Sai lầm đầu tư quỹ cổ phiếu mà người thông minh cũng mắc phải

Tôi đã viết rất nhiều bài viết về chủ đề đầu tư chứng chỉ quỹ mở từ năm 2019. Càng theo dõi nhiều thì quan điểm về đầu tư quỹ mở của tôi càng thay đổi liên tục (theo hướng tích cực hơn).

Tôi cũng có tham gia các hội nhóm đầu tư quỹ mở và nhận ra một mô típ đầu tư luôn luôn tồn tại ở cả hai chu kỳ bull và bear market. Đó chính là:

  • Các nhà đầu tư luôn lựa chọn những quỹ mở đã có tăng trưởng tốt ở năm trước và,
  • Có xu hướng bán ngay lập tức khi cảm thấy không hài lòng về lợi nhuận.

Việc này xuất hiện phổ biến ở cuối chu kỳ bull market (khi lợi nhuận tăng cao làm kích thích lòng tham) và trong bear market (khi thị trường giảm khiến các nhà đầu tư lo sợ).

Để mô tả rõ hơn về cái bẫy này, tôi lấy một trường hợp như sau.

Sai lầm khi đầu tư quỹ mở

Năm 2021 là một năm cực “vui vẻ” của thị trường chứng khoán.

Bạn đọc được các bài báo như thị trường năm 2021 tiếp tục tăng trưởng vượt mong đợi, top các quỹ mở không thể bỏ qua… Ai cũng kiếm được tiền nên họ ngày càng bạo dạn hơn trong việc ra quyết định đầu tư. Và cũng có nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm “nhảy” vào thị trường.

Đầu năm 2022, nếu phải lựa chọn quỹ mở thì bạn sẽ dựa vào thông tin nào?

Có một thông tin mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể tìm được và nó rất dễ hiểu. Chỉ cần nhìn sơ qua là có thể đánh giá được ngay, đó chính là:

Tăng trưởng quỹ mở cổ phiếu năm 2021

Cách mà các nhà đầu tư thường dùng để đánh giá quỹ mở tốt hay xấu là dựa vào tăng trưởng của năm trước đó.

Điều này hoàn toàn có lý. Cũng giống như trong cuộc sống. Chúng ta có xu hướng mua hàng xịn và từ chối những loại hàng chất lượng thấp.

Dựa vào thông tin trên, kèm theo sự hưng phấn của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn ngay những quỹ mở top và tưởng tượng rằng mình sẽ đạt được lợi nhuận tương tự trong tương lai.

Tâm lý đầu tư này rất phổ biến, bất kể hình thức đầu tư nào đi chăng nữa:

“Mặt khác, những nhà đầu tư ngắn hạn lựa chọn hình thức đầu tư vào ETF và kì vọng rằng họ sẽ tiếp tục được hưởng lãi cao như trong quá khứ, chắc chắn sẽ thấy hối hận về quyết định này.”

Suy nghĩ về đầu tư ETF – vohoanghac.com

Không may cho các nhà đầu tư mới trong năm 2022. Việc lựa chọn quỹ top của năm 2021 đã không mang lại kết quả tốt đẹp.

Tăng trưởng quỹ mở cổ phiếu năm 2022

Kết thúc năm 2022, chúng ta có một kết quả hoàn toàn trái ngược. Những quỹ không nổi trội trong năm 2021 lại hoạt động “tốt” hơn các quỹ nằm ở top trên.

Đầu tư quỹ mở nào trong năm 2023?

Câu chuyện trên không phải hàm ý rằng bạn nên mua những quỹ mở “xấu” trong hiện tại để tương lai nó đảo ngược tình thế.

Tôi không biết quỹ mở nào sẽ hoạt động tốt trong tương lai nhưng dựa theo kinh nghiệm của tôi thì có 5 điều mà tôi đúc kết được thời gian qua.

1. Thời điểm đầu tư quỹ mở tốt là bây giờ

Vào tháng 08/2020, 5 tháng sau khi thị trường giảm mạnh do tin COVID, tôi đã viết một bài về “Nên đầu tư quỹ nào?” và có kết luận:

Nên đầu tư lúc giá chứng chỉ quỹ bị hạ thấp như hiện tại, và nắm giữ đến khi tăng trưởng trở lại và tăng nóng như đợt 2016, 2017 thì nên rút không nên “ôm” lâu.

