ETF VN30: Đầu tư một lần và DCA mỗi tháng

Sau khi viết xong bài “Giữ vững lộ trình” thì tôi được gợi ý rằng nên viết thêm về phương pháp đầu tư DCA, bởi vì phương pháp này phổ biến và thực tế hơn so với phương pháp mua một lần.

Nếu bạn chưa đọc, tôi từng viết về việc sử dụng phương pháp DCA tại bài viết “Cẩm nang DCA toàn tập”. Trong đó, tôi phân tích 3 kiểu đầu tư:

  • Đầu tư một lần
  • DCA truyền thống, đầu tư mỗi tháng một lần
  • DCA Stop (tạm gọi), là đầu tư tới một mốc rồi dừng, để danh mục tự chạy.

Trong đó, phương pháp DCA Stop là phương pháp mà tôi đang áp dụng và có đánh giá cao hơn các phương pháp còn lại. Nếu bạn muốn biết thêm thì hãy đọc bài viết trên.

Bởi vì không có một phương pháp đầu tư hoàn hảo, chúng ta chỉ có thể tham khảo, tự đầu tư, rồi tự vạch ra một chiến lược phù hợp với bản thân. Cho nên, tôi mong muốn bạn đọc hãy nhìn nhận rằng những thông tin trong bài này chỉ là để tham khảo.

Đây là một bài tổng hợp của hai phương pháp:

  1. Đầu tư một lần (tôi đã từng viết trong “Giữ vững lộ trình”). Phần này tôi cập nhật thêm nhiều nội dung hơn so với bài cũ.
  2. Đầu tư cố định mỗi tháng một lần.

Trước khi đi sâu vào bài viết tôi có một điều tôi muốn bày tỏ.

Các bạn đọc blog có thể sẽ nghĩ rằng những bài viết mà tôi đã viết là do tôi trải nghiệm và viết lại. Nhưng khoảng 50% trong đó là nhờ vào những câu hỏi, những thắc mắc mà bạn đọc muốn nhờ tôi giải thích hộ.

Khi một ý tưởng được đưa ra -> Tôi tò mò muốn biết kết quả là thế nào -> Phải đi tìm hiểu -> Nhận được câu trả lời -> Có được sự hiểu biết về vấn đề đó -> Viết lại và chia sẻ cho mọi người.

Và đó là một trong những cách mà tôi học thêm về việc đầu tư. Thông qua việc viết bài, thông qua việc tự đi tìm hiểu mà tôi mới có thể phát triển mình thêm.

Không hề dễ để nhận xét một cái gì đó trên thị trường. Nhiều người chỉ nghe loáng thoáng người khác nói cái gì đó rồi đi thuật lại, kiểu như truyền miệng mà không hề có một dẫn chứng gì cả. Nhưng khi có thông tin, mọi lời nhận xét của chúng ta có căn cứ hơn. Điều này rất quý giá. Bởi, giữa hai người cùng đầu tư vào một sản phẩm, người có thông tin chắc chắn sẽ có hành động khác với người không biết gì.

Tóm lại, tôi muốn cám ơn các bạn đã thảo luận, góp ý, chia sẻ những ý tưởng của các bạn trên blog này, lẫn trên voz. Nhờ có các bạn hỏi xoáy mà tôi mới phải xắn tay áo đi tìm hiểu, để biết nhiều hơn và hoàn thiện kế hoạch đầu tư của mình hơn.


Hiện tại có nhiều ý tưởng để viết nhưng ngoài thời gian viết thì tôi còn phải tốn thêm thời gian code nữa. Vì vậy, tôi muốn hoàn thành cho xong chủ đề “Giữ vững lộ trình” này để chuyển sang viết chủ đề khác. Nếu bạn đọc có ý tưởng nào đó thì hãy comment bên dưới. Nếu code được thì tôi sẽ tiến hành viết ngay.


Về phương pháp phân tích

Trong bài viết này tôi sẽ sử dụng “rolling returns” để so sánh phạm vi biến động tỷ suất sinh lợi (TSSL) của ETF, quỹ cổ phiếu và các chỉ số.

Vì bài viết khá dài cho nên tôi ẩn những phần giải thích trong cái nút tương tự như bên dưới. Bấm vào là có thể mở rộng/thu nhỏ nội dung bên trong. Nếu hình quá nhỏ thì bạn hãy bấm vào để xem.

