Cách sử dụng blog này

Đây là một bài viết tâm sự.

Blog ngày càng được nhiều người biết đến, chủ yếu đến từ tìm kiếm trên google về các từ khóa liên quan đến đầu tư, các trang mạng xã hội, forum chia sẻ… Nhờ đó mà có nhiều bạn đã liên lạc, thảo luận với tôi về các vấn đề của họ.

Và trước khi cái blog này trở nên nổi tiếng (LOL) thì tôi có vài tâm sự muốn kể.

Nội dung trên blog chỉ mang tính thời điểm

Rất khó để có thể đưa ra câu trả lời chính xác trong lĩnh vực tài chính này.

Không như toán học, ta có thể biết rõ kết quả của phép tính nào là đúng hay sai. Nhưng trong tài chính, ta không thể kết luận chung chung rằng “mô hình này tốt hơn mô hình kia” hay “phương pháp đầu tư này tốt hơn phương pháp kia”.

Làm sao mà ta có thể đong đo được cái nào là tốt hay không tốt trong tài chính? Cái nào sai cái nào đúng? Nếu dự đoán đúng trong ngắn hạn mà sai trong dài hạn thì được gọi là đúng hay sai? Quỹ X hoạt động không hiệu quả, tôi nói không tốt nhưng lỡ người ta thay đổi nhà quản lý khác và nó thành quỹ mở số 1 Việt Nam thì sao?

Và bởi vì rất khó để có thể kết luận đúng/sai nên những lời khuyên của tôi nên được xem là ý kiến (opinion) hơn là sự thật (fact).

Mọi thứ tôi viết trong blog cá nhân này đều phản ánh ý kiến của tôi về một vấn đề nào đó. Tôi không cho rằng những gì tôi viết ra là tốt nhất hay là câu trả lời cho mọi vấn đề của các nhà đầu tư cá nhân. Nhưng tôi đảm bảo kết quả từ những bài viết đó đều được phân tích kỹ lưỡng và tôi đã làm hết sức của mình.

Tôi không nói rằng: “Nếu muốn đạt được lợi nhuận cao thì hãy làm cái này”, hay “tối ưu hóa danh mục tốt nhất thì nên làm theo tôi”…

Bạn đọc hãy thay đổi quan điểm về việc tiếp nhận thông tin. Hãy nghĩ rằng: “Đây là một trong những cách để làm, nếu bạn có ý tưởng tốt hơn thì hãy mạnh dạn thử.”

Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định đầu tư

Khi đọc bất cứ thông tin nào trên blog này hoặc ở các trang web khác, tôi mong muốn các bạn đọc hãy khoan tin tưởng những nội dung đó. Hãy dành thời gian để nghiên cứu, xác thực thông tin kỹ lưỡng trước khi vội vàng ra quyết định.

Ví dụ như thời điểm đầu năm 2021 tôi có viết bài VFMVF1 và E1VFVN30. Bạn đọc bài này xong thì đừng có quyết định mua DC-VFMVF1 ngay lập tức. Hãy:

  1. Tìm các bài viết về quỹ mở và ETF mới nhất trên blog xem có thông tin gì mới hay không.
  2. Tự nghiên cứu xem thông tin tôi đưa ra có đúng không và quan điểm của tôi có phù hợp với bạn không.
  3. Nếu tôi có viết nhận xét gì thì hãy đọc kỹ, chứ đừng có thấy quỹ X lời nhiều thì đầu tư quỹ đó.

Hoặc bài viết “Vượt qua nỗi sợ hãi Bear Market”, nếu bạn không trải qua những gì tôi từng trải thì bạn sẽ không hiểu được quan điểm của tôi trong bài. Và cho dù bạn có trải qua thời điểm đó thì cũng chưa chắc gì bạn rút ra được bài học giống như tôi.

Bởi vì để rút ra bài học tương tự, cần phải có rất nhiều yếu tố tác động đến chứ không phải chỉ có mỗi chuyện bear market trong quá khứ: những cuốn sách tôi đọc, những chuyện tôi đã trải qua trước đó, cuộc sống hiện tại của tôi…


“Responsibility means that we are the cause of our own actions and the consequences that follow.”

