Nghỉ chơi tiền ảo

Hôm 13/03 tôi có viết Twitter về việc bán tiền ảo:

Ngay sau đó có bạn nhờ tôi giải thích kỹ hơn về lý do tại sao bán khi mọi thứ đang cực kỳ tốt đẹp. Liệu có phải tôi biết tin đồn nào không? Tôi sử dụng chỉ báo phân tích kỹ thuật nào?

Tôi hẹn bạn ấy vài ngày nữa vì tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn trong bài viết tiếp theo. Và đó là lý do tại sao có bài viết này.

Quan điểm đầu tư của tôi

Nếu các bạn có theo dõi Twitter thì sẽ hiểu được phong cách đầu tư của tôi.

Đối với tôi:

  • Đầu tư là một chuyến hành trình.
  • Nó không bao giờ suôn sẻ, luôn có những đoạn đường đầy ổ gà và hẻm núi hiểm trở.
  • Tôi không cố gắng chạy thật nhanh một mạch để đến đích bởi tôi biết tự lượng sức mình.
  • Trên đường đi, tôi sẽ liên tục dừng lại ở những trạm nghỉ chân để hồi phục sức lực và đi tiếp.

Khác với đại đa số những nhà đầu tư cố gắng kiếm tiền thật nhiều, thật nhanh bằng nhiều phương pháp siêu rủi ro… tôi lại chỉ muốn kiếm vừa đủ và khi mà đạt kế hoạch thì tôi dừng lại. Vì không có bị áp lực kiếm tiền cho nên tôi thong thả đi từng bước một để đến đích.

Sau khi tôi gặp thất bại rất nhiều lần thì tôi mới hiểu được câu nói của Warren Buffett:

Mất tiền ở đây không phải đơn giản chỉ là mất tiền mà còn là mất thời gian, mất công sức đã bỏ ra, thậm chí là mất luôn cả cơ hội để mà bước đi tiếp.

Vì đầu tư đã lâu cho nên tôi hiểu rằng: cơ hội để đầu tư không bao giờ là thiếu cho nên tôi không cần phải vội vã kiếm tiền thật nhanh để làm gì cả.

Warren Buffett còn có một quy tắc nghe rất hay, đó là “20 slots” – hay “20 cái lỗ”.

Khi Warren giảng dạy tại trường kinh doanh, ông ấy nói: “Tôi có thể giúp bạn cải thiện tình hình tài chính bằng cách đưa cho bạn một tấm thẻ đục lỗ có chứa 20 lỗ, tương ứng với tất cả khoản đầu tư bạn có trong suốt cuộc đời. Một khi sử dụng hết 20 lỗ đó, bạn sẽ không được thực hiện thêm một vụ đầu tư nào cả.”

Theo quy tắc này, bởi vì số lần đầu tư bị giới hạn cho nên bắt buộc nhà dầu tư phải suy nghĩ cho thật kĩ trước khi quyết định đầu tư. Hay có thể nói, xác suất thành công phụ thuộc vào việc bạn tập trung cho công việc đó như thế nào.

Nhưng tôi lại nghĩ theo một hướng khác. Cuộc đời mỗi nhà đầu tư sẽ gặp được 20 cơ hội, là 20 thời điểm mà thị trường mang lại lợi nhuận lớn. Cần phải ra quyết định khôn ngoan và tập trung thật nhiều năng lượng để tận dụng những cơ hội này.

Cơ hội tới -> Tận dụng nó -> Nghỉ ngơi chờ cơ hội tiếp theo.

Đó là quan điểm của tôi về việc đầu tư.

Về việc nghỉ chơi

Như những gì tôi đã viết, nghỉ chơi bây giờ có thể bị xem là một hành động hết sức tào lao khi:

  • 1 tháng nữa tới halving Bitcoin.
  • Nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Cụ thể la khoảng tháng 6.
  • Năm nay có ETF Bitcoin. Dòng tiền đổ vào liên tục.

Mọi thứ đều rất tốt đẹp nhưng việc tôi nghỉ chơi lại khiến cho người ta thắc mắc.

Như bạn đã biết, tôi viết về kế hoạch đầu tư của tôi trong Bear Market 2022 và kỳ vọng rằng 2 năm sau đó sẽ “hái quả”. Nhưng nào ngờ do có ETF Bitcoin nên “quả” này chín nhanh hơn so với dự định.

Giá tăng mạnh thì rủi ro cũng đi kèm theo đó.

Trong bài viết “Cẩm nang DCA toàn tập” tôi đã trình bày quan điểm: mua khi giá giảm mạnh. Lên kế hoạch nghỉ khi giá có xu hướng tăng sốc và tạo mô hình dựng đứng.