❓ Ví dụ giải thích “rolling returns”

Ví dụ:

Dữ liệu ETF từ năm 2020 đến năm 2023 cho thấy có 250 ngày giao dịch mỗi năm.

Tôi muốn biết tỷ suất sinh lợi tương ứng với quãng thời gian đầu tư trong 250 ngày (hay 1 năm). Tôi có thể tính từ ngày 1 đến ngày 250, tuy nhiên kết quả chỉ phản ánh duy nhất một quãng thời gian đó.

Bằng cách tính “rolling returns”, tôi có thể biết thêm kết quả từ ngày 2 đến ngày 251, ngày 3 đến ngày 252… đảm bảo rằng tôi sẽ không bỏ sót giai đoạn đầu tư nào.

Cụ thể như hình bên dưới:

Sau khi tính “rolling returns”, tôi tiến hành lựa chọn giá trị (tỷ suất sinh lợi tương ứng với quãng thời gian đầu tư) thấp nhất và cao nhất để vẽ biểu đồ.

Để đơn giản hóa vấn đề, tôi sẽ giả định nhà đầu tư chỉ đầu tư một lần duy nhất vào đầu kỳ, không sử dụng phương pháp mua trung bình giá DCA.

Một vài lưu ý về việc sử dụng dữ liệu:

Mỗi năm có khoảng 250 ngày giao dịch. Tương ứng với các chu kỳ đầu tư mà số lượng quan sát sẽ khác nhau, ví dụ nếu dữ liệu chúng ta có 9 năm thì khi tính toán TSSL của phương pháp đầu tư một lần:

  • Đầu tư chu kỳ 1-năm: có 2006 kết quả.
  • Đầu tư chu kỳ 3-năm: có 1506 kết quả.
  • Đầu tư chu kỳ 8-năm: có 256 kết quả.
  • Thời gian đầu tư càng dài thì số lượng kết quả nhận được càng ít đi.

Đối với tôi thì đây không phải là một vấn đề quan trọng vì nó không làm ảnh hưởng đến bài viết do đây đều là kết quả thực từ thị trường. Nhưng tôi vẫn muốn đề cập để tăng tính minh bạch cho phương pháp phân tích của mình.

❓ Giải thích lý do tại sao vấn đề đó không quan trọng. Trích từ comment.

“Vấn đề không nằm ở số lượng quan sát mà ở chính kết quả chúng ta thu được từ các quan sát đó.

Môi trường mà chúng ta quan sát là thị trường chứng khoán, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng biết về tính biến động mạnh trong ngắn hạn của nó. Tính biến động này tạo ra khoảng cách lớn giữa lợi nhuận tối thiểu và tối đa khi quan sát trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng sự xuất hiện của biến động min/max cao trong kết quả không phải phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng quan sát. Thay vào đó, nó có liên quan chặt chẽ tới bản chất của thị trường chứng khoán hơn.

Có thể nói: thị trường chứng khoán thực tế cho thấy sự biến động mạnh trong ngắn hạn, dẫn đến việc xuất hiện kết quả biến động min/max cao. Chứ không có nghĩa là càng nhiều số lượng quan sát thì biến động min/max càng cao.

Mình biết rằng mỗi chu kỳ có các quan sát khác nhau và đây là giải thích của mình:

Vì bài phân tích của mình chủ đề là: phân tích xu hướng, và đưa ra giả thuyết về vấn đề “thời gian trong đầu tư”, thì việc có con số quan sát khác nhau trong mỗi chu kỳ không phải là vấn quan trọng.

  • Bản chất ở đây là so sánh, xem xét các giai đoạn khác nhau, cho nên con số quan sát chắc chắn phải khác ở mỗi chu kỳ.
  • Để khắc phục việc đó, mình đã tính toán tỷ suất sinh lợi hằng năm.
  • Tỷ suất sinh lợi có quy năm của các giai đoạn khác nhau là một con số được tiêu chuẩn hóa, cho nên có thể sử dụng để so sánh với nhau.
  • Xu hướng được quan sát thấy là vững chắc và nhất quán qua các khoảng thời gian khác nhau (biến động ngày càng giảm khi thời gian đầu tư được kéo dài ra ở bất kỳ loại tài sản đầu tư nào). Điều này tăng cường tính xác thực cho giả thuyết, kể cả khi số lượng quan sát có sự biến đổi.”

