Tiền có mang lại hạnh phúc không?

Bài viết này tôi đã viết từ lâu, nhưng những suy nghĩ và ý tưởng về câu trả lời nó phức tạp đến nỗi thay vì dành thời gian cho việc viết, tôi lại ngồi không và suy nghĩ. Thử đặt trường hợp của mình vào nhiều vị trí khác sau, tham khảo câu trả lời của những người quen. Nó phức tạp đến nỗi bài viết này có thể dài gấp nhiều lần nữa.

tiền là công cụ

Đối với tôi, cách tốt nhất ta nên xem tiền như là một loại công cụ, và như bao công cụ khác nó có hai mặt: cũng có thể giúp ích hoặc là phá hoại. Giá trị của nó và mức độ hạnh phúc nhận được tùy thuộc vào người sử dụng.

Tiền có khả năng khuếch đại. Ý của tôi rằng, bản tính con người không bao giờ thay đổi cho dù thế nào đi chăng nữa. Không thể nói một ai đó bắt đầu xấu tính, chảnh chọe, khoe mẽ sau khi có nhiều tiền. Mà chính là bởi vì tiền mà bản tính đó của họ được bộc lộ rõ rệt hơn. Nếu một con người có tâm lý khỏe mạnh hay tình thương người thì tiền sẽ giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, còn trong trường hợp một ai đó vốn dĩ xấu tính thì tiền sẽ khuếch đại cái tính ấy lên. Một người nghiện ma túy có nhiều tiền thì khả năng tử vong cao hơn là người nghiện ít tiền bởi vì dư dả tiền bạc nên họ tha hồ hút chích. Một người mà vốn dĩ là người khó ưa nhưng lại giàu có, thì sẽ lại càng dễ dàng trở nên khó ưa trong mắt người khác, và dĩ nhiên kết quả là không cảm thấy hạnh phúc hơn.

Một số thì hay nói rằng: “Tiền có thể mua được sách chứ không phải tri thức, tiền có thể mua được giường chứ không mua được giấc ngủ, nên tiền không mang lại hạnh phúc”. Tôi thấy quan điểm này rất sai lầm vì họ đã bị lạc đề. Bởi vì, bản thân tiền nó không làm những người này cảm thấy không hạnh phúc mà chính là việc họ không sử dụng nó đúng cách. Dùng tiền để mua sách, nhưng về không đọc, dùng tiền mua giường nhưng lại để bản thân phải âu lo vì những việc khác dẫn đến khó ngủ… những cái đó đều xuất phát từ chính bản thân, từ chính cái hành động và suy nghĩ của ta mà nên chứ không phải do tiền.

Một trường hợp mà tiền không mang lại hạnh phúc tôi thấy rõ rệt nhất và bản thân tôi đã trải qua đó chính là: Thà không có nhiều tiền ngay từ đầu còn hơn là có nhiều tiền rồi mất tất cả. Dành cả một quãng thời gian kiếm tiền rồi nó lại vụt mất trong nháy mắt. Cuộc sống bỗng khó khăn, cả thế giới sụp đổ, bầu trời đen kịt, ngay cả cái chậu cây ngoài hiên cũng khô héo, tôi thì lầm lì khó tính và giận hờn với cả một thứ siêu linh gọi là Ông Trời…

“Nếu có thể giải quyết được vấn đề, thì việc gì phải buồn phiền?

Nếu vấn đề đó không thể giải quyết được, thì buồn phiền có ích chi?”

Tất nhiên vết thương nào cũng cần thời gian để hồi phục. Sau này tôi thấy tất cả đều do lỗi của tôi mà thành ra cả, nên, mặc xác nó dù gì chuyện cũng đã xảy ra rồi. Bằng cách không để những suy nghĩ chán nản còn tồn tại trong đầu, tôi bỏ lại mọi thứ và tiếp tục. Cuộc sống dường như trở nên “màu sắc” hơn kể từ đó.

Sự hài lòng khác với hạnh phúc

Có sự hiểu lầm về việc “tiền có mang lại hạnh phúc không?” đó chính là sự khác biệt giữa sự hài lòng và hạnh phúc.

Chúng ta đặt mục tiêu cho bản thân dựa trên những thứ mà chúng ta nghĩ rằng đó là mong muốn của mình. Thực tế, một trong những nguyên tắc cơ bản của kinh tế học đó chính là người ta luôn biết những cái họ thích và không thích. Nhưng, ta thường nhận ra một điều rằng những thứ mà ta nghĩ ta sẽ cần nó trước khi thực sự sở hữu nó thường không phải là những thứ ta thực sự cần khi mà đã có nó. Đó là lý do tại sao số tiền mà chúng ta dành để chi trả cho những thứ đắt tiền mang lại một sự hài lòng không bền vững.

