Thời gian đọc: 20 minutes
Năm 2023 đã khép lại, tôi muốn gửi lời cám ơn đến tất cả bạn đọc đã dõi theo và luôn ủng hộ tôi trong xuyên suốt năm vừa qua. Những cái comment, những lời động viên của các bạn là động lực rất lớn để tôi tiếp tục cuộc hành trình này.
Những sự kiện tài chính nổi bật năm 2023
Kết thúc năm 2023, VNINDEX đã tăng +8% (đỉnh trong năm là +22% vào tháng 9).
Có thể nói, năm 2023 thị trường đã hoạt động rất tốt mặc dù giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023 không cho thấy tín hiệu tích cực nào.
Tháng 12/2022, tôi có viết một bài về việc “vượt qua nỗi sợ hãi bear market“, trong đó tôi phân tích tại sao Bear Market mới là thời điểm tốt để DCA chứ không phải là chờ lúc thị trường tăng. Không nên quá chú ý đến những dự báo của người khác mà hãy lên kế hoạch nếu tình hình có trở nên xấu hơn thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục đầu tư.
Trong đó, có một biểu đồ về việc các nhà kinh tế học đánh giá khả năng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong năm 2023.
Và dưới đây là kết quả khảo sát của tờ báo Financial Times cuối năm 2022 khi hỏi các nhà kinh tế học dự đoán thời điểm xảy ra suy thoái tại Mỹ. 85% trong số đó cho rằng Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế vào năm 2023.
SP500 đã tăng hơn 25% trong năm 2023.
VNINDEX tăng 8%.
Vàng tăng 11% và Bitcoin còn khủng khiếp hơn.
Đây là một ví dụ điển cho thấy mọi dự báo đều là vô nghĩa. Điều đặc biệt ở đây là cả chứng khoán, vàng lẫn thị trường tiền ảo đều tăng chứ không phải cái này tăng, cái kia giảm nữa.
—
Ngày 10/03/2023, chúng ta chứng kiến ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ, tiếp theo đó là Signature Bank vào ngày 12/03. Niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ bị sụp đổ. Nếu ai đó đọc những tin này, trở nên hoảng loạn báo tháo cổ phiếu và ngồi ngoài thì đã bị lỡ chuyến tàu thị trường tăng 1 tháng sau.
Khi lựa chọn đầu tư trong Bear Market, chúng ta cần phải lên kế hoạch cụ thể, thậm chí lên kế hoạch nếu thị trường trở nên xấu hơn. Chính vì nhờ lên kế hoạch mà chúng ta mới có thêm sự tự tin để đầu tư. Còn nếu cứ đầu tư theo tin tức của hôm nay và ngày mai thì trước sau gì cũng phải gánh chịu thua lỗ.
—
Một điều không ngờ đến là từ tháng 3 đến tháng 06/2023, ngân hàng nhà nước ta liên tiếp giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay… trong khi đó FED vẫn không hề có động thái giảm lãi suất.
Thị trường chứng khoán đón một cơn mưa rào sau bao ngày nắng hạn. VNINDEX đã tăng mạnh 20% từ tháng 3 cho đến tháng 8. Trong thời gian đó, vì giảm lãi suất cho nên đồng VND cũng đã bị mất giá so với USD.
—
Tháng 08/2023. Vinfast niêm yết trên NASDAQ. Nhà đầu tư hồ hởi, phấn khởi mua vì tin đồn trước đó. Và khi sự thật dần dần được hé lộ, nhà đầu tư bắt đầu hiểu chuyện cũng là lúc giá cổ phiếu VIC giảm.
—
29/12/2023. Giá vàng SJC giảm mạnh. Mua vào chỉ còn 71 triệu/cây trong khi 2 ngày trước đó thì giá mua vào ở mức 78 triệu. Nguồn cơn là do:
Hậu quả của việc mua đuổi khiến nhà đầu tư bị thua lỗ trong chớp mắt. Giống như những gì đã từng xảy ra vào đầu năm 2021.
Đầu tư vàng không có gì sai. Nhiều người lựa chọn mua vàng vì tiền mặt luôn luôn bị mất giá trong dài hạn.
Nhưng những người mua vàng với tâm lý đầu cơ, thấy giá vàng tăng thì vội vàng đi mua với mong muốn kiếm lời trong ngắn hạn thì trước sau gì cũng bị thua lỗ.
Tất nhiên, nếu ai mua năm 2021 và cố gắng “ôm” tới bây giờ thì vẫn có lời nhưng liệu có chắc những người đầu cơ đó có dám “ôm” 2 năm trời không hay là vừa mới thấy giảm một tí đã vội vàng đem bán?
Một trong những điều ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nhất: Thấy tài sản mà mình không mua tăng giá như vũ bão.
Là lúc nhà đầu tư đối mặt với: Lòng Tham + Sự Tiếc Nuối.
Tiếc vì đã không mua. Mà thấy giá càng tăng nên lòng tham nổi lên.
Đây là thời điểm nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định sai lầm nhất bởi vì họ để cho cảm xúc lấn át lý trí.
Trường hợp thường thấy là: đem bán hết tất cả để mua cái tài sản đang tăng giá kia.
- Thị trường chứng khoán tăng mạnh năm 2017 và năm 2021.
- Giá vàng tăng mạnh 2019 – 2020.
- Bitcoin tăng mạnh năm 2017 và 2021.
Đừng chờ đến khi báo đài đăng tin thứ gì đó tăng mạnh rồi mới đầu tư.
- Chứng khoán giảm mạnh/sụp đổ năm 2018 và năm 2022.
- Giá vàng tụt giảm năm 2021.
- Tiền ảo sụp đổ năm 2018 và 2022.
Trong lĩnh vực đầu tư, nhiều người cố gắng đi nhanh nhưng lại thành đi chậm.
—
Ngẫm về năm 2023 vừa qua
Phương pháp DCA không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả nhưng trong năm nay nó còn tốt hơn những phương pháp canh me thời điểm thị trường hay dự báo đầu tư bởi chúng ta đã trải qua nhiều sự kiện như đi tàu lượn siêu tốc, khiến mood bị tụt rất nhanh.
Không có gì đặc biệt về phương pháp DCA cả nhưng phương pháp này không yêu cầu bạn phải canh me thị trường, dự đoán lãi suất hay trông ngóng tin tức từ FED… Tôi gọi đây là điểm mạnh của việc “không làm gì cả”.
Cho dù thị trường diễn ra như thế nào:
- Tôi muốn chúc mừng những ai đã luôn giữ vững niềm tin mà thực hiện theo kế hoạch đầu tư đã định.
- Nếu bạn đã DCA lúc thị trường giảm điểm, bạn là một nhà đầu tư thông minh.
- Nếu bạn không hoảng loạn bán khi nghe tin ngân hàng lớn của Mỹ sụp đổ, bạn là một nhà đầu tư bản lĩnh.
- Nếu bạn bỏ lơ những tin tức tiêu cực mà báo chí hay người khác gửi cho bạn, tâm lý bạn rất vững vàng.
- Nếu bạn “không làm gì cả” theo kế hoạch mà bạn vạch ra, bạn là một người biết tuân thủ kỷ luật.
- Nếu bạn biết tận dụng cơ hội giá rẻ để đầu tư, bạn là một người quyết đoán.
Nhưng !!!
Trò chơi đầu tư không bao giờ có hồi kết. Mọi thứ đều có chu kỳ của nó.
Chắc chắn chúng ta sẽ trải qua thời điểm khó khăn hơn trong tương lai.
Sẽ chứng kiến cảnh thị trường giảm điểm như năm 2018, 2020 và 2022.
Nhưng một khi bạn đã có kinh nghiệm “xử lý khủng hoảng” rồi thì tôi tin chắc chắn rằng trong tương lai bạn cũng sẽ vượt qua được khó khăn tương tự.
Bây giờ, hãy ghi nhật ký về những gì mà bạn còn nhớ trong năm 2023. Viết lại những suy ngẫm của bạn về Bear Market năm 2022.
Vào Gmail, soạn một bức thư gửi cho chính bạn, chọn một ngày nào đó trong tương lai, ví dụ tháng 10/2025. Bức thư sẽ giúp bạn nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Đừng đánh giá thấp việc làm này. Tôi đảm bảo 100%: từ 6 tháng – 1 năm là bạn sẽ quên hết toàn bộ mọi thứ trên thị trường.
🥳 Donate
Hồi đầu năm khi viết bài “Năm 2022 của tôi“, tôi có đề cập đến việc bạn đọc muốn donate ủng hộ. Ban đầu tôi nghĩ rằng sẽ chỉ nhận 100 – 200 ngàn uống cà phê cho vui thôi vì dù gì thì đây cũng là một blog vô danh ít người biết.
Từ khi mở trang donate, kết quả hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng. Đã có tổng cộng 24 lượt donate với số tiền lên đến: 2.620.000 đồng. 🤯
Tôi đã rất vui khi đọc được những lời nhắn cảm ơn của các bạn đọc.
Có thể bạn không biết. Tôi bị dính Impostor Syndrome (hội chứng kẻ mạo danh). Lúc nào cũng cho rằng bản thân không tài giỏi, không xứng với một việc gì đó. Mặc dù dính hội chứng này có một mặt lợi đó là giúp tôi sống khiêm tốn hơn nhưng mặt hại là trong công việc thì lại luôn đánh giá thấp khả năng của mình. Cụ thể ở đây là tôi không cho rằng những bài viết trên blog này có thể thực sự hữu ích với một ai cả.
Nhưng khi đọc được nhiều comment, nhận nhiều lời cảm ơn hơn thì tôi bắt đầu có thêm tự tin để viết bài. Ngoài ra, những thắc mắc của bạn đọc cũng đã giúp tôi hoàn thiện mình rất nhiều.
Mọi người nghĩ rằng những điều tôi chia sẻ trên blog này là do tôi biết nên tôi mới viết. Nhưng thật ra, vì viết cho nên tôi mới biết.
Tôi không biết mô tả tình huống này như thế nào.
Ban đầu, những gì tôi biết về đầu tư rất ít. Nhưng từ ngày viết blog, đi tìm câu trả lời để giải đáp thắc mắc của các bạn đọc, phải suy nghĩ viết làm sao cho đơn giản mà ai đọc cũng có thể hiểu được, phải học thêm cách phân tích dữ liệu để vẽ biểu đồ… chính những việc làm đó đã giúp tôi mở mang kiến thức rất nhiều.
Hay có thể nói, thông qua việc viết blog, tôi đã trở thành một nhà đầu tư tốt hơn.
Nếu phải cho một lời khuyên, tôi nghĩ rằng mọi nhà đầu tư cá nhân nên tập viết. Viết về hành trình đầu tư của mình, viết về quan điểm đầu tư, viết về sự kiện gì đó xảy ra…
Viết về một thứ gì đó là cách tốt nhất để học thứ đó. Viết ở đây không chỉ là phương tiện chia sẻ kiến thức cho mọi người mà còn là cách để hiểu rõ kiến thức đó hơn.
“Có động lực và tò mò tốt hơn là thông minh bởi vì chúng dẫn tới hành động. Thông minh sẽ không bao giờ cho bạn kết quả bởi vì nó không khiến bạn phải hành động.
James Clear (tác giả cuốn sách Atomic Habits)
Chính sự khao khát chứ không phải trí thông minh mới thôi bạn thúc hành động.”
😇 Sự kiện lớn trong năm khiến tôi thay đổi quan điểm sống
Chính là lúc tôi bị khó thở hồi tháng 8.
Quan điểm của tôi về cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn sau khi đọc sách Phật giáo và chủ nghĩa khắc kỷ (mà các bạn đọc gợi ý).
“Không phải cái chết là điều con người nên sợ hãi. Mà họ nên sợ việc không bao giờ bắt đầu sống thật sự.”
– Marcus Aurelius
Quá khứ đã xảy ra. Thứ duy nhất tôi có khả năng kiểm soát đó chính là hiện tại.
Marcus Aurelius khuyên rằng chúng ta nên “sống” trong hiện tại hơn là lo sợ về điều trước sau gì cũng xảy ra (là cái chết).
“Bắt đầu sống thật sự” không phải chỉ đơn thuần là sống mà còn là sống có mục đích, có ý nghĩa, không hối tiếc. Một cuộc sống tích cực với mong muốn phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng.
Chấp nhận cái chết. Quan điểm này giống với quan điểm trong Phật giáo. Ai cũng sợ cái chết tuy nhiên cái chết là một điều hoàn toàn tự nhiên, là một phần của cuộc sống rồi, không ai có thể trốn được nó.
Thay vì lo sợ cái chết, tôi đã chuyển sang lo sợ: lãng phí cuộc sống.
Khi mà nỗi sợ lãng phí cuộc sống lớn hơn nỗi sợ bị chết, cái chết không còn là sự phân tâm đối với tôi nữa.
Và thế là, mỗi khi muốn đưa ra một quyết định cho việc gì đó thì tôi đều nghĩ trong đầu rằng:
“Nếu ngày mai mình hoặc người kia qua đời thì sẽ không còn cơ hội để thực hiện nữa”.
Chỉ đơn giản như vậy thôi mà tôi đã sống tích cực hơn, tin tưởng vào bản thân hơn.
P/S: Mấy bạn bị xoang giới thiệu chai xịt Xypenat của MERAP rất tốt. Tôi nghe theo, dùng thử và thấy tốt thật. Bây giờ mỗi ngày tôi xịt 2-3 lần là triệu chứng khó thở không còn nữa.
📔 Những cuốn sách tôi đã đọc
Tổng cộng 7.254 trang, trung bình mỗi cuốn 241 trang. 30 cuốn trên là 30 cuốn tôi đọc hết. Có rất nhiều cuốn tôi đọc giữa chừng thấy dở quá nên bỏ đọc cho đỡ tốn thời gian.
Chủ đề ưa thích của tôi luôn là tâm lý và tâm lý trong đầu tư. Tôi cho rằng: để trở thành một nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư không nên đi tìm phương pháp kiếm tiền nhiều mà nên tìm phương pháp hạn chế ra quyết định sai lầm. Chính vì lẽ đó, những chủ đề về tâm lý, đặc biệt là những kiểu hành động mà bị tâm lý lấn át lý trí, luôn gây hứng thú đối với tôi.
Trong 30 cuốn trên tôi thích nhất các cuốn:
- Don’t believe everything you think: Khi suy nghĩ là nguồn gốc của mọi vấn đề. Trong đầu tư, khi chứng kiến một điều gì đó xảy ra, về bản chất thì đó không hẳn là tốt hay xấu. Chỉ có cách nghĩ của chúng ta mới khiến điều đó thành sự thật. Bằng cách nhận thức rằng việc suy nghĩ sẽ tạo ra nhiều nỗi lo âu, chúng ta sẽ hiểu không nên làm như vậy và hạn chế việc suy nghĩ (không cần thiết).
Nếu mãi suy nghĩ về một việc gì đó, không sớm thì muộn chúng ta sẽ đưa cái tôi của mình vào trong suy nghĩ, kèm thêm sự phán xét, chỉ trích, nghĩ về hàng tá lý do tại sao chúng ta không thể làm được hay không thể đầu tư thành công.
Có bao giờ bạn hoảng loạn khi thấy thị trường giảm điểm, xong rồi suy nghĩ về những điều tiêu cực đại loại như thị trường sụp đổ, mọi thứ đã tới hồi kết, khủng hoảng sắp xảy ra? Tôi từng viết một bài sử dụng nội dung trong cuốn sách, “Khi bạn không biết phải làm gì cả thì tốt nhất là đừng làm“. - A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy (tựa tiếng Việt – “Chủ nghĩa khắc kỷ – phong cách sống bản lĩnh và bình thản”. Có bán trên TIKI).