Phần 1: Đầu tư một lần

ETF E1VFVN30 là ETF mô phỏng chỉ số VN30-TRI, đã tồn tại từ lâu trên thị trường chứng khoán nước ta cho nên đây luôn là ETF mà tôi muốn đưa vào phân tích.

Nếu bạn đọc có thắc: tại sao trên thị trường có nhiều quỹ ETF mô phỏng VN30-TRI mà tôi chỉ lựa chọn ETF E1VFVN30? Thì lý do là bởi vì E1VFVN30 có nhiều dữ liệu nhất, bắt đầu từ tháng 10/2014.

Tỷ suất sinh lợi biến động mạnh trong ngắn hạn nhưng lại ổn định trong dài hạn. Đầu tư một lần ETF E1VFVN30

Khi xem xét cả quá trình đầu tư từ năm 2014 đến năm 2023:

Với chu kỳ nắm giữ là 1 năm: ETF VN30 có thể mang lại lợi nhuận từ -40.8% đến 99.7%. Có thể hiểu rằng, nếu ta lựa chọn một ngày bất kỳ để đầu tư và nắm giữ trong vòng 1 năm, kết quả sẽ rơi vào trong khoảng này. Điều này cũng hàm ý rằng đầu tư ETF trong 1 năm đầu rủi ro rất cao, nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận lớn nếu chúng ta may mắn.

Xét về dài hạn, mức thiệt hại tối đa mà chúng ta có thể phải gánh chịu giảm dần theo thời gian. Nếu đầu tư trong 5 năm và gặp trường hợp xấu nhất thì chúng ta sẽ mất 1.4% mỗi năm.

Con số cao nhất tương ứng với mỗi cột trên biểu đồ là điểm dữ liệu nằm trong Bull Market. Thời điểm thị trường tăng mạnh, đạt đỉnh cũng là lúc danh mục chúng ta có TSSL lớn nhất. Điều tương tự cũng áp dụng với điểm nhỏ nhất trên biểu đồ.

Sau 8 năm đầu tư vào quỹ ETF E1VFVN30, chúng ta có thể kỳ vọng mức lợi nhuận hằng năm nằm trong khoảng từ 5.5% đến 11.4%. Đây là con số gần với thực tế nhất mà chúng ta có thể sử dụng để lên kế hoạch đầu tư dài hạn.

Lưu ý rằng: Tại thời điểm viết bài, các dữ liệu của chu kỳ 8 năm đều nằm trong giai đoạn bear market. Hay có thể nói, mặc dù ở trong bear market nhưng các danh mục vẫn cho kết quả ít nhất là 5,51%/năm.

Tóm lại: Khi lựa chọn ETF VN30 để đầu tư, hãy hiểu rằng biến động của thị trường trong ngắn hạn có mức tác động rất lớn không chỉ riêng danh mục mà còn tâm lý của nhà đầu tư. Các biến động ngắn hạn này dễ khiến cho nhà đầu tư lo lắng và hành động thiếu kiểm soát. Nhưng khi quãng thời gian đầu tư càng dài thì những biến động trên thị trường không còn là vấn đề mà chúng ta cần phải bận tâm nữa.


Tiếp theo, tôi muốn đi sâu hơn một chút về việc đầu tư này.

ETF VN30 – chu kỳ 1 năm

Đầu tiên là phân tích chu kỳ nắm giữ 1 năm:

❓ Giới thiệu biểu đồ đám mây mưa

Biểu đồ trên là biểu đồ đám mây mưa, raincloud, là một biểu đồ kết hợp nhiều biểu đồ lại với nhau như: histogram, đường cong mật độ (density curve), biểu đồ violin, biểu đồ hộp (box plot) và biểu đồ phân tán…

Bằng cách vẽ thêm đường cong mật độ (hình núi), chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề hơn so với việc chỉ dùng mỗi biểu đồ hộp. Gọi là raincloud bởi vì nhìn nó giống như mưa đang rơi xuống từ đám mây.

💡 Phân tích biểu đồ

Để dễ hiểu, tôi tạm gọi các biểu đồ ở trong hình trên theo vị trí từ trên xuống là: biểu đồ hình núi, biểu đồ hình hộp và biểu đồ chấm chấm.

