Vinamilk 4 năm nhìn lại

Đây là bài viết ghi lại cảm nghĩ của tôi sau 4 năm kể từ ngày bán cổ phiếu Vinamilk. Không phải là bài viết phân tích doanh nghiệp.

Về quyết định bán VNM năm 2019

Cuối tháng 3 năm nay tôi có đọc một bài báo trên Cafebiz về việc 80% cổ phần của Vinamilk (VNM) đang nằm trong tay 20 tổ chức và quỹ đầu tư chuyên nghiệp.1 “Nhiều cái tên biến mất, xuất hiện những cổ đông mới, 80% cổ phần của Vinamilk đang nằm trong tay 20 nhà đầu tư”, 2023 – https://cafebiz.vn/nhieu-cai-ten-bien-mat-xuat-hien-nhung-co-dong-moi-80-co-phan-cua-vinamilk-dang-nam-trong-tay-20-nha-dau-tu-176230321094859993.chn

Tôi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian ngày xưa do VNM là một trong những cổ phiếu đầu tiên mà tôi mua. Lúc đó, vì mới đầu tư nên chỉ lấy lý do đơn giản nhất mà tôi biết là: một doanh nghiệp có tên tuổi và ngày xưa nhà bán tạp hóa nên tôi hay uống sữa VNM.

Quả thực rằng thời đó VNM giống như là con ngỗng đẻ trứng vàng. Giá tăng mạnh, lại vừa có cổ tức, ai cũng mê. Đỉnh điểm là giai đoạn cuối năm 2017 ra tin nhà nước thoái vốn một phần thì nhà đầu tư lại có thêm niềm tin, cho rằng sau khi thoái vốn thì VNM sẽ làm ăn tốt hơn nên giá cổ phiếu đã tiếp tục bay cao.

Vì quá gắn bó với VNM và bản thân cũng đã học được nhiều kiến thức trong quá trình đầu tư cho nên tôi hứa với bản thân là sẽ trở thành một nhà đầu tư dài hạn ít nhất là 10 năm, 20 năm hoặc thậm chí 30 năm. Nhưng, vào năm 2019 thì tôi đã không còn sở hữu cổ phiếu nào của VNM (giá cổ phiếu lúc này đã giảm khoảng 20% so với đỉnh).

Có 2 lý do khiến tôi ra quyết định:

  • Yield Curve khả năng bị đảo và việc cho rằng thời điểm khủng hoảng kinh tế đang đến gần nên tôi đã quyết định mua vàng thay vì đầu tư cổ phiếu.3 “Liệu khủng hoảng kinh tế có sắp xảy ra?”, 2019 – https://vohoanghac.com/lieu-khung-hoang-kinh-te-co-sap-xay-ra

Ngồi ngẫm lại thì tôi thấy đợt đó mình khá táo bạo khi đưa ra quyết định như vậy.

Dự định đầu tư 10, 20 năm nhưng rốt cuộc thời thế thay đổi, tin tức liên tục cập nhật đã khiến tôi cũng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư của mình.

Sau 4 năm nhìn lại

Bài viết cuối cùng của VNM mà tôi đọc năm 2019, trước khi ra quyết định bán, là về việc cô Liên cho rằng “đầu tư dài hạn cổ phiếu Vinamilk sẽ lời”.4 “Bà Mai Kiều Liên: Đầu tư dài hạn cổ phiếu Vinamilk sẽ lời, ngành sữa còn nhiều việc để làm”, 2019 – https://ndh.vn/doanh-nghiep/ba-mai-kieu-lien-au-tu-dai-han-co-phieu-vinamilk-se-loi-nganh-sua-con-nhieu-viec-e-lam-1248843.html

Trong bài viết, cô Liên còn cho rằng:

“Nhưng kể cả tăng trưởng âm thì Vinamilk vẫn lấy được thị phần. Đây mới là điều quan trọng. Trong xu hướng giảm chung của ngành thì mình giảm ít hơn đối thủ nên mình vẫn lấy được thêm thị phần.