Nói cách khác, thời điểm tốt nhất để đầu tư là ngay bây giờ – trong bear market hiện tại. Lúc mà ai cũng mang chứng chỉ quỹ ra bán thì chúng ta nên bắt đầu mua vào.

Giá giảm là cơ hội để đầu tư. Hãy xem câu chuyện mà tôi vừa kể ở trên là một bài học về việc buy high & sell low.

(Lưu ý rằng khi tôi nói tốt thì có nghĩa rằng giá chứng chỉ quỹ đang thấp. Không phải nói hiện tại là đáy, các bạn hãy all-in)

2. Phương pháp đầu tư cho người e ngại rủi ro

Nếu bạn lo sợ thị trường sẽ tiếp tục “đi xuống” khi bạn mua chứng chỉ quỹ mở thì hãy áp dụng phương pháp DCA mà tôi đã viết.

Chúng ta sẽ liên tục DCA trong bear market cho đến khi thị trường tăng nóng trở lại thì dừng. Thay vì tiếp tục thì hãy bán bớt hoặc gửi tiền tiết kiệm để hạ rủi ro cho danh mục.

Đầu tư là phải có kế hoạch cụ thể. Nếu bạn đã chạm mốc kế hoạch đặt ra thì hãy mạnh dạn rút khỏi cuộc chơi này.

3. Vị thế của các quỹ mở có thể bị đảo ngược

Trong năm 2021, VESAF đã mang lại lợi nhuận vượt trội (63%). Lớn hơn cả DCDS (54%), một quỹ danh tiếng trên thị trường. Thế là một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư cá nhân đã lựa chọn VESAF thay vì DCDS.

Nhưng ít ai chú ý rằng thời điểm trước năm 2019 thì DCDS lại tốt hơn VESAF.

Lý do tại sao VESAF từ năm 2019 bắt đầu hoạt động tốt là vì họ đã có một sự thay đổi lớn: người điều hành quỹ.


Màu đỏ: DCDS. Màu xanh: VESAF.

Nguồn: Dashboard blog vohoanghac.com (Dữ liệu tới tháng 02/2023)


Một nước cờ làm thay đổi cuộc chơi toàn diện.

Và mới đây tháng 10/2022, DCDS đã ra thông báo thay đổi người điều hành. Có thể nhìn nhận đây là mong muốn lấy lại ngôi vương của DCDS bởi vì 3 năm trở lại đây quỹ DCDS hầu như thua kém VESAF hoàn toàn.

4. Nên lựa chọn các quỹ tốt hoạt động lâu dài

Việc các nhà đầu tư lựa chọn VESAF năm 2022 là đã chọn đúng quỹ nhưng do sai thời điểm mà dẫn đến khoản đầu tư bị thua lỗ. Nên bạn đừng nghĩ rằng lựa chọn VESAF là sai lầm.

Có thể chỉ ra một vài quỹ mở cổ phiếu đã hoạt động lâu dài: DCDS, VESAF, SSI-SCA, VCBF-BCF.

Tôi cho rằng, những quỹ mà đang hoạt động tốt trong dài hạn thì sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong tương lai. Giống như kết luận trong bài viết đầu tư quỹ mở theo lợi nhuận trong quá khứ. Cho tới thời điểm này là như vậy.

Như câu chuyện thay đổi người quản lý quỹ và “lời nguyền” hồi quy về mức trung bình (Regression toward the mean), quỹ mở cổ phiếu đang hoạt động không tốt có thể đột ngột bức phá hoặc quỹ đang hoạt động tốt lại tự nhiên bị thua lỗ thảm hại.

Tôi biết rằng không nên nhận xét về một quỹ nào đó vì tương lai có thể sẽ thay đổi. Nhưng chúng ta không có nhiều thứ để hỗ trợ cho việc ra quyết định đầu tư. Cái bất lực ở đây là ta không biết tương lai thế nào nên phải sử dụng dữ liệu quá khứ.

