Quá nhiều sự lựa chọn để đầu tư ETF

Trong bài viết “Các nhà quản lý quỹ cổ phiếu có thực sự tài ba?“, tôi đã so sánh các quỹ cổ phiếu với ETF E1VFVN30 (tạm gọi là ETF VN30 trong bài) và đưa ra kết luận rằng: “Thành quả của các nhà quản lý quỹ đa phần là nhờ may mắn và lợi thế mối quan hệ của họ”.

Trước khi đi sâu hơn vào vấn đề cần bàn, chúng ta hãy nói về sự may mắn trong đầu tư.

May mắn hay tài năng?

Khi tôi nhận định rằng “thành quả của các nhà quản lý quỹ đa phần là nhờ may mắn”, có thể sẽ khiến nhiều người cau mày.

Khả năng bạn sẽ có quan điểm rằng: “người ta đi nghiên cứu, phân tích đủ thứ để đầu tư mang lại thành quả, đây không phải là may mắn. Đừng đánh giá thấp tài năng của những người có kinh nghiệm và học thức.”

Liệu bạn đang đánh giá thấp yếu tố may mắn hay là đánh giá cao tài năng của một cá nhân nào đó?

“Risk and luck are different sides of the same coin, but we treat one as critically important, and the other like it doesn’t exist – at least for you, when you succeed”

– Morgan Housel1 “Ironies of Luck” – https://collabfund.com/blog/ironies-of-luck

Rủi ro và may mắn luôn đồng hành cùng với nhau trong mọi tình huống, như hai mặt của một đồng xu, nhưng chúng ta lại đối xử với chúng khác nhau. Khi ai đó thành công, họ thường cho rằng đó là nhờ tài năng và nỗ lực của bản thân, họ bỏ qua vai trò của sự may mắn. Nhưng khi mọi việc xảy ra không như mong muốn là họ liền đổ lỗi cho sự thiếu may mắn hay các yếu tố nào đó bên ngoài mà họ không kiểm soát được.

Dạo một vòng quanh các mạng xã hội, chúng ta sẽ luôn thấy những người thích đưa ra lời dự báo, phân tích kỹ thuật, các broker đưa các phương pháp đầu tư nào đó. Các nhà đầu tư cá nhân (không có kinh nghiệm) làm theo và trong một thoáng chốc nào đó dưới sự tác động của may mắn, họ đã lời to. Việc thành công tạm thời này khiến cho họ nghĩ rằng giao dịch (đầu tư) cổ phiếu quá dễ dàng. Điều mà không hề tồn tại trong bất cứ ngành nghề nào khác.

Nếu bạn không biết đánh đàn piano, khả năng để bạn ngồi xuống rồi biểu diễn được là 0%.

Nếu bạn không biết phẫu thuật, khả năng bạn thực hiện một ca mổ thành công cũng là 0%.

Nhưng trong đầu tư, việc chọn đại một cổ phiếu theo “tín hiệu” cũng có thể giúp bạn kiếm tiền. Điều đó khiến bạn nghĩ rằng bạn có tài chứ không phải gặp may.

Trong hàng ngàn cổ phiếu, tỷ lệ để bạn lựa chọn đúng cổ phiếu giúp bạn có lời là rất thấp. Cho dù bạn đã phân tích kỹ lưỡng, nhưng chắc chắn sẽ có tình huống nào đó xảy ra và khiến việc đầu tư đổ sống đổ bể. Nhưng bạn có thể giảm tỷ lệ chọn phải cổ phiếu thua cuộc bằng cách đầu tư vào ETF.2 Việc đầu tư vào ETF là để hạn chế sai lầm của bản thân, tránh chọn phải cổ phiếu thua cuộc, “Tại sao nên đầu tư ETF?” – https://vohoanghac.com/tai-sao-nen-dau-tu-etf

Khi chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn

Có quan điểm rằng: trong cuộc sống, nếu càng có nhiều sự lựa chọn thì có nghĩa rằng chúng ta càng tự do và tự do để làm điều gì đó thường được xem là một điều tốt. Thực tế thì trái ngược hoàn toàn, việc có quá nhiều sự lựa chọn sẽ làm cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn hơn.

Giả sử bạn lên kế hoạch du lịch cho ngày 30/4: bạn phân vân không biết nên đi Phú Quốc hay đi Đà Nẵng? Nên đi Nha Trang hay đi Quy Nhơn?

Không quan trọng bạn quyết định thế nào, sự lựa chọn của bạn cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội đi địa điểm thứ hai. Có thể gọi đó là chi phí cơ hội, một yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định.

Việc lựa chọn giữa hai địa điểm du lịch có thể không gây khó khăn với một số người bởi vì chúng ta chỉ đặt hai thứ lên trên bàn cân. Nhưng hãy thử một góc nhìn khác về thị trường cổ phiếu.