Kế hoạch 5 năm mình đặt mỗi một năm tăng được bình quân 1% thị phần. Bây giờ mình đang 58-59% rồi. Năm 2017 mình tăng tới 2% là đã dư cho năm 2018 rồi nhưng năm 2018 dù cả ngành tăng trưởng âm nhưng mình cũng tăng được 0,9- 1%.”

Kế hoạch 5 năm của VNM là trung bình mỗi năm tăng 1% thị phần nhưng trong thực tế thì từ năm 2018 trở đi thì VNM đã đánh mất nhiều thị phần hơn. Đến năm 2020, theo thống kê của SSI, thì thị phần của VNM đã giảm.5 Thị phần ngành sữa của Vinamilk đã giảm còn 43% trong năm 2020, “SSI Research: triển vọng ngành sữa năm 2021” – https://static1.vietstock.vn/edocs/Files/2021/01/30/trien-vong-nganh-sua-2021-hop-nhat-nganh-tien-trien-nhanh_20210130094716.pdf

Nguồn biểu đồ: vietnambiz.vn
Báo cáo của VnDirect về thị phần sữa nước năm 2021
Thị phần sữa bột năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022

Năm 2021: Vinamilk chiếm 22,3%

6 tháng đầu năm 2022: Vinamilk chiếm 19,6%

Nguồn: cafef.vn

Và sau 4 năm thì thị phần của VNM đã trở nên teo tóp hơn. Mặc dù TH True Milk mới có mặt trên thị trường hơn 10 năm gần đây, thua xa lịch sử phát triển của Vinamilk và Cô gái Hà Lan nhưng tốc độ phát triển của TH True Milk thực sự vượt trội hơn các hãng khác trên thị trường sữa. Do không theo dõi Vinamilk từ lâu nên những chuyện của doanh nghiệp tôi hoàn toàn không biết được, vì thế không thể phân tích sâu hơn được.

Tôi thấy thật nguy hiểm khi chúng ta, những nhà đầu tư cá nhân, ra quyết định đầu tư dựa trên thông tin lạc quan mà các CEO truyền tải.

Nếu lựa chọn ETF thay vì VNM thì sẽ thế nào?

Tôi không biết theo ý cô Liên: “đầu tư dài hạn cổ phiếu Vinamilk sẽ lời” là đầu tư trong bao lâu. Nhưng hãy xem xét việc đầu tư ngay tại thời điểm mà báo đăng tin.

Trong trường hợp này tôi so sánh tăng trưởng giá cổ phiếu VNM và ETF E1VFVN30 (mô phỏng chỉ số VN30-TRI) với thời điểm bắt đầu là năm 2019.

Tăng trưởng của ETF E1VFVN30 và Vinamilk từ năm 2019

Nếu một nhà đầu tư dài hạn quyết định đầu tư vào VNM năm 2019 thì tại thời điểm hiện tại danh mục đã bị âm gần 14%. Thay vào đó, danh mục ETF vẫn đang lời 30%.

Điều này làm tôi suy ngẫm về rủi ro khi lựa chọn cổ phiếu yêu thích để đầu tư dài hạn.

Hãy cùng tôi đi về quá khứ xa hơn để xem thành quả đầu tư dài hạn có khác nhau không. Và liệu việc đầu tư dài hạn cổ phiếu VNM có thật sự tốt?

Năm 2014 – 2015

Tôi biết rằng VNM đã tồn tại trên thị trường trước năm 2014 và ai cũng biết rằng đầu tư VNM từ xưa tới nay thì lời to, nhưng để so sánh với ETF E1VFVN30 thì cần phải đặt hai thứ lên cùng một bàn cân. Phải cho cả hai cùng xuất phát tại một thời điểm.

Nhờ tăng trưởng mạnh ở những năm đầu tiên cho nên dù giá cổ phiếu VNM giảm liên tục từ đỉnh 2018 thì tăng trưởng của VNM vẫn cao hơn ETF.

