Có người hỏi tôi câu hỏi như tựa đề. Mua chứng chỉ quỹ ETF trong một lần duy nhất hay là chia ra mua gom từng tháng? Nếu mua rải rác thì có nên chờ điều chỉnh vài % xong mới mua?
Có lẽ ai cũng có câu trả lời trong đầu nếu như mua ngay đỉnh thì mua gom từng tháng có lợi hơn và mua ngay đáy thì “all-in” là tốt nhất. Vấn đề là ta không biết trước tương lai sẽ như thế nào để mà thực hiện kế hoạch của mình.
Trong nội dung bài viết này sẽ tôi sử dụng dữ liệu chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 và chứng chỉ quỹ trái phiếu TCBF.
Đầu tiên là phân tích việc đầu tư vào ETF E1VFVN30. Lý do là số liệu nhiều, từ năm 2014. Các quỹ ETF còn lại thì không có nhiều dữ liệu hoặc là mới thành lập, ngay đúng đợt thị trường tăng trưởng nên không đủ độ tin cậy.
Thứ hai là một danh mục kết hợp giữa ETF E1VFVN30 và quỹ mở trái phiếu TCBF. Đây là điều tôi nói liên tục từ nhiều bài viết trước, là cách bảo vệ nhà đầu tư tốt nhất trong những lúc thị trường điều chỉnh. Đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF là một trong những cách phân bổ danh mục nhưng mà nó chỉ toàn là cổ phiếu thôi. Thị trường điều chỉnh thì cả danh mục vẫn sẽ điều chỉnh theo. Nên ta cần phải có chứng chỉ quỹ trái phiếu trong danh mục. Cần phải bảo vệ tâm lý trước tiên bởi vì nó ảnh hưởng đến việc ra quyết định của cá nhân.
Phương pháp
Trong bài viết này, việc mua một lần và mua theo tháng được thực hiện vào cuối mỗi tháng. Không hề có “timing” thị trường.
Ví dụ trường hợp nắm giữ 12 tháng. Giả sử ngày bắt đầu là 30/09/2015.
Bước 1: Chia danh mục
Danh mục A: Dùng toàn bộ tiền mua một lần tại thời điểm 30/09/2015.
Danh mục B: Chia số tiền ra mua 12 tháng, bắt đầu mua từ 30/09/2015. Lập lại cuối mỗi tháng.
Bước 2: So sánh kết quả
Sau khi hết 12 tháng thì tiến hành so sánh lợi nhuận tích lũy của hai danh mục để xem danh mục nào hiệu quả hơn. z = (RB / RA) – 1.
Bước 3: Vẽ biểu đồ
Tại thời điểm tháng 9/2015 trên biểu đồ (ngày bắt đầu mua) sẽ hiển thị giá trị z. Nếu z > 0 thì mua từng tháng có hiệu quả, z < 0 thì mua từng tháng không hiệu quả.
Biểu đồ biểu diễn sự hiệu quả của hai phương pháp trong tương lai. Có nghĩa rằng giá trị tại mốc 09/2015 trên biểu đồ là kết quả của tương lai 12 tháng sau.
…
Lập lại các bước tương tự cho mỗi tháng của từng năm.
Danh mục 100% ETF E1VFVN30
Đầu tiên so sánh quãng thời gian 12 tháng.
Ở biểu đồ 1, tôi chia làm hai phần. Nếu đường màu đỏ ở trên 0% có nghĩa rằng giai đoạn đó mua từng tháng hiệu quả hơn là mua trong một lần. Ngược lại nằm dưới 0% thì mua từng tháng không hiệu quả bằng.
Ví dụ giai đoạn giữa năm 2017 nhà đầu tư quyết định đầu tư vào ETF E1VFVN30 mỗi tháng một lần. Sau 12 tháng thì giá trị danh mục mua theo tháng của anh thấp hơn danh mục mua một lần đến 20%.
Vào giai đoạn 2018-2019 thì việc mua từng tháng lại hiệu quả hơn do thị trường giảm mạnh sau quá trình tăng nóng.
Biểu đồ thứ 2, là biểu đồ tần suất và lời kết bên dưới.
Biểu đồ bị lệch về phía bên trái, nghĩa rằng số lần danh mục mua từng tháng mà kém hiệu quả được ghi nhận nhiều hơn, chiếm 40/68 quan sát. Đa số quan sát tập trung gần mốc 0%.
Với kết quả này, việc mua từng tháng hay mua một lần không mang lại nhiều khác biệt, cơ hội để đưa ra phương pháp mua đúng chỉ xấp xỉ 50%.
Tiếp theo là nhiều biểu đồ với nhiều quãng thời gian khác nhau:
Vì thị trường chứng khoán nước ta còn mới cho nên rất ít dữ liệu để có thể truyền tải được toàn bộ câu chuyện.
Trong ngắn hạn, việc mua từng tháng đều kém hiệu quả hơn mua một lần tại các thời điểm, chiếm ~ 60% tổng số quan sát.
