Tôi không hề nhớ một chút gì từ hồi 2008, 2009. Một cuộc sống thoải mái, thanh bình tại một huyện bình thường miền Trung. Cái tôi nhớ mãi đó chính là gia đình khuyên tôi nên học Tài Chính – Ngân Hàng, bởi vì một lý do duy nhất đó chính là: ai ai cũng nghe làm ngân hàng lương cao. Lý do hồi đó lương cao là vì chứng khoán phát triển, tín dụng phát triển, bong bóng bất động sản… và vì những thứ đó cho nên nền kinh tế sụp đổ (theo Mỹ).
Khi tôi đọc những bài báo viết về những chuyện xảy ra năm 2008 từ chính những người trong cuộc. Hoảng loạn, đau khổ, dày vò vì mất tiền. Khi bong bóng chứng khoán tăng cao, họ bán hết sạch và chuyển sang đẩy bong bóng bất động sản. Và có những bài viết về việc các doanh nghiệp vay đất nhưng vẽ dự án thật đẹp mặc dù chưa làm gì.
Phần 1: Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008: “Điên vì chứng khoán”
Phần 2: Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008: Cú knock-out cuối cùng
Và nhiều bài viết trải lòng tại: http://cafef.vn/su-kien/463-khoi-dong-cuoc-thi-viet-toi-dau-tu.chn . Bắt đầu từ trang 02.
Những bài viết, hay các cuốn sách như vầy là nền tảng cho tôi có cái nhìn rõ hơn về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và nó đã giúp tôi tránh được mất mát lớn năm nay. Tôi không hề chắc chắn 100% về quyết định của mình khi ấy, nó rất là… tăm tối. Tôi cũng chẳng dám gọi mình là thiên tài khi viết bài viết thị trường chứng khoán giảm điểm hay quyết định cầm tiền mặt là đúng đắn. Nó giống như một cuộc chơi may rủi 50/50. Khi các dấu hiệu xuất hiện, kèm theo một vài lý do gì đó từ những cái tôi đã đọc, thế là tôi quyết định. Và may mắn thay tôi đã đúng. Hoàn toàn do may mắn.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ điên rồ mà bất cứ ai, kể cả những chuyên gia tài chính cũng cảm thấy khó hiểu.
Hiểu rõ bản thân
Tôi đã xem lại VNINDEX, và thử tính thời gian Bear Market, và % VNINDEX tăng 1 năm bắt đầu từ đáy Bear Maket.
Bear Market, như là một món quà, giúp ta có thể đầu tư với giá rẻ hơn rất nhiều.
Nhưng, đại đa số chúng ta lại không nghĩ như vậy. Khi nói đến đầu tư chứng khoán, ta thường hay làm theo kiểu ngược lại, nghĩa là kiểu mà chúng ta hay làm. Mua khi giá tăng và bán khi giá thấp.
Tôi có một người bạn, khi thị trường năm 2017 tăng mạnh, tôi bảo rằng thị trường đang cực tốt, nếu có mua bán gì thì nên làm ngay bây giờ để dễ kiếm lời. Lời nói ấy bị bỏ ngoài tai cho đến khi báo chí tung hô thị trường tăng mạnh và nghe tôi kiếm lời kha khá thì cậu bạn ấy mới ngỏ lời nhờ tôi đầu tư hộ. Khi ấy tôi đã hạn chế giao dịch và có viết một bài viết cảnh báo thị trường sẽ giảm mạnh trong năm nay. Tôi cũng nói với người bạn đó rằng, chuyện tăng giảm chắc chắn xảy ra, và có khả năng lỗ, nếu muốn chơi theo kiểu đầu tư thì vào… Và hiện tại danh mục mà tôi chọn cho người bạn đó đã teo tóp lại vì bear market.
Vấn đề mà tôi đối mặt tiếp theo đó chính là làm sao để nói cho người bạn đó hiểu về việc danh mục giảm giá trị, và có khả năng người bạn đó sẽ đòi bán để lấy tiền về vì không muốn chịu lỗ thêm.
