Liệu chúng ta có nên đọc dự báo của người khác?

Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện thông qua việc viết về hai dự báo của tôi về tương lai.

Dự báo tỷ giá USD/VND

Vào tháng 02/2023, trên voz có một topic hỏi giá USD có còn tăng nữa không. Tôi không phải là một nhà tiên tri nhưng cũng đã tham gia thảo luận. Lúc này giá USD đang là 23.800 đồng.

Phương pháp của tôi là xem xét xu hướng của các đồng: Nhân dân tệ (CNY), Yên Nhật (JPY), Won Hàn Quốc (KRW) và Việt Nam Đồng (VND) so với USD.

Biến động các đồng so với USD

Các đồng đều từ năm 2021 tới nay đều có xu hướng chung đó là tăng, hay mất giá so với đồng USD.

Và cho tới đầu năm 2023 thì bắt đầu giảm, hay có giá so với USD.

Sau đó, tôi đã dự đoán giá của cặp USD/VND trong 6 tháng tiếp theo bằng cách áp dụng Random Forest (vì phổ biến và hay được dùng trong các cuộc thi data science vì có độ chính xác cao). Và cho ra kết luận:

Dự đoán biến động giá đồng VND năm 2023

Giá sẽ giảm và khả năng hết năm tỷ giá USD/VND sẽ loanh quanh mốc 23.500.

Hiện tại, tháng 03/2023 thì tỷ giá USD/VND đã đi xuống mốc 23.500.

Dự báo giá ETF E1VFVN30

Về việc dự đoán giá ETF E1VFVN30, tôi rất tò mò về biến động của ETF sẽ thế nào so với lãi suất.

Dữ liệu mà tôi sử dụng là: E1VFVN30 và trái phiếu chính phủ với kỳ hạn 10 năm.

Biến động của E1VFVN30 so với lãi suất, hay trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm

Như bạn thấy, từ năm 2017 trở đi chúng ta dễ dàng nhận ra xu hướng đó là: E1VFVN30 luôn đi ngược chiều so với trái phiếu chính phủ. Vì thế, có thể sử dụng biến động của lãi suất để mà dự đoán giá của E1VFVN30.

Do dự đoán giá chứng khoán phức tạp hơn nên ngoài dữ liệu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, tôi còn sử dụng thêm dữ liệu biến động giá và thanh khoản của ETF E1VFVN30. Trong phần dự báo này, tôi sử dụng thuật toán XGBoost.

Dự đoán VN30, E1VFVN30 trong năm 2023

Mô hình dự đoán lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ tháng 02 trở đi, lợi tức trái phiếu chính phủ còn 4.3% và giá ETF E1VFVN30 vẫn sẽ loanh quanh mốc 17.500.

Dự báo chu kỳ thị trường

Đây là bức hình trên trang TheRationalInvestor (nghe rất “có lý” – rational)

Tác giả của ý tưởng này là Samuel, một nông dân rất quan tâm đến vấn đề chu kỳ mùa vụ ảnh hưởng tới nông sản, vốn sẽ ảnh hưởng tới cung-cầu và giá cả. Tác giả trang web trên đã vận dụng quan điểm này của Samuel và thực hiện tính toán cho các năm sau 1899.

  • A là các mốc mà người ta sẽ hoảng loạn.
  • B là thời điểm giá tăng cao, là năm tốt đẹp của thị trường và nên xem xét đến việc bán.
  • C là thời điểm giá rẻ, là lúc nên mua để chờ đợi bull market.

Cách phán đoán này đơn thuần bằng toán học và cho rằng những gì đã xảy ra ở quá khứ sẽ tiếp tục lập lại trong tương lai.

Dự báo tương lai bằng cách sử dụng dữ liệu quá khứ

Bạn có thấy được sự hài hước ở đây không?

Chúng ta nghĩ rằng những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ sẽ xuất hiện lại một lần nữa và giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra trong quá khứ mà có thể “xoay chuyển” được cả thị trường đa phần đều là những sự kiện ngoại lai. Những sự kiện này rất hiếm khi xảy ra và không hề có lịch sử trước đó, vd: bong bóng Dotcom năm 2000 hay COVID.