Một cuốn sách viết về chủ nghĩa khắc kỷ. Đây là một cái “guide” – hướng dẫn người mới tìm hiểu về chủ nghĩa khắc kỷ. Tác giả giải thích mọi thứ rất dễ hiểu, đi từng bước từ dễ đến khó kèm theo những suy ngẫm của tác giả về quan điểm sống của những vị thầy lỗi lạc hồi xưa. Tôi rất thích cuốn này vì có thể áp dụng vào cả đầu tư lẫn cuộc sống. Đọc những cuốn sách khác về chủ đề tương tự thì chỉ thấy người ta viết mấy cái quote rồi kêu người đọc tự suy ngẫm. - Risk Savvy: How to Make Good Decisions: Công việc đầu tư luôn gắn liền với rủi ro. Tuy nhiên, có nhiều người mặc dù là chuyên gia nhưng họ lại không hiểu được cái rủi ro thực sự trong ngành. Đôi lúc, chuyên gia còn là người tạo ra thêm vấn đề cho bạn thay vì giúp bạn giải quyết vấn đề (câu chuyện quỹ mở trái phiếu TCBF bị bán tháo).
Thế giới đầu tư vô cùng phức tạp, nhiều người cho rằng họ cần một hệ thống phức tạp hơn để giúp họ đầu tư thành công nhưng thực ra đó lại là con đường đi nguy hiểm. Các phương pháp phức tạp đòi hỏi bạn phải xác định các hệ số rủi ro, nhưng thị trường này biến động khôn lường cho nên bạn cần nhiều hệ số hơn nữa. Cuối cùng, thay vì phương trình của bạn đưa ra câu trả lời thì lại cho bạn nhiều sai số hơn. COVID-19 là một ví dụ cụ thể cho những rủi ro thực sự mà không ai ngờ tới và khi nó xảy ra thì mọi kế hoạch của bạn bị phá sản. - Go for No! Yes is the Destination, No is How You Get There: Đây là một cuốn sách về lĩnh vực sale tuy nhiên thông điệp ở đây có thể áp dụng cho mọi thứ trong cuộc sống. Thất bại là thứ luôn xảy ra trên con đường dẫn đến thành công. Thay vì xem thất bại là cột mốc đề quay đầu (như nhiều người đang làm) thì hãy cho rằng đó chỉ là một viên gạch lót đường giúp bạt đạt được điều mình muốn.
Không ai là có thể tránh được thất bại cả. Nhưng người thành công sẽ sử dụng thất bại đó để làm bài học, còn người thất bại sẽ e ngại làm những thứ mà họ sợ bị thất bại.
Thất bại cũng có thất bại this và thất bại that. Không phải thất bại nào cũng như nhau. Để đi sâu hơn về thất bại, học từ những thất bại thì cuốn sách Right Kind of Wrong: The Science of Failing Well phân tích chi tiết hơn.
💵 Những gì đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về đầu tư?
Tháng 07/2022, PNJ bị loại khỏi rổ VN30 và chuyển sang rổ MIDCAP. Thời điểm này tôi rất muốn phân tích MIDCAP nhưng lại không có có đủ dữ liệu do thông tin duy nhất tôi có được là dữ liệu giá của ETF FUEDCMID.
Mãi đến năm trước, 2023, thì tôi mới phát hiện ra trên TradingView có dữ liệu của chỉ số MIDCAP-TRI (bao gồm cổ tức). Mặc dù xuất phát tại năm 2016 nhưng cũng nhiều dữ liệu hơn ETF FUEDCMID.
Sau khi phân tích, cộng với việc đánh giá riêng về chất lượng của các cổ phiếu trong rổ chỉ số MIDCAP, tôi đã kết luận rằng MIDCAP có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhưng đồng thời rủi ro cũng lớn hơn VN30. Đó là lúc tôi chỉnh sửa danh mục đầu tư chứng khoán năm 2023 của mình thành 50/50 cho VN30 và MIDCAP.
🔨 Những công cụ mới trong năm 2023
1. Tôi đã mua ChatGPT Plus hỗ trợ việc code. Hiệu suất công việc tăng 1000% (LOL). Thay vì dành 1 tiếng đồng hồ search Google thì bây giờ hỏi con AI một phát là nó hướng dẫn sửa lỗi tận tình.