Phân tích biểu đồ hình hộp:

Biểu đồ của chúng ta bị lệch về phía bên phải (đuôi bên phải dài ra), hàm ý rằng phần lớn dữ liệu tập trung về phía bên trái biểu đồ và có một số ít dữ liệu mặc dù rất hiếm khi xuất hiện, nhưng khi xuất hiện lại ghi nhận giá trị vô cùng lớn. Bởi vì sự xuất hiện rải rác và không tập trung cho nên đuôi bên phải của biểu đồ dài ra.

Khoảng cách từ Min tới Max là khoảng : -45% đến 100%. Điều này chứng tỏ thị trường chứng khoán nước ta biến động mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư. Việc đuôi bên phải kéo dài ra cho thấy cũng có cơ hội chúng ta kiếm được nhiều lợi nhuận từ thị trường, như đi kèm với đó là rủi ro cũng rất cao.

Phân tích biểu đồ hình núi và chấm chấm:

Mặc dù biểu đồ hình hộp cho chúng ta biết phần trăm dữ liệu rơi vào khoảng nào, nhưng nó lại không cho chúng ta biết chi tiết về phân phối của tập dữ liệu.

Đỉnh của biểu đồ nằm tại mốc -5%. Xác thực rằng phần lớn điểm dữ liệu của chúng ta tập trung tại phần bên trái mặc dù biểu đồ có đuôi phải dài.

Có 75% dữ liệu nằm trong khoảng từ mốc Min đến Q3 [-40% đến 26%]. Dựa trên thông tin từ biểu đồ chấm chấm, chúng ta thấy dữ liệu tập trung nhiều nhất trong khoảng [-10% đến 0%] (màu xanh biển), cụ thể nhiều nhất là tại mốc -5%.

Có thể nhận xét rằng, nếu đầu tư một năm thì khả năng danh mục bị thua lỗ và nằm trong khoảng [-10% đến 0%] là khá cao.

Tóm lại, có rất nhiều điểm dữ liệu nằm trong phạm vi từ -10% đến 0%. Điều này có thể hiểu rằng, nếu danh mục bị thua lỗ thì mức thua lỗ thường sẽ nằm trong khoảng này.

Vì biểu đồ lệch sang phải, chúng ta có thể sẽ tận hưởng khoản lợi nhuận vô cùng to lớn nhưng cực kỳ hiếm có và khó tìm.

ETF VN30 – chu kỳ 2-8 năm

💡 Chu kỳ 2 năm:

Dự theo biểu đồ chấm chấm, tỷ lệ chiến thắng của chúng ta đã được cải thiện.
Trừ khi chúng ta gặp xui, danh mục rớt vào khoảng [-15% đến 0%], còn lại thì có thể nói rằng, không ít thì nhiều, khoản đầu tư vào ETF vẫn có lãi.
Nếu đầu tư 2 năm, chúng ta có thể kỳ vọng danh mục mang lại TSSL [8% đến 20%] mỗi năm.

💡 Chu kỳ 3 năm:

Khả năng cao rằng chúng ta sẽ nhận được tỷ suất sinh lợi 14-20%/năm hoặc 4%/năm do biểu đồ có hai đỉnh. Dữ liệu bây giờ đã bắt đầu tập trung lại hai chỗ cố định và ít có phân phối rời rạc như việc đầu tư trong 1 và 2 năm.

💡 Chu kỳ 4 năm
💡 Chu kỳ 5 năm:

Dù biểu đồ cho ta thấy TSSL lớn nhất đạt 21.4%/năm nhưng dữ liệu lại rải rác và không nhất quán, với nhiều đỉnh khiến việc xác định một con số đại diện cụ thể cho toàn bộ quá trình trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, nếu ai đó sử dụng con số TSSL trung bình để kết luận thì sẽ sai quá sai. Phải đành chấp nhận rằng do thị trường chứng khoán nước ta biến động quá mạnh cho nên kết quả đầu tư trong 5 năm có thể rất ngẫu nhiên. Nhưng, vẫn có một điểm tích cực đó là tỷ lệ thua lỗ đã giảm đáng kể.
💡 Chu kỳ 8 năm:

Thời gian càng dài, trò chơi bây giờ chỉ có thắng chứ không có thua.
Mặc dù biểu đồ cho thấy rằng trong dài hạn thì khoản đầu tư không có lỗ nhưng con số TSSL có lẽ sẽ không làm vui lòng các nhà đầu tư dài hạn.
Trong trường hợp bình thường, khoản đầu tư mang lại TSSL 9%/năm. May mắn thì 11%, còn xui thì 6%.

