Có một thế giới đầu tư hoàn toàn khác

Alice ở xứ sở thần tiên là một câu chuyện kể về cô bé Alice sau khi vô tình chui vào cái hang thỏ để rồi lạc vào một thế giới thần tiên. Tại đây, cô bé đã tiếp xúc với đầy sinh vật kỳ lạ, chứng kiến nhiều cảnh tượng kỳ quái và phi logic.

Trong chương 6, Alice đã có một cuộc đối thoại với chú mèo Cheshire như sau:

Alice: “Nhưng tôi không muốn giao du với người điên.”

Cheshire: “Làm thế nào được. Ở đây tất cả chúng ta đều điên mà. Tôi điên. Cô cũng điên.”

Alice: “Sao bạn biết tôi điên?”

Cheshire: “Cô chắc hẳn là một người điên rồi, nếu không cô đã chẳng đến đây.”

Liệu chúng ta có bị điên không? Chúng ta dùng tiền để mua các loại tài sản phi vật lý, bản thân chúng đầy rủi ro và giá trị của chúng hay bị sụt giảm, với mong muốn kiếm nhiều tiền hơn từ việc bán nó!?

Giống như Alice ở xứ sở thần tiên, nhà đầu tư chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, rơi vào một thế giới với quy luật hoàn toàn trái ngược với cuộc sống thường ngày.

Quản trị rủi ro nghe rất mơ hồ

Đã nhiều lần chúng ta nghe người khác khuyên rằng đầu tư chứng khoán là phải biết cách quản trị rủi ro. Phần lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc xác định tỷ trọng tiền và cổ phiếu, cách sử dụng đòn bẩy, phân bổ danh mục bằng cách gửi tiết kiệm ngân hàng hay thậm chí gửi tích góp các app fintech để hạn chế rủi ro. Họ tin rằng họ đã biết rõ những rủi ro có thể xảy ra và thông qua những biện pháp này, họ có thể hạn chế được rủi ro trong việc đầu tư.

Nếu bạn chưa từng nghe về câu chuyện “gà tây” của Nassim Taleb (tác giả của cuốn sách “Thiên Nga Đen”) thì tôi có ví dụ tương tự để minh họa:

Tưởng tượng bạn là một con heo. Vào ngày đầu tiên, có một người đến gần bạn. Bạn sợ rằng người đó sẽ giết bạn, nhưng thực ra người đó lại cho bạn ăn. Ngày hôm sau, bạn lại thấy người đó. Liệu người đó có tiếp tục cho bạn ăn nữa không? Bằng cách sử dụng lý thuyết xác suất, bạn có thể tính toán khả năng xảy ra điều đó.

Xác suất để một thứ gì đó sẽ xảy ra lần nữa nếu nó đã xảy ra n lần trước đó = (n+1)/(n+2)

Với n là số ngày mà bạn đã được cho ăn.

Ngày thứ 2: (1+1)/(1+2) = 2/3 hay tỷ lệ 67% là bạn sẽ được cho ăn.

Ngày thứ 3: (2+1)/(2+2) = 3/4 hay tỷ lệ 75% là bạn sẽ được cho ăn.

Và cứ thế, xác suất mà bạn được cho ăn tăng dần theo thời gian.

Vào một ngày đẹp trời nọ, xác suất chắc chắn gần như tuyệt đối rằng bạn sẽ được cho ăn nhưng hóa ra hôm đó lại có xe tải đến. Ngay thời điểm mà tỷ lệ được cho ăn là cao nhất thì bạn lại bị đưa tới lò mổ.

Giá chứng chỉ quỹ trái phiếu TCBF trong thời điểm bị bán tháo do nhiều nhà đầu tư cá nhân tức tối tố giác rằng ngân hàng đã lừa họ.

Ví dụ trường hợp TCBF, có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng ra được điều như vậy sẽ xảy ra. Khi chúng ta đang có suy nghĩ rằng đầu tư quỹ trái phiếu sẽ an toàn hơn quỹ cổ phiếu thì sự kiện như trên làm chúng ta tỉnh giấc.

