Đầu tư trong tôi là…

Hơn một năm trước, chị của đứa em họ tôi nhờ tôi dạy nó các kiến thức về tài chính – ngân hàng. Tôi không hiểu tại sao phải như vậy.

Một người bạn của tôi nhờ dạy đầu tư chứng khoán. Tôi đã lắc đầu.

Gần đây tôi có nói chuyện với người yêu, cô ấy nói rằng tôi hợp với các việc làm về tài chính như xem báo cáo, số liệu… vì tôi có kinh nghiệm đầu tư.

Nhưng mọi người đã hiểu lầm.

Đầu tư đối với tôi không phải là việc học tập về tài chính, kinh tế vi mô, vĩ mô, báo cáo tài chính… Mà nó là[su_highlight]học để biết cách con người sử dụng đồng tiền như thế nào.[/su_highlight]Nó rất khó để mang ra dạy ai đó, kể cả với những người thông minh. Chúng ta không thể nào mà chọn lọc ra vài mô hình hành vi quen thuộc rồi bắt người khác làm theo cả. Những thứ đó nó đều là bẩm sinh mà có, mỗi người sẽ có những thay đổi khác nhau của riêng họ, rất khó để đo lường và nó liên tục thay đổi theo thời gian.

Tài chính, kinh tế… nó nói quá nhiều thứ về thế giới này nhưng lại chả bao giờ thấy đề cập đến việc: nếu thực sự một vấn đề gì đó có xảy ra thì bộ não của ta sẽ hành động như thế nào trong trường hợp đó?

“Thay vì dành thời gian nghiên cứu các khoản đầu tư, hãy tập trung vào nghiên cứu chính bản thân bạn. Bởi vì, việc bạn kiếm được bao nhiêu từ khoản đầu tư thường dựa trên hành động của bạn thay vì chính khoản đầu tư đó. Chỉ có con người mới mất tiền, chứ không phải các khoản đầu tư.”

– Patrick Chitwood.

Và đây chính là lý do tại sao các bài viết về đầu tư trên blog này đều tập trung vào chủ đề tâm lý.

May mắn trong tôi là…

Lấy ví dụ cuốn sách: “Từ Tốt Đến Vĩ Đại”. Tác giả phân tích mô hình các công ty thành công và thất bại. Liệu các công ty thất bại đó đã không cố gắng hết sức? Các khoản đầu tư của họ có phải là quá vội vàng mà chưa suy nghĩ thấu đáo chăng? Chắc là vậy, nhưng mà làm sao để biết bao nhiêu là đủ?

Những gì chúng ta đọc trong sách đó đều dựa trên những kinh nghiệm đã trải qua của họ, chúng ta đọc và chúng ta biết các lỗi sai của họ và chúng ta nếu có thành lập một công ty nào đó trong tương lai chắc chắn chúng ta sẽ tìm lại cuốn sách đó và nghiền ngẫm mô hình thất bại để tránh nó và làm theo mô hình thành công.

Nếu thật sự nó có ích như vậy tại sao vẫn có nhiều công ty thất bại? Tại sao họ đã chạy theo mô hình thành công mà vẫn thất bại? Họ chưa cố gắng hết sức chăng?

Tôi nhớ lại chuyện Warren Buffett mua cổ phiếu American Express sau khi dính scandal, hay khi mà tôi viết bài mua Facebook lúc giá đang ở $154 sau scandal lộ thông tin người dùng vì muốn bắt chước theo Warren Buffett. Cái đó gọi là Can Đảm hay Liều Lĩnh? Khoảng cách giữa Can ĐảmLiều Lĩnh, nó mỏng còn hơn cả tờ giấy. Nếu việc tôi bắt chước làm theo dẫn đến thua lỗ khi mua FB thì sao? Thì tôi sẽ có bài học riêng của mình: Đi theo phương pháp người thành công chưa chắc đã thành công. Tiếc rằng tôi đã đúng khi làm việc đó nên tôi lại chưa thể trải nghiệm được cái cảm giác làm theo người thành công dẫn đến thất bại. Và tôi sẽ tiếp tục mang cái lý tưởng đó vào các khoản đầu tư sau này, chắc chắn nó sẽ làm tôi trở nên tự tin hơn (đồng nghĩa rủi ro nhiều hơn).

Viết đến đây, một con chim bồ câu đậu ngay cửa sổ và nói với tôi rằng:

“Cuộc đời vốn rất phức tạp vì nó luôn sinh ra đủ thứ vấn đề. Khi mà ta tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề hiện tại thì nó lại sinh ra một cái vấn đề khác, và nối tiếp nhau. Vì thế đừng bao giờ trông mong vào một cuộc sống không bao giờ bị vấp phải cái gì đó!”

Con chim bay đi, để lại trong tôi một suy nghĩ nặng trĩu trong lòng: “Làm sao mà nó nói được???”

Khi chúng ta đi học theo ai đó, chúng ta sẽ thầm nghĩ rằng nếu chạy theo mô-típ của họ thì chúng ta sẽ thành công hơn và nếu tránh các mô hình thất bại thì chúng ta sẽ hạn chế rủi ro hơn. Nhưng không! Cuộc đời nó không thích chúng ta như vậy. Tới một lúc nào đó nó sẽ giáng cho chúng ta một cú thật đau khiến ta ngã quỵ ra đất mặc dù chúng ta có làm tốt cái gì đi chăng nữa.

Vậy sao có người thành công, có người thì không?

[su_highlight]Vì người thành công họ may mắn hơn người thất bại.[/su_highlight]

Đây là vấn đề mà tôi suy nghĩ rất nhiều. Không ai nghĩ rằng May Mắn lại đóng góp vào sự thành công trong các lĩnh vực về tài chính. Chúng ta không thể nào đo lường được yếu tố may mắn trong mỗi quyết định.

Thử tưởng tượng người bạn của bạn “chơi” margin VNM năm 2017 sau 1 năm thu lại lợi nhuận hơn 150%, và bạn nói rằng: “Do mày may mắn thôi!”. Có quá khiếm nhã không? Nó sẽ nghĩ rằng mình đi ganh tị với thành công của nó. Nó sẽ nói lại với bạn rằng: “Tao tin tưởng VNM tuyệt đối, vì ai ai cũng uống sữa VNM, VNM là doanh nghiệp tốt nhất hàng đầu Việt Nam!”

Vâng, nếu “chơi” năm 2014 thì câu chuyện sẽ khác đi nhiều mặc dù trong tư tưởng VNM vẫn là số 1.

Vì vậy mới nói, không phải thành công nào cũng là kết quả của sự cố gắng và không phải nghèo đói nào cũng là hậu quả của sự lười biếng.

Can Đảm hay Liều Lĩnh?

20/10/1987, thị trường chứng khoán sụp đổ, mất hơn 20% chỉ trong một ngày. Sự kiện này được gọi là “Black Monday”. Nhiều nhà đầu tư mất tất cả tài sản ngay trong đêm. Hoảng loạn dẫn đến suy sụp tinh thần. Nhiều nhà môi giới chứng khoán đã bị giết vào thời điểm đó.

Sự việc này vốn dĩ được cho rằng sẽ không thể nào xảy ra được. Bởi vì Wall Streets là nơi quy tụ bởi nhiều người thành đạt: các ngôi sao từ Ivy League, các thiên tài toán học, các nhà đầu cơ vô cảm. Không một ai thấy trước được điều đó.

Tuy nhiên, Paul Tudor Jones (hiện tại là tỷ phú với tổng tài sản 4,5 tỉ $ – Forbes 2018) đã về nhà với hơn 100 triệu $ ngày hôm đó. Vào thời điểm trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ, Paul thấy màn hình giao dịch của mình bị nhiễu, giá chứng khoán đang trở nên kỳ lạ. Bản năng trỗi dậy, ông cảm thấy có cái gì đó sai sai ở đây và vì tin tưởng vào giác quan thứ N của mình nên Paul đã đánh cược với thị trường: nếu thị trường sụp đổ, ông sẽ trở nên giàu có.

Khi nghe nhắc đến những nhà đầu cơ chứng khoán, đầu tư chứng khoán, doanh nhân… thì bạn sẽ nghĩ gì? Rủi ro cao lợi nhuận cao? Đánh bạc? Liều lĩnh? Can đảm?

Có bao giờ bạn nghĩ rằng yếu tố May Mắn đóng góp rất nhiều cho các thành công của họ không?


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