Giá trị danh mục trung bình cuối kỳ thì không có nhiều sự khác biệt giữa hai phương pháp này, tập trung quanh mốc 0%. Có thể lý giải rằng thị trường cận biên đầy biến động, rủi ro cao. Từ bull tới bear rất nhanh nên giá trị trung bình trả về không hấp dẫn.
Có thể cho rằng, nếu nhà đầu tư lựa chọn việc mua 100% chứng chỉ quỹ ETF thì nên lựa chọn phương pháp mua từng tháng thay vì “all-in”. Mặc dù tỷ lệ của phương pháp mua từng tháng có kết quả là không hiệu quả chiếm 56% ~ 60% thời điểm, nhưng nó đáng để ta không phải gánh chịu rủi ro thị trường điều chỉnh.
Danh mục 60% TCBF và 40% ETF E1VFVN30
Dựa theo biểu đồ tần suất, các quan sát tập trung nhiều về phía bên trái. Mua từng tháng không hiệu quả bằng mua một lần và bị phương pháp mua một lần “đánh bại” 80% thời điểm trong xuyên suốt quãng thời gian từ năm 2015 đến 2020. Có nghĩa rằng nhà đầu tư có tỷ lệ thắng nhiều hơn nếu lựa chọn phương pháp mua một lần với danh mục 60/40 này.
Thời điểm mà phương pháp mua từng tháng có hiệu quả là khi thị trường giảm điểm như giai đoạn 2018 – 2020. Ngay sau đó thì phương pháp mua một lần lại quay trở lại vị trí bất bại của mình. Một phần là do lợi thế mua sớm chứng chỉ quỹ mở trái phiếu TCBF.
Tiếp theo là combo các biểu đồ tương ứng với quãng thời gian khác nhau:
Khi quãng thời gian đầu tư càng dài thì phương pháp mua một lần có tỷ lệ 90% sẽ đánh bại phương pháp mua từng tháng.
Dựa theo biểu đồ thứ hai, trong ngắn hạn các quan sát tập trung quanh mốc 0% nhưng trong dài hạn thì dịch chuyển dần về phía bên trái.
Lúc mua chứng khoán có 2 điều phải lo: lo thị trường chỉnh sau khi mua và lo bỏ lỡ cơ hội mua giá rẻ. Thì tôi nghĩ rằng nhà đầu tư nên lo cái sau nhiều hơn là lo cái trước sẽ xảy ra trong trường hợp này.
Việc trong danh mục có TCBF đã giúp nhà đầu tư ngủ ngon mỗi đêm mà không cần phải lo lắng thị trường điều chỉnh.
Lời kết
Với kết quả trên, nếu nhà đầu tư có ý định chỉ đầu tư vào mỗi ETF thì việc lựa chọn đầu tư dàn trải từng tháng là tốt nhất. Tôi không nghĩ rằng sẽ có ai đó đủ tự tin để YOLO một phát trúng đáy cả.
Nếu nhà đầu tư lựa chọn danh mục 60/40 thì có thể yên tâm rằng tỷ lệ thắng sẽ nhiều, không cần phải lo sợ thị trường chứng khoán điều chỉnh trong ngắn hạn. Tôi từng viết một bài viết về việc có quỹ mở trái phiếu trong danh mục tại Đầu tư dàn trải vào quỹ cổ phiếu và trái phiếu để hạn chế rủi ro
Mỗi nhà đầu tư có một quan điểm đầu tư, mức độ chịu đựng rủi ro và cơ hội đầu tư khác nhau. Bài viết này chỉ cung cấp thông tin từ dữ liệu trong quá khứ. Việc lựa chọn tài sản để đầu tư và tỷ trọng phân bổ không nhất thiết phải như trong bài. Có thể kèm theo cổ phiếu tăng trưởng trong danh mục có chứng chỉ quỹ ETF, vàng hoặc 2% Bitcoin. Mỗi người có một cách đầu tư riêng, không phải ai cũng có sẵn tiền để đầu tư trong một lần.
Bài viết nên được nhìn nhận là cung cấp thông tin hơn là khuyến nghị đầu tư. Hy vọng rằng sẽ giúp ích cho mọi người.
Nhật ký: Đôi điều về thị trường hiện tại, quan điểm của tôi rằng thời điểm này không nên chạy theo lợi nhuận khi mà thị trường chứng khoán đã có nhiều mã có đồ thị giá vào parabolic. Đây là lúc nên thận trọng và nên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu lớn hơn tỷ trọng đề ra. Danh mục nhất thiết phải có chứng chỉ quỹ trái phiếu (TCBF, DC-VFMVFB…) để bảo vệ.
Về dữ liệu trong bài. Tôi sử dụng dữ liệu cuối mỗi tháng để tính toán. Nguồn dữ liệu cophieu68 và TCBS.
Phân tích 100% E1VFVN30: Dữ liệu từ 31-10-2014. Phân tích danh mục 60/40, bắt đầu từ 30/09/2015.
Đây là bài viết số 25, mọi dữ liệu về bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog
Leave a Reply