Danh mục chỉ có vàng và ETF sẽ hoạt động ra sao?

Cuối năm 2020, tôi có viết một bài “Danh mục All Weather của Ray Dalio” bàn về việc tạo một danh mục Bất Chấp Thời Tiết (rủi ro, khủng hoảng) trên thị trường tài chính dựa trên công thức của Ray Dalio. Danh mục này bao gồm:


Mục đích của ông không phải là cố gắng phán đoán tương lai xem nó sẽ như thế nào. Ông cho rằng có 4 môi trường mà nhà đầu tư cần xem xét:

  • Giá tăng (lạm phát)
  • Giá giảm (giảm phát)
  • Nền kinh tế tăng trưởng hơn kỳ vọng
  • Nền kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng

Và ông đề xuất nhà đầu tư nên có 30% cổ phiếu trong danh mục do cổ phiếu nhiều rủi ro. 55% vào trái phiếu để hạn chế biến động giá của cổ phiếu tác động lên danh mục.

Sau 3 năm, có 2 sự kiện làm tôi thay đổi quan điểm đầu tư liên quan đến vấn đề này:

  • Giá chứng chỉ quỹ mở trái phiếu TCBF bị sụt giảm cuối năm 2022. Trong những thời điểm rối ren, thậm chí một loại hình đầu tư mà chúng ta cho rằng an toàn vẫn có thể trở nên tràn đầy rủi ro. Nếu chỉ giảm bình thường thì không nói gì nhưng lại có hiện tượng đột biến rút tiền gửi khiến cho giá chứng chỉ quỹ về bằng với mốc của 3 năm trước.
  • Ra mắt ETF MIDCAP (mã: FUEDCMID) cuối năm 2022. Tiềm năng tăng trưởng tốt vì có nhiều cổ phiếu tăng trưởng chất lượng cao trong rổ cổ phiếu. Tôi đã viết bài phân tích tại đây.

Qua nhiều năm viết bài, tôi nhận ra rằng phần lớn các nhà đầu tư thường quan tâm đến lợi nhuận hơn là cách phòng ngừa rủi ro.

Ý tưởng danh mục All Weather nghe thì hay đó, nhưng nếu tỷ suất sinh lợi thấp thì không đủ sức thu hút. Đặc biệt, thị trường tài chính Việt Nam lại không giống Mỹ.

Vậy nếu có một loại danh mục vừa công, vừa thủ toàn diện mà lại vô cùng đơn giản để áp dụng thì bạn thấy sao?

Không như những nhà đầu tư khác khi họ quyết liệt so sánh các loại tài sản với nhau để đi tìm thứ tốt nhất để đầu tư. Tôi thì đi tìm một giải pháp để có sự hòa hợp trong danh mục.

Trong bài viết này, bạn sẽ hiểu thêm về nhận định tại sao “Không nên mua vàng” trong bài viết “Lê Anh Tuấn – Dragon Capital – Quản lý danh mục” trước đó.

Ở bài viết All Weather năm 2020, chúng ta có rất ít dữ liệu: chỉ có 1 Bull và 1 Bear Market cho nên tôi nghi ngờ tính khả thi của ý tưởng này. Cho tới thời điểm cuối năm 2023, chúng ta đã có tổng cộng 2 Bull và 2 Bear Market, dữ liệu đã đủ nhiều để có thể phân tích vấn đề.


Dữ liệu trong bài

ETF: Vì rất khó để đưa ra khuyến nghị mua một cổ phiếu nào đó cho nên tôi lựa chọn sử dụng dữ liệu ETF để phân tích. Ngoài ETF E1VFVN30 (mô phỏng VN30-TRI) tôi còn sử dụng thêm dữ liệu MIDCAP-TRI để làm đại diện cho ETF FUEDCMID.

TCBF: Quỹ mở trái phiếu của Techcombank.

Vàng: Công thức quy đổi: giá vàng quốc tế * tỷ giá USD/VND * 1.20565 sẽ cho ra sát với giá vàng nhẫn.

Tỷ suất sinh lợi của các danh mục đều được điều chỉnh lạm phát cho phù hợp với mục tiêu của bài viết. (bấm để đọc giải thích)

Trong bài viết trước, tôi tính tăng trưởng sau lạm phát đơn giản bằng cách lấy tăng trưởng danh nghĩa trừ cho chỉ số lạm phát. Nhưng trong bài viết này, tôi sẽ áp dụng phương pháp tính: ((1 + tăng trưởng danh nghĩa) / (1 + chỉ số lạm phát)) – 1.

