Thông báo tháng 11/2022:
Đối với các bài viết có sử dụng dữ liệu TCBF. Bạn đọc hãy đọc bài giải thích Về việc sử dụng dữ liệu TCBF.
1. Tâm sự
Xin chào mọi người, đã lâu rồi tôi mới viết lại.
Sau bài viết cuối trên voz hồi năm 2021 thì tôi đã bỏ theo dõi thị trường chứng khoán và bỏ nick trên đó, cũng bỏ viết cái blog này luôn, thành thật xin lỗi các bạn gửi tin nhắn hỏi thăm.
Hôm nay nhân dịp rãnh và thị trường thì đang bất ổn, tôi nghĩ rằng mình cần viết một bài để “truyền lửa” cho các bạn đọc.
Những lúc thị trường giảm điểm như này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, lo sợ và nghi ngờ về kế hoạch đầu tư mà họ đã đặt ra. Ngắn hạn có thể không sao, vẫn còn trụ được nhưng nếu sự việc tiếp tục kéo dài sẽ khiến họ nãn lòng và lựa chọn cách duy nhất giúp họ cảm thấy thoải mái đó chính là bán hết rút tiền về hoặc là xóa app luôn năm sau vào xem lại.
Rất khó để mà “buy the dip” thời điểm hiện tại bởi vì chúng ta không biết được ngày mai thị trường sẽ ra sao. Tôi dạo quanh diễn đàn thấy có rất nhiều câu hỏi giờ nên gửi tiết kiệm không?
Quan điểm của mỗi nhà đầu tư khác nhau hoàn toàn vì thế rất khó để đưa ra một lời khuyên phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn và quan điểm đầu tư của bạn là để tích lũy tài sản thì tôi nghĩ rằng bài viết này sẽ tiếp thêm động lực cho bạn.
Bài viết khá khô khan bởi vì lâu lắm rồi tôi mới viết nên cảm xúc chưa dạt dào.
2. Đầu tư ngay hay gửi tiết kiệm?
Ngày xửa ngày xưa, có 6 anh bạn cùng làm trong công ty và cùng hưởng một mức lương giống nhau. Tạm gọi 6 anh là A, B, C, D, E và F.
Bởi vì xuất thân và hoàn cảnh cuộc đời của các anh khác nhau nên quan điểm về tiền bạc của 6 anh cũng khác nhau, mỗi người đều có kế hoạch đầu tư riêng.
Điểm giống nhau là 6 anh này đều thoải mái chi ra 3.000.000 đồng mỗi tháng cho việc tích lũy tài sản.
Anh A thì chọn mua chứng chỉ quỹ ETF ngay và luôn. Trong khi đó:
Anh B thì gửi tiết kiệm 3 triệu mỗi tháng, mãi 1 năm sau mới suy nghĩ về việc “vào” thị trường chứng khoán. Bởi vì anh cần gây dựng một nền tảng ổn định về mặt tâm lý trước rồi mới dám vào.
Anh C, D, E và F tương tự với 2 năm, 3 năm, 4 năm và 5 năm sau khi gửi tiết kiệm mới “vào” thị trường.
Thị trường ngụp lặn, lên xuống bao lần nhưng các anh đã thề với vợ là một khi đã “vào” thì về hưu mới bán.
Trải qua năm 2018 thị trường giảm sâu và năm 2020 thị trường giảm sâu hơn nữa… Rốt cuộc anh nào có tài sản lớn nhất trong 6 anh?
Tóm lại, chúng ta có:
2 quỹ để lựa chọn: ETF E1VFVN30 và quỹ mở trái phiếu TCBF.
Anh A: đầu tư 3.000.000 đồng mỗi tháng vào E1VFVN30 ngay ngày đầu tiên.
Anh B: đầu tư 3.000.000 đồng mỗi tháng vào TCBF. Sau 1 năm anh mới chuyển sang đầu tư 3.000.000 đồng mỗi tháng vào E1VFVN30. Số chứng chỉ quỹ mở TCBF anh vẫn giữ nguyên trong đó để tích lãi.