Bạn phải hiểu rằng, tôi không hề đoán đỉnh hay đáy ở đây, không ai có thể làm được điều đó. Không ai có thể đoán được đỉnh ở đâu khi mà giá Bitcoin đã tăng dựng đứng. Thị trường bây giờ rất hưng phấn, điều gì cũng có thể xảy ra.

Nhưng mà tôi cần phải vạch ra kế hoạch đầu tư trong trường hợp giá Bitcoin vào parabolic. Xem đó như là một cách để phòng vệ.

Nếu giá Bitcoin mà tăng mạnh nữa thì chắc chắn tôi sẽ cảm thấy vô cùng tiếc về khoản lợi nhuận mà tôi có thể sẽ gặt hái được nếu như không nghỉ chơi. Nhưng nếu so sánh với ETF, để đạt được lợi nhuận này chỉ bằng cách đầu tư ETF thì có thể cần phải đến 10 năm hoặc hơn. Tôi thấy thỏa mãn với kết quả này rồi và tôi cũng không có đang thi thố với ai cả nên không cần phải cố kiếm nhiều tiền thật nhanh để làm gì.

“Đầu tư không phải là để đánh bại người khác trong trò chơi của họ mà là kiểm soát bản thân trong chính trò chơi của bạn.”

– Benjamin Graham

Về chỉ báo kỹ thuật

Có một chỉ báo mà tôi hay sử dụng để đánh giá mức độ rủi ro của thị trường. Chỉ báo này tương tự như cách hoạt động của:

Quay ngược lại năm 2022 khi tôi liên tục viết bài về việc mua trong Bear Market. Tôi lấy ví dụ bằng cách áp dụng vào ETF E1VFVN30 như sau:

Khi chỉ số Risk Metric này hiển thị màu xanh, có nghĩa rằng rủi ro của thị trường đang thấp, nhà đầu tư có thể cân nhắc việc mua vào. Kết hợp với điều kiện đang là Bear Market thì thực hiện DCA là một phương pháp vô cùng hiệu quả. Đó là dựa trên kinh nghiệm của tôi kết hợp với chỉ báo kỹ thuật.

Tôi cũng làm điều tương tự đối với Bitcoin.

Hiện tại chỉ báo cho thấy giá Bitcoin đã rơi vào vùng rủi ro cao (màu đỏ). Là một trong những điều kiện làm tôi ra quyết định nghỉ chơi.

Dựa vào thông tin trên https://intothecryptoverse.com, mỗi khi rủi ro của Bitcoin chạm mốc 0.7 trở lên thì thị trường thường điều chỉnh và tạo ra nhiều cơ hội để đầu tư tại các mốc rủi ro thấp hơn.

Thật sự chỉ báo này không giúp bạn phát hiện đáy hay đỉnh, bằng chứng là tôi đã DCA nguyên cả năm 2022 nhưng tới cuối năm thị trường mới thật sự gọi là tìm thấy đáy.

Dựa vào kinh nghiệm của nhiều mùa Bear Market: tôi biết thời điểm đó giá rẻ, rủi ro lại thấp, là một trong những cơ hội tuyệt vời để đầu tư. Còn chỉ báo này là để hiện thực hóa, tính ra con số cho dễ hình dung. Tôi thấy nó có ích là ở chỗ đó.

Mặc dù chỉ báo đỏ nhưng tôi không biết Bitcoin sẽ tăng tới đâu (giống khi chỉ báo xanh nhưng không rõ đáy chỗ nào). Nếu bạn có sử dụng thì đừng nghĩ rằng cái chỉ báo này phải giúp bạn kiếm nhiều tiền. Không có đâu. Nó chỉ giúp bạn lên kế hoạch đầu tư mà thôi. Thay vì nghĩ “đỏ là đỉnh” thì nghĩ rằng “đỏ là bất ổn, tới lúc lên kế hoạch hạ rủi ro cho danh mục”.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


4 responses

  1.  Avatar
    Anonymous

    Cám ơn a vì bài viết. Khi nào tới lượt bài nghỉ chơi etf ạ? 😂

    1. Haha cái này thì mình hi vọng nó sẽ thật lâu mới xảy ra

  2. Chỉ báo của anh cũng là tổng hợp của nhiều chỉ báo kĩ thuật khác để ra con số 0.8 = rủi ro cao phải không ạ. Anh có thể chia sẻ thêm về chỉ báo của anh được không

    1. Chào bạn, ví dụ mình lấy trong bài là sử dụng script https://www.tradingview.com/script/ozoOkwKL-Risk-Metric-combined
      Tác giả có hướng dẫn cách tính toán trên trang web, bạn vào xem nha vì nó tổng hợp của rất nhiều cách tính.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