Ngoài ra, có 2 phương pháp tính tăng trưởng sau lạm phát:

1- Tính tăng trưởng của từng loại tài sản sau lạm phát rồi tính tăng trưởng thực của danh mục.

2- Tính tăng trưởng danh nghĩa của danh mục rồi điều chỉnh cho lạm phát.

Phương pháp 1 sẽ giúp nhà đầu tư hiểu về sự tác động của lạm phát lên từng loại tài sản trong danh mục. Phương pháp 2 đơn giản hơn khi cho biết tăng trưởng của danh mục như thế nào sau khi điều chỉnh cho lạm phát.

Tôi sử dụng phương pháp thứ 2 trong bài này.

Vì các dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau cho nên tôi sẽ sử dụng giá vào ngày cuối tháng để phân tích.


Thành quả đầu tư ETF E1VFVN30

Bao gồm 4 danh mục:

  1. Danh mục All Weather (gốc): Tỷ trọng 30% ETF, 55% TCBF và 15% Vàng.
  2. Danh mục 100% ETF VN30
  3. Danh mục 100% Vàng (nhẫn)
  4. Danh mục All Weather (Việt Nam): với tỷ trọng 50% ETF và 50% Vàng

Tăng trưởng của 4 danh mục đều đã được điều chỉnh cho lạm phát.

Tăng trưởng vàng và ETF VN30
Bảng tăng trưởng đầu tư vàng và etf

1 – Tăng trưởng của ETF là vô cùng lớn trong Bull Market. Nhưng kèm theo đó là xu hướng sụt giảm mạnh trong Bear Market.

2 – Tăng trưởng của vàng là 5,1%/năm sau lạm phát. Thấp nhất trong 4 danh mục.

3- Danh mục chỉ có mỗi vàng thì không cho tăng trưởng nổi bật. Nhưng nếu kết hợp đầu tư cả Vàng và ETF VN30 thì nhà đầu tư sẽ có một danh mục tốt hơn.

Tăng trưởng hằng năm của vàng, etf vn30

Biểu đồ trên không có tác dụng gì nhiều trong việc phán đoán xem loại tài sản nào sẽ tăng giá mạnh trong tương lai.

Hay có thể nói: mong muốn đầu tư vào một loại tài sản luôn luôn tăng trưởng hằng năm là một hy vọng hão huyền.

Ví dụ: Năm 2020 bạn thấy giá vàng tăng mạnh và quyết định đầu tư vào vàng. Sang năm 2021 thì tăng trưởng của vàng lại thấp hơn ETF VN30. Ngược lại, bạn đầu tư vào ETF VN30 vì thấy năm 2017 lợi nhuận quá to lớn, sang năm 2018 lại thấy hối hận về quyết định đó.

Mặc dù giá vàng và ETF VN30 thường di chuyển ngược chiều nhau: có thời điểm thì ETF thắng, thời điểm còn lại thì vàng thắng. Nhưng chỉ bằng cách kết hợp 2 loại tài sản này lại với nhau, chúng ta có thể tận dụng được sự tăng giá của 1 tài sản trong khi tài sản kia bị giảm như một cơ chế vừa công vừa thủ.

Chúng ta không cần phải phân vân lựa chọn đầu tư vàng hay cổ phiếu. Thay vì dồn tiền cho một loại tài sản thì phân bổ đều cho mọi thứ lại tốt hơn hẳn. Danh mục vẫn tăng trưởng tốt cho dù thị trường có như thế nào đi chăng nữa và hơn hết là không còn phải gặp cảnh hối tiếc “đứng núi này trông núi nọ”.

Điều đặc biệt là danh mục All Weather theo phong cách Việt Nam này lại cho tỷ suất sinh lợi tốt hơn All Weather (Mỹ).

Rủi ro sụt giảm từ đỉnh thì sao?

rủi ro thua lỗ khi đầu tư vào etf vn30 và vàng

Cho dù đầu tư cái gì cũng không giúp chúng ta thoát được cảnh thua lỗ. Nhưng mức độ sụt giảm lớn nhất là vào khoảng -20%. Vẫn tốt hơn là đầu tư 100% ETF.


Thành quả đầu tư ETF MIDCAP

Bắt đầu từ năm 2023, tôi có lựa chọn thêm ETF MIDCAP vì tiềm năng tăng trưởng của ETF này. Bởi vì ETF MIDCAP mô phỏng bộ chỉ số MIDCAP-TRI nên tôi sẽ sử dụng dữ liệu của chỉ số này trong bài viết.