Chúng ta có thể thấy rằng càng về sau thì khoảng cách giữa VNM và E1VFVN30 ngày càng thu hẹp.

Năm 2016 – 2018

Giai đoạn 2016-2018 là giai đoạn thị trường tăng giá, đặc biệt là có tin thoái vốn nhà nước khiến giá cổ phiếu của VNM tăng mạnh, kéo chỉ số VN30 lên rất nhiều.

Sau giai đoạn thoái vốn nhà nước, từ năm 2018 là giá cổ phiếu VNM đi xuống. Điều đặc biệt là VNM còn giảm mạnh hơn ETF khi thị trường vào bear market năm 2018.

Thử tưởng tượng nếu một nhà đầu tư bất kỳ đầu tư vào VNM từ năm 2018. Nhà đầu tư đó phải trải qua hai giai đoạn khốn khổ:

  • Giá cổ phiếu VNM giảm mạnh hơn ETF trong giai đoạn 2018-2020.
  • Vào năm 2021 khi thị trường tăng mạnh thì giá cổ phiếu VNM vẫn tiếp tục đi xuống.

Đây là lý do tại sao tôi lại ủng hộ đầu tư ETF. Đầu tư ETF không phải để tìm kiếm cổ phiếu chiến thắng mà là để tránh chọn phải cổ phiếu thua cuộc.6 Việc lựa chọn cổ phiếu tốt để đầu tư rất khó vì tỷ lệ rất thấp, có thể bạn chọn đúng cổ phiếu nhưng nó chỉ tốt tại thời điểm bạn phân tích còn tương lai thì không ai biết được, “Tại sao nên đầu tư ETF?”, 2023 – https://vohoanghac.com/tai-sao-nen-dau-tu-etf

Nếu phải lựa chọn đầu tư dài hạn thì ETF đã chiến thắng VNM hoàn toàn trong giai đoạn này.

2020-2021

Đây là năm thị trường trải qua biến cố COVID và một đợt hồi phục nhanh nhất trong lịch sử chứng khoán nước ta.

Cả VNM lẫn ETF đều sụt giảm khi thị trường đón nhận tin COVID vào tháng 03/2020 nhưng sau đó ETF lại hồi phục mạnh hơn VNM.

Năm 2021, giai đoạn phong tỏa cả nước, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thị trường lại có phản ứng ngược lại. Khi thị trường trở nên phấn khởi do cổ phiếu tăng giá thì VNM lại một lần nữa mãi ngụp lặn và bị ETF bỏ xa.

2022

Bear market đợt này thì giá cổ phiếu VNM suy giảm thấp hơn ETF. VNM đã biến thành một cổ phiếu phòng thủ?

Quan điểm của tôi

Đầu tiên là nhận xét câu nói: “Đầu tư dài hạn VNM sẽ lời” của cô Liên. Nếu lấy thời điểm đó làm mốc, cho tới hiện tại thì ETF E1VFVN30 có hiệu suất vượt trội hơn VNM.

Trong số những cổ phiếu nổi tiếng cùng thời với VNM như REE, FPT, PNJ, HPG… thì VNM đã bị bỏ lại phía sau. Ngày xưa đọc sách người ta khuyên đừng yêu cổ phiếu, bây giờ chứng kiến sự việc xảy ra với VNM thì tôi đã hiểu tại sao lại có câu nói đó.

Những người lựa chọn đầu tư VNM dài hạn 5 – 10 năm về trước chắc chắn không hề đoán được sẽ có ngày hôm nay. Vì thế, tôi cho rằng việc lên kế hoạch đầu tư duy nhất một cổ phiếu trong thời gian dài, cho dù cổ phiếu đó trong hiện tại có tốt đến thế nào đi chăng nữa, là một việc làm hết sức nguy hiểm. Sự việc đã xảy ra với VNM có thể xảy ra với bất kỳ cổ phiếu nào. Hoặc xui rủi hơn là chúng ta đầu tư vào những công ty làm ăn thua lỗ, thậm chí bị hủy niêm yết.