Rủi ro thật sự là rủi ro mà chúng ta không thể dự đoán trước được.

Rủi ro chỉ có thể tính toán được khi tồn tại dưới các điều kiện sau:

  • Độ không chắc chắn thấp: thế giới hoàn toàn ổn định, và mọi thứ có thể dự đoán được.
  • Ít các sự lựa chọn thay thế: không có thêm nhiều yếu tố rủi ro để chúng ta phải ước lượng
  • Nhiều dữ liệu để có thể nghiên cứu.

Rất tiếc, trong thế giới đầu tư này những điều đó không tồn tại.

Biết trước tương lai chưa chắc đã tốt

Giả sử nhà đầu tư được cho hai lựa chọn như sau:

Lựa chọn A: Thị trường tăng trưởng bình quân 15%/năm. Năm đầu tiên thị trường tăng 7%. Mức sụt giảm lớn nhất từ đỉnh là -21.9%.

Lựa chọn B: Thị trường tăng trưởng bình quân 11.6%/năm. Năm đầu tiên thị trường giảm -12%. Mức sụt giảm lớn nhất từ đỉnh là -48%.

Chắc chắn sẽ có nhiều người lựa chọn A bởi vì mức tăng trưởng 15% lớn hơn 11.6%. Đã vậy, nếu lựa chọn A thì chúng ta không phải trải qua một đợt sụt giảm -48%.

Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn bất ngờ: khi theo cách A thì nhà đầu tư lãi 52%, còn theo cách B thì nhà đầu tư lãi 58%.1 Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn bất ngờ: khi theo cách A thì nhà đầu tư lãi 52%, còn theo cách B thì nhà đầu tư lãi 58%: “Để chiến thắng trong bear market”, 02/2023, https://vohoanghac.com/de-chien-thang-trong-bear-market

Trong thực tế, lựa chọn A là đầu tư vào chỉ số VN30 từ năm 2014 đến cuối năm 2017. Còn lựa chọn B là từ năm 2018 đến cuối năm 2021.

Bạn nghĩ rằng bạn có thể đầu tư tốt hơn khi biết trước tương lai ư? Trong thế giới đầu tư này, chuyện tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp.

Tương lai đôi khi tốt hơn hiện tại

Nghe có vẻ phi lý. Ở thế giới thực, chúng ta sống mà chả biết tương lai ngày mai, ngày mốt, thậm chí năm sau sẽ như thế nào mà ở thế giới đầu tư, tương lai lại tốt hơn hiện tại là sao?

Thử tưởng tượng trường hợp có ai đó hỏi bạn cuối tuần này bạn sẽ làm gì? Bạn có thể đắn đo suy nghĩ rồi trả lời rằng bạn sẽ đi siêu thị mua đồ để nấu ăn. Vậy, nếu được hỏi tiếp 1 tháng sau, 2 tháng sau hoặc thậm chí 1 năm sau bạn sẽ làm gì? Là tôi thì tôi sẽ vò đầu, không biết 1 năm sau tôi sẽ làm gì. Đó là thế giới thực tế, chúng ta biết về hiện tại rõ hơn tương lai.

Nhưng trong thế giới đầu tư thì mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược. Chúng ta không biết được thị trường ngày hôm nay sẽ biến động thế nào. Rồi liệu có sự kiện nào đó làm ảnh hưởng tới thị trường vào ngày mai không. Trong ngắn hạn, việc tính toán lợi nhuận của một khoản đầu tư là hoàn toàn bất khả thi.

Ví dụ về việc lựa chọn DCA vào ETF E1VFVN30 mỗi tháng. Trong ngắn hạn 1 năm, kết quả trả về có thể làm thất vọng nhà đầu tư. Tỷ lệ 62,5% các danh mục chìm trong thua lỗ và không đạt kỳ vọng. Trừ trường hợp ngoại lệ như năm 2017 và 2021 khi đầu tư ngay chân sóng.