Charles S. Peirce

Việc của tôi là cung cấp thông tin. Còn nhiệm vụ của bạn là phải mang thông tin của tôi ra nghiên cứu xem có phù hợp với bạn không. Nếu không phù hợp thì không làm.

Bạn đọc nên lưu ý: tôi sử dụng dữ liệu cổ phiếu, ETF hay các loại hình tài sản khác trong bài không có nghĩa rằng tôi đang muốn các bạn mua chính cái tôi đề cập.

Lý do tôi sử dụng là để hỗ trợ cho việc phân tích, trình bày quan điểm của tôi khi viết blog. Bạn không nên nghĩ rằng tôi đang chia sẻ “kèo” đầu tư kiếm tiền.

Không hề có công thức cho một danh mục đầu tư chuẩn


“The greatest enemy of a good plan is the dream of a perfect plan.”

General Karl von Clausewitz

9 người 10 ý, chắc chắn mỗi người sẽ góp ý cho bạn cái này cái kia:

  • Nếu ai đó kiếm tiền nhiều từ quỹ VESAF, sẽ khuyên bạn nên mua VESAF
  • Nếu ai đó kiếm tiền nhiều từ Bitcoin, sẽ khuyên bạn nên mua thêm Bitcoin
  • Nếu ai đó từng mất tiền nhiều, khó ngủ, thì sẽ khuyên bạn nên gửi ngân hàng

Người ta thường hay đưa lời khuyên dựa trên kinh nghiệm họ từng trải, từ chuyên môn của họ hay từ chính nỗi sợ hãi của họ. Nhưng những cái này thật sự mà nói nó ít có tác động tới thực tế mà bạn đang đối mặt.

Biết rằng ai cũng có ý tốt. Như tôi viết blog chẳng hạn, thông tin có thể hữu dụng với mọi người nhưng tôi không thể nào nói được nên áp dụng cái này cái kia vào thời điểm nào, ý tưởng này hay nhưng lúc nào thì nên áp dụng vào trường hợp như bạn?

Bạn nghĩ sao khi mình lập một kế hoạch dài hạn cho bản thân nhưng lại đi nghe lời khuyên của một người xa lạ trên mạng?

Tóm lại: Người ta là người ta, bạn là bạn. Ý tưởng của người ta, nhưng tiền là của bạn.

Bạn sẽ không bao giờ có một danh mục đầu tư chuẩn nhưng bạn cứ yên tâm bởi vì vấn đề này không phải chỉ riêng mỗi mình bạn gặp phải.

Không ai lập được một kế hoạch đầu tư phù hợp ngay từ đầu. Bạn phải đối mặt với đủ thứ, thậm chí thua lỗ để rồi từ đó bạn mới quay lại chỉnh sửa và hoàn thiện kế hoạch đầu tư. Chưa kể mỗi năm quan điểm đầu tư của bạn cũng sẽ thay đổi ít nhiều, lúc nào cũng phải chỉnh sửa lại kế hoạch cả.

Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm lời khuyên đầu tư dài hạn thì tôi nghĩ rằng bạn đừng nên quá đặt nặng vấn đề phải xây dựng một danh mục đầu tư hoàn hảo.

Ta có thể thử với công thức đơn giản, rồi sau đó quay lại chỉnh sửa.

Danh mục đầu tư chuẩn ở đây là chỉ chuẩn đối với riêng bạn. Danh mục này giúp bạn đầu tư lâu dài hơn, có thể dễ dàng vượt qua được những khó khăn trong vấn đề đầu tư và không làm bạn bỏ rơi kế hoạch đầu tư dài hạn khi thị trường rơi vào trạng thái nước sôi lửa bỏng.

Bạn nên thực tế với bản thân. Phải biết bản thân mình muốn cái gì. Bạn muốn ngủ ngon, thì phải chấp nhận rằng mình sẽ nhận ít tiền. Bạn muốn kiếm nhiều tiền từ chứng khoán, thì phải chấp nhận có khả năng bị mất ngủ. Không thể nào vừa muốn đầu tư dài hạn, vừa ít rủi ro mà lại có nhiều tiền được. Đầu tư dài hạn nó chán lắm.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