Hiện tại thị trường chứng khoán của nước ta đã có hơn 1500 công ty được niêm yết. Có thêm nhiều sự lựa chọn cũng đồng nghĩa với việc nhiều quyết định cần phải được đưa ra. Khi không có thể quan sát được hết tất cả mọi thứ, không thể cân đo đong đếm được toàn bộ sự lựa chọn… chúng ta sẽ cảm thấy việc ra quyết định ngày càng khó khăn hơn. Không chỉ làm mệt mỏi đầu óc mà điều đó còn khiến chúng ta trở nên “không muốn làm gì nữa”, từ bỏ nỗ lực để ra quyết định do cảm thấy quá tải.

Lúc này chúng ta có 3 đường để đi:

  1. Tiếp tục tự phân tích cổ phiếu
  2. Nghe phím hàng
  3. Lựa chọn đầu tư ETF cho đỡ mệt mỏi

Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư ETF cũng không thoải mái hơn bởi vì hiện tại cũng đã có kha khá ETF: E1VFVN30, FUESSV30, FUESSV50, FUEIP100, FUEVN100, FUEDCMID, FUESSVFL, FUEKIVFS, FUEVFVND…

Quá nhiều sự lựa chọn.

“When we face too many choices, we suffer from paralysis.”

– Barry Schwartz (The paradox of choice – Nghịch lý của sự lựa chọn)

Nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz đã cho rằng chúng ta bị tê liệt khi đối mặt với quá nhiều sự lựa chọn. Việc có vô số lựa chọn khiến mọi người cảm thấy không hài lòng với quyết định của họ.3 Video TED Talks, “The Paradox of Choice” – https://www.youtube.com/watch?v=VO6XEQIsCoM

Trong đầu tư, sự việc còn nghiêm trọng hơn bởi vì tâm lý khi đầu tư của chúng ta là luôn muốn đầu tư vào một cái gì đó tốt nhất, hoàn hảo nhất, mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Chính vì thế, chúng ta luôn đắn đo, giả định đủ thứ trường hợp có thể xảy ra, tham khảo đủ mọi ý kiến trên mạng với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp chọn đúng quỹ để đầu tư.

Sau một thời gian đầu tư thì bắt đầu nghi ngờ về sự lựa chọn của mình khi thấy quỹ A nào đó đang tăng trưởng tốt, còn quỹ của mình thì lẹt đẹt. Lúc này, chúng ta cảm thấy stress và hối hận vì đã ra quyết định sai lầm.

Schwartz miêu tả kiểu người này là “maximizer”, là những người cố gắng hết sức để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho mọi tình huống. Maximizers bị thúc đẩy bởi thành tích và sự thành công, họ đặt ra các tiêu chuẩn cao cho bản thân và những người khác. Họ cảm thấy lo lắng, không thỏa mãn khi quyết định của họ không như kỳ vọng và họ thường nghi ngờ về sự lựa chọn của họ.

Bản thân là “maximizer” cũng không hẳn là xấu. Nó giúp chúng ta đi tìm hiểu thêm nhiều thông tin, so sánh các sự lựa chọn để tìm thứ tối ưu nhất. Nhưng thế giới ngày nay có vô số sự lựa chọn, việc “tối ưu hóa” ở đây sẽ tạo thêm nhiều vấn đề, làm chúng ta phải liên tục tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho quyết định của mình. Chính điều này khiến chúng ta bị quá tải sự lựa chọn (Choice Overload).

Khi chúng ta không hiểu rõ bản thân

Một combo mang tính hủy diệt cao: “Không hiểu rõ bản thân” + “Quá nhiều sự lựa chọn”. Nhưng làm thế nào để hiểu rõ bản thân? Tôi cho rằng vấn đề này rất phức tạp và cần nhiều thời gian để nhà đầu tư cá nhân mới thực sự thấu hiểu điều đó.

Quan điểm của tôi về tiền bạc, tài chính cá nhân, quan điểm đầu tư và kể cả phương pháp đầu tư đã thay đổi rất nhiều qua quãng thời gian gần 10 năm qua. Và tôi chắc chắn rằng trong tương lai cũng sẽ tiếp tục thay đổi.

Theo tôi, các nhà đầu tư cá nhân sẽ dần dần trở nên khiêm tốn hơn và có xu hướng đầu tư vào những thứ đơn giản khi họ có nhiều kinh nghiệm.

Giai đoạn tuổi 20 thì họ là những nhà giao dịch cổ phiếu, nghĩ rằng họ có khả năng làm được điều mà không ai có thể làm. Cho rằng bản thân có thể đánh bại thị trường bằng cách thu thập kiến thức của người khác, vận dụng những chỉ báo kĩ thuật, những báo cáo của các chuyên gia và lấy đó làm tín hiệu để đầu tư. Và rồi, sau một vài năm thất vọng với kết quả đầu tư, họ tìm đến các phương pháp đầu tư đơn giản hơn hoặc là lựa chọn đầu tư hết vào ETF VN30.