Như thảm họa Fukushima:

Đây là trận động đất và sóng thần lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản trong vòng hơn một trăm năm qua. Trong khi đó, hai lò phản ứng số 1 và 3 xảy ra sự cố tại Nhà máy ĐHN Fukushima I thuộc loại lò thế hệ cũ (đời đầu thế hệ thứ II); được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức thấp hơn cường độ động đất đã xảy ra.

Nguồn (most.gov.vn)

Trận động đất năm 2021 đã nằm ngoài tính toán của các nhà khoa học Nhật Bản. Nếu họ có trí tưởng tượng phong phú hơn và lập kế hoạch cho cơn động đất lớn hơn thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được rằng đã có sự kiện như vậy xảy ra và cũng sẽ không có bài học nào cho ngày hôm nay.

Quay lại việc tôi dự đoán tỷ giá USD/VND và E1VFVN30 ở trên. Nếu sau này bạn có vô tình đọc lại bài này và thấy tôi đã đúng thì hãy nghĩ rằng tôi đã gặp may. Việc tôi dự đoán ở trên là làm cho vui để viết bài thôi, đừng quá quan trọng kết quả.

Lời khuyên cho người thích dự báo

Có ba lý do tại sao dự báo tương lai rất khó:

  1. Thực tế phức tạp hơn những gì chúng ta nghĩ.
  2. Việc dự báo không lường trước được khả năng thất bại.
  3. Các dự báo thường mơ hồ, không có đưa ra kết luận cụ thể.

Việc dự báo tương lai không phải là việc chỉ có trong lĩnh vực đầu tư. Nó còn tồn tại trong các trường hợp như: doanh nghiệp lên kế hoạch ngân sách, nhà sản xuất lên kế hoạch sản xuất hay các nhà quảng cáo lên chiến dịch quảng bá sản phẩm…

Thành quả của việc dự báo phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đôi lúc có thể cho ra một kết quả khác hoàn toàn so với những gì chúng ta đã dự định. Có 4 trường hợp có thể xảy ra:

  1. Kết quả đúng do dự báo đúng: Rất hiếm
  2. Kết quả đúng nhưng không phải vì lý do mà bạn nghĩ: Cũng hiếm không kém nhưng có khả năng gây hiểu lầm về khả năng dự báo.
  3. Kết quả sai, dự báo quá mơ hồ khiến chúng ta không biết làm gì: Trường hợp này rất phổ biến.
  4. Kết quả sai, dự báo rằng có khả năng mình sẽ sai, rút ra được bài học và đi tiếp: Rất hiếm người làm được như vầy.

Trong đầu tư, việc dự báo có liên quan đến xác suất nhưng khi người khác đọc thì họ chỉ quan tâm đến kết quả: đúng hoặc sai.

Nếu bạn là một người thích dự báo, bạn nghĩ thế nào nếu bạn đã làm hết sức mình để phân tích đủ thứ và có người vào nhận xét: “Ông làm sai rồi, tôi phân tích kỹ hơn và thấy không phải như vậy”. Đây không phải là trường hợp hiếm có, tôi đã từng gặp rất nhiều. Cho dù anh A có làm tốt tới đâu hay anh B có thiện chí nhận xét thế nào đi chăng nữa thì đa phần đều có nảy sinh cãi vã.

Cách tốt nhất là bạn nên suy nghĩ rằng dự báo này chỉ để dành cho bạn. Thừa nhận ngay từ lúc làm dự báo rằng có khả năng bạn sẽ sai nên bạn không cần thiết phải chấp nhận việc người khác bác bỏ quan điểm của bạn.

Hầu hết mọi người dự báo là vì họ muốn thị trường phải hoạt động theo cách của họ chứ không phải phân tích tại sao thị trường lại hoạt động như vậy. Tuy nhiên, bằng việc thừa nhận rằng bạn có thể sai, điều này sẽ giúp bạn lên kế hoạch tốt hơn. Khi nhận ra rằng không có một sự chắc chắn nào ở đây cả, bạn sẽ thấy do dự trong việc đưa ra các lời dự báo và thậm chí không còn muốn dự báo nữa. Đây chính là việc mà bạn nên làm.

