“Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời.”
– Victor Hugo
Khuyến học
Chuyện ông Lê Vũ Thành Nguyên (Trung Nguyên) tặng sách không mấy xa lạ với một số người, tôi nhớ hình như hồi đó là vào khoảng năm 2015 làm cả “cộng đồng mạng” dậy sóng. Tôi cũng có một cuốn trong bộ sách ấy, tựa là Khuyến Học, nội dung thì giống như tựa đề của nó là bàn về việc học (không chỉ duy nhất việc học kiến thức mà còn phải học cách hành xử và suy nghĩ, hiểu rõ cái tôi của bản thân) và tác giả còn gửi gắm một vài câu chữ khiến tôi đọc nhiều lần phải chau mày về tình yêu đất nước. Một cuốn sách hay không chỉ ở nội dung mà nó truyền tải, nếu bạn đồng pha với cuốn sách, bạn sẽ hiểu rõ tâm tư của tác giả. Có những cuốn sách hay đến nỗi bạn thấy hừng hực khí thế khi đọc nó và đây là một cuốn mà tôi cảm thấy tương tự, một cảm giác bị chèn ép dưới cái nhiệt huyết của tác giả, những câu chữ thể hiện tình yêu với đất nước, đả kích những cái ngu và thói xấu của con người… mọi thứ đều rõ ràng không giấu diếm, làm tôi hình dung tới cái thời kháng chiến với hình ảnh cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp.
Khi tôi tìm tên tác giả trên Wikipedia thì được biết Fukuzawa Yukichi là một nhà tư tưởng của Nhật Bản thế kỷ 19, điều này lý giải tại sao tôi thấy những câu chữ của ông rất khác so với các cuốn sách self-help thời hiện đại (vì một lý do nào đó mà tôi đã bỏ qua các lời kết ở mỗi chương – có ghi năm viết), nó có lửa trong đó. Càng làm tôi thấy quý cuốn sách này.
Nếu nói về review chi tiết cuốn sách thì tôi thấy trên Goodreads hay hơn là đọc review trên các trang bán sách Tiki, Fahasa…
Tóm lại, đây là một tâm huyết của Trung Nguyên dành tặng cho mọi người, tôi thấy cuốn sách này hay và tôn trọng việc tặng sách đó.
Tuy nhiên, có rất nhiều người hồi đó đã phê phán việc làm này, nói rằng nó vô bổ, làm màu, phí tiền, điên, hoang tưởng…
Nỗi niềm người tặng sách
Đây là vấn đề thuộc về tâm lý con người.
Khi tôi đọc một cuốn sách mà thấy nó hay, quá tâm đắc với cuốn sách đó thì tôi luôn tìm mua thật nhiều rồi đem tặng cho tất cả mọi người với một mong muốn đó là họ cũng sẽ áp dụng những kiến thức trong sách đó giống như tôi. Hay nói trắng ra là tôi đang áp đặt họ vào cái môi trường mà tôi mong muốn, tôi muốn áp đặt suy nghĩ của tôi lên họ, tôi muốn họ phải hiểu những nội dung trong đó và làm theo nó giống như tôi đang làm vì tôi cho rằng những kiến thức trong sách đó là những kiến thức cần phải biết, cần phải áp dụng ngay.
Cũng giống như ông Vũ Trung Nguyên lựa ra 5 cuốn sách self-help mà ông tâm đắc: Quốc gia khởi nghiệp, Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Khuyến học và Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách rồi đi tặng mọi người. Ông đang muốn sinh viên Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam đọc các cuốn sách đấy rồi mở mang tư duy, làm những cái mà ông đã từng làm khi đọc sách. Ông có lòng tốt muốn truyền tải kiến thức đến cho mọi người thông qua việc tặng sách.
Bạn được tặng sách bao giờ chưa? Riêng tôi thì chỉ một lần duy nhất là cuốn bách khoa toàn thư bằng tranh mà chị tôi tặng hồi nhỏ. Mấy chục năm trên đời mà tôi chỉ được tặng sách có một lần duy nhất, tỉ lệ nó còn thấp hơn cả tỉ lệ đầu tư thành công. Tôi thấy việc tặng sách bây giờ hiếm quá và tôi đang nghĩ tới việc nếu tiệc tùng mà đem sách đi tặng sẽ bị người khác cười nữa, thật buồn khi họ lại coi trọng vật chất hơn kiến thức.
Những cuốn sách tôi tặng cho cháu tôi với một niềm tin mãnh liệt rằng nó sẽ làm theo hóa ra kết quả không như mong đợi. Đứa thì mặc dù đọc nhưng không hiểu nội dung, đứa thì không đọc nhưng lại nói chuyện như đã đọc… Thế rồi tôi mới nhìn lại và thấy rằng mỗi người có một cuộc sống riêng của họ, mặc dù tôi biết hành động tặng sách của tôi tốt nhưng tôi có chăng đã lựa chọn sai cuốn sách. Cho dù cuốn sách đó hay đến thế nào, nếu người nhận không chịu đọc vì nó không phù hợp với họ thì mong muốn của tôi cũng không thành.