Tỷ lệ lời/lỗ

Tỷ lệ danh mục có TSSL âm giảm dần qua thời gian, hay có thể nói rằng đầu tư dài hạn từ 5 năm trở lên thì danh mục của chúng ta sẽ không bị thua lỗ.

Các bạn chú ý chu kỳ 1 năm:

Trong tổng số danh mục đầu tư, có 38% danh mục thua lỗ, ngụ ý rằng phần lớn danh mục (62%) là có lợi nhuận, mặc dù ở phần trước tôi đã chỉ ra rằng đỉnh của dữ liệu tập trung ở mức lỗ -5%.

Kết hợp với thông tin biểu đồ phân phối có xu hướng bị lệch sang phải, chúng ta có thể kết luận rằng: mặc dù thua lỗ không phải là kết quả thường gặp nhưng chúng xảy ra với tần suất cao hơn những trường hợp có lợi nhuận cao nằm ở phía bên phải biểu đồ.

Mặc dù tỷ lệ có lợi nhuận chiếm 62%, nhưng chúng ta không nên đánh giá cao điều đó bởi vì có sự tồn tại của các khoản lợi nhuận đột biến ít khi xảy ra (phía bên phải biểu đồ).

Bảng thống kê

Dựa theo biểu đồ đám mây mưa, chúng ta thấy rằng phân phối của các điểm dữ liệu nằm rải rác nên không thể đưa ra một con số cụ thể dại diện cho các chu kỳ đầu tư.

Ví dụ, nếu chúng ta tính trung bình TSSL của chu kỳ 5 năm để lên kế hoạch đầu tư trong 5 năm, thì con số này có thể không chính xác. Trong quãng thời gian 5 năm đó, điều kiện kinh tế thay đổi, lãi suất thay đổi, chúng ta đã trải qua các đợt bull market và bear market khác nhau…

Tôi đành quyết định làm một bảng thống kê chi tiết.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một xu hướng ở đây đó chính là biến động TSSL giảm dần khi chu kỳ đầu tư được kéo dài ra, được thể hiện bởi khoảng cách của con số max trừ cho min, hoặc rủi ro ngày càng giảm, được thể hiện bởi con số độ lệch chuẩn.

Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng, khoảng cách min/max lớn không phải là do chu kỳ đó có số lượng quan sát nhiều mà kết quả như vậy. Bạn có thể thấy dù chu kỳ 5 năm có 1006 quan sát nhưng khoảng cách min/max lại lớn hơn so với chu kỳ 4 năm.

Cột trung bình cộng có mức dao động từ 10-13%, mặc dù không có nhiều ý nghĩa ở đây, nhưng nó cũng có thể cho ta thấy rằng TSSL trung bình sẽ nằm trong khoảng đó bất kể chu kỳ đầu tư dài hay ngắn.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa min và max ngày càng thu hẹp khi chu kỳ đầu tư dài ra, chung ta có thể sử dụng kết quả tại cột trung vị để lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Đây là con số gắn liền với thực tế nhất.

Tại chu kỳ đầu tư 8-năm: Các điểm dữ liệu đều nằm trong Bear Market. Chúng ta có thể tự tin nhận định rằng, đầu tư dài hạn, kể cả trong bear market thì danh mục vẫn mang về TSSL ít nhất là 5,5%, còn thông thường là xoay quanh 8,9%.