Trong bull market, chúng ta dễ dàng đánh giá thấp rủi ro bởi vì các cổ phiếu đều tăng giá. Chúng ta có thể mạnh dạn tuyên bố: “Kế hoạch đầu tư của tôi cho 5 năm sau là đầu tư 80% ETF, còn 20% thì gửi tiết kiệm”… cho tới khi trải qua một chuỗi thị trường hỗn loạn với tin tức tiêu cực bủa vây thì ngay lập tức sợ hãi chạy vào hang.

Như những gì tôi đã đề cập ở trên, việc có nhiều ETF hơn khiến nhà đầu tư cá nhân luôn luôn muốn so sánh để tìm ra xem ETF nào mang lại lợi nhuận tốt nhất để đầu tư trong dài hạn. Họ đặt kỳ vọng quá cao vào cái ETF ấy, đương nhiên thôi bởi vì sau ngần ấy thời gian nghiên cứu để lựa chọn mà. Cho tới khi thực sự trải nghiệm những thứ thực tế, mà không có trên biểu đồ phân tích kỹ thuật, thì có thể đã quá muộn.

Giải pháp là hạ thấp kỳ vọng

Có 2 yếu tố chính tác động đến việc lựa chọn quỹ để đầu tư:

  1. Hiệu suất trong quá khứ.
  2. Kỳ vọng của bản thân nhà đầu tư đó.

Tưởng tượng trên một blog vô danh nào đó cho rằng đầu tư ETF VN30 mang lại tỷ suất sinh lợi 11% trong suốt 5 năm qua. Bạn thấy khá tốt nên cũng đầu tư theo nhưng sau 1 năm bị lỗ 20% và vội vàng bán.

Chỉ bởi vì tỷ suất sinh lợi hằng năm trong suốt 5 năm qua là 11%, không có nghĩa rằng năm nào bạn cũng lãi 11%. Có năm -20%, có năm 10%, 20%… chia trung bình ra được 11%/năm. Vì thế, bạn đừng kỳ vọng rằng năm đầu tiên sẽ luôn luôn lời. Hãy chấp nhận sự thật rằng bạn sẽ bị thua lỗ, hoặc may mắn hơn là hòa vốn.4 “Đầu tư 1-2 triệu mỗi tháng vào quỹ có ổn không?” – https://vohoanghac.com/dau-tu-1-hoac-2-trieu-moi-thang

“Quy tắc đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc là không đặt quá nhiều kỳ vọng. Nếu bạn có kỳ vọng không thực tế, bạn sẽ khốn khổ cả đời. Bạn cần phải có một kỳ vọng hợp lý, và cho dù kết quả nhận lại có là tốt hay xấu đi chăng nữa thì cũng hãy chấp nhận điều đó.”

Charlie Munger5 “The first rule of a happy life” – https://twitter.com/YahooFinance/status/1364673085991976968

Thị trường chứng khoán rất phức tạp, các sự kiện mà không ai biết trước được (như COVID) xảy ra và làm thay đổi toàn bộ mọi thứ. Cách duy nhất mà chúng ta có thể tồn tại được lâu trên thị trường là nhờ vào việc kỳ vọng dựa trên thực tế chứ không phải niềm tin. Kỳ vọng càng cao, thất vọng càng nhiều.

Tôi cho rằng việc chúng ta chuẩn bị tâm lý về khả năng bị thua lỗ trong tương lai còn có ích hơn việc phân vân lựa chọn ETF nào lãi nhiều.

Không hề có một danh mục đầu tư hoàn hảo cho bất kì thời điểm nào trên thị trường cả. Đừng lãng phí thời gian suy đoán, cũng đừng đặt nặng vấn đề phải đầu tư vào một ETF luôn luôn mang lại lợi nhuận.6 “Không hề có công thức cho một danh mục đầu tư chuẩn” – https://vohoanghac.com/cach-su-dung-blog

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta nhắm mắt chọn bừa ETF để đầu tư.

Các ETF tốt nhất mà các nhà đầu tư cá nhân nên lựa chọn là những ETF có phân bổ nhiều cổ phiếu hay nói cách khác là mô phỏng chỉ số VN30, 50, MIDCAP…

Những ETF đi theo một nhánh riêng biệt như VNFINLEAD và VNDIAMOND là những ETF phục vụ cho nhu cầu đầu tư riêng. Nếu chúng ta không biết mình đang làm gì thì tốt nhất là không nên đụng vào.


