Bạn có bao giờ nghĩ rằng bạn là một nhà đầu tư theo số đông?
Giả sử bạn vô tình đọc được bài viết về ETF trên một blog vô danh nào đó. Tiếp theo là bạn tham gia vào một diễn đàn chuyên thảo luận về việc đầu tư ETF. Sinh hoạt trong diễn đàn với các nhà đầu tư khác, bạn dần có suy nghĩ rằng “đầu tư ETF mới là cái tồn tại duy nhất. Còn những cái khác, có hay không, không quan trọng”.
Và bạn đã bị vướng “tâm lý bầy đàn”
“Vậy… đầu tư ETF là xấu? – Bạn hỏi
Tôi không nói đầu tư ETF theo số đông là xấu. Nhưng trong đầu tư, chúng ta nên đứng ở phía trung lập để đánh giá vấn đề. Không nên “nghiêng” quá nhiều về một bên.
Các tình huống bầy đàn cụ thể như sau:
- “Đầu tư ETF dài hạn mới là tốt. Đầu tư quỹ mở cổ phiếu là đbrr.”
- “Đầu tư quỹ mở cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt hơn ETF. ETF VN30 chạy mấy năm quay lại con số cũ.”
- “Gửi tiết kiệm là tốt nhất, thị trường chứng khoán lừa đảo, toàn thua lỗ thôi.”
- Trong tiền ảo: “Mua Bitcoin đi, nguồn cung hữu hạn, quyền riêng tư…”
Suy nghĩ kiểu đó không chỉ có hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến việc đầu tư của bạn.
Như bạn thấy, trên blog này tôi đã viết về: chứng khoán, tiền ảo, quỹ mở cổ phiếu, vàng, Bitcoin và cả ETF. Tôi không quá ưu ái phía nào cả. Vì thế, tôi có thể linh hoạt chuyển từ đầu tư cái này sang cái khác mà không hề vướng bận điều gì.
Sự ảnh hưởng lớn nhất của “tâm lý bầy đàn” lên nhà đầu tư cá nhân chính là:
Làm hạn chế khả năng phân tích
Thử hình dung bạn tham gia diễn đàn ETF và mọi người trong đây chê bai quỹ mở cổ phiếu.
Bây giờ bạn có hai sự lựa chọn:
- Nghe theo họ: không đầu tư quỹ mở cổ phiếu mà thay vào đó là mua ETF.
- Tự mình kiểm chứng thông tin và đưa ra quyết định sau.
Đa phần người ta sẽ lựa chọn cách 1 cho nhanh. Tiếp nhận thông tin bao giờ cũng dễ dàng hơn là phải bỏ thời gian và công sức đi tìm hiểu bởi đã có người khác kiểm chứng hộ rồi.
Câu nói của Warren Buffett hàm ý rằng:
Nhà đầu tư cá nhân không nên xin ý kiến về việc nên hay không nên đầu tư. Thay vào đó, họ phải tự nghiên cứu và ra quyết định dựa trên sự hiểu biết của bản thân. Không nên quá tin tưởng vào những lời khuyên trên mạng (kể cả blog này).
Bởi vì bạn không thể thay đổi quan điểm của cái nhóm mà bạn tham gia (cứ thử rồi sẽ thấy hối hận) nên bạn chỉ có thể thay đổi cách tiếp nhận thông tin của bản thân.
Và tôi sẽ cho bạn biết cách hỏi như thế nào mới đúng.
Nếu bạn muốn hỏi, thì hãy hỏi chủ đề dễ gây tranh cãi
Để tránh vướng tâm lý bầy đàn, hỏi điều trái với quan điểm của nhóm.
Bạn muốn mua chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu, hãy lên diễn đàn ETF hỏi:
– “Tại sao không nên đầu tư vào quỹ mở cổ phiếu? Quỹ mở cổ phiếu giảm ít hơn ETF VN30 mà?”
Bạn quan tâm đến việc mua ETF VN30? Lên Facebook hỏi một câu mà có thể gây nhiều tranh cãi nhất có thể:
– “Bạn em nói đầu tư quỹ mở cổ phiếu X lời hơn ETF VN30 chắc em bán hết ETF để mua X quá.”
– “Mua ETF VN30 cả năm trời thua lỗ, biết vậy mua FPT cho rồi. Đầu tư ETF bao giờ mới giàu? Mấy bác mua ETF để làm cái gì vậy?”
Đừng hỏi câu hỏi đơn giản: “Có nên mua ETF VN30 không?”. Bạn sẽ không nhận được thông tin gì hữu ích đâu. Thật sự luôn bởi vì tôi đã gặp rất nhiều tình huống tương tự rồi.
Hãy hỏi thật chi tiết, gây xúc động, phẫn nộ và nên hỏi ngược lại với mong muốn của bản thân. Bạn sẽ nhận được vài chỉ trích nhưng thông tin trong đó có thể có ích trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
Tổng kết
Cách hỏi là một trong những phương pháp quan trọng để thu nhập thông tin.
Nhưng không nên chấp nhận bất cứ thông tin nào mà người khác gửi đến bạn. Phải biết chắt lọc, tự mình nghiên cứu và đánh giá chất lượng thông tin đó trước khi ra quyết định đầu tư để tránh vướng “tâm lý bầy đàn”.
ETF, quỹ mở cổ phiếu, chứng khoán, tiền ảo? Tôi đã từng mất rất nhiều tiền. Có một bài học tôi rút ra được và muốn bạn biết đó chính là: không nên cứng nhắc trong đầu tư.
Có những người từng thua lỗ khi đầu tư vào quỹ mở cổ phiếu và sau đó họ có ác cảm với loại hình đầu tư này.
Nhưng có những người biết tận dụng bear market, để mua quỹ mở cổ phiếu và gặt hái lợi nhuận khi thị trường tăng trở lại, thì họ thích trò chơi này hơn.
Nếu bạn đang có quan điểm “chỉ yêu cái này và ghét cái kia” thì hãy từ bỏ nó đi. Thế giới thay đổi liên tục, quan điểm hôm qua chưa chắc đã còn đúng với ngày hôm nay. Mọi điều bạn từng nghĩ là đúng trong năm 2022 có thể sẽ không còn phù hợp với năm 2023.
Bạn cần phải trở thành một người cởi mở, open-minded, chấp nhận các ý tưởng, quan điểm, thông tin mới cho dù có không phù hợp với bạn. Không chỉ trong đầu tư mà còn cả cuộc sống nữa.
Leave a Reply