Việc bỏ tiền ra mua các món đồ như những chiếc điện thoại đời mới, giày dép hàng hiệu hay các món đồ trang sức đắt tiền, theo đuổi những cái sang trọng nó mang lại cho ta sự hài lòng chứ không phải là hạnh phúc. Nó rất hời hợt. Bởi mục đích chính của việc vung tiền vào sỡ hữu các món đồ đắt tiền, đích đến của nó đó chính là cho người khác thấy mình sỡ hữu một món đồ có giá cao và cảm thấy hài lòng về điều đó (vì biết đâu người ta sẽ ngưỡng mộ và trân trọng mình hơn). Hay thậm chí ta không chi tiêu vào các món đồ xa xỉ mà chỉ là các món đồ nhỏ nhặt đi chăng nữa thì cái chúng ta theo đuổi vẫn là sự hài lòng và theo đuổi sự hài lòng không bao giờ mang lại hạnh phúc bền vững. Nhưng nếu ta mang món đồ ấy đi tặng một người thân yêu thì chắc chắn người ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc (trong một khoảng thời gian).

Sở hữu nhiều tiền ngoài việc ảnh hưởng đến tâm lý chi tiêu, tiền còn cho ta khả năng để giúp đỡ những người mà ta yêu quý trong gia đình, bạn bè hay những ai đang cần nó. Như khi đề cập đến chuyện vì lợi ích của một ai đó như bệnh tình của đứa bạn hay gia cảnh của đứa cháu đang khó khăn thì tôi lại có thể cho đi dễ dàng. Tôi dành một phần tiền từ thiện để ủng hộ startup Spiderum ngay từ lúc thành lập, đây là sân chơi dành cho những ai thích viết lách và tác giả có thể nhận được tiền ủng hộ từ người đọc. Tôi vẫn nhớ cái hồi đầu ra mắt, trên đây có nhiều bài viết về tâm sự cuộc đời, một số thì sử dụng để đăng tải các bài viết dạng nhật ký cá nhân đọc thấy rất dí dõm, đặc biệt còn có người mang cả chuyện thất tình lên để bày tỏ cảm xúc hay là một tác giả giấu tên đăng tải chuyện tình xưa lắc của mình. Lạ thay tôi lại thích đọc những bài như thế này vì nó cho tôi thấy cuộc đời có rất nhiều màu sắc. Tôi tôn trọng những ai thích viết lách và đối với những người viết mới mặc dù bài viết có vài chỗ không hay nhưng tôi luôn ủng hộ họ và mong họ sẽ tiếp tục công việc. Giống như Spiderum, tôi cũng thường xuyên ủng hộ cho các tác giả trên Medium, cũng là một nơi dành cho những người thích viết.

Hay những đợt quyên góp tiền giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh. Người nhận được số tiền đó chắc chắn sẽ thấy cuộc đời tươi sáng hơn vì có tiền để tiếp tục chữa bệnh (tiếp tục níu kéo hy vọng), dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn sẽ hạnh phúc hơn là không có tiền để chữa bệnh. Nếu không có tiền, họ sẽ hối tiếc vì biết đâu nếu có tiền thì bệnh tình sẽ được chữa khỏi. Còn nếu có tiền nhưng mà chữa không khỏi thì họ sẽ cảm thấy đỡ hơn vì họ đã làm hết sức. Đồng tiền trong trường hợp này giúp giải tỏa cảm giác tội lỗi đi rất nhiều.

Những việc “cho đi” đó liệu có thực sự mang lại hạnh phúc cho chính bản thân ta hay ta chỉ cảm thấy hài lòng với bản thân, với cuộc đời khi làm những việc đó. Tôi nghĩ, liệu có thể nào chỉ những người “nhận” mới thực sự cảm thấy hạnh phúc?

Tiền và công việc lương cao

Đây là lý do chính mà nhiều người cho rằng “tiền không mang lại hạnh phúc”.