Đây là bài viết số 37, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog

Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock

Chú thích


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


4 responses

  1. vuongktd Avatar
    vuongktd

    bài viết rất đúng về cổ phiếu cũng như nhiều loại tài sản, nên phân bổ danh mục vào etf còn bạn vẫn yêu thích cổ phiếu thì cũng nên đa dạng danh mục đầu tư ra khoảng 3-5 loại cổ phiếu.

  2. Ivanovv Avatar
    Ivanovv

    Cảm ơn bài viết của anh. Vừa mấy ngày trước thấy giá cp VNM ở vùng tốt và nghe kế hoạch chia cổ tức, tôi định mua một ít làm cp phòng thủ dài hạn. Nhưng theo dõi VNM trong thời gian khoảng 2 năm trở lại đây thì đúng là VNM không có kết quả kinh doanh quá ấn tượng, động lực tăng trưởng cũng không rõ ràng. Cuối cùng tôi rút lại lệnh, không vào VNM nữa.
    Xin hỏi nếu tính thêm về việc chia cổ tức, cp thưởng của VNM hàng năm cho cổ đông thì kết quả so sánh với ETF ở trên sẽ thay đổi nhiều không?

    1. Chào bạn, kết quả trong bài viết áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư sử dụng tiền cổ tức để tái đầu tư bằng cách mua thêm cổ phiếu VNM.

      Còn nếu nhà đầu tư không tái đầu tư (giữ tiền mặt) thì tổng giá trị danh mục sẽ bị tác động bởi giá cổ phiếu và phần tiền mặt trong tài khoản.

      Ví dụ:
      Ngày 01/01/2021 bạn có 1.000 cổ phiếu VNM, giá 99.500 đồng, giá trị danh mục tương đương 99.500.000 đồng.

      Trong năm 2021 có 3 đợt nhận cổ tức tiền mặt:
      Đợt 1: 1.000 đồng x 1.000 cổ phiếu = 1.000.000 đồng (chưa thuế)
      Đợt 2: 1.100 đồng x 1.000 cổ phiếu = 1.100.000 đồng (chưa thuế)
      Đợt 3: 1.500 đồng x 1.000 cổ phiếu = 1.500.000 đồng (chưa thuế)

      Cuối năm 2021, cổ phiếu VNM có giá 87.780 đồng. Giá trị lô cổ phiếu: 81.780.000 đồng (giá 81.780 đồng)
      Cộng thêm 3.600.000 đồng tiền cổ tức tiền mặt chưa thuế.

      Nếu nhà đầu tư không tái đầu tư cổ tức tiền mặt, thì tổng giá trị danh mục là: 85.380.000 đồng
      Nếu tái đầu tư bằng cách mua cổ phiếu (cho rằng nhà đầu tư có thể mua được) thì giá trị danh mục của nhà đầu tư là 81.000.000 đồng.

      Bằng cách không tái đầu tư cổ tức, nhà đầu tư đã tránh được rủi ro sụt giảm giá trị danh mục khi giá VNM liên tục giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp giá cổ phiếu tăng thì kết quả sẽ ngược lại, việc giữ cổ tức bằng tiền không mang lại kết quả tốt đẹp.

      Quỹ ETF không chia cổ tức, tuy nhiên cổ tức mà quỹ nhận được là một trong những nguồn thu nhập của quỹ, sẽ được nhập lại làm gia tăng giá trị tài sản ròng của quỹ, tương tự như việc sử dụng cổ tức để tái đầu tư. Nên để có thể so sánh công bằng nhất có thể thì phải áp dụng phương pháp giả định là cả hai bên đều sử dụng cổ tức để tái đầu tư.

      1. Ivanovv Avatar
        Ivanovv

        Câu trả lời rất trực quan và dễ hiểu. Cảm ơn anh nhé :>

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