Đầu tư số tiền nhỏ

1. Tâm sự

Tôi nhận được email của một bạn sinh viên hỏi tôi rằng: “Sau khi đọc bài Lê Anh Tuấn – Dragon Capital – Quản lý danh mục xong thì em quyết định đầu tư mỗi tháng 1 triệu vào quỹ mở cổ phiếu. Em dự tính đầu tư 3 năm cho đến khi ra trường rồi sau đó tập trung cho công việc chính chứ không đầu tư thêm nữa. Số tiền em đầu tư ít ỏi như vậy thì trong dài hạn liệu có ý nghĩa gì không?”

Thông thường, khi đọc những câu hỏi như thế này là tôi không biết phải trả lời như thế nào. Vấn đề không phải đơn giản ở việc trả lời: “có ý nghĩa” hay “không có ý nghĩa” mà còn phải phân tích thêm tại sao lại như vậy. Đã vậy, còn phải xét đến vấn đề liệu bạn ấy có đầu tư theo kế hoạch không hay là đầu tư 1 năm xong tự nhiên cần tiền quá thế là nghỉ chơi…và hàng trăm vấn đề khác nữa mà nó không bao giờ xuất hiện trong quá trình lên kế hoạch.

Nhưng, điều làm tôi chú ý ở đây là bạn quan tâm về việc liệu “có ý nghĩa” trong đầu tư không nếu như đầu tư với số tiền ít ỏi như vậy.

Bởi vì quan điểm “ý nghĩa” của mỗi người khác nhau, cho nên tôi sẽ cho rằng ý của bạn ở đây là số tiền tăng trưởng có nhiều hay không – điều mà đại đa số nhà đầu tư quan tâm.

Trước khi đi vào vấn đề, tôi có một ví dụ nho nhỏ về 2 người A và B.

Người A:

  • Đầu tư 3 triệu mỗi tháng vào một quỹ mở cổ phiếu.
  • A đầu tư 3 năm, tổng tiền A đã đầu tư là 108 triệu đồng.
  • Sau đó A lập gia đình và phải lo đủ thứ chuyện tiền nong cho nên A không có đầu tư thêm nữa mà để im cho khoản đầu tư đó tự chạy.

Người B:

  • Bắt đầu đầu tư ngay thời điểm người A quyết định nghỉ.
  • B cũng đầu tư 3 triệu mỗi tháng vào cùng quỹ mở cổ phiếu giống như A.
  • B không bị ràng buộc gì cả cho nên đã đầu tư được 8 năm (đến hiện tại). Tổng số tiền mà B đã đầu tư là 276 triệu đồng.

Theo bạn thì giữa A với B, ai là người có số tiền lời nhiều nhất tính đến thời điểm hiện tại?

A đầu tư 108 triệu nhưng đã nghỉ chơi từ 8 năm trước. Trong khi đó B đã đầu tư được 8 năm, tổng tiền là 276 triệu đồng và vẫn đang tiếp tục đầu tư.

Quỹ mở cổ phiếu này có tỷ lệ tăng trưởng hằng năm là 14%.

Tôi chắc chắn mọi người khi đọc đến đây đều nghĩ thầm trong đầu rằng: câu trả lời hiển nhiên nhất lại là câu trả lời có khả năng sai nhất.

2. Xu hướng đánh giá thấp con số nhỏ

Quỹ mở cổ phiếu trong ví dụ phía trên là DCDS.

Và người có số tiền lời nhiều nhất tính đến hiện tại chính là… A

A đã đầu tư tổng cộng 108 triệu đồng trong 3 năm (từ 2014 đến hết 2016), sau đó dừng và để danh mục tự chạy.

Kết quả của A như sau:

Giải thích CAGR trong bài viết: https://vohoanghac.com/cach-dca-tot-hon/

3 năm đầu tiên danh mục có tỷ suất sinh lợi 6.68%/năm. Nhưng sau khi để danh mục tự chạy đến ngày hôm nay thì con số tỷ suất sinh lợi đạt 14% (như thông tin đăng tải).

Trong khi đó, B bắt đầu đầu tư vào năm 2017, cho đến hiện tại thì tổng tiền mà B đã đầu tư là 276 triệu đồng.

Kết quả của B như sau:

Giải thích CAGR trong bài viết: https://vohoanghac.com/cach-dca-tot-hon/

CAGR = 7%. Bởi vì đầu tư liên tục cho nên con số tăng trưởng này bị ảnh hưởng, không như thông tin đăng tải 14%/năm.

Đây là sai lầm mà đa số nhà đầu tư hay mắc phải: đó là đánh giá thấp những khoản đầu tư bé nhỏ và không hiểu ý nghĩa của “lãi kép” qua thời gian.

Mọi người cho rằng phải đầu tư một số tiền thật to lớn thì mới có nhiều lợi nhuận. Nhưng trong thực tế, những khoản đầu tư nhỏ bé như của A cũng có thể dễ dàng trở nên to lớn nếu cho nó đủ thời gian.

B xuất phát sau A chỉ có 3 năm nhưng kết quả nhận được lại khác xa nhau một trời một vực. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư từ sớm.

Ai cũng nghĩ đầu tư liên tục trong dài hạn sẽ tạo ra thứ gì đó như lãi kép và khuếch đại khoản lợi nhuận lên. Nhưng, tại thị trường chứng khoán nước ta thì việc đầu tư bất chấp như B lại khiến danh mục hoạt động không hiệu quả bằng A.

Nếu bạn nói do A đầu tư sớm nên được hưởng giá thấp thì bạn đang đánh giá thấp việc đầu tư.

Quá trình đầu tư của A từ 2014 đến hết 2015 không hề suôn sẻ:

Trong 2 năm đầu tiên, 2014 và 2015, giá chứng chỉ quỹ liên tục tăng rồi giảm, danh mục không hề có một chút lợi nhuận. Giống như những gì tôi đã đề cập ở các bài viết trước đó là cho dù kết quả phân tích của ngày hôm nay có to lớn như thế nào đi chăng nữa thì nhà đầu tư cũng không được quên rằng quãng thời gian ban đầu rất là khó khăn.

2a Nhận xét

Có những điểm quan trọng trong ví dụ trên:

1/ Không nên đánh giá thấp những khoản đầu tư nhỏ bé. Trong dài hạn thì chúng sẽ có tăng trưởng vô cùng lớn.

2/ Không phải lúc nào mang tiền đi đầu tư cũng là tốt. Giống như A, mặc dù đã nghỉ chơi 8 năm nhưng vẫn có lợi nhuận tốt hơn B.

Bull Market làm giá các loại tài sản tăng mạnh, nhà đầu tư nghĩ rằng trong thời điểm thị trường tăng thì nên đầu tư mạnh tay hơn để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn và cơ hội như thế này rất khó bỏ qua bởi vì nó quá hấp dẫn. Nếu bạn là trader thì tôi thấy điều này vô cùng hợp lý. Nhưng với những nhà đầu tư không có kinh nghiệm hoặc không có khả năng giao dịch thì giai đoạn tích lũy tài sản được hình thành trong lúc thị trường giảm chứ không phải trong lúc thị trường tăng.

Cuộc sống này không chỉ có mỗi đầu tư. Việc dồn hết tiền vào đầu tư với hi vọng kiếm lợi nhuận to lớn có thể gây mất cân bằng cán cân cuộc sống-đầu tư bởi vì trong môi trường này người nào cố đi nhanh thì sẽ thành đi chậm.

Tuy nhiên, khi nói đến đầu tư dài hạn thì chúng ta phải xem xét đến một yếu tố có sức tác động vô cùng lớn, đó chính là lạm phát.

3. Lạm phát

Trong phần này tôi sẽ phân tích tăng trưởng sau khi đã điều chỉnh cho lạm phát.

Vì một lý do nào đó mà cho đến thời điểm hiện tại chính phủ vẫn chưa công bố CPI tháng 8/2024 nên tôi chỉ có thể phân tích đến tháng 7.

Giải thích CAGR trong bài viết: https://vohoanghac.com/cach-dca-tot-hon/

A đã đầu tư tổng cộng 108 triệu đồng.