Khi nhắc đến công việc lương cao, quà khuyến mãi sẽ là: stress. Ta được trả tiền nhiều hơn vì đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức hơn những người khác. Những thứ để đánh đổi cho số tiền đó là: nhiều lúc ngủ không ngon, thời gian dành cho gia đình và bạn bè ít đi hay là vì quá chú tâm đến công việc nên bạn hoàn toàn không có thời gian dành cho sở thích cá nhân của mình. Chưa kể ta còn có thể bị mắc vào các khoản nợ (mua nhà, mua xe…). Lương cao, nhu cầu chi tiêu cao, nợ nần nhiều cuối cùng nó kéo chúng ta vào một cái vòng lập vô định đó chính là không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục duy trì cuộc sống như vậy. Nếu ta bỏ ngang giữa chừng thì sẽ không có tiền trả nợ, và vì nhu cầu chi tiêu cao đòi hỏi phải có nhiều tiền… cứ thế nó thúc ép ta phải liên tục chạy.

Và để rồi khi nhìn lại thì ta mới nhận ra rằng ta không thật sự hạnh phúc với cuộc sống này. Tuy nhiên,[su_highlight]tiền không phải là tác nhân làm ta thấy không hạnh phúc mà đó chính là hành động theo đuổi tiền bạc đã khiến chúng ta như vậy.[/su_highlight]

Bản tính của con người là ghen tị. Nó có hai mặt tốt và xấu. Tốt chính là khi nhờ ghen tị mà ta thấy bản thân thấp kém để ra sức phấn đấu trở nên tốt hơn. Và xấu là khi để điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống.

Ví dụ: bạn xây một căn nhà bự nhất trong một khu phố trung lưu. Trường hợp khác bạn vẫn xây ngôi nhà đó nhưng lại là trong một khu phố toàn đại gia, nhà của họ to gấp mấy lần nhà bạn. Chi phí bạn bỏ ra ở cả hai trường hợp như nhau. Vậy thì khu phố nào sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc hơn? Chắc chắn bạn sẽ thấy hạnh phúc về cuộc sống của mình khi sống ở khu phố trung lưu hơn là khu phố đại gia.

Hay một ví dụ cụ thể hơn: bạn và đồng nghiệp trong cùng một công ty, một chức vụ như nhau nhưng lương của người đó lại cao hơn bạn rất nhiều. Liệu bạn có thấy ghen tị hay căm ghét người đó khi mà bản thân năng lực và công suất như nhau nhưng mình lại không được đối đãi tốt không? Chắc chắn đại đa số sẽ cho là . Việc một cá nhân nào đó hưởng lương thấp hơn những người khác dù cùng vị trí thì người đó sẽ cảm thấy ít hạnh phúc hơn về công việc và tiền lương của họ (kể cả khi người đó thực sự giàu có). Mặc khác, ta có thể nói rằng, việc một người X nào đó hưởng lương cao hơn đồng nghiệp của mình có thể còn cảm thấy hạnh phúc hơn một người Y dù tiền kiếm được nhiều hơn người X rất nhiều nhưng những đối thủ của người Y lại kiếm được nhiều tiền hơn.

Tại sao người Y dù kiếm được nhiều tiền hơn người X nhưng lại không thấy hạnh phúc bằng? Bởi vì người Y đã chọn đối tượng để so sánh là những người kiếm nhiều tiền hơn mình, nếu người Y so sánh bản thân với người X thì chắc chắn người Y sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng, cuộc sống không như vậy, con người cũng không như vậy. Khi đã kiếm được nhiều tiền họ lại cố gắng để kiếm nhiều tiền hơn nữa.

[su_highlight]Chúng ta tham gia cuộc đua làm giàu này nhưng có khi nó lại còn làm cho chúng ta thấy mình còn nghèo hơn.[/su_highlight]

Ta không thể dừng xe lại bằng cách chạy nhanh hơn: [su_highlight]theo đuổi công việc lương cao với hy vọng việc sử dụng số tiền kiếm được để mang lại cho ta hạnh phúc. Sau tất cả thì, chúng ta càng dành nhiều thời gian cho công việc lương cao để có nhiều tiền hơn nhằm theo đuổi cái hạnh phúc trong tưởng tượng, thì chúng ta không còn thời gian cho những thứ sẽ mang lại hạnh phúc thật sự của cuộc đời mình.[/su_highlight]

“Hạnh phúc của cuộc đời tùy thuộc cách suy nghĩ của bạn về nó.”

Marcus Aurelius, Meditations.

 

[su_divider top=”no” style=”dotted” size=”8″]

Series Đi Tìm Hạnh Phúc:

Ý nghĩa của tiền với hai vị tỷ phú

Ý nghĩa của tiền với hai vị tỷ phú

 


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


One response

  1. Hay lắm bạn, tui cũng định viết những suy nghĩ của mình về tiền nhưng sau khi đọc bài viết của bạn thì tui thấy mình không cần phải viết nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *