Tôi đang ngồi loay hoay sau vườn thì đứa cháu đang học lớp 8 với bà nội nó lên nhà xin 30 cái lon. Tôi tưởng xin lon về để nó làm cái “công trình khoa học” gì đó hay hay, hỏi mới biết là nó xin lon về để nộp cho trường.
Tôi gặng hỏi nộp để làm gì thì nó bảo không biết, chỉ biết trường kêu nộp, nếu ai không nộp thì phải đóng tiền quỹ gì đấy. Hên cho nó là nhà tôi làm kem bán với lại vừa đám giỗ xong nên lon sữa, bia, nước ngọt rất là nhiều lên thoải mái lấy. Tôi nhớ lại hồi xưa mình cũng làm cái này, nhưng mà là nộp giấy nên lúc đó tôi mạnh tay vứt các quyển vở cũ đem lên trường nộp. Tôi nghĩ rằng hồi đó đói khổ không có giấy để người ta đi vệ sinh hay gói bánh mì. Còn bây giờ thời đại mới, nhà trường kêu con nít nộp lon mà hỏi thằng cháu nó không biết lý do nộp nên tôi nghĩ rằng nhà trường tận thu học sinh bằng cách bán ve chai.
Tôi thử lên mạng search thử cụm từ: học sinh nộp lon thử thì thấy ập vào mắt nhiều lời than phiền, có khoảng 2 triệu kết quả (đa số lập lại)
“Mang câu hỏi này hỏi nhiều người có con trong độ tuổi đi học, đa phần đều than phiền, cho rằng đây là một “gánh nặng” của gia đình. Vì con họ không thể đi lượm lon bia và giấy báo như lượm ve chai. Đi xin cũng không có mà xin. Rồi hầu hết các em ngại không xin, nhờ bố mẹ làm thay. Việc giáo dục đã không có từ đây.”
– Nguyễn Thế Thịnh, Đừng bắt học sinh nộp lon bia nữa!
Giống với trường hợp của cháu tôi, nó nhờ bà nội lên xin lon và cũng không hiểu ý nghĩa của việc lụm lon khi tôi gặng hỏi và chỉ biết lụm cho xong rồi về đem nộp cho trường.[su_highlight]Mục đích của chương trình này theo tôi tìm hiểu là nhằm giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động và đóng góp quỹ vào các công trình có ý nghĩa của thiếu nhi[/su_highlight]. Tôi thấy có nhiều điều phi lý khi bàn về mục đích ở đây tôi xin chia ra 2 vấn đề: một là bàn về độ hiệu quả của các mục đích đó và hai là bàn về sự giáo dục của trường lớp.
Mục đích chương trình “kế hoạch nhỏ” liệu có hiệu quả?
Chương trình “kế hoạch nhỏ” này không phải triển khai ở vài năm gần đây mà là từ hồi chục năm về trước rồi, cái hồi tôi còn bé tí nên tất nhiên lấy ví dụ thực tiễn để mà chứng minh vô cùng hiệu quả vì vậy tôi mạn phép đưa ra 4 tiêu chí để đánh giá: Tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động và góp quỹ vào các công trình có ý nghĩa của thiếu nhi.
1. Tiết kiệm?
Không thể nào dựa vào “kế hoạch nhỏ” để rèn tính tiết kiệm của học sinh. Vì lụm lon bia, nộp giấy tôi không thấy nó bàn về tiết kiệm gì cả thậm chí còn biến tướng bằng cách bán giấy trước cổng để phụ huynh mua đem nộp. Về trường hợp nhà trường kêu nộp phí thì các em học sinh lại đi xin cha mẹ tiền để mà nộp.
“Một số trường TH ở nội thành, với tâm lý muốn gọn nhẹ, nhanh chóng đã làm kế hoạch nhỏ bằng cách thu tiền như: Trường TH Khai Minh, Trường Tiểu học Võ Văn Tần… Mức thu tùy theo từng trường, khoảng 30.000 – 40.000 đồng/học sinh.[su_highlight]Chỉ cần phụ huynh lo nộp đủ các khoản tiền theo danh mục nhà trường công bố, trong đó có cả tiền kế hoạch nhỏ, thì học sinh cũng được coi là… hoàn thành kế hoạch nhỏ[/su_highlight].”