Nhưng vào cuối năm 2016, lúc A dừng, thì giá trị thực của khoản tiền là 99 triệu đồng.

Đến thời điểm hiện tại, 07/2024, thì số tiền đó có giá trị thực 79 triệu đồng.

Có nghĩa là nếu A không làm gì cả mà giấu tiền dưới giường thì số tiền đó sẽ mất giá với tốc độ trung bình 3%/năm trong suốt 8 năm qua.

Không những thế, con số lợi nhuận thực tế sau khi đã điều chỉnh cho lạm phát cũng thấp hơn nhiều so với khi không tính đến lạm phát. CAGR của danh mục bây giờ giảm còn 11.5%, thay vì con số danh nghĩa 14%. Giá trị thực của danh mục đầu tư vẫn chưa phá đỉnh cũ.

Trong trường hợp nhà đầu tư B:

Mặc dù chúng ta biết B đã đầu tư tổng cộng 276 triệu nhưng cho đến tháng 07/2024 thì số tiền này có giá trị thực là 218 triệu, mất giá với tỷ lệ 3.4%/năm.

Sau khi đã điều chỉnh lợi nhuận thực tế cho lạm phát, ta thấy rằng sự khác biệt lợi nhuận giữa nhà đầu tư A và B không còn lớn như con số danh nghĩa nữa. Trong dài hạn, tác động của lạm phát ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư A hơn nhà đầu tư B.

3a. Nhận xét

Lạm phát trung bình khoảng 3.4%/năm. Tuy nhiên, đó là con số trung bình của cả nước chứ không phải của riêng thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Những người đang sống tại các thành phố lớn chắc chắn đang dần nhận ra tác động của lạm phát.

Nhiều người cho rằng bất động sản bị thổi giá phi lý nhưng không ai hỏi tại sao đồng tiền của họ ngày càng mất giá. Chung cư cao cấp 10 năm trước 50 triệu/m2 thì tới nay giá đã tăng gấp đôi, nhưng nếu tính ra thì tốc độ tăng trưởng ở đây là 7%/năm – tương đương lãi suất ngân hàng. Còn chung cư bình thường thì tăng lên bằng mức giá của chung cư cao cấp 10 năm trước.

Chính vì tiền mất giá cho nên bất động sản và các loại tài sản quý hiếm khác mới trở nên có giá trị hơn trong mắt mọi người.

Và nếu xu hướng này tiếp diễn, tốc độ mất giá ngày càng tăng thì có lẽ chúng ta nên loại hết những khoản đầu tư nào mà có tỷ suất sinh lợi kỳ vọng dưới 10%. Bài toán ở đây rất đơn giản, để có thể chi tiêu 4% hoặc 5% số tiền của bạn khi về hưu dưới bối cảnh lạm phát như hiện tại thì bạn cần ít nhất một khoảng đầu tư có +8%, +9% hoặc thậm chí +10% tăng trưởng trung bình hằng năm.

Trong 20 năm, 100 triệu VND sẽ có giá trị:

  • Lạm phát 3%: 54 triệu VND
  • Lạm phát 4%: 44 triệu VND
  • Lạm phát 5%: 35 triệu VND

Nhiều người không nhận ra rằng gia sản của họ đang bị lạm phát “ăn”. Đầu tư trái phiếu hoặc quỹ mở trái phiếu dường như không còn phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn vốn ít trong bối cảnh hiện nay nữa.

Mặc dù hình thức đầu tư quỹ mở cổ phiếu hoặc ETF trông có vẻ nguy hiểm nhưng nó không đáng sợ bằng sự tàn bạo của lạm phát.

Vì vậy, nếu bạn lựa chọn các khoản đầu tư an toàn như trái phiếu, quỹ mở trái phiếu thay vì các khoản đầu tư rủi ro hơn nhưng có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn, thì chính cái tâm lý sợ thua lỗ sẽ khiến bạn mất tiền nhiều hơn.

3 năm trước tôi có viết bài cho rằng nhà đầu tư cá nhân nên phân bổ danh mục sang trái phiếu để hạn chế rủi ro. Lời khuyên này là vô cùng hợp lý nếu không rõ đối tượng đọc bài là ai, người không có kinh nghiệm đầu tư thì tốt nhất là làm theo như những gì tôi đề cập.

Tuy nhiên, khi bạn đã hình thành được phương pháp và có kế hoạch đầu tư cụ thể, tôi muốn nói rằng: việc đầu tư trái phiếu trong dài hạn để hạn chế rủi ro ở đây sẽ giúp danh mục của bạn bớt biến động nhưng đồng thời sẽ khiến bạn đối mặt với một rủi ro mới: không có đủ tiền lúc về hưu.

4. Tổng kết

Trong bài viết này tôi đã đề cập:

1/ Nhà đầu tư không nên đánh giá thấp các khoản đầu tư nhỏ bé. Trong dài hạn thì chúng sẽ có tăng trưởng vô cùng lớn.

2/ Không phải lúc nào mang tiền đi đầu tư cũng là tốt. Giống như A, mặc dù đã nghỉ chơi 8 năm nhưng vẫn có lợi nhuận tốt hơn B.

Sau khi xem xét thêm yếu tố lạm phát thì sự khác biệt lợi nhuận thực tế giữa A và B đang dần dần bị thu hẹp.

3/ Chúng ta có thể làm tốt hơn A bằng cách: đầu tư như A và đầu tư thêm trong Bear Market.

Trong đầu tư, chúng ta thường hay có cảm giác rằng mình phải làm một cái gì đó. Nếu không làm thì nghĩ rằng chúng ta sẽ mất cơ hội làm giàu hoặc là sẽ mắc sai lầm nếu không làm.

Điều này cũng giống như làm vườn. Cái chúng ta nghĩ là tốt cho cây, ví dụ phân bón, thì nếu bón phân nhiều quá sẽ khiến cây chết. Tới một thời điểm nào đó thì chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế rằng, để yên cho nó phát triển còn tốt hơn là động tay động chân. Mùa mưa đến khiến cây dễ sinh nấm bệnh, thì chúng ta phun thuốc phòng bệnh trước đó chứ không phải chờ tới lúc bệnh nặng mới đi chữa. Và khi có dấu hiệu sâu bọ tấn công thì phải lập tức chữa liền chứ không thể để im đó cho cái cây nó tự quyết.

Đầu tư, cũng giống như mọi vấn đề trong cuộc sống, bắt buộc chúng ta phải đưa ra quyết định trong bối cảnh bất ổn. Không bao giờ chúng ta có thể đúng 100% được. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát quá trình đưa ra quyết định nhưng không thể nào kiểm soát được kết quả.

Có thể logic của tôi làm bạn lắc đầu khó hiểu. Nhưng nếu A mặc dù đã nghỉ chơi 8 năm nhưng vẫn có lợi nhuận tốt hơn B, thì tại sao bạn lại sợ mất cơ hội hay khoản đầu tư quá nhỏ bé cho nên không thấy “ý nghĩa”?

Chúng ta có thể làm như A hoặc làm tốt hơn: thay vì mang hết tiền đi đầu tư trong lúc thị trường tăng thì có thể chỉ cần mua 50% hoặc là để tiền đó gia tăng khoản dự phòng hoặc làm chuyện khác như học tập các chứng chỉ bổ sung cho công việc… và chỉ đầu tư trở lại khi thị trường có dấu hiệu xấu.

Tôi không khuyên bạn dừng đầu ngay bây giờ. Mà là nếu có một thời điểm nào đó bạn thấy thị trường tăng nóng và bạn nghĩ rằng bạn nên dừng lại thì hãy làm theo cách mà tôi giới thiệu.

Mục tiêu ở đây là tích sản, chứ không phải giao dịch kiếm lợi và để cân bằng cán cân cuộc sống-đầu tư thì không cần phải đổ hết mọi vốn liếng vào thị trường với hy vọng lời to làm gì.

Giai đoạn tích lũy tài sản được hình thành trong lúc thị trường giảm chứ không phải trong lúc thị trường tăng.


Đây là bài viết số 54, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog

Giải thích CAGR trong bài viết: https://vohoanghac.com/cach-dca-tot-hon/


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