Tổng kết đầu tư một lần

Tỷ suất sinh lợi biến động mạnh trong ngắn hạn nhưng lại ổn định trong dài hạn. Đầu tư một lần ETF E1VFVN30

Sau khi phân tích, tôi rút ra được những ý chính sau:

  • 1 năm đầu tiên là quãng thời gian cực kỳ khó khăn. Khả năng danh mục thua lỗ và rơi vào khoảng [-10% đến 0%] là khá cao. Mặc dù tỷ lệ chiến thắng của chúng ta là 62% nhưng trong đó bao gồm luôn các điểm dữ liệu ngoại lai: thị trường chứng khoán tăng sốc, khi mua trúng ngay đáy… là những thời điểm rất hiếm khi xảy ra. Chúng ta không nên đánh giá cao tỷ lệ này.
  • Bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi, tỷ lệ danh mục bị thua lỗ cũng giảm dần. Các nhà đầu tư theo quan điểm dài hạn, nếu muốn đầu tư vào ETF VN30 thì nên lên kế hoạch đầu tư ít nhất là 3 năm.
  • Đầu tư siêu dài hạn (8 năm) mang về TSSL khoảng 9%/năm. Chúng ta nên sử dụng con số này để hoạch định kế hoạch đầu tư dài hạn.

Phần 2: Đầu tư mỗi tháng (DCA)

Trong phần này, có các giả định như sau:

  • Đầu tư mỗi tháng một lần vào ngày giao dịch đầu tiên của tháng.
  • Yếu tố mua lô chẵn không tồn tại. Nhà đầu tư có thể mua hết bằng tiền của mình.

Phần này rất quan trọng bởi vì phương pháp DCA liên tục này thường hay được các nhà đầu tư lựa chọn. Trước đó tôi cũng đã có thảo luận với các bạn và nhận được ý kiến rằng DCA liên tục ở Việt Nam không phải là một ý hay. Nhưng chúng ta vẫn nên đi tìm căn cứ để kết luận.


Lưu ý quan trọng của phần DCA:

Tại thời điểm hiện tại, các kết quả của chu kỳ đầu tư 8 năm đều đang nằm trong bear market.

Mặc dù chu kỳ 8 năm có rất ít quan sát (13) nhưng tôi không loại bỏ ra khỏi bài viết bởi vì dù gì thì đây vẫn là kết quả thực tế xảy ra trong quá trình đầu tư.

Việc thêm chu kỳ 8 năm vào bài viết sẽ dùng để làm tiền đề cho các bài phân tích trong tương lai, khi có nhiều dữ liệu hơn tôi sẽ cập nhật bài viết mới và so sánh với phân tích trong hiện tại.

Và… có thể sẽ có các bạn đọc hứng thú với dữ liệu này, cho dù có bị giới hạn.


Và sau đây là kết quả:

So sánh với đầu tư một lần

Bởi vì khoản đầu tư của chúng ta có nhiều dòng tiền cho nên khả năng chúng ta mua lúc thị trường tăng sốc hoặc lúc thị trường giảm mạnh sẽ tác động đến thành quả cuối cùng của danh mục.

Có một điểm chung giữa hai phương pháp mua một lần và DCA đó chính là thời gian đầu tư càng dài thì phạm vi biến động TSSL càng bị thu hẹp.

Tiếp theo, tôi phân tích chi tiết hơn về kết quả của việc đầu tư DCA.

Rủi ro và lợi nhuận:

  • Đầu tư dài hạn 5 năm trở lên: Trong bull market: chúng ta có thể hy vọng rằng mình nhận TSSL 10%/năm.
  • TSSL hằng năm của chu kỳ 8 năm thì ít biến động, nằm trong phạm vi từ [2,7% đến 4,6%] vì đang trong bear market.
  • Nếu so sánh với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng 6%/năm thì chúng ta có thể nhận xét rằng: trong bear market thì TSSL của ETF thua, nhưng trong bull market thì ETF chiến thắng.
  • Vì thị trường chứng khoán nước ta là thị trường cận biên, từ bull tới bear rất nhanh, nên ETF có nhiều rủi ro hơn là gửi tiết kiệm ngân hàng. Gửi tiết kiệm đảm bảo lợi nhuận như mong đợi trong khi đó lợi nhuận từ ETF là một điều không chắc chắn.

Quãng thời gian đầu tư:

  • Nếu quãng thời gian đầu tư của bạn là trung hạn, gần 5 năm thì ETF có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn, nhưng vẫn có rủi ro khiến danh mục thua lỗ.
  • Nếu quãng thời gian đầu tư của bạn dài hơn 5 năm, danh mục không còn bị thua lỗ.

Mức độ chịu đựng rủi ro:

  • Nếu bạn là người sợ rủi ro, tiền gửi ngân hàng phù hợp với bạn hơn.
  • Nếu bạn là người có khả năng chịu rủi ro, chấp nhận có thể bị thua lỗ để đổi lại lợi nhuận lớn, đầu tư với kỳ hạn 3 năm trở lên tốt hơn.