Anh C thì như anh B nhưng đầu tư vào TCBF sau 2 năm mới bắt đầu mua E1VFVN30. D, E và F tương tự 3, 4 và 5 năm mới thay đổi kế hoạch đầu tư.
Lưu ý:
Bởi vì lãi suất tiết kiệm ngân hàng liên tục thay đổi, nên để đơn giản hóa vấn đề tôi lựa chọn quỹ mở trái phiếu TCBF với tỷ suất sinh lợi hằng năm khoảng 7,5%.
Thời điểm bắt đầu là tháng 09/2015 cho phù hợp với dữ liệu của TCBF.
Tại sao lại là E1VFVN30? Vì phù hợp với đại đa số các nhà đầu tư và có nhiều dữ liệu nhất để phân tích.
3. Đầu tư chứng khoán sớm và muộn khác nhau thế nào?
Bắt đầu từ năm 2015 tới nay, chúng ta đã trải qua 2 giai đoạn là 2018 và 2020 có thể nói là đáng ghi nhớ khi giai đoạn này đã quét sạch không biết bao nhiêu thành quả mà các nhà đầu tư đã gây dựng trước đó.
Cả hai giai đoạn này đều khiến cho các nhà đầu tư run sợ, không giấu chứ cả bản thân tôi cũng cảm thấy tương tự.
Rất khó để triệt tiêu toàn bộ cảm xúc tiêu cực của bản thân khi thị trường sụp đổ. Bạn có thể vững như đá, nhưng người thân trong gia đình sôi sùng sục thì khó mà vững nổi.
Tuy nhiên có thứ mà chỉ có những nhà đầu tư lâu năm mới có thể có được: đó chính là khả năng trụ lại thị trường tốt hơn những nhà đầu tư mới.
Các nhà đầu tư mới có thể tìm đọc những lời khuyên trên mạng để chuẩn bị cho cuộc hành trình của mình. Nhưng thực sự mà nói, nếu chưa trải qua trường hợp tương tự thì khó có thể mà hiểu được toàn bộ.
Bây giờ quay trở lại câu chuyện của 6 nhà đầu tư kia.
Nhà đầu tư A đầu tư vào ETF ngay ngày đầu tiên trong khi đó nhà đầu tư F đầu tư trễ 5 năm, thì tổng tài sản của nhà đầu tư A đã nhiều hơn 30% so với nhà đầu tư F, hay nhà đầu tư F cần đầu tư thêm khoảng 32 tháng ~ 2.6 năm mới có tài sản bằng với nhà đầu tư trong hiện tại.
Thời điểm năm 2020, vì Covid nên danh mục của nhà đầu tư A bị suy giảm đáng kể. Anh mất cả lãi đầu tư của các năm trước đó, trong khi các nhà đầu tư E và F vẫn ngủ ngon với số tiền trong quỹ trái phiếu.
Tuy nhiên khi thị trường tăng trở lại thì danh mục của nhà đầu tư A lại dẫn vị trí số 1 về lợi nhuận. Tại thời điểm 13/06/2022 thì nhà đầu tư A đã lãi hơn 68% so với vốn đầu tư ban đầu.
Cuộc đời là những chuyến đi, những cuộc hành trình đưa ta đến với những trở ngại và bắt buộc chúng ta phải vượt qua được những trở ngại đó.
Khi đối mặt với trở ngại chúng ta liền cảm thấy lo lắng. Đó là điều mà tôi thấy hết sức bình thường. Ví dụ khi muốn làm quen một người khác giới, nếu chúng ta sợ hãi và không dám chấp nhận rủi ro để mở lời làm quen, thì chúng ta sẽ sống độc thân mãi mãi. Cái gì cũng có cái giá của nó, chúng ta không chấp nhận rủi ro để có cuộc sống bình thản nhưng lại độc thân cả đời.