Quay lại chuyện Trung Nguyên, những cuốn sách được tặng miễn phí dễ bị quăng tứ tung nếu người nhận không coi trọng nó. Như cuốn Khuyến Học là tôi lụm trong góc nhà rồi lấy mang về vì tôi biết chủ của nó sẽ không bao giờ đọc. Tôi đồng cảm với hành động của ông Vũ, chỉ có những ai đi tặng sách mới hiểu nỗi niềm này. Nhưng lại bị người ta nói là hoang tưởng, phí tiền… Sắp tới đây Trung Nguyên sẽ tặng thêm một đợt những cuốn sách mới nữa nhưng “cư dân mạng” lại tiếp tục chửi bới và lôi cả chuyện gia đình của ông vào (vì dạo này nhiều scandal gia đình ông lên báo) chưa kể thêm nhiều ý kiến nói ông tu tập mà gia đình tan nát, làm chuyện viễn vông.
Tôi không biết ông tu tập gì, nhưng cứ làm cái gì mà mình thấy đúng. Cuộc sống là của mình, chả việc gì phải lo toan về những suy nghĩ của người khác. Tặng sách là tặng sách, thể hiện là thể hiện, viễn vông hay hoang tưởng chỉ mình ta biết, người đời nói sao cũng mặc kệ bởi vì cái niềm tin và cái chân lý của mỗi người khác nhau. Điên ư? Tôi thấy bản thân tôi cũng vậy. Chê bai ư? Có bao nhiêu người tặng sách như ông? Đọc những lời chửi rủa trên mạng tôi chỉ thấy một điều: người ta chửi bới khắp nơi bất kể điều gì, và đặc biệt nếu càng có thêm nhiều người chửi bới thì số người chửi bới càng tăng.
Những người đó không biết ý nghĩa của việc tặng sách bởi chỉ những ai đã từng tặng sách mới hiểu ý nghĩa sâu xa của nó, vốn đơn giản nhưng lại ít người biết.
Mong muốn thầm kín
Cho người khác kiến thức.
Hy vọng kiến thức đó có ích cho họ.
Ngoài những mong muốn trên, tôi còn xem nó như là một hình thức từ thiện. Tôi không cho tiền, nhưng tôi lại lấy tiền đó đi mua sách rồi đem tặng. Tôi bị ảnh hưởng đôi chút về cái tư tưởng: Cho và Nhận, Nhân Quả. Vì khi tôi làm gì có lợi nhuận thì luôn trích ra một khoản để đem cho. Với những người thân quý, tôi thấy tặng tiền không thì người ta dễ mang đi ăn uống chi tiêu vớ vẩn nên tặng sách kèm kiến thức là cách tốt nhất với niềm hy vọng rằng họ sẽ trân trọng cuốn sách đó cũng như tiếp thu kiến thức mà nó mang lại. Ông Vũ Trung Nguyên cũng suy nghĩ như vậy về vấn đề Cho và Nhận bởi vì ông cũng là một người tu tập. Cho sách người thân quen thì ít nên phải cho tràn lan nhiều người, hy vọng rằng trong số người nhận nó sẽ có người trân trọng và áp dụng kiến thức đó.
Đứng trên góc nhìn của tôi, tôi không xem đây là một hình thức marketing hay quảng cáo gì hình ảnh cho Trung Nguyên cả. Nhưng ở góc nhìn của một người làm marketing thì chắc chắn sẽ khác. Cửa hàng Trung Nguyên phục vụ đối tượng khách trung lưu và khá giả nhiều tiền. Niche. Không xô bồ, ít tuổi teen, tập trung những người thành đạt, không gian luôn yên tĩnh rộng rãi phù hợp cho làm việc và đọc sách, giá cà phê ở mức cao. Cà phê của giàu có và hạnh phúc, cà phê dành cho doanh nhân. Cái giá phải trả cho ly cà phê 150.000 đồng hơi cao nên tôi hay nói đùa rằng: ly cà phê dành riêng cho doanh nhân, uống vào sẽ thấy thành đạt. Nhưng chất lượng thì không chê vào đâu được. Đối tượng tặng sách chủ yếu là lớp trẻ, mà lớp trẻ thì đào đâu ra tiền mà uống cà phê Trung Nguyên liên tục được. Nên cứ nghĩ đơn giản: thích tặng sách nên đem tặng. Nó xuất phát từ khát khao: tặng tri thức cho người khác.
[su_highlight]Những người mang kiến thức đến cho mọi người mới là những người đáng quý và đáng kính trọng. Họ có một niềm tin vào những cuốn sách mà mình đem tặng, dù có bị cho là dị biệt nhưng họ sẽ luôn tiếp tục mà không ngần ngại chia sẻ.[/su_highlight] Để rồi một ngày nào đó, việc tặng sách sẽ trở nên phổ biến nhờ những hành động vì cộng đồng như vầy.
Leave a Reply