Yếu tố kinh tế:

  • Xem xét nền kinh tế nước Việt Nam ra, tỷ lệ lạm phát, thì tiềm năng ETF mang về lợi nhuận vượt trội so với lạm phát cao hơn là tiền gửi ngân hàng.
  • Điều kiện kinh tế trong quãng thời gian đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Ví dụ: Chu kỳ 7 năm là có trải qua Bull market thì ghi nhận TSSL cao khoảng 10%, còn chu kỳ 8 năm hiện tại là Bear market nên cao lắm chỉ có 4,6%

Mục tiêu tài chính:

  • Để duy trì vốn: gửi ngân hàng
  • Để có tiềm năng tăng trưởng với mức rủi ro chấp nhận được, nên đầu tư ETF.
  • Hoặc thậm chí bạn có thể chia 50% gửi ngân hàng và 50% đầu tư ETF.

Suy ngẫm thế nào về việc đầu tư 8 năm và có TSSL từ 2,7% đến 4,6% mỗi năm?

Các kết quả của chu kỳ 8 năm kết thúc ngay trong Bear market. Đây là lý do tại sao TSSL của chu kỳ 8 năm thấp hơn nhiều so với chu kỳ các năm trước.

Điều này không có nghĩa rằng đầu tư 8 năm nhận lãi 4%/năm. Chúng ta đang thiếu rất nhiều dữ liệu của chu kỳ 8 năm để có thể kết luận điều đó.

Có một điểm sáng ở đây, đó chính là: mặc dù đang trong bear market, danh mục 8 năm vẫn mang lại TSSL dương. Điều này cho thấy danh mục có khả năng chống chịu tốt. Quãng thời gian đầu tư càng dài thì tỷ lệ thua lỗ càng thấp.

Tỷ lệ lời/lỗ

So sánh với phương pháp đầu tư một lần

Do đầu tư nhiều lần tại các thời điểm khác nhau, có thể trong bull lẫn bear market cho nên tỷ lệ thua lỗ ở mỗi chu kỳ đều lớn hơn so với phương pháp mua 1 lần. Từ năm thứ 5 trở đi chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm khi danh mục không còn khả năng bị thua lỗ.

Biểu đồ phân phối

Biểu đồ phân phối qua các chu kỳ đầu tư

Mặc dù đầu tư nhiều lần nhưng không giúp cải thiện tỷ lệ danh mục bị thua lỗ trong ngắn hạn.

Giống với phương pháp đầu tư một phần, phân phối trong các biểu đồ hoàn toàn ngẫu nhiên và rời rạc, không hề cố định lại một chỗ.

Điều duy nhất chúng ta rút ra được là thời gian đầu tư càng dài thì xác suất để danh mục bị thua lỗ càng thấp.

Bảng thống kê

Rủi ro và lợi nhuận: Tại chu kỳ 1 năm, TSSL cao nhất là 54,5% trong khi đó TSSL thấp nhất là -31,1%. Mua mỗi tháng nhưng không thoát được cảnh chịu biến động mạnh trong ngắn hạn.

Ổn định trong dài hạn: Thời gian đầu tư kéo dài ra (từ 1 năm tới 7 năm), độ lệch chuẩn có xu hướng giảm. Phương pháp DCA cho thấy biến động của thị trường ít có tác động đến danh mục trong dài hạn. Cụ thể là danh mục đầu tư với chu kỳ 8 năm, mặc dù đang ở trong bear market và cho TSSL khiêm tốn 3,6% nhưng độ lệch chuẩn lại vô cùng thấp.

TSSL trung bình của các chu kỳ từ 1 năm đến 7 năm đều trả về trong khoảng 5-6%/năm. Mặc dù việc sử dụng con số trung bình không chính xác lắm nhưng cột trung bình cộng ở đây luôn trả về trong khoảng 5-6% và chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Đây có lẽ là con số chúng ta nên sử dụng để lên kế hoạch DCA dài hạn. Tất nhiên, trong trường hợp bình thường thì chúng ta sẽ có lợi nhuận 5-6%/năm nhưng nếu gặp bull market thì TSSL sẽ tăng lên rất nhiều. Lúc này chúng ta có thể chốt lời nếu muốn.