Nếu chúng ta có vô tình bắt đầu tại những năm 2015, 2016, 2018 hay 2019 kia thì không có gì phải lo lắng cả bởi thời gian càng dài, mọi thứ sẽ càng tốt đẹp hơn. Cụ thể là sau 3 năm DCA liên tục, các danh mục đã mang lại lợi nhuận ấn tượng:2 Cụ thể là sau 3 năm DCA liên tục, các danh mục đã mang lại lợi nhuận ấn tượng: “Lên kế hoạch đầu tư ETF, đừng kỳ vọng sẽ có lãi năm đầu tiên”, 05/2023, https://vohoanghac.com/ky-vong-dau-tu-etf

Đạt thành quả đầu tư mong đợi? Bạn có thể chốt lời nếu muốn.

Đầu tư dài hạn có thể làm bạn thất vọng

Có thể bạn sẽ thắc mắc: ở phần trên tôi nói trong ngắn hạn, 1 năm, thì rất hiếm trường hợp nhà đầu tư sẽ có lời. Nhưng khi liên tục đầu tư, cụ thể là 3 năm trở đi, thì danh mục của nhà đầu tư sẽ bắt đầu hoạt động tốt hơn. Tại sao bây giờ tôi lại nói đầu tư dài hạn có thể làm thất vọng? Là sao?

Thế giới đầu tư của chúng ta là thế giới đầu tư Việt Nam, một thị trường chứng khoán cận biên với rất nhiều rủi ro và cơ hội. Thị trường tăng nhanh và sụp đổ cũng nhanh.

Ví dụ: Tại thời điểm đầu năm 2017, chúng ta bắt đầu DCA vào ETF E1VFVN30 mỗi tháng thì tới cuối năm 2017 là có lời 58%. Tuy nhiên, sau khi thị trường đi vào giai đoạn Bear Market kéo dài 2 năm thì lợi nhuận chỉ còn lại vỏn vẹn 23%. Đó là chưa kể năm 2020 thị trường bị sụp đổ do tin COVID.

Một ví dụ khác dễ hình dung hơn đó là việc đầu tư liên tục mỗi tháng kể từ đỉnh thị trường năm 2018 cho tới cuối tháng 09/2023. Sau 6 năm thì nhà đầu tư chỉ lời ~20% so với số vốn bỏ ra.3 Sau 6 năm thì nhà đầu tư chỉ lời ~20% so với số vốn bỏ ra: “Đầu tư ETF mà VNINDEX sau nhiều năm vẫn 1200 thì có phải công cốc không?”, 09/2023, https://vohoanghac.com/dau-tu-etf-vnindex-1200

Khi nhìn vào biểu đồ như thế này, có thể bạn sẽ hối tiếc khi không chốt lời lúc thị trường tăng mạnh năm 2021.

Đừng nghĩ rằng tôi đang khuyến khích các bạn đầu tư ngắn hạn, cũng đừng suy nghĩ rằng có lãi là nên chốt. Hãy nhìn nhận đây là một trong những trường hợp có thể xảy ra với bạn nếu bạn lựa chọn đi con đường này. Biết rằng một ngày nào đó nó sẽ xảy đến với bạn nên bạn cần chuẩn bị tâm lý lẫn kế hoạch đầu tư thật tốt để đón chờ nó.

Thành quả quá khứ và kết quả tương lai thường trái ngược

Trong thế giới đầu tư này, nếu chúng ta theo đuổi những thứ háo nhoáng, nóng hổi… thì trước sau gì cũng bị nó “đốt” bỏng tay.

Cuối năm 2021, thị trường chứng khoán tăng nóng, báo chí liên tục đưa tin về những quỹ cổ phiếu có lợi nhuận lớn như:

Phần lớn những nhà đầu tư không có kinh nghiệm sẽ lựa chọn quỹ cổ phiếu dựa trên tăng trưởng trong quá khứ. Họ đầu tư vì suy nghĩ rằng cái gì đang tốt thì nó sẽ tiếp tục tốt.