Để hành trình cuộc đời của chúng ta có thêm ý nghĩa thì chúng ta cần phải mạnh mẽ đối mặt với các rủi ro mà chúng ta gặp phải.
Lãi suất 7,5%/năm là cao đó nhưng nó mang lại cái gì? Nhà đầu tư F để dành 5 năm gửi tiết kiệm và xuất phát sau nhà đầu tư A và kết quả là tài sản của F cũng thấp hơn A.
Trừ khi nhà bạn giàu sẵn rồi, còn không thì cách duy nhất để có thể giàu là chấp nhận rủi ro trong cuộc sống. Nhưng chấp nhận rủi ro trên thị trường chứng khoán này có thể giúp bạn giàu lên hoặc làm bạn nghèo đi.
Thua lỗ là điều không thể tránh khi tham gia thị trường. Tôi nhiều lúc thầm nghĩ, thà thua sớm còn tốt hơn thua trễ. Thua sớm, chúng ta trả cái giá thấp cho bài học đó. Chứ để tài sản gây dựng thật nhiều xong đùng một cái bay sạch thì rất cay đắng. Như 10 triệu, mất 5 triệu nó chả là gì nhưng có 1 tỷ mà bay mất 500 triệu trong một nốt nhạc thì rất căng thẳng.
Quay lại hành trình nhà đầu tư A. Anh đầu tư vào ETF và đã có một khởi đầu không hề tốt đẹp. Năm 2015 và 2016 không có một tí lợi nhuận nào. Nhưng anh đã không để những lo sợ đó làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của bản thân.
Thay vì ngủ ngon như anh F, anh A đã có những đêm thức trắng, suy nghĩ về tương lai, về khoản tiền mà mình dành dụm. Nghi ngờ về bản thân và hoang man không biết ngày mai dậy anh sẽ thành giàu hay nghèo.
Và… Kết quả đầu tư của anh thế nào thì chúng ta đã rõ.
4. Bài học của chúng ta
Hãy vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và không thay đổi kế hoạch đầu tư dài hạn đã đề ra trước đó cho dù thị trường chứng khoán có đỏ lửa hay vào bear market.
Giá giảm là cơ hội tốt để mua vào phục vụ kế hoạch đầu tư. Tôi biết rằng danh mục giảm thì ai cũng sợ nhưng hãy nhìn biểu đồ ở trên, thời gian đầu tư càng dài thì càng có lợi. Nhà đầu tư A trải qua 2 đợt bear market gần nhất nhưng tới thời điểm hiện tại anh vẫn có lời. Hãy ủng hộ anh để anh vững tin với kế hoạch đầu tư của mình.
Đọc hết bài mà vẫn còn sợ, không dám đầu tư thì hãy nghĩ như vầy. Hiện tại E1VFVN30 là 20.700 đồng, đỉnh tầm 26.300 đồng. Có nghĩa rằng để tăng trở lại đỉnh cũ thì giá cần tăng 27%. Tuy nhiên, có thể thị trường chưa chạm đáy.
Nhưng bạn nghĩ rằng mất bao lâu thì E1VFVN30 mới chạm lại đỉnh cũ? Nếu mất 3 năm sau mới chạm lại đỉnh cũ thì bạn sẽ có tỷ suất sinh lợi tầm 8.5%/năm, lớn hơn lãi suất ngân hàng. Nếu chỉ có 2 năm, thì bạn sẽ có tỷ suất sinh lợi 13%năm.
Vẫn còn sợ? Blog có rất nhiều bài viết phù hợp với mọi nhà đầu tư có quan điểm đầu tư dài hạn. Tôi hi vọng nếu bài này không “truyền lửa” được thì sẽ có bài khác.
Chúc các bạn đọc luôn vui vẻ, hạnh phúc, giữ vững tinh thần lạc quan và hãy mua đi đừng ngại.
Đây là bài viết số 29, mọi dữ liệu về bài viết tôi lưu tại:
Leave a Reply