năm 1930 đến 1970, việc sở hữu vàng bị cấm và có thể bị phạt tù đến mười năm. Chính phủ rất nghiêm túc trong việc kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc gia, và những nỗ lực của người dân nhằm giành lại quyền tự chủ về tiền tệ để bảo vệ tài sản khỏi bị mất giá có thể bị trừng phạt nặng nề.
Vấn đề với giải pháp thứ hai và thứ ba là chúng rất khó thực thi trên quy mô lớn nếu lòng tin vào chính phủ bị suy giảm. Trong giai đoạn từ những năm 1930 đến 1970 khi việc sở hữu vàng là bất hợp pháp, người dân có nhiều niềm tin vào chính phủ liên bang Hoa Kỳ, và luật này được thông qua khi Quốc hội có sự đồng thuận cao. Dù tốt hay xấu, hầu hết mọi người đều tuân theo quy định này. Ngày nay, ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác, sự đồng thuận như vậy không còn tồn tại. Trong khi việc áp đặt hạn chế lên hệ thống ngân hàng là dễ dàng thì rất khó để áp đặt hạn chế lên từng người dùng cá nhân.
Dù thế nào đi nữa, nhiều chính phủ có thể và sẽ cố gắng hạn chế việc sử dụng Bitcoin, stablecoin, và các loại tiền điện tử khác ở các mức độ khác nhau. Cho đến nay, chính phủ dường như đặc biệt lo ngại về việc mọi người tự lưu giữ tiền điện tử và sử dụng chúng một cách riêng tư, vì điều này thực sự đe dọa quyền kiểm soát của họ. Việc người dân sở hữu tiền điện tử thông qua các tổ chức lưu ký trong nước không phải là mối đe dọa lớn, vì các tổ chức này đã nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, giống như hệ thống ngân hàng. Chính phủ chỉ cần yêu cầu tổ chức lưu ký không cho phép người dùng rút tiền điện tử của họ hoặc buộc họ phải giao nộp tiền điện tử cho chính phủ.
Những quốc gia gặp khủng hoảng tiền tệ hoặc tình trạng thoát vốn nghiêm trọng có thể sẽ cấm hoặc hạn chế việc sở hữu và sử dụng Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác. Khi một quốc gia cấm sử dụng một thứ như Bitcoin, vốn chỉ là một bảng tính phi tập trung, đó thường là dấu hiệu cho thấy người dân ở đó thực sự cần nó. Quốc gia có đồng tiền ổn định, quyền sở hữu tài sản rõ ràng và thu hút được vốn đầu tư sẽ ít có khả năng cấm Bitcoin. Ngược lại, những quốc gia quản lý tài chính kém lại có nhiều khả năng sẽ cố gắng cấm hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng Bitcoin.
—
Risk 4: Computational Threats
Hiện nay, để khai thác Bitcoin một cách hiệu quả, bạn phải sử dụng các chip ASIC được thiết kế riêng cho việc này. Các loại máy tính thông thường không thể khai thác Bitcoin một cách có lợi.
Trên thế giới, chỉ có một số ít nhà máy sản xuất chip cao cấp, nơi tạo ra các sản phẩm bán dẫn như ASIC. Thêm vào đó, chỉ có vài công ty thiết kế các chip ASIC SHA-256 cần cho việc khai thác Bitcoin. Vì vậy, có rủi ro về chuỗi cung ứng khi sản xuất và mua các bộ xử lý khai thác Bitcoin.
Chính phủ có thể cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng mạng Bitcoin, buộc các tổ chức tài chính phải bán Bitcoin để làm giá giảm và đẩy công nghệ này vào thị trường chợ đen. Sau đó, họ có thể nhắm vào chuỗi cung ứng và cố gắng ngăn chặn việc sản xuất và phân phối chip SHA-256 ASIC mới. Nếu giá Bitcoin duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, nhiều thợ đào sẽ không còn lợi nhuận và sẽ rời khỏi mạng cho đến khi độ khó khai thác giảm xuống để đạt trạng thái cân bằng mới. Điều này sẽ làm giảm đáng kể chi phí để thực hiện một cuộc tấn công kiểm duyệt 51%, và khi đó, có thể một chính phủ lớn sẽ chi tiền để thực hiện việc này nhằm loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ loại tiền tệ phi quốc gia như Bitcoin.
—
STABLECOINS AND CENTRAL BANK DIGITAL CURRENCIES
Stablecoin đang trở nên ngày càng quan trọng vì chúng cho phép hàng triệu người trên thế giới dễ dàng tiếp cận đô la Mỹ, dù họ có thể gặp khó khăn khi tiếp cận theo cách truyền thống. Nếu mọi người có thể dễ dàng truy cập vào bất kỳ loại tiền tệ nào (hoặc tài sản mã hóa nào) thông qua điện thoại của mình, thì điều này có thể gây xáo trộn hệ thống tiền tệ và thị trường vốn truyền thống với 160 loại tiền pháp định hiện nay.
Trong thời đại số, việc xâm phạm quyền riêng tư của người khác trở nên ngày càng dễ dàng và ít tốn chi phí, nạn nhân còn thậm chí không biết điều đó. Chính phủ và các công ty có thể tự động thu thập thông tin cá nhân của hàng tỷ người trên các nền tảng tài chính và giao tiếp. Sau khi thu thập, dữ liệu này có thể được tổ chức, phân tích bằng các kỹ thuật như machine learning để dễ dàng giám sát hoặc tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu. Các kho dữ liệu này thường xuyên bị tin tặc tấn công và khiến thông tin bị rò rỉ trên web đen.
Quyền riêng tư rất quan trọng trong một xã hội tự do, và càng quan trọng hơn trong một xã hội không tự do. Ở các quốc gia không tự do, người dân có thể bị đàn áp vì có quan điểm chính trị khác biệt, đời sống cá nhân hoặc tôn giáo không giống số đông, ngay cả khi điều đó không gây hại cho ai. Luôn có những người cho rằng họ biết cách sống tốt nhất và muốn ép buộc người khác sống theo cách đó.
Người quản lý sổ cái ngân hàng có thể dễ dàng theo dõi số tiền bạn có, bạn gửi tiền đi đâu và nhận tiền từ đâu. Do đó, chính phủ có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp dữ liệu này một cách thường xuyên.
Chính phủ cũng áp dụng các hạn chế tương tự lên các hình thức tài sản khác. Ví dụ, từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, chính phủ Đức đã giảm mức giá trị vàng mà người dân có thể mua mà không cần kiểm tra danh tính từ 10.000 euro xuống còn 2.000 euro, với lý do là để chống rửa tiền. Người Đức có thể mua nhiều thứ khác trị giá hơn 2.000 euro mà không cần xuất trình giấy tờ, nhưng không phải là vàng. Cuối năm 2019, trước khi quy định này có hiệu lực, nhiều người đã xếp hàng dài tại các cửa hàng vàng bạc để mua kim loại quý mà không cần cung cấp danh tính, trước khi ngưỡng yêu cầu nhận dạng mới được áp dụng.
Leave a Reply