Để chắc ăn hơn, tôi đã dùng dữ liệu trong dài hạn và hy vọng rằng thành tích trong dài hạn sẽ giúp ra quyết định tốt hơn thành tích trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn thì quỹ sẽ thay đổi người điều hành, không có gì đảm bảo rằng người cũ sẽ hoạt động tốt hơn người mới. Chỉ còn lại yếu tố duy nhất có thể trông cậy là truyền thống của quỹ.

5. Luôn để dành một phần tiền mặt

Đầu tư trong bear market không phải là một công việc dễ dàng. Chúng ta sẽ phải nắm giữ khoản đầu tư đó khá lâu trước khi nó tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, để tâm lý luôn luôn thoải mái thì bạn hãy để dành một phần tiền mặt dự phòng. Đây có thể là khoản tiền để dành DCA cho những tháng sau hoặc đơn giản tiền tiết kiệm.

Bạn sẽ nghĩ rằng để dành tiền không mang lại lợi nhuận, đầu tư hết không phải tốt hơn sao? Đó là nếu thị trường đi lên. Còn nếu chúng ta đầu tư hết tất cả trong bear market mà khoản đầu tư không hề tiến triển thì sao?

Để dành tiền không giúp bạn giàu lên nhưng khoản “đầu tư” này sẽ mang lại lợi nhuận to lớn về mặt tâm lý. Đầu tư không phải là cuộc thi xem ai là người giỏi nhất. Bạn nên xác định trong trò chơi này bạn là nhân vật chính và phải cố gắng trụ lại càng lâu càng tốt. Vì thế, hãy biết kiểm soát lượng “đạn” của bạn.


Chú thích

1- Quan điểm tốt/xấu đối với mỗi người là khác nhau. Người e ngại rủi ro sẽ lựa chọn đầu tư quỹ cân bằng, còn người thích rủi ro sẽ lựa chọn quỹ cổ phiếu…

2- Nguồn dữ liệu: Fmarket. Dữ liệu trong biểu đồ được tính theo tháng nhằm mục đích vẽ biểu đồ nên sẽ có chênh lệch so với việc tính giá cuối năm chia cho đầu năm. Lý do là bởi vì các quỹ đăng tin giá chứng chỉ quỹ vào các ngày khác nhau, làm cho việc vẽ biểu đồ trở nên phức tạp hơn rất nhiều nên bắt buộc tôi phải quy ra tháng. Các bạn hãy yên tâm là sự chênh lệch này không có tác động gì đến quan điểm trong bài viết.

3- Hiện tại, Fmarket, nền tảng giao dịch chứng chỉ quỹ mở, đang có chương trình giới thiệu. Nếu bạn sử dụng đường link này để đăng ký thì bạn sẽ nhận được 50.000 đồng vào tài khoản.

4- Dashboard blog vohoanghac.com đã được cập nhật dữ liệu tới tháng 02/2023.

5- Cũng như các bài viết khác thì bài viết này nên được nhìn nhận là một bài viết cung cấp thông tin chứ không phải khuyến nghị đầu tư. Bạn hãy đọc qua Cách sử dụng blog.

6- Đây là bài viết số 34, mọi dữ liệu trong bài viết tôi lưu tại:
https://github.com/vhoanghac/blog


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ tôi bằng cách

🥰🥰🥰


4 responses

  1. Nhìn gì Avatar
    Nhìn gì

    Vozer lùa gà, hiếp dâm con heo đẩy bà già xuống biển, quảng cáo Fmarket. 😒

      1. […] em là người thường xuyên theo dõi blog của bác và có tham gia vào thị trường, em hiểu giá trị những bài viết như thế này.

        1. Cám ơn bạn đã cho mình một lời nhận xét chân thành. 🤩

          Bạn [Nhìn gì] với mình có quen biết trên mạng xã hội, nên bạn ấy comment giỡn thôi chứ không có ý gì cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chào bạn 👋 Blog đã có hơn 100+ bạn đọc subscribe

Hành trình để trở nên thông thái hơn về đầu tư của bạn bắt đầu ngay hôm nay.

Những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thị trường sẽ được gửi đến email của bạn.

👇 Hãy subscribe ngay và luôn để nhận thông báo về bài viết mới nhé

Mình hứa không gửi email spam 🙏

Bỏ qua thông báo này 😭