Nhờ con AI mà “nút thắt cổ chai” (bottleneck) đã được khắc phục. Tôi có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng to lớn hơn mà không sợ không có khả năng code.
—
2. Waka để đọc ebook tiếng Việt. Giá khá rẻ. Chỉ 179k đọc liên tục 6 tháng.
—
3. Obsidian là một công cụ để viết note hiệu quả. Thay vì mua gói Sync của họ với giá khá chát, $8/tháng, tôi sử dụng Syncthing để sync dữ liệu giữa PC và điện thoại. Đây là dự án mã nguồn mở cho nên hoàn toàn miễn phí.
Notion cũng có thể lưu note nhưng mà cá nhân tôi thấy không thoải mái nên đã chuyển hết toàn bộ về Obsidian.
—
4. Sử dụng Reader của Readwise để đọc bài (save later) và đọc sách EPUB thấy hiệu quả hơn GetPocket. Tôi có thể highlight, gắn tag rồi hệ thống sẽ tự động lưu note vào Obsidian.
Đọc sách trên Reader rất tiện khi có thể sync giữa PC và điện thoại. Giống như máy đọc sách Kindle và app Kindle.
Ngoài ra, Reader còn cung cấp hệ thống subscribe các newsletter nữa. Chỉ cần subscribe một lần là mọi thứ mà người ta đăng trên website đều được lưu về Reader để đọc sau.
Hiện tại tôi đang subscribe Readwise với giá $4,5/tháng. Giá gốc là $9 nhưng nếu bạn gửi email cho họ nói rằng bạn đang sống ở Việt Nam thì sẽ được giảm 50%. 😅
Bạn có thể đăng ký tài khoản bằng link sau để được tặng thêm 1 tháng sử dụng https://readwise.io/i/vo671 . Vì tôi đã subscribe rồi nên không được tặng thêm tháng.
—
5. Tôi đang sử dụng HabitKit để theo dõi thói quen của mình.
—
6. Mua cái đồ này để note. Đôi lúc nhiều thứ phải làm quá khiến tôi không biết phải làm cái gì.
Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là phải làm tăng sự hiện diện của nó. Không thể giải quyết một vấn đề nào đó nếu như tôi không biết là nó có tồn tại. Dán cái này lên, lúc nào nhìn qua cũng sẽ thấy thứ cần phải giải quyết.
4 ô tương ứng cho 4 bước làm việc khác nhau như: Ý tưởng, những thứ để review, những gì cần phải làm, và những thứ để sau (tương lai làm).
😎 Việc làm tôi thấy tự hào nhất trong năm 2023
Không phải đầu tư kiếm tiền. Mà đó chính là trồng rau ở ban công.
Vì ham quá nên trồng đủ thứ lại với nhau.
Từ trái qua: hành lá (LOL), ngò gai, ngò rí và é trắng (tính nấu lẩu gà lá é)
Kế hoạch năm 2024
- Hoàn thành cuốn sách đầu tiên. Deadline là 05/2024.
- Viết blog. 1 bài thật dài mỗi tuần.
- Twitter. 1 bài mỗi ngày hoặc 1 thread mỗi tuần. Đây sẽ là nơi viết các ý tưởng, suy ngẫm trước khi đưa vào blog.
Tôi nghĩ viết sách dễ nhưng thực sự quá khó. Ý tưởng ban đầu là gộp các bài viết trên blog này lại là có ngay cuốn sách nhưng thực tế khó hơn nhiều bởi vì tôi phải viết lại rồi chỉnh sửa bài viết gần như toàn bộ, sắp xếp vị trí sao cho hợp lý, còn chưa kể đến việc ngồi cập nhật lại dữ liệu cho biểu đồ nữa.
Ngoài ra, tôi còn tính đến chuyện viết trên LinkedIn nữa. Nhưng đây là địa bàn của những “người mặc vest” cho nên căn bệnh Impostor Syndrome của tôi phản ứng vô cùng mãnh liệt.
Chúc bạn một năm 2024 luôn tràn đầy năng lượng tích cực, làm tốt mọi việc và có một cuộc sống thật ý nghĩa.
Leave a Reply