Rất tiếc đây không phải thế giới thực khi cái xe tốt sẽ chạy tốt, máy lạnh tốt sẽ hoạt động tốt… Đây là thế giới đầu tư, mọi thứ đều hoàn toàn trái ngược và trông cực kỳ phi lý. Nếu bạn mang luật của thế giới thực vào thế giới đầu tư, sau một thời gian thì bạn sẽ không còn lại gì cả.

Không may cho các nhà đầu tư mới trong năm 2022. Việc lựa chọn quỹ top của năm 2021 đã không mang lại kết quả tốt đẹp.4 Không may cho các nhà đầu tư mới trong năm 2022. Việc lựa chọn quỹ top của năm 2021 đã không mang lại kết quả tốt đẹp: “Sai lầm đầu tư quỹ cổ phiếu mà người thông minh cũng mắc phải”, 02/2023, https://vohoanghac.com/sai-lam-dau-tu-quy-mo-co-phieu

Có thể bạn không để ý, hoặc là do bạn chưa hoạt động trên thị trường lâu, sự kiện này liên tục lập đi lập lại. Gần đây nhất là bull market năm 2017. Không chỉ xảy ra ở mỗi Việt Nam mà hiện tượng này còn xảy ra ở mọi thị trường chứng khoán.

Tạm dịch: Nếu bạn muốn biết tương lai, hãy nhìn lại quá khứ.

Khi đối mặt với một thứ có tính chu kỳ, nhà đầu tư nên tham gia trò chơi với cách thức khác: nếu chúng ta biết nguyên tắc hoạt động của quá khứ và biết cách áp dụng chúng vào các tình huống mới, chúng ta có thể dự đoán một phần nào về những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Những gì bạn nghĩ về tương lai không hoàn toàn đúng

Giả sử rằng bạn đang sống ở năm 2021.

Có ai đó ở thời điểm năm 2023 gửi cho bạn vài bức hình về thị trường với nội dung như sau:

Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-lam-phat-my-len-cao-nhat-trong-hon-40-nam-qua-20220715075604028.htm
Nguồn: https://vneconomy.vn/no-cong-cua-my-lan-dau-vuot-33-nghin-ty-usd-chinh-phu-my-lai-co-nguy-co-dong-cua.htm

Điều đầu tiên bạn nghĩ trong đầu chắc chắn là: đồng USD sẽ bị mất giá trong tương lai.

Nhưng tương lai thì lại khác:

Kể từ năm 2021, Dollar Index đã tăng gần 18%. Bất ngờ chưa?

Giá tăng thì mua, giá giảm thì chạy

Khi đi siêu thị, bạn sẽ làm gì nếu vô tình thấy chương trình khuyến mãi giảm giá 30% cho các loại rau củ và thịt? Chắc chắn bạn sẽ chất đầy giỏ và cảm thấy vui vẻ vì tự nhiên mua được cả đống món hời.

Trong thế giới đầu tư, khi thấy khuyến mãi cho dù là 15% hay thậm chí 20% thì người ta đều đồng loạt bỏ chạy trong hoảng loạn. Quả là một hiện tượng kì bí. Không ai thích đồ rẻ sao?

Richard Thaler, nhà kinh tế học người Mỹ được trao giải Nobel năm 2017, là người tiên phong trong việc kết hợp kinh tế với tâm lý học. Ông thường được biết đến như một nhà nghiên cứu tài chính hành vi và đã từng xuất bản các cuốn sách nổi tiếng như: Nudge (Cú Hích), Misbehaving…

Ông nhận xét rằng đám đông luôn lựa chọn sai thời điểm để tham gia và rời khỏi thị trường chứng khoán. Họ luôn tham gia khi thị trường đang cực kỳ hưng phấn và rời đi khi thị trường chỉ toàn màu xám xịt.

