Thị trường chứng khoán đang bắt đầu có tín hiệu hồi phục trở lại, VNINDEX đã vượt mốc 1100 và điều đó làm tôi khá vui. Sau khi quay trở lại thị trường vào năm 2022, tôi đã DCA liên tục hơn cả một năm trời rồi (cả chứng khoán và bên crypto), cứ “vào” đều đặn mỗi ngày (và tháng). Mặc dù không hề biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng vào thời điểm năm 2022 tôi đã lên kế hoạch rằng tôi sẽ dành 1 năm để DCA và kỳ vọng sau 2-3 năm sẽ có thể “hái quả”.
Hôm nay viết bài này bởi vì bỗng nhiên tôi có ý tưởng: Không biết trong bear market, nếu tôi gấp đôi số tiền DCA thì sau này sẽ như thế nào.
Thị trường chứng khoán nước ta gần đây nhất đã trải qua hai đợt sụt giảm (năm 2018 và 2021) với hơn 40%. Thông qua việc nghiên cứu hành vi của thị trường trong những giai đoạn này, tôi hi vọng bài viết sẽ cung cấp thêm ý tưởng đầu tư cho các bạn đọc.
Về việc sử dụng dữ liệu
Trong bài viết tôi sử dụng dữ liệu của:
- ETF E1VFVN30: từ năm 2014
- Quỹ cổ phiếu DCDS: từ năm 2013
- Quỹ VESAF: từ năm 2017
Lý do lựa chọn E1VFVN30 vì đây là ETF hoạt động từ lâu, dữ liệu gần 10 năm, đủ để phân tích dài hạn. Lựa chọn quỹ cổ phiếu DCDS cũng với lý do tương tự. Còn VESAF là để xem kết quả có khác nhau giữa các quỹ cổ phiếu hay không.
Trong quá trình phân tích, tôi sẽ tập trung vào những đợt sụt giảm lớn hơn 10% để trả lời câu hỏi sau:
Khi thị trường giảm mạnh (hơn 10%), chúng ta nên:
- Giữ nguyên kế hoạch đầu tư,
- Đầu tư mạnh tay hơn, hay là
- Dừng đầu tư, chờ thị trường uptrend trở lại rồi mới mua?
Kế hoạch đầu tư khi thị trường giảm
Trong bài viết này, tôi giới thiệu ba anh: A, B và C. Cứ vào đầu mỗi tháng là cả ba anh cùng bỏ ra một số tiền là 2.000.000 đồng để đầu tư. Tuy nhiên, vì quan điểm đầu tư khác nhau cho nên cách ba anh đầu tư vào thị trường cùng hoàn toàn khác nhau.
Anh A: Đầu tư liên tục mỗi tháng. Cho dù thị trường có biến động thế nào đi chăng nữa anh cũng không quan tâm.
Anh B: Tương tự anh A. Nhưng nếu giá giảm hơn 10% so với đỉnh thì anh sẽ tăng gấp đôi số tiền đầu tư lên thành 4.000.000 đồng/tháng. Khi giá về lại đỉnh cũ thì anh giảm lại còn 2.000.000 đồng/tháng.
Anh C: Nếu giá giảm hơn 10% thì anh C không đầu tư nữa. Chờ bao giờ thị trường uptrend, giá quay trở lại đỉnh cũ thì anh mới đầu tư trở lại.
Đầu tư vào ETF
ETF giai đoạn 2014 – 2023
Bắt đầu từ cuối năm 2014 cho tới thời điểm hiện tại tháng 06/2023 thì chúng ta có kết quả như trên biểu đồ.
Trước khi làm phân tích, tôi đã hình dung trong đầu rằng: Với phương pháp B, khi thị trường giảm thì tôi sẽ mua được nhiều chứng chỉ quỹ với cái giá thấp hơn. Vì giá trung bình mỗi chứng chỉ quỹ thấp hơn trước nên sau này thị trường tăng trở lại thì tôi sẽ có nhiều lợi nhuận hơn so với phương pháp A.
Thực tế thì sau gần 10 năm đầu tư giá trung bình chi trả cho mỗi chứng chỉ quỹ giữa hai phương pháp A và B không hề cách biệt nhiều như tôi nghĩ.
Bạn đọc có thể để ý thấy rằng cái giá trung bình luôn tăng theo thời gian.
Điều này có nghĩa rằng quãng thời gian đầu tư ban đầu, lúc giá chứng chỉ quỹ đang rẻ, là rất quan trọng. Vì xu hướng của thị trường là luôn đi lên trong dài hạn cho nên chúng ta khó có thể “kéo” cái giá trung bình này đi xuống được nữa. Nếu chúng ta không đầu tư sớm thì sẽ không còn cơ hội để sở hữu chứng chỉ quỹ giá rẻ, nhất là trong thời điểm bear market hiện tại.
Lợi nhuận của phương pháp C thì có những quãng thời gian bị tụt lại phía sau nhưng cách biệt đó không đáng kể. Vì chờ đợi thị trường hồi phục rồi mới đầu tư cho nên chi phí trung bình của nhà đầu tư C bỏ ra luôn cao hơn hai nhà đầu tư còn lại.
Có hai ý chính tôi muốn đề cập ở đây:
1. Về tỷ lệ lợi nhuận trên số vốn bỏ ra. Với quãng thời gian từ cuối năm 2014 đến tháng 06/2023, việc mua liên tục hay gấp đôi số tiền đầu tư trong bear market đều cho tỷ lệ cuối cùng là như nhau, 34% và 35%.
2. Về vấn đề thời gian. Vì là lợi nhuận so với số vốn bỏ ra cho nên nếu đầu tư nhiều thì sẽ nhận được nhiều tiền hơn. Đầu tư theo phương pháp C, sau 10 năm chỉ lời 20 triệu là lãng phí thời gian cho nên nếu ai quan tâm đến việc đầu tư dài hạn thì tốt nhất là cứ đầu tư liên tục, đừng dừng lại, đừng chờ thị trường hồi phục mới đầu tư.
ETF giai đoạn 2017 – 2021
Điều gì sẽ xảy ra nếu đầu tư ngay chân sóng năm 2017 và nắm giữ tới khi thị trường đạt đỉnh vào năm 2022?
Lý do tôi chọn giai đoạn này bởi vì chúng ta trải qua bear market năm 2018 và một “thiên nga đen” COVID năm 2020.
Lại một lần nữa không cho thấy có sự khác biệt giữa hai phương pháp A và B, cả hai đều mang lại tỷ lệ lợi nhuận 71% (trên số vốn bỏ ra). Phương pháp C mặc dù cho tỷ lệ lợi nhuận tốt ở giai đoạn 2018-2020 nhưng về sau thì kết quả cũng không có gì khác biệt.
Và như những gì tôi đã đề cập, phương pháp C là phương pháp lãng phí thời gian do chúng ta đầu tư lâu năm mà số tiền nhận lại rất ít.
Việc ngồi chờ thị trường hồi phục rồi mới đầu tư có thể nói là một hành động sai lầm.
Đầu tư quỹ cổ phiếu
Trong phần này tôi sẽ phân tích DCDS và VESAF.
Có thể xem đây là phần bonus cho những ai tò mò về việc đầu tư vào quỹ cổ phiếu.
Đầu tư vào DCDS
Về tỷ lệ lợi nhuận của ba phương pháp:
- 2017 – 2018: cả hai phương pháp A và B cho tỷ lệ lợi nhuận lớn hơn phương pháp C.
- 2020 trở đi cho đến hiện tại: phương pháp C chiến thắng.
Phương pháp C chiến thắng bởi nhà đầu tư C đã dừng mua quỹ cổ phiếu khi giá giảm hơn 10%. Điều này giúp cho cái giá trung bình của nhà đầu tư C thấp hơn hai nhà đầu tư còn lại.
Bạn nhớ lại biểu đồ giá trung bình ETF ở trên, càng đầu tư lâu thì giá trung bình càng tăng. Tuy nhiên, khác với đầu tư ETF, do đầu tư liên tục không nghỉ nên giá trung bình mà hai nhà đầu tư A và B chi trả trong trường hợp này lại cao hơn so với nhà đầu tư C.
Tại sao tăng trưởng của giá trung bình ở đây hoàn toàn khác so với phân tích ETF ở trên?
Chỉ có duy nhất một lý do đó là giá chứng chỉ quỹ DCDS tăng quá mạnh. Vào năm 2014, một chứng chỉ quỹ có giá 19.000 đồng nhưng tới thời điểm hiện tại giá là 58.000 đồng. Mặc dù là trong bear market, nhưng giá của DCDS cũng không còn rẻ so với ngày xưa nữa. Thông qua việc mua liên tục, hai nhà đầu tư A và B đã đẩy chi phí trung bình lên cao hơn so với nhà đầu tư C.
Về lợi nhuận bằng tiền:
Theo dữ liệu, đầu tư dài hạn quỹ cổ phiếu DCDS mang lại lợi nhuận tốt hơn ETF.
Như phân tích ETF ở trên, phương pháp C là phương pháp lãng phí thời gian. Lợi nhuận bằng tiền luôn không bằng hai phương pháp còn lại. Vì thế, cách tốt nhất là nhà đầu tư nên đầu tư liên tục, hoặc nên biết cách đầu tư trong bear market.
Đầu tư vào DCDS và VESAF giai đoạn 2017-2021
Kết quả trong phần này cũng tương tự như việc phân tích ETF giai đoạn 2017-2021 ở trên.
Con Tàu Noah
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện Con Tàu Noah. Chúa trời báo mộng kêu ông đóng một con tàu thật to và muốn ông đi “bắt” hết mấy con thú, mỗi loài là một cặp, rồi cho lên tàu để tránh cơn đại hồng thủy.
Giả sử nếu bạn đóng vai Noah, có người báo mộng kêu bạn làm điều tương tự thì bạn sẽ làm gì?
Chắc chắn bạn sẽ bán tín bán nghi. Bạn đi lên mạng tra xem tình hình mưa nắng của năm nay thế nào. Thống kê mấy đợt mà Sài Gòn hay Hà Nội cứ mưa xong là phố thành sông. Chạy đi tâm sự với bố mẹ hoặc bạn thân về việc được thần linh báo mộng. Khả năng nhiều người sẽ kêu bạn “đi uống thuốc đi”.
Cũng không loại trừ khả năng một vài người thân sẽ bắt đầu tin tưởng lời bạn nói. Họ biết như vậy nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng. Có lẽ họ chờ công việc tốt đẹp hơn, có nhiều tiền hơn rồi mới bắt tay vào đóng tàu. Hoặc có lẽ họ chờ cho tới khi mây đen bắt đầu tụ lại ở chân trời thì mới xắn tay áo lên làm.
Nếu bạn nhớ kết cục của câu chuyện, cơn đại hồng thủy ập đến bất ngờ và chỉ có Noah với đám động vật là sống sót.
Để đạt được kết quả tốt nhất trong đầu tư, bạn hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.
Tổng kết
Thông qua việc phân tích, chúng ta đã biết được rằng:
1. Gấp đôi số tiền đầu tư trong bear market không giúp gia tăng tỷ lệ lợi nhuận trên số vốn bỏ ra một cách đáng kể. Tuy nhiên, số tiền lãi chắc chắn sẽ nhiều hơn khi thị trường tăng trở lại.
2. Bằng cách đầu tư liên tục bất kể điều kiện thị trường, nhà đầu tư luôn có lời trong dài hạn.
3. Việc chờ đợi thị trường hồi phục rồi mới đầu tư là một việc làm lãng phí thời gian.
4. Đầu tư dài hạn thì cái giá trung bình mà chúng ta chi trả sẽ càng tăng theo thời gian. Điều này có hàm ý rằng thị trường luôn luôn tăng trưởng trong dài hạn cho nên không có gì phải lo sợ nếu chúng ta đầu tư trong thời điểm bear market hiện tại cả.
Quan điểm của tôi về việc đầu tư:
Không hề có một phương pháp đầu tư chuẩn cho tất cả mọi người. Chắc chắn có người sẽ thấy hợp với cách A, có người hợp với cách B, hoặc có thể là không cần phải đầu tư liên tục, mà chỉ cần đầu tư tới một mốc cố định rồi dừng.
Bạn không cần phải ép buộc bản thân đầu tư theo cách nào đó chỉ bởi vì lý do “cách này mang lại lợi nhuận cao trong dài hạn”.
Hãy cứ đầu tư theo phương pháp phù hợp với bạn nhất, là phương pháp giúp bạn có thể ngủ ngon mỗi đêm và sáng mai dậy tràn đầy năng lượng để tập trung làm công việc chính.
Đây là bài viết số 40, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock
Leave a Reply