Chú thích


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


10 responses

  1. trandiephp Avatar
    trandiephp

    sau khi đạt được mục tiêu tài chính nhất định e cũng sẽ đầu tư vào ETF @@

  2. Dương Avatar
    Dương

    Theo a thì ETF ở Vn và ở Mỹ tỷ suất lợi nhuận nó khác nhau thế nào ạ? Vì e nghĩ ETF thường đều tăng trưởng tầm 10% 1 năm. Trong khi lạm phát ở VN thường lại cao hơn ở Mỹ. Thành ra có phải nếu đầu tư ETF ở Vn sẽ không cho được lợi nhuận như ở Mỹ đúng ko ạ?
    Vả lại không biết nếu tính theo giá trị thật thì lợi nhuận của ETF sau khi trừ lạm phát sẽ được tính như thế nào?

    1. Chào bạn, tăng trưởng của thị trường chứng khoán mỗi quốc gia khác nhau cho nên chắc chắn rằng lợi nhuận khi đầu tư ở Việt Nam và Mỹ cũng phải khác nhau rồi.

      1/ Đầu tiên mình nói về lợi nhuận danh nghĩa (không có lạm phát) của hai danh mục ETF VN và Mỹ.
      Vì là thị trường cận biên cho nên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh và giảm cũng mạnh. Rủi ro rất cao cho nên lợi nhuận kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng sẽ cao.

      Và để nhận xét hơn thua thì rất phức tạp vì không hề có câu trả lời chung chung do điều này còn phụ thuộc vào thời điểm. https://vohoanghac.com/wp-content/uploads/2023/04/2023-04-1024.png

      Nếu đặt giả thuyết cùng đầu tư vào năm 2017, trong thời điểm bull market, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh hơn Mỹ cho nên nếu nhà đầu tư cá nhân nào chốt lời E1VFVN30 ngay đỉnh năm 2018 hoặc đỉnh năm 2021 thì sẽ có lợi nhuận cao hơn so với việc đầu tư vào SPY.

      2/ Về giá trị thực
      Bạn lấy lợi nhuận danh nghĩa trừ cho Chỉ Số Giá Tiêu Dùng (CPI), thường được báo cáo dưới dạng phần trăm (%) so với cùng kỳ năm trước.
      Bạn có thể:
      – Lấy lợi nhuận danh mục tháng 1 trừ cho CPI (%) tháng 1 hoặc
      – Lấy lợi nhuận năm 2017 trừ cho CPI (%) năm 2017
      Để tính CPI (%) một năm thì bạn có thể lên mạng lấy số hoặc tính trung bình cộng CPI (%) các tháng trong năm.

      Bạn có thể tham khảo chỉ số CPI trên trang Tổng cục Thống Kê https://www.gso.gov.vn/cpi-vi/ hoặc https://vn.investing.com/economic-calendar/vietnamese-cpi-1851

  3.  Avatar
    Anonymous

    Hi a Hạc, em thắc mắc chữ nhu cầu đầu tư riêng ở đây là gì nhỉ

    1. Chào bạn, nhu cầu riêng ở đây có thể hiểu:
      – Danh mục của bạn không có cổ phiếu ngành tài chính, vì nguồn vốn eo hẹp nên bạn bạn lựa chọn mua ETF FINLEAD.
      – Bạn suy nghĩ rằng cổ phiếu ngành tài chính sẽ bật tăng trong tương lai, và nảy sinh mong muốn đầu cơ kiếm lợi. Không muốn mua một cổ phiếu riêng lẽ nên bạn lựa chọn mua luôn chỉ số, ở đây là ETF FINLEAD…

      1.  Avatar
        Anonymous

        Ồ ra là vậy 👍

  4. Đinh an Avatar
    Đinh an

    Anh ơi quỹ FUEVFVND CÓ những khả nặng nào bị sập được không anh

    1. Chào bạn, cái đó thì chắc không đâu 🙂

      1. Đinh an Avatar
        Đinh an

        Em đang đầu tư etf vn30 50% và fuevfvnd 50% anh có thể cho e xin nhận định về đầu tư dài hạn được không ạ
        Nếu đầu tư dài hạn FUEVFVND thì có nguy hiểm không ạ ( kiểu như mất trắng vốn)
        Và anh có thể so sánh giữa danh mục vn30 50% và vnmidcap 50%

        1. Chào bạn, về MIDCAP bạn đọc 2 bài này nha
          1/ https://vohoanghac.com/giu-vung-lo-trinh
          2/ https://vohoanghac.com/nhan-xet-etf-midcap-2023/

          Về việc nguy hiểm kiểu như mất trắng vốn thì thực ra mà nói nếu điều đó thật sự xảy ra thì phải gọi là quá xui luôn, mà cái chuyện này nó ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư nên chúng ta không cần phải để ý tới.

          Về nhận định đầu tư dài hạn thì thật sự là mình không biết và không thể đưa ra câu trả lời cho bạn được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