Tháng 10 năm 2008, khủng hoảng tài chính diễn ra tại Mỹ khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, nhà đầu tư chạy đôn chạy đáo, bán cổ phiếu tìm chỗ trú ẩn thì Warren Buffett đã viết một bài viết có tựa đề: “Buy American. I Am.” trên The New York Times. Thông qua bài viết, chúng ta biết được câu nói để đời của ông: “Hãy biết sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”.

Có một cái nghịch lý ở đây: Chúng ta đi mua sắm thì luôn muốn mua giá rẻ, nhưng trong thế giới đầu tư, cái gì càng tăng giá thì người ta lại càng muốn mua.

Rời khỏi hang thỏ

Bạn có cảm tưởng thế nào sau một chuyến hành trình vô thế giới đầu tư?

Đừng quá thất vọng nếu mọi thứ không như ý bạn, bởi bản chất của việc đầu tư là luôn đi kèm với thua lỗ.

Nếu thế giới đầu tư quá đáng sợ với bạn, hãy chỉ dừng lại ở gửi tiết kiệm ngân hàng.

Nếu vẫn quyết tâm ở lại thế giới đầu tư thì bạn phải xác định rằng những chuyện tôi kể ở trên chắc chắn sẽ xảy ra với bạn, và cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa thì cũng không tài nào tránh được. Tuy nhiên, lợi thế của bạn ở đây là bạn biết thêm các sự kiện có thể xảy ra và điều này sẽ giúp bạn đầu tư tốt hơn. “Tốt hơn” không có nghĩa rằng bạn sẽ có lời nhiều hơn. “Tốt hơn” ở đây là tôi nói về mặt tâm lý, để bạn không làm chuyện bậy bạ trong cơn hoảng loạn khi thị trường rung lắc.

Đối với tôi, đầu tư không phải chỉ cần hiểu lịch sử thị trường, cách xây dựng danh mục, các quỹ cổ phiếu hay ETF. Những thứ đó không quan trọng bằng việc bạn hiểu bản chất con người, khuynh hướng và các thành kiến có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của bạn. Nếu bạn muốn biết ai là người có khả năng hủy hoại việc đầu tư của bạn nhất thì hãy nhìn vào gương.


Chú thích

  • 1
    Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn bất ngờ: khi theo cách A thì nhà đầu tư lãi 52%, còn theo cách B thì nhà đầu tư lãi 58%: “Để chiến thắng trong bear market”, 02/2023, https://vohoanghac.com/de-chien-thang-trong-bear-market
  • 2
    Cụ thể là sau 3 năm DCA liên tục, các danh mục đã mang lại lợi nhuận ấn tượng: “Lên kế hoạch đầu tư ETF, đừng kỳ vọng sẽ có lãi năm đầu tiên”, 05/2023, https://vohoanghac.com/ky-vong-dau-tu-etf
  • 3
    Sau 6 năm thì nhà đầu tư chỉ lời ~20% so với số vốn bỏ ra: “Đầu tư ETF mà VNINDEX sau nhiều năm vẫn 1200 thì có phải công cốc không?”, 09/2023, https://vohoanghac.com/dau-tu-etf-vnindex-1200
  • 4
    Không may cho các nhà đầu tư mới trong năm 2022. Việc lựa chọn quỹ top của năm 2021 đã không mang lại kết quả tốt đẹp: “Sai lầm đầu tư quỹ cổ phiếu mà người thông minh cũng mắc phải”, 02/2023, https://vohoanghac.com/sai-lam-dau-tu-quy-mo-co-phieu

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


2 responses

  1. tranhanhien Avatar
    tranhanhien

    một bài viết tổng hợp rất nhiều quan điểm đúng đắn(đối với e).càng đọc càng ngẫm càng thấy đầu tư thật thú vị.tâm lí con người thật thú vị

  2. tranhanhien Avatar
    tranhanhien

    đừng chần chừ nữa, hãy DCA ngay từ hôm nay.hihi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