Không có cách nào để có thể nói với người bạn ấy hiểu được những cái mà tôi đã từng trải qua, những gì tôi cảm nhận được khi mất tiền trên thị trường, và cũng không thể truyền đạt cái tâm lý đầu tư của tôi cho người bạn ấy bởi vì người bạn ấy không đầu tư như tôi nên không biết được. Nó giống như nói chuyện với thằng cháu 15 tuổi của tôi và dạy cách nó trở thành đàn ông, hay nói với đứa cháu mới 10 tuổi cách làm mẹ vậy.
Có những thứ dù có nói cách mấy cũng không ai hiểu trừ những người đã trải qua rồi.
… Và nó cũng giống như những gì tôi viết trên blog này của mình.
Phải chịu đựng rủi ro bao nhiêu để không phải mất ngủ hằng đêm lo lắng về thị trường chứng khoán ngày mai? Hồi xưa tôi như vậy, nhưng bây giờ tôi không bận tâm nữa bởi vì tôi đã hiểu cái quan trọng nhất trong đầu tư không phải là giá cả, giá trị công ty, lợi nhuận, doanh thu… tất cả những thứ đó tôi không hề điều khiển được.
Viết một mạch các thứ ra giấy, và tôi chỉ thấy duy nhất một thứ mà tôi toàn quyền kiểm soát đó chính là bản thân tôi. Cái quan trọng nhất chính là phải hiểu bản thân của mình bởi vì, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
Tại sao phải phí hoài thời gian và sức lực cho những thứ mình không điều khiển được? Nếu loại bỏ suy nghĩ đó ra thì mọi thứ sẽ tốt đẹp nhiều.
Đầu tư, không phải chỉ là nhìn số liệu… Nó còn kết hợp nhiều “bộ môn” khác như tâm lý học, Phật giáo, Stoicism…
Bởi, trong môi trường này ta mới hiểu rõ bản thân mình nhất để mà từ đó sửa đổi.
Gáo nước lạnh
Bear Market là gáo nước lạnh cho những cơn điên rồ mà Bull Market mang lại. Không chỉ bản thân giá cổ phiếu cao nó làm rủi ro tăng cao, mà nó còn làm người ta dồn tiền nhiều hơn vào thị trường ở thời điểm điên rồ nhất.
“Bull Market được sinh ra trong sự bi quan, phát triển dưới sự hoài nghi, trưởng thành trên sự lạc quan và chết vì hưng phấn.”
– Sir John Templeton.
Lạc quan, hưng phấn như một thứ bệnh dịch có khả năng lây lan. Khi mà mọi thứ quá tốt đẹp đi và hưng phấn tràn ngập mọi nơi thì nó rất khó để mà có thể cưỡng lại tâm lý của đám đông. Đó chính là cách mà chúng ta lao mình vào khi thị trường tăng giá ùn ùn.
Quà tặng kèm
Ngoài những thứ có thể thấy được từ Bear Market, nó còn kèm theo nhiều quà tặng ẩn:
1. Những thời gian này là thời gian ta ngồi nhìn lại bản thân, nhìn lại những hành động của mình, những sai lầm đã mắc phải. Rồi từ đó rút kinh nghiệm.
2. Là thời gian để học hỏi thêm, đọc sách, các bài nghiên cứu.
3. Lo sợ bị thua? Đôi lúc nó giúp ta tránh khỏi những quyết định vớ vẩn. Nhưng đừng để nó cản trở chúng ta trong việc ra quyết định. Tôi biết có những cái rủi ro là cần thiết phải trải qua. Và không làm gì nhiều khi còn rủi ro hơn là làm gì đó. Không có quyết định nào mà không có kết quả cả. Chỉ có Tốt và Xấu. Và đôi lúc, kết quả đó thường ẩn mình một thời gian dài trước khi xuất hiện. Cũng giống như trồng cây, hạt của nó ẩn mình dưới đất một thời gian dài mới nảy mầm.
Gieo đúng hạt và kiên nhẫn ngồi chờ. Lối suy nghĩ đó không bao giờ sai cả.
Leave a Reply