Tăng trưởng của etf midcap FUEDCMID và vàng
Bảng tăng trưởng đầu tư vàng và etf midcap FUEDCMID

Kết quả cũng tương tự như đầu tư ETF VN30.

Danh mục kết hợp giữa Vàng và ETF lại cho kết quả tốt hơn so với danh mục chỉ đầu tư vào vàng. Còn tăng trưởng của ETF MIDCAP thì như những bài tôi đã phân tích ở các bài viết trước, trong dài hạn thì vàng không phải là đối thủ. Chúng ta có thể thay thế MIDCAP bằng quỹ mở cổ phiếu DCDS.

Đầu tư riêng lẻ MIDCAP có thể giúp mang lại lợi nhuận lớn trong dài hạn, nhưng trong trường hợp thị trường đỏ lửa thì đó lại là thứ giảm mạnh nhất. Những nhà đầu tư không có kinh nghiệm, không kiểm soát tốt cảm xúc và không biết đang làm gì… thì không nên đầu tư mỗi MIDCAP.

Sau khi điều chỉnh cho lạm phát, vàng vẫn là một tài sản không mang lại tăng trưởng bằng 3 danh mục còn lại.

MIDCAP có tăng trưởng tốt, nhưng mức độ thua lỗ cũng lớn hơn 3 danh mục còn lại. Chúng ta có thể hạn chế thua lỗ bằng việc đầu tư thêm vàng.

Tỷ suất sinh lợi bình quân etf midcap FUEDCMID và vàng

Kết quả tương tự như với đầu tư ETF VN30. Nhờ có cả vàng và ETF mà danh mục All Weather Việt Nam có tỷ suất sinh lợi vượt trội.


Kết luận

Bảng tăng trưởng đầu tư vàng và etf vn30
Bảng tăng trưởng đầu tư vàng và etf midcap FUEDCMID

Bằng cách đầu tư kết hợp cả ETF lẫn vàng, nhà đầu tư sẽ có một danh mục tốt hơn so với việc chỉ đầu tư riêng lẻ 1 loại tài sản. Tốt hơn ở đây là:

  • Tăng trưởng tốt. Công thủ toàn diện.
  • Ổn định tâm lý cho nhà đầu tư. Điều này quan trọng nhất bởi vì nhà đầu tư hay có xu hướng ra quyết định sai lầm khi bị lòng tham hoặc sự hoảng loạn chi phối.

Nhớ lại phương pháp đầu tư mà tôi đã bàn trong bài viết:

Khi mà giá ETF tăng cao (khiến tỷ trọng ETF nhiều hơn vàng), chúng ta tiến hành tái cân bằng tỷ trọng danh mục làm cho tỷ trọng của cả ETF lẫn vàng đều bằng nhau.

Giống như việc: dừng mua một tài sản khi có dấu hiệu nóng sốt, và thay vào đó là mua một loại tài sản chưa tăng giá (hoặc đang sụt giảm).

Đối với những người đi làm, không có thời gian theo dõi thị trường và đang có mong muốn đầu tư với mục đích tích lũy thì không nên dồn tiền vào duy nhất 1 loại tài sản.

Bất cứ loại tài sản nào cũng có giai đoạn của nó. Có tăng rồi cũng sẽ có giảm. Chúng ta đừng để tâm lý kiếm tiền nhanh làm ảnh hưởng đến việc đầu tư trong dài hạn. Phân bổ là cách duy nhất giúp danh mục chúng ta có thể đi xa hơn.


Đây là bài viết số 50, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


2 responses

  1. Ninh Pham Avatar
    Ninh Pham

    Mình nghĩ danh mục All Weather tuy không sinh lợi cao nhất, nhưng nó khá ổn định (những lúc thị trường biến động), việc này giúp ổn định tâm lý NĐT. Suy cho cùng, người có thời gian đầu tư lâu nhất sẽ là người thắng cuộc, trò chơi tâm lý trong dài hạn thực sự là vấn đề lớn, đôi khi hy sinh TSSL để giữ một tâm lý tốt là một thứ đáng để đánh đổi.

    1. Mình đồng ý. Vấn đề lớn nhất và cũng quan trọng nhất ở đây chính là tâm lý của nhà đầu tư. Đặc biệt là những lúc thị trường đỏ lửa dễ khiến cho nhà đầu tư nãn lòng và nghi ngờ kế hoạch mà họ đã vạch ra.

      Còn một điều quan trọng không kém nữa là nhà đầu tư nên suy nghĩ về vấn đề tạo một danh mục cho phù hợp với thời đại ngày nay khi mà liên tục có những xung đột và căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