– Tiến Nguyễn, báo Sài Gòn giải phóng online.
Như bài viết trước của tôi Tiết kiệm từ những việc làm nhỏ, việc tiết kiệm phải được học, rèn luyện bài bản chứ không phải thông qua các phong trào đoàn thể như thế này. Các em còn quá nhỏ để có thể phát triển tư duy tiết kiệm.
2. Bảo vệ môi trường?
Cứ hễ mỗi dịp lễ hội nào đó trong năm là trên mạng tràn ngập nhiều bài báo về việc xả rác bừa bãi kèm theo những lời nhận xét, chỉ trích lên án các hành động đó. Không chỉ có rác trên đường phố mà còn có cả rác dưới biển. Tôi chỉ ví dụ một bài thôi chứ liệt kê ra thì cả ngày không hết.
Tôi không có số liệu thống kê rõ ràng độ tuổi, giới tính hay xuất thân từ đâu nhưng tôi chắc chắn là đa số đều trên 18 tuổi.[su_highlight]Có nghĩa rằng quá trình giáo dục việc bảo vệ môi trường, ý thức cho các em học sinh (giờ đây là người lớn) đã hỏng từ 20 năm trước.[/su_highlight]. Hay nói trắng ra là những phong trào “kế hoạch nhỏ” này vốn chẳng giúp ích gì được cho đại đa số các em học sinh về nhận thức bảo vệ môi trường.
3. Tình yêu lao động?
Tôi không rõ tình yêu lao động ở đây là gì. Chăm chỉ làm việc? Hay là thích lao động chân tay? Hay là sống tự lập không ỷ lại bố mẹ? Hay là thích đi làm các công việc xã hội? Thật quá khó để hiểu, tôi thử tìm các bài báo về những vấn đề liên quan thì toàn những thứ tiêu cực như: giới trẻ Việt lười lao động, trẻ con Việt thụ động dựa dẫm bố mẹ hay thậm chí có bài nâng cao quan điểm lao động chân tay hơn lao động trí óc… Vì tôi không hiểu nên tôi không thể phân tích được rõ ràng vấn đề này.
4. Góp quỹ vào các công trình có ý nghĩa?
Truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay luôn là dùng tiền để xây những cái vô lý và không có thống kê chi tiêu rõ ràng. Chẳng ai biết số tiền bán lon, bán giấy kia thu về được bao nhiêu, rồi chi tiêu vào những mục đích gì, cái “công trình có ý nghĩa”thật là mập mờ.
Ví dụ như trường hợp này: Tôi không biết cán bộ Thanh Hóa sống thế nào mà năm nào cũng kêu gọi viện trợ tuy nhiên năm nào cũng làm những thứ vô bổ như cái bánh dày 2 tấn năm 2017.
“Chiếc bánh dày khổng lồ này được làm từ 1,8 tấn gạo nếp, với sự góp sức của hàng trăm người dân nơi đây. Sau hơn 8 tiếng vừa nấu gạo, vừa giã, chiếc bánh được hoàn thiện trong khung với đường kính là 2m17, chiều cao 950cm và tổng trọng lượng ước tính hơn 2 tấn.”
Tôi tạm tính giá 1 ký gạo nếp là 17.000 đồng, quy ra 1800 ký gạo nếp sẽ tốn khoảng 30.600.000 đồng chưa kể công sức giã, củi lửa, phương tiện vận chuyển… chỉ để dâng lên vua Hùng. Cuối năm 2017, Thanh Hóa hứng chịu cơn lũ với thiệt hại lên đến 3000 tỷ đồng nhưng đầu năm nay 2018 lại đề xuất làm thêm một cái bánh dày 3 tấn để tiếp tục dâng vua Hùng.
…
Sau khi xem xét lại 4 tiêu chí đưa ra tôi chả thấy cái lý do nào làm tôi tin rằng công tác “kế hoạch nhỏ” cho các em học sinh là có ý nghĩa cả. Chấm dứt cái “kế hoạch nhỏ” này dường như là việc khó khăn bởi nó đã ăn sâu vào trong gốc rễ, tôi đồ rằng họ chỉ muốn kiếm thêm chút xíu thu nhập chứ không hề quan tâm đến sự nhận thức của các em khi làm các “kế hoạch nhỏ” đó.
Một sự lãng phí vô ích.
Leave a Reply