Tổng kết phương pháp DCA

Biến động trong ngắn hạn của thị trường vẫn có tác động lớn đến danh mục trong ngắn hạn cho dù chúng ta thực hiện DCA hay mua một lần.

Phạm vi biến động TSSL dần thu hẹp khi chúng ta kéo dài thời gian đầu tư.

Trong điều kiện bull market thuận lợi, ngoại trừ chu kỳ 8 năm, thì chúng ta có thể đạt TSSL tầm 10%/năm.

Đầu tư càng lâu dài thì tỷ lệ thua lỗ của chúng ta càng thấp. Cụ thể từ năm thứ 6 trở đi, cho dù có trong bear market thì các danh mục vẫn có thể mang lại TSSL 1-2%/năm.

Nếu bạn quan tâm đến vấn đề an toàn và mong muốn sự chắc chắn thì gửi tiền ngân hàng.

Nếu bạn muốn “trải nghiệm” rủi ro trong đầu tư và cầu mong nhận lại lợi nhuận lớn hơn thì đầu tư dài hạn ETF là một giải pháp.


Lời kết

Có một xu hướng chung ở đây rằng, khi thị trường giảm rồi cũng sẽ tăng lại cho nên chúng ta không nên hoảng sợ khi thị trường có biến động, bằng chứng là cho dù đầu tư với chu kỳ 5-6-7 năm đi chăng nữa, khi thị trường vào bull market thì chúng ta vẫn hưởng lợi.

Và đây chính là chủ đề chính của bài viết này: sự biến động trong ngắn hạn của thị trường có tác động cực kỳ lớn đến danh mục nhưng khi đầu tư lâu dài thì điều đó không còn đáng lo ngại. Rủi ro có xu hướng giảm khi chúng ta kéo dài thời gian đầu tư.

Đầu tư một lần tốt hơn đầu tư theo tháng bởi vì việc đầu tư theo phương pháp DCA sẽ làm cái giá trung bình mà bạn chi trả luôn cao hơn trước.

Mua liên tục khiến cái giá trung bình mà chúng ta chi trả liên tục tăng. Bài viết: https://vohoanghac.com/dau-tu-nhieu-hon-bear-market

Tuy nhiên, không phải ai cũng có vốn để mua một lần. Đại đa số nhà đầu tư đều đi làm và nhận lương mỗi tháng cho nên không có gì là khó hiểu khi phương pháp DCA là một phương pháp phổ biến với mọi người.

Như những gì tôi đã phân tích trong bài viết “Cẩm nang DCA toàn tập”, việc mua liên tục bất chấp thời điểm không phải là một phương pháp tốt nên áp dụng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi cho rằng: chúng ta không nên dồn hết toàn bộ vốn liếng vào thị trường này. Nên đặt một giới hạn số lượng tiền đầu tư cụ thể. Khi thị trường tăng quá nóng thì nên chốt lời hoặc tạm dừng đầu tư. Thay vì mua ETF thì dùng tiền đó tiền gửi tiết kiệm để hạn chế rủi ro và chỉ tiếp tục đầu tư trở lại khi thị trường rơi vào bear market.

Nói đi cũng phải nói lại, không có một phương pháp đầu tư nào hoàn hảo cả. Hãy tìm phương pháp phù hợp với bạn nhất bởi đó mới chính là phương pháp bạn sử dụng để tồn tại lâu hơn trên thị trường này.


Đây là bài viết số 43, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog

Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp bằng cách sử dụng vnstock:
https://github.com/thinh-vu/vnstock


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


2 responses

  1. Thank, very well organized!

  2. Le Xing Avatar
    Le Xing

    Nhiều thông tin bổ ích quá
    Để tìm ra chiến thuật phù hợp cần kinh nghiệm, nhiều người nghĩ việc cắt lỗ là khó, nhưng thực sự khi chốt lời cũng rất đắn đo, do tâm lý.
    Nên thật sự cần có chuẩn bị và kinh nghiệm, luôn có kịch bản (tâm lý và chiến thuật) để áp dụng cho cả bull & bear.
    Buồn không buồn quá, vui không vui quá. Tâm lý không vững có thể dẫn tới những hành động dại dột khi thua lỗ hoặc chủ quan khi có lãi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