Lời khuyên cho người thích đọc dự báo

Mặc dù biết rằng không ai có thể phán đoán được tương lai nhưng tôi không từ chối việc đọc các dự báo. (Tuy nhiên, duy nhất thể loại dự báo giá cổ phiếu bằng cách sử dụng phân tích kỹ thuật là tôi không bao giờ xem)

Có rất nhiều người thông minh đưa ra nhận xét của họ về thị trường trong tương lai nhưng đa phần tôi đọc để biết tình hình chung và cho dù những người đó có phán đoán thế nào đi chăng nữa tôi cũng sẽ không làm theo họ. ETF E1VFVN30 có đi ngang như dự báo ở trên, có đúng đi chăng nữa cũng không làm tôi thay đổi kế hoạch DCA trong bear market.

Trong đầu tư, chúng ta hay quan trọng chuyện đúng sai. Chúng ta xem thế giới này chỉ có màu trắng hoặc đen. Không đúng là sai, không sai là đúng. Đúng thì khen, sai thì chê bai.

Khi đọc dự báo, chúng ta ngay lập tức đưa ra lựa chọn: làm theo hoặc mặc kệ lý lẽ của những người đó. Tôi cho rằng, chúng ta đừng nên có quan điểm đầu tư như vậy. Hãy chọn cách thứ 3: tham khảo nhưng chưa chắc làm theo.

Việc đọc các dự báo ngắn hạn của nhiều người khác giúp tôi biết được rằng thế giới này đang hoạt động thế nào. Lãi suất tăng, lãi suất giảm, người ta đang làm gì với những chuyện đó, các nhà đầu tư đang phản ứng thế nào với thị trường… Đó là những thông tin mà tôi sẽ lọc ra và sử dụng cho việc lên kế hoạch đầu tư của mình chứ không phải là nghe răm rắp theo lời kêu gọi của người khác (kể cả khi họ đúng).

Việc đầu tư mà cứ làm theo lời của người khác, kể cả blog này, có ba điểm yếu:

  1. Bạn không hiểu được mình đang làm cái gì.
  2. Quan điểm đầu tư của mỗi người khác nhau.
  3. Người đưa dự báo chắc chắn có mục đích gì đó.

Người ta có thể đầu tư trải dài trong suốt 1 năm với tâm lý thoải mái nhưng giả sử bạn đang trong tình trạng tài chính eo hẹp và muốn kiếm lời nhanh thì lúc này hai quan điểm đầu tư bị đối lập.

Khi chúng ta chỉ biết nghe theo người khác, không đào sâu tìm hiểu và cho rằng những kiến thức mà chúng ta vừa “nhặt” được là của mình… rốt cuộc là chúng ta chỉ biết chứ không có hiểu. Và khi sự kiện gì đó xảy ra làm kết quả không đạt như mong đợi là chúng ta vội vàng nói lời chia tay.

Việc người khác đưa dự báo luôn có một mục đích tiềm ẩn nào đó: để bán sách, để tăng uy tín cho bản thân, tìm khách hàng hay muốn giúp người khác… Bạn nên thận trọng trước khi biết mục đích thật sự của họ là gì và nếu có xem thì chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


2 responses

  1. vuongktd Avatar
    vuongktd

    cuộc sống hiện đại có lợi thế là dễ tiếp cận các nguồn thông tin nhanh, nhạy nhưng đây cũng là yếu khi đầu tư khi tiếp xúc với quá nhiều thông tin, quá nhiều lo lắng, hoài nghi. do vậy để có suy nghĩ độc lập và tự tin với suy nghĩ đó không phải là dễ

    1. Không những vậy, những nhà đầu tư cá nhân chúng ta còn ra quyết định dựa trên cảm xúc nữa